Rêu nướng Hà Giang – Món ăn độc lạ của người Tày
Rêu nướng Hà Giang không chỉ là món ăn mang hương vị độc lạ, mà còn thể hiện cả nét riêng trong văn hóa ẩm thực của người Tày. Hãy cùng Người Du Lịch tìm hiểu về món ăn độc lạ này nhé!
Mục lục
Rêu nướng Hà Giang là món gì?
Nhắc đến rêu đá thì mọi người đều biết đây là một loại cây thủy sinh, mọc nhiều tại những vùng đất ẩm ướt như sông, suối,… Nhưng ít ai biết rằng, đây là một loại thực phẩm được người Tày tại Hà Giang xem như sản vật quý, chế biến thành nhiều món ăn độc đấu như canh rêu, rêu xào, rêu luộc,… trong đó nổi tiếng nhất là món rêu nướng.

Trong tiếng Tày, “Quọe húc” là từ chỉ một loại rêu quý hiếm, bám mọc vào các gờ đá nơi thượng nguồn các con suối. Loại rêu này từ bao đời này đã trở thành thức quà quý, gắn với đời sống sinh hoạt và ẩm thực của người Tày tại xã Xuân Giang, và xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Năm 2024, món rêu nướng của người Tày Quang Bình đã giành giải nhất trong cuộc thi Chấm món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố lại Lễ hội Văn hóa, Du lịch và Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ I.
Nguồn gốc món rêu nướng Hà Giang
Người Tày tại Hà Giang không biết món rêu nướng được tổ tiên sử dụng vào bao giờ, chỉ biết rằng món ăn độc đáo này gắn với một câu chuyện truyền thuyết được truyền miệng qua nhiều thế hệ.

Theo truyền thuyết, “thần rêu” chính là người đã sinh ra mảnh đất này, nên người dân nơi đây, ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn và tạo điều kiện cho rêu mọc tự nhiên. Từ đó, rêu đá đã trở thành món ăn đại diện cho nền ẩm thực và văn hóa của người Tày nói riêng và mảnh đất Hà Giang nói chung.
Cách làm món rêu nướng thơm ngon chuẩn vị người Tày
Để cho ra được món rêu nướng Hà Giang thơm ngon, người nấu phải trải qua rất nhiều công đoạn.
Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu, để có được phần rêu đá tươi ngon, người hái phải tìm ở những bãi rêu lớn. Khi vớt rêu phải đứng ở dưới suối để vớt. Nước chảy từ trên xuống, chỉ cần lấy tay quơ ngang là có thể hái được rêu. Với cách hái này, những phần rêu non nhất sẽ được hái đi, bởi phần rêu già sẽ bám chặt ở đá. Rêu chỉ sống được trong khoảng 7 ngày, sau đó rêu sẽ có màu trắng bệch không còn sử dụng được nữa. Nếu bạn muốn thưởng thức được món rêu nướng tuyệt vời thì phải vớt rêu trong vòng 3-4 ngày kể từ khi nó mọc. Rêu đá là loài cây thủy sinh, sống theo mùa và thường mọc khi thời tiết chớm thu cho tới cuối tháng 3 âm lịch. Bạn nên lưu ý về thời gian nếu muốn được thưởng thức món rêu nướng Hà Giang nổi tiếng này nhé.

Rêu sau khi vớt xong sẽ được vò đập thật kỹ đến khi nhả sạch hết nhớt và phù sa bám đọng. Món rêu nướng Hà Giang có ngon hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khâu trộn gia vị. Rêu sau khi làm sạch sẽ được đi xé tơi và thái nhuyễn để giúp gia vị ngấm đều. Sau đó sẽ cho xả, mùi tàu, lá hẹ, lá dăm và thêm một chút muối, hạt nêm, mì chính và 1-2 hạt dổi để trộn cùng.
Sau khi trộn đều, hỗn hợp rêu này sẽ được gói vào trong lá dong và đem nướng trên bếp than để có mùi khói đặc trưng. Người Tày thường có câu “Quẹ chí áp, táp chí hơ” nghĩa là hướng “quẹ” – rêu phải đặt áp vào than, khi nướng không cần phải xoay trở nhiều lần mà chỉ nướng chín một bên rồi nướng tiếp bên còn lại. Đến khi dùng hai ngón tay bấm vào, thấy mềm là rêu đã chín.
Cách ăn rêu nướng Hà Giang
Rêu sau khi nướng xong sẽ trở nên mềm mịn và có mà đậm sẫm hơn so với trước, khi ăn vào sẽ có vị hơi mằn mặn, cay tê thì sả và mùi thơm đặc trưng cả dạt hồi.

Rêu nướng Hà Giang ngon nhất là khi ăn nóng, lúc vừa lấy ra khỏi bếp. Ngoài ăn kèm với cơm, xôi bà con nơi đây còn thường dùng rêu nướng kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà,… Người ăn chơi còn nhấp nháp rêu nướng với ly rượu ấm nồng trong tiết trời đông.
Vì rêu là loại thực phẩm theo theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, bà con người Tày Hà Giang còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Và chỉ khi có khách quý ghé chơi, bà con mới đem món rêu khô trên gác bếp xuống nướng để tiếp đãi.
Công dụng của món rêu nướng Hà Giang
Rêu nướng Hà Giang không chỉ được yêu thích bởi hương vị thơm ngon mà bởi công dụng tuyệt vời của nó đối với sức khỏe. Theo lời của bà con nơi đây, món ăn này có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cũng chính vì lẽ đó mà món ăn này đã trở thành “bí quyết trường thọ” của nhiều cụ già trong bản làng.

Còn theo kinh nghiệm dân gian, rêu là thực phẩm có tính mát nên khi ăn có thể chữa được mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có căn cứ khoa học về công dụng của rêu đá, nên trước khi sử dụng để chữa bệnh bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn nhé!
Những địa chỉ bán rêu nướng Hà Giang
Chợ phiên Phố Cáo
- Địa chỉ: Đoạn chuyển giao giữa huyện Đồng Văn và thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang
- Giờ mở cửa: 5h – 12h chủ nhật hàng tuần
- Giá thành: 10.000 – 30.000 đồng/đĩa
Chợ phiên Đồng Văn
- Địa chỉ: chợ Đồng Văn, nằm tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
- Giờ mở cửa: 5h – 12h chủ nhật hàng tuần
- Giá thành: 20.000 – 30.000 đồng/đĩa
Chợ phiên Mèo Vạc
- Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
- Giờ mở cửa: 5h00 – 12h chủ nhật hàng tuần
- Giá thành: 20.000 – 30.000 đồng/đĩa
Rêu nướng Hà Giang là một trong những món đặc sản độc lạ, mang đậm nét văn hóa của người Tày nơi cao nguyên đá. Nếu có dịp ghé đến Hà Giang, bạn đừng quên thưởng thức món ăn này nhé!
Xem thêm: Rượu ngô men lá Hà Giang – Thức uống tinh túy của vùng cao nguyên đá
Tin liên quan
Rượu ngô men lá là thức uống thơm ngon, cay nồng, mang hương vị đặc trưng của thiên nhiên, núi rừng Hà Giang. Nếu có dịp ghé đến vùng biên viễn này, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức loại đồ uống cực phẩm của người Mông này nhé!
Phở chua Hà Giang là món ăn đặc sắc, được bà con nơi đây và du khách thập phương yêu thích không chỉ bởi hương vị độc đáo mà còn vì nét văn hóa ẩm thực tinh tế.
Mèn mén Hà Giang là món ăn được làm từ bột ngô, một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên đá. Món ăn này không chỉ mang hương vị độc đáo mà còn gắn với lịch sử, nếp sống, sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.