Bánh khúc làng Diềm - thức quà quê đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc
Làng Diềm hay còn gọi là làng Viêm Xá, là cái nôi của làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Ngoài quan họ, nơi đây còn nổi tiếng với bánh khúc làng Diềm, thức quà quý mà bất cứ du khách nào ghé đến đều muốn được thưởng thức.
Nguồn gốc của bánh khúc làng Diềm
Bánh khúc là thứ thức quà dân dã có thể giúp người ta đỡ đói lòng khi lỡ bữa. Đối với nhiều người, bánh khúc mà món ăn chẳng mấy xa lạ, nhưng để ăn một chiếc bánh khúc ngon, chuẩn vị thì chẳng nơi đâu sánh bằng bánh khúc làng Diềm.
Làng Diềm là tên gọi nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh. Đây là ngôi làng cổ, có Đền thờ Đức Vua Bà – Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh.

Không ai trong làng Diềm nhớ chính xác loại bánh này có từ bao giờ. Nhưng theo lời truyền tai, bánh có từ thời Vua Bà, song song với sự xuất hiện của các làn điệu Dân ca quan họ. Xưa kia, ghé đến làng Diềm, lúc nào người ta cũng nghe văng vẳng tiếng chày giã bột bánh. Đến nay, trong làng chỉ còn vài hộ làm bánh bán. Những người già ở làng Diềm vẫn giữ thói quen làm bánh, nhưng chỉ làm khi có hội hè hoặc có khách quý ghé thăm.
Bánh khúc làng Diềm – Thức quà quê dân dã, đậm tình
Bánh khúc làng Diềm được làm hoàn toàn thủ công. Mỗi chiếc bánh làm ra đều chứa đựng tâm tư, tình cảm của người dân làng Diềm. Nên từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, đều rất tỉ mỉ, kỳ công.
Lớp vỏ bánh được làm từ gạo tẻ Khang dân hoặc 203 để bánh làm ra vừa đảm bảo độ dẻo, lại vừa ít dính. Gạo được ngâm khoảng 3-4 cho mềm rồi đem đi xay nhuyễn, sau đó mang ráo bột. Đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng của bánh khúc, bởi nếu bột khô bánh sẽ rắn, còn nếu bột quá nhão sẽ không nặn được, bánh bị nát. Sau khi ráo nước, bột sẽ được nắm thành từng nắm nhỏ rồi trần qua nước sôi. Công đoạn này được người dân trong làng gọi là trùng bột, canh sao cho bột “chín dở sống dở” thì vớt ra, với mục đích tạo độ dẻo dai cho bánh khúc.

Ngoài gạo thì một nguyên liệu quan trọng, không thể thiếu khi làm bánh khúc chính là rau khúc hay còn gọi là rau đồng khúc. Mùa rau khúc thường rơi vào tháng 10-11 âm lịch, để có rau làm bánh quanh năm, tới mùa người dân phải thu hoạch rồi đem về cất tủ đông để làm dần. Loại rau được chọn làm bánh phải là rau bánh tẻ, có hoa nhú lên, lá xanh phủ lớp phấn trắng như sương. Rau khúc sau khi thu hoạch về sẽ được rửa sạch, luộc qua rồi đem vắt sạch nước, trộn lẫn với bột rồi đem đi giã nhuyễn.
Với sự nhịp nhàng của bàn tay người làm bánh, màu xanh của rau khúc hòa quyện với màu trắng của bột tạo thành màu xanh mịn. Giã đến khi nào cầm bột lên không dính tay nữa là được. Để bánh khúc được ngon, thơm đúng điệu thì rau và bột phải được làm theo tỷ lệ, thông thường sẽ là 1kg rau khúc tươi sẽ đem đi giã với 2kg bột gạo.

Sau khi chuẩn bị xong phần bột bánh sẽ tới phần nhân bánh. Bánh khúc làng Diềm có 2 loại nhân là nhân đỗ và nhân thịt. Với phần nhân đỗ, đỗ sẽ được đem đi rửa sạch, hấp chín rồi trộn cùng với thịt ba chỉ, hành khô, hạt tiêu. Còn nhân thịt thì sẽ có mộc nhĩ, thịt ba chỉ thái hạt lựu, tiêu và hành khô đem đi xào chung cho vừa ăn.
Chuẩn bị xong phần nguyên liệu, sẽ tới khâu nặn bánh, đây là khâu thú vị nhất. Khác với bánh khúc ở những vùng khác, bánh khúc làng Diềm được nặn hình tai mèo. Người làm bánh sẽ xoay tròn, tán mỏng viên bột, rồi cho phần nhân đã chuẩn bị vào giữa bọc lại sao cho vỏ mỏng nhưng không bị lộ nhân.
Bánh sau khi nặn xong sẽ đem đi hấp trong khoảng 30 phút. Bánh khúc làng Diềm thơm ngon nhất là ăn khi bánh còn nóng. Lúc này lớp vỏ bánh có màu xanh bóng bẩy, vô cùng đẹp mắt, đem bỏ vào miệng sẽ cảm nhận được sự dẻo dai, hòa quyện cùng mùi thơm của rau khúc, hạt tiêu, vị bùi bùi của đỗ thịt, giòn giòn của mộc nhĩ. Tất cả những hương vị ấy bùng nổ trong khoang miệng, khiến ai một lần thưởng thức cũng sẽ nhớ mãi không quên chiếc bánh khúc làng Diềm thân thương, giản dị.
Mua bánh khúc làng Diềm ở đâu ngon?
Để mua được bánh khúc làng Diềm thơm ngon, chuẩn vị bạn có thể trực tiếp đến các cửa hàng bán bánh tại làng Diềm, Viêm Xá, TP.Bắc Ninh. Đây là nơi bánh khúc ra đời nên bạn có thể yên tâm về chất lượng, độ ngon để mua về thưởng thức hoặc làm quà cho gia đình, bạn bè.

Giá mỗi chiếc bánh khúc thường gia động từ 2.000 – 3.000 đồng/chiếc.
Bánh khúc làng Diềm không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn mang trong mình câu chuyện văn hóa ẩm thực, tình yêu thương của người dân xứ Quan họ. Nếu có dịp ghé đến du lịch Bắc Ninh thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức đặc sản này nhé!
Xem thêm: Du lịch tâm linh Bắc Ninh: Hành hương về miền “đất Phật người Tiên”
Đọc thêm
Cái tinh tế của bún chả Hà Nội khiến du khách quốc tế "mê mẩn" là sự "vừa đủ": vừa đủ thịt (không quá nạc, không quá mỡ), vừa đủ rau, vừa đủ nước mắm và vừa đủ bún...
Cơm lam Sa Pa có cách nấu chỉ đơn giản là cho gạo vào ống nứa rừng với nước suối nguồn và chút muối tinh, vậy mà thành phẩm lại ngon đến lạ khiến người ta xao xuyến khi nghĩ về...
Nhắc đến quê hương Kinh Bắc ngoài làn điệu quan họ vào lòng người thì còn là “tọa độ” nổi tiếng linh thiêng với những công trình, di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng đặc biệt. Cùng khám phá du lịch tâm linh Bắc Ninh với lịch trình, địa điểm cực chi tiết nhé!
Tin liên quan
Du lịch Phú Thọ là du lịch hướng về cội nguồn - nơi kinh đô trù phú của nước Văn Lang năm xưa. Đó là vùng đất tụ thủy, tụ nhân, nơi in dấu ấn về một thời dựng nước hào hùng của dân tộc ta...
Lào Cai là một trong những "tọa độ" du lịch nhất định phải đến một lần trong đời. Nơi đây có cửa khẩu, có Sa Pa quanh năm mát mẻ, có hệ thống đền chùa linh thiêng. Chuyến du lịch Lào Cai 2 ngày 1 đêm là lựa chọn lý tưởng.
Du lịch tâm linh Hà Nam thực sự bùng nổ khi vùng đất này vừa dành được giải thưởng Du lịch thế giới hạng mục “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” năm 2024. Đây là "tọa độ" du lịch tâm linh linh thiêng dành cho du khách về hành hương, vãn cảnh.