Về Cao Bằng thưởng thức thạch mác púp - món quà quê được làm từ thứ quả xưa kia chỉ mọc dại ven đường
Ghé thăm Cao Bằng, ngoài những thắng cảnh hùng vỹ như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần... du khách còn có cơ hội thưởng thức món ăn dân dã - thạch mác púp. Thức quà quê này được làm từ loại quả xưa chỉ mọc dại ven đường, nay đã trở thành đặc sản níu chân kẻ lữ hành.
Mác púp - Thứ quả rừng khiêm nhường
Theo tiếng Tày ở miền Đông Cao Bằng, mác púp (quả mác púp) là tên của một loại dây leo, cứng cáp, thường bám vào các loại cây to như gạo, sau sau, sung... và trụ ở trên các mỏm đá vôi để sinh tồn, phát triển. Cây mác púp cũng sở hữu bộ rễ cứng cáp, bám sâu xuống đất, có gốc cây lâu năm to bằng bắp tay người, cuộn dài chằng chịt ôm lấy thân cây to leo lên đến 10 - 15 mét. Thân cây mọc ra đến đâu thì đẻ nhánh đến đó, các nhánh cây thường có đường kính bằng ngón tay trỏ, thuôn mập đến ngọn buông xuống tự nhiên. Lá cây hình elip mọc dài so le, trên lá màu xanh sáng, mặt dưới màu xám, cả hai mặt hằn rõ nhiều gân lá chân chim. Cây mác múp thường leo thân cây khác tồn tại theo chức năng cộng sinh.

Hằng năm, vào mùa xuân, cây mác púp nở hoa, kết trái từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Quả mác púp to tròn như quả chanh. Bên trong quả không hạt, vỏ dày, mịn màng. Vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, bà con thường vào rừng thu hái quả mác púp. Trung bình 12 - 15 quả mác púp là được khoảng 1kg. Khi thu hoạch, những quả mác púp căng tròn, vỏ mẩy xanh sáng rõ, hạt chắc.

Trước đây, cây mác púp mọc hoang ở ven suối, bìa rừng, người dân chỉ hái về ăn chơi. Nhưng ít ai ngờ được, từ loại quả mọc hoang ấy, bà con vùng cao đã sáng tạo ra món thạch mát lạnh, thanh khiến, vừa giải nhiệt vừa mang theo hương vị đặc trưng của núi rừng Cao Bằng.
Thạch mác púp - Từ món quà vặt trở thành đặc sản
Quả mác púp sau khi được thu hái phải trải qua nhiều công đoạn mới trở thành món thạch ngon mát giải nhiệt mùa hè. Bổ quả làm tư rồi lộn vỏ, tách lấy hạt đem phơi nắng cho khô dần rồi mới cất giữ được lâu dài.

Người dân địa phương thường đổ nước sôi để nguội vào chậu, cho hạt mác púp vào túi vải và vò nhẹ trong khoảng 20 phút. Khi có váng màu trắng đục phủ gần kín bề mặt chậu nước là được. Cứ theo công thức 3kg nước tương ứng với 1,8 lạng hạt khô là được.

Đôi khi, độ sánh của thạch thành phẩm còn phụ thuộc vào gu của từng người và công thức riêng của tay người vò. Chậu thạch sau khi vò để nghỉ khoảng 1 đến 2 tiếng sẽ đông lại hoàn toàn và thành quả thu được khoảng 3kg đến 3,5kg thạch mác púp.
Muốn phân biệt một món thạch ngon không quá khó, chỉ cần quan sát bằng mắt và cảm nhận bằng tim. Thạch ngon phải trong suốt như pha lê, ánh lên dưới nắng sớm như viên ngọc nhỏ lấp lánh.Kết cấu vừa đủ chắc để không vỡ vụn khi bị cắt nhưng vẫn giữ được độ mềm dẻo quyến rũ, sóng sánh như nước chảy. Khi hoàn thành, phần nước chỉ còn đọng lại một lớp rất mỏng, chứng tỏ người vò thạch đã canh chuẩn xác.

Để thưởng thức trọn vẹn hương vị, người ta cắt thạch mạc púp ra thành từng ô vuông nhỏ vừa ăn, rồi chan lên lớp thạch nước đường phên sóng sánh. Có nơi tinh tế hơn còn thêm vài lát gừng cay dịu hoặc chút hoa mộc thơm mát tạo vị ngọt thanh tao mà không ngấy. Những miếng thạch mượt mà trôi nhẹ trong ly thủy tinh trong suốt ánh lên sắc nâu óng ánh của nước đường, vừa nhìn đã thấy mát lành, mang đậm hương vị núi rừng. Đó là cái vị mà nếu đã một lần thử qua, bạn sẽ chẳng thể nào quên.

Thạch mác púp từ món ăn vặt của trẻ em miền núi đã trở thành đặc sản mỗi độ hè về, được bán nhiều tại các chợ phiên, trong quán ăn ở Cao Bằng. Du khách có thể mua về làm quà, mang tặng bạn bè như một món quà độc đáo và đầy chất quê. Chỉ cần một bát thạch mác púp giữa trưa hè, người ta như thấy mát rượi cả tâm hồn, như vừa ghé một thoáng rừng xanh mát trong giấc mơ.
Thạch mác púp - Không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe
Theo kinh nghiệm dân gian, quả mác púp có tính mát, giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa và làm đẹp da. Người vùng cao vẫn xem đây là món ăn giúp giải cơn nóng nực ngày hè, nhất là sau những buổi lên nương về.
Không giống các loại thạch công nghiệp, thạch mác púp hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản, không phẩm màu – chính là món quà tinh khôi mà thiên nhiên dành riêng cho núi rừng Đông Bắc.

Cao Bằng không chỉ đẹp ở núi non trùng điệp hay những thác nước hùng vĩ, mà còn đẹp trong từng món ăn mộc mạc đậm tình. Thạch mác púp, món quà từ quả rừng xưa mọc ven đường, giờ lại là tinh hoa ẩm thực dân gian, mang hương vị riêng biệt chẳng nơi nào có được. Nếu có dịp về miền non nước Cao Bằng, đừng quên dừng chân bên một quán nhỏ, gọi một bát thạch mác púp mát lạnh – để thấy trong cái giản dị, lại ẩn chứa biết bao yêu thương từ núi rừng.
Tin liên quan
Chợ Vĩnh Hải là thiên đường ẩm thực bình dân hấp dẫn bậc nhất xứ biển Khánh Hòa. Đồ ăn ở đây có đủ vị miền biển, giá lại siêu "hạt dẻ".
Nếu bạn đang lên kế hoạch "ăn sập Nha Trang" trong chuyến đi lần này thì đừng bỏ qua 16 món ăn siêu ngon dưới đây nhé.
Mì Quảng không chỉ là món ăn trứ danh của vùng đất Quảng Nam mà còn là biểu tượng văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc miền Trung.