Du lịch tâm linh Hà Nam: Lạc bước giữa chốn linh thiêng nơi "đất mẹ anh hùng"
Du lịch tâm linh Hà Nam thực sự bùng nổ khi vùng đất này vừa dành được giải thưởng Du lịch thế giới hạng mục “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” năm 2024. Đây là "tọa độ" du lịch tâm linh linh thiêng dành cho du khách về hành hương, vãn cảnh.
Bài viết này thuộc series Du lịch Tâm Linh
Du lịch Tâm Linh
Đôi nét về du lịch tâm linh Hà Nam
Nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65km, Hà Nam là vùng đất sở hữu nhiều di tích lịch sử, đền chùa, thẳng cảnh và làng nghề nổi tiếng. Với những tiềm năng của mình, trong những năm gần đây du lịch tâm linh Hà Nam đã và đang phát triển rất mạnh, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
Tháng 12/2023, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) – giải thưởng được mệnh danh là “Oscar” du lịch, Hà Nam đã vinh dự giành chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”. Sự công nhận này đã tạo cú hích lớn, đưa tên tuổi Hà Nam trở thành điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh tầm cỡ thế giới.

Những điểm đến làm nên dấu ấn của du lịch tâm Hà Nam có thể kể đến là chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, chùa Bà Đanh, chùa Phật Quang, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ,… Đặc biệt là khu du lịch quốc gia Tam Chúc, nơi có cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ với ngôi chùa được xây dựng quy mô lớn, mang đầy lẽ uy nghiêm, thanh tịnh.
Ngoài những địa điểm tâm linh nổi tiếng, vùng đất Hà Nam còn có rất nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Theo thống kê, ở Hà Nam mỗi năm có khoảng 100 lễ hội, nổi tiếng có thể kể đến là: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, lễ hội đền Trần Thương, lễ hội đền Lảnh Giang,… Tham gia những lễ hội này, du khách không chỉ được tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, các nghi thức tâm linh độc đáo của mảnh đất anh hùng mà còn được hòa mình vào các lễ bái, cầu phúc, cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình, thực hành các tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ thần.
Với những lợi thế về mặt văn hóa lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng và vị trí địa lý, du lịch Hà Nam đã đẩy mạnh triển khai liên kết vùng trong tỉnh như tuyến du lịch tâm linh gắn với các làng nghề và trong khu vực đồng bằng sông Hồng như theo chuỗi dọc là Hà Nội – Hà Nam – Ninh Bình. Qua đó mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, hấp dẫn và thu hút.
Thời gian lý tưởng đi du lịch tâm linh Hà Nam
Tỉnh Hà Nam có khí hậu giống với các tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng Sông Hồng với 4 mùa xuân – hạ - thu – đông rõ rệt, mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh rét.
Mỗi mùa ở Hà Nam đều có nét đẹp riêng, tuy nhiên thời tiết lý tưởng nhất để bạn du lịch tâm linh Hà Nam là vào mùa xuân và mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 11).

- Mùa xuân (tháng 2 – tháng 4): Thời tiết ấm áp, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Vào thời điểm này tại Hà Nam diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống. Du khách có thể về Hà Nam để hành hương, chiêm bái các điểm đến tâm linh, tham gia và các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian.
- Mùa thu (tháng 8 – tháng 10): Thời tiết mát mẻ, nắng nhẹ rất thích hợp để bạn có một chuyến hành trình khám phá tâm linh ở vùng đất Hà Nam. Vào mùa thu tại Hà Nam cũng diễn ra một số lễ hội lớn như đền Trần Thương, đền Bà Vũ,…
Cách di chuyển đến Hà Nam
Hà Nam cách thủ đô Hà Nội chưa đến 65km, nên rất tiện cho du khách khi di chuyển. Với những du khách ở xa có thể di chuyển đến Hà Nội bằng máy bay. Rồi từ Hà Nội có thể đi xe máy, xe khách, ô tô, xe bus, tàu hỏa để đến với Hà Nam, thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.

- Xe máy: Từ Hà Nội bạn có thể chạy dọc theo đường quốc lộ 1A, qua cầu Giẽ, cứ thế đi thẳng là sẽ tới được Hà Nam. Có một điều cần lưu ý cho các bạn là cảnh sát giao thông ở Hà Nam làm rất “chặt”, nên khi đi bạn nhớ mang đầy đủ giấy tờ, đội mũ bảo hiểm đúng quy định và tuân thủ luật giao thông.
- Xe buýt: Đây là phương tiện di chuyển có chi phí rất rẻ và rất thuận tiện. Cứ 15 phút lại có một chuyến xe buýt từ Hà Nội đi Phủ Lý (Hà Nam) và ngược lại. Ở Hà Nội bạn có thể bắt xe bus từ bến xe Giáp Bát với mã tuyến 206 Hà Nội – Phú Lý với giá 40.000 đồng/người.
- Xe khách: Giá xe khách từ Hà Nội đến Hà Nam dao động từ khoảng 50.000 – 60.000 đồng/chiều/người. Bạn có thể bắt xe ở hầu hết các bến xe tại Hà Nội với nhiều khung giờ khác nhau.
- Tàu hỏa: Nếu muốn có một trải nghiệm đặc biệt, bạn có thể đi tàu hỏa đến Hà Nam. Hàng ngày có 5 chuyến tàu chạy từ Hà Nội đến Phủ Lý với số hiệu: SE7, SE5, SE9, SE3, SE1. Tàu chạy khoảng 1h2p với mức giá dao động từ 69.000 – 147.000 đồng/người tùy vào loại chỗ.
Lưu trú tại Hà Nam
Du lịch Hà Nam từ lâu đã phát triển nên dịch vụ lưu trú tại đây khá đa dạng. Từ resort, khách sạn cao cấp đến homestay, nhà nghỉ bình dân đủ cả, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách khi ghé đến.

- Một số khách sạn cao cấp tại Hà Nam: Khách sạn Meliá Vinpearl Phủ Lý, Mường Thanh Luxury Hà Nam, Khách xá Tam Chúc (Tam Chuc Complex), Riverside Hotel Hà Nam,…
- Một số khách sạn, nhà nghỉ giá rẻ tại Hà Nam: Nhà nghỉ Hòa Bình, Lagalo Hotel, Anh Đào Hotel, Nhà nghỉ Phủ Lý Hồng Thắm, Nhà nghỉ Hà Nam Minh Sơn,…
- Một số homestay đẹp tại Hà Nam: Vân Long Garden, Homestay Lá Cọ,…
Các địa điểm du lịch tâm linh Hà Nam
Chùa Địa Tạng Phi Lai
Địa chỉ: Thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Tỉnh Hà Nam
Nép mình trong núi An Nhiên, chùa Địa Tạng Phi Lai (tên tiếng Nôm là chùa Đùng) sở hữu khung cảnh nên thơ hữu tình huyền diệu với thế tựa núi tuyệt đẹp. Bước chân đến chùa, du khách sẽ có cảm tưởng như đang lạc vào chốn bồng lai. Ngôi chùa với lịch sử tồn tại hơn 1000 này không chỉ lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị lịch sử mà còn mang đậm dấu ấn của Phật giáo Việt Nam từ thuở sơ khai.

Chùa Địa Tạng Phi Lai có kiến trúc rất đẹp, ẩn mình giữa muôn vàn bóng thông reo, không gian an yên, tĩnh lặng của chùa khiến du khách như được hòa mình với thiên nhiên, tìm về chốn bình an nơi sâu thẳm tâm hồn, giữa miền đất Phật linh thiêng.
Chùa Tam Chúc
Địa chỉ: Thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam
Chùa Tam Chúc nằm trong Quần thể khu du lịch Tam Chúc Hà Nam hiện là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Tính đến thời điểm hiện tại, chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” ở Hà Nam, Tam Chúc thực sự là một thiên đàng để du khách ghé đến trải nghiệm, nơi thiên nhiên và tâm linh giao hòa một cách tuyệt vời.

Chùa Tam Chúc là một hệ thống gồm các điện và các công trình tâm linh như: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan,… Những công trình này đều được xây dựng quy mô với lối kiến trúc ấn tượng, đậm nét Phật giáo. Tham quan chùa Tam Chúc theo thứ tự từ thấp đến cao du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi không ngừng của từng cảnh quan. Đến khi tới Chùa Ngọc – vị trí cao nhất trong chùa, phóng tầm mắt ra xa du khách có thể nhìn thấy hồ Lục Nhạn tuyệt đẹp, với làn nước trong xanh, mát mẻ.
Chùa Bà Đanh
Địa chỉ: Thôn Đanh, Ngọc Sơn, Kim Bảng, Hà Nam
Chùa Bà Đanh là ngôi chùa cổ được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất miền Bắc và là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Hà Nam. Chùa Bà Đanh hay còn gọi là Bảo Sơn tự, thờ Bà Chúa Đanh (thành Pháp Vũ), nằm cạnh hòn núi Ngọc nên thơ, nhìn thẳng ra dòng sông Đáy.

Khuôn viên chùa Bà Đanh hiện đang có 40 gian nhà, tất cả đều được xây dựng theo một quy chuẩn và trục nhất định với lối kiến trúc cổ, chạm khắc vô cùng tinh xảo, độc đáo. Ngôi chùa cổ này không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện liêu trai, sự tích kỳ lạ, chính điều này đã tạo nên bức tranh tâm linh huyền bí khi nhắc đến chùa Bà Đanh.
Bát Cảnh Sơn
Địa chỉ: Xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Bát Cảnh Sơn là quần thể di tích thắng cảnh nổi tiếng tại Hà Nam, được mệnh danh là “Đệ nhất danh thắng” của Trấn Sơn Nam xưa kia. Bát Cảnh Sơn có 8 ngôi chùa và 1 ngôi miếu thờ thổ địa thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết Bát quái ngũ hành gồm: Đền Tiên Ông, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Bông, chùa Cả, chùa Dâu, chùa Bà, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng.

Những ngôi chùa, miếu này đều là những công trình mang giá trị lịch sử tâm linh vô cùng sâu sắc. Qua thời gian và chiến tranh, một vài cảnh quan đã bị hủy hoại, nhưng Bát Cảnh Sơn vẫn là chốn tâm linh, thanh tịnh được nhiều người yêu thích ghé đến trải nghiệm, vãn cảnh, cầu may.
Đền Trúc
Địa chỉ: xã Quyền Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn, nơi được mệnh danh là chốn tiên cảnh bên dòng sông Đáy, ẩn mình giữa rừng trúc hàng trăm năm tuổi. Đến du lịch tâm linh Hà Nam thì Đền Trúc là địa điểm bạn không nên bỏ qua.

Theo lời kể lại của người trông đền, Đền Trúc được xây dựng vào năm 1069, khi Lý Thường Kiệt chinh phạt Chiêm Thành. Đến với Đền Trúc, ngoài được chiêm ngưỡng lối kiến trúc cổ, không gian xanh mướt bình yên, thì còn được chiêm ngưỡng những hiện vật bằng đá từ thời nhà Lý. Hàng năm, lễ hội Đền Trúc sẽ được tổ chức vào mùng 1 tháng Giêng đến mùng 10 tháng Hai âm lịch với nhiều hoạt động tín ngưỡng phong phú, đặc sắc. Nếu có ý định ghé thăm ngôi đền cổ với lịch sử hàng nghìn năm này, bạn nên ghé vào khoảng thời gian này để được tham gia, trải nghiệm những nghi lễ cổ truyền với các trò chơi dân gian hấp dẫn.
Đền Lảnh Giang
Địa chỉ: Làng Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam
Đền Lảnh Giang hay còn được gọi với cái tên Lảnh Giang linh từ là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Hà Nam. Theo nhiều truyền thuyết kể lại, đền Lảnh Giang gắn với 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, Tam vị danh thần này không chỉ có công trong việc giúp vua Hùng chống quân Thục Phán mà còn phù trợ vợ chồng Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử.

Đến đền Lảnh Giang, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ với bề dày lịch sử cả ngàn năm mà còn được trải nghiệm lễ hội Lảnh Giang nếu đi vào đầu tháng 6 âm lịch. Tại lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động, nổi bật nhất là nghi thức rước kiệu, diễn hướng hát văn hầu đồng,…
Đền Trần Thương
Địa chỉ: Nghĩa trang nhân dân thôn Trần Thương, Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam
Đền Trần Thương là di tích thiêng liêng có kiến trúc đặc biệt, không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử mà nơi đây còn là niềm tự hào của người dân Hà Nam. Đây là nơi thờ vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Đền Trần Thương được xây dựng theo lối kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái với các góc đao uống cong, nghi môn ngoại gồm 3 cửa, trong đó có 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Bên trong đền hiện vẫn đang lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị lịch sử, quý hiếm như hương án, ngai thờ, khám thờ,… Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức vào rằm tháng Giêng và 20 tháng Tám âm lịch hàng năm. Nếu đang có ý định du lịch tâm linh Hà Nam thì bạn đừng bỏ qua một trong ba lễ hội vùng lớn nhất của mảnh đất anh hùng này nhé.
Chùa Phật Quang
Địa chỉ: thôn Dư Nhân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Chùa Phật Quang khi xưa là một ngôi chùa cổ gần trăm tuổi, mãi đến năm 2015, khi Đại đức Trụ trì Thích Thiên Ân kiến tạo, xây dựng lại khang trang, bề thế hơn thì nơi này mới được biết đến rộng rãi. Những năm trở lại đây, chùa Phật Giang là nơi tu tập, thuyết giảng, vãn cảnh, hành hương của rất đông du khách cả trong và ngoài nước.

Ngôi chùa gây ấn tượng với du khách gần xa nhờ phong cách kiến trúc kỳ công, tỉ mỉ, chú trọng đến từng tiểu tiết. Bước chân vào chùa, du khách sẽ cảm nhận được ngay sự thoáng đãng, bình yên, làm cho tâm hồn được lắng đọng, vỗ về, quên đi những phiền lo, bộn bề của cuộc sống.
Ăn gì ở Hà Nam
Những quán chay nổi tiếng tại Hà Nam
- Nhà hàng Thủy Đình
- Nhà hàng chay Tuệ Giác 2
- Nhà hàng Lá Cọ
Những món ăn đặc sản Hà Nam
Bánh cuốn chả quạt
Nhắc đến đặc sản Hà Nam không thể không nhắc đến bánh cuốn chả quạt Phủ Lý. Đây là thứ bánh được tráng 2 lớp mỏng cuộn lại từ bột gạo tám xoan nổi tiếng. Phần nhân bên trong có mộc nhĩ, bên trên bánh rắc thêm hành phi, ăn kèm với chả thịt, nem nướng được tẩm ướp kỹ càng rồi nướng trên than hồng thơm phức. Khi ăn bánh sẽ được chấm đẫm vào bát nước mắm nóng với đủ vị chua cay mặn ngọt.
Một số địa chỉ bán bánh cuốn ngon tại Hà Nam:
- Bánh cuốn chả Linh Chi - 5 Trần Phú, TP Phủ Lý, Hà Nam
- Bánh cuốn chả Hương Định - 120B Quy Lưu, thành phố Phủ Lý, Hà Nam
- Bánh cuốn chả và bún chả Thái Thắng - 273 Lý Thường Kiệt, P. Lê Hồng Phong, Phủ Lý, Hà Nam

Cá kho niêu làng Vũ Đại
Cá kho niêu làng Vũ Đại là món ẩm thực độc đáo, đặc sắc của vùng đất Hà Nam. Khi xưa món ăn này đã được làm món tiến Vua, còn ngày nay nó đã trở thành món ngon được người Việt khắp cả nước yêu thích và được xuất khẩu sang nước ngoài. Cá kho làng Vũ Đại sử dụng nguyên liệu chính là cá trắm đen nấu cùng thịt ba chỉ và gia vị thân thuộc như riềng, tiêu,… Để cho ra được một nồi cá kho ngon, chuẩn vị người nấu phải kho trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày. Cá sau khi kho xong có màu nâu cánh gián bắt mắt, xương cá mềm nhừ, thịt cá chắc và không có mùi tanh.
Một số nơi bán cá kho làng Vũ Đại ngon:
- Cá kho Trần Luận
- Cá kho Bá Kiến
- Cá kho Hoàng Thơ
- Cá kho Quê Anh Chí
Bún cá rô đồng
Không chỉ có cá kho tiến Vua, vùng đất Hà Nam khi xưa còn nổi tiếng với món bún cá tiến Vua. Phần nước dùng của bún được ninh từ xương cá rô đồng bằng bí quyết riêng nên vị nước rất thanh, không còn mùi tanh của cá. Bún cá rô đồng thường được nấu cùng rau cải hoặc rau ngót tùy mùa.
Một số địa chỉ bán bún cá rô đồng ngon tại Hà Nam
- Bún cá Phủ Lý - số 157 Trần Hưng Đạo, Phủ Lý, Hà Nam
- Bún cá Hiền Hòa – 196 Nguyễn Văn Trỗi, Phủ Lý, Hà Nam
Gợi ý lịch trình du lịch tâm linh Hà Nam
Du lịch tâm linh Hà Nam 1 ngày
7-8h sáng: Từ Hà Nội di chuyển đến chùa Tam Chúc.
8h-11h30: Tham quan, vãn cảnh, check-in tại chùa Tam Chúc – ngôi chùa lớn nhất thế giới. Vào chùa không mất phí, nhưng nếu bạn đi xe máy thì phí gửi xe là 15.000 đồng/chiếc, thuê xe điện di chuyển trong khu du lịch là 90.000 đồng/người/khứ hồi. Nếu muốn tham quan hồ Lục Ngạn thì bạn có thể thuê thuyền với giá 200.000 đồng/người/khứ hồi với thời gian di chuyển tầm 45-60 phút.
11h30 – 14h: Ăn trưa và nghỉ ngơi. Gần khu du lịch Tam Chúc có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, bạn có thể thoải mái lựa chọn những món đặc sản của Hà Nam để thưởng thức như bánh cuốn, cá kho làng Vũ Đại, bún cá, dê núi,…
14h-15h: Tham quan vãn cảnh chùa Bà Đanh, ngôi chùa cổ cổ với cảnh quan sơn thủy hữu tình, nổi tiếng linh thiêng.
15h-17h: Đến chùa Địa Tạng Phi Lai để dâng hương, vãn cảnh. Đây là ngôi chùa nổi tiếng đẹp và thanh tịnh ở Hà Nam, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến.
17h-19h: Ăn tối ở Hà Nam, thưởng thức các món đặc sản trước khi lên xe quay trở về Hà Nội.

Du lịch tâm linh Hà Nam 2 ngày 1 đêm
Ngày 1
7h30 – 9h00: Xuất phát từ Hà Nội đến chùa Bà Đanh
9h00 – 12h00: Tham quan, vãn cảnh chùa Bà Đanh hay còn được gọi là Bảo Sơn Tự. Đây là một ngôi chùa cổ, tồn tại đã hơn 300 năm, nổi tiếng với câu nói “vắng như chùa bà Đanh”. Chùa mang vẻ đẹp bình yên, thanh tịnh với phong cảnh sơn thủy hữu tình.
12h00-14h00: Dùng cơm trưa và về khách sạn nhận phòng.
14h00- 18h00: Tham quan, vãn cảnh quần thể khu du lịch chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới. Tại đây, du khách có thể tham quan Điện Tam Thế, Điện Quan Âm, Điện Pháp Chủ, Vườn cột kinh, chùa Ngọc,... Ngoài ra, còn có thể lên thuyền du ngoạn hồ Tam Chúc – nơi được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” của Hà Nam, một hồ nước tự nhiên rộng lớn nằm giữa các dãy núi đá vôi.
18h00- 20h00: Du khách có thể ăn tại các nhà hàng chay quanh chùa Tam Chúc hoặc thưởng thức đặc sản của Hà Nam rồi về khách sạn nghỉ ngơi.
Ngày 2
7h30 -11h00: Ăn sáng và di chuyển đến chùa Địa Tạng Phi Lai hay còn có tên gọi khác là chùa Đùng, một ngôi chùa cổ với lối kiến trúc độc đáo, không gian thanh tịnh, nằm giữa một rừng thông xanh.
11h00-13h30: Ăn trưa và nghỉ ngơi
13h30 – 17h00: Tiếp tục di chuyển đến đền Trúc và khám phá Ngũ Động Thi Sơn. Một ngôi đền cũ được xây dựng vào năm 1069 với lối kiến trúc cổ, đậm nét u hoài. Sau khi tham quan, vãn cảnh đền, du khách có thể khám phá Ngũ Động Thi Sơn, nơi có 5 hang động nối liền nhau với nhiều loại thạch nhủ với đủ muôn hình vạn trạng.
17h-19h: Thưởng thức đặc sản Hà Nam rồi lên xe di chuyển về Hà Nội.
Một số lưu ý khi đi du lịch tâm linh ở Hà Nam
Các điểm đến trong chuyến du lịch tâm linh Hà Nam đều là những ngôi chùa, đền nổi tiếng, linh thiêng, nên các bạn cần lưu ý một số điều sau để chuyến đi được thuận lợi, vui vẻ:
- Trang phục: Ăn mặc kín đáo, lịch sự.
- Đi lại cẩn thận, ăn nói nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến vẻ thanh tịnh của chùa.
- Tránh bỏ tiền công đức lên các tượng Phật, thay vào đó nên bỏ vào các hòm công đức để tại đền, chùa.
- Các khu chùa thường rất rộng, để tiện cho việc di chuyển bạn nên mang giày bệt, giày thể thao.
Với những thông tin Người du lịch chia trẻ trên đây về du lịch tâm linh Hà Nam, hy vọng sẽ giúp các bạn có một chuyến đi ý nghĩa, tròn đầy về miền đất tâm linh cổ xưa!
Đọc thêm
Lào Cai không chỉ là thiên đường du lịch vùng cao mà còn là nơi hội tụ các điểm du lịch tâm linh linh thiêng như đền Bảo Hà, đền Thượng, đền Mẫu...
Những năm gần đây, du lịch tâm linh Ninh Bình đang có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, không chỉ với những cảnh đẹp nên thơ, hùng vì mà còn qua các di tích lịch sử, chùa chiền, các lễ hội truyền thống mang đậm chất dân gian.
Với thế mạnh là bề dày lịch sử và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du lịch Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế.
Tin liên quan
Chùa Bà Đanh hay còn được gọi là Bảo Sơn Nữ là ngôi chùa cổ linh thiêng nổi tiếng tại Hà Nam, được mọi người biết đến với câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”.
Những năm gần đây, Hà Nam đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc, thu hút rất nhiều du khách, phật tử ghé đến tham quan, hành hương, nhất là vào dịp Tết đến xuân về. Dưới đây là 3 ngôi chùa linh thiêng, có cảnh quan đẹp mà du khách nên ghé đến vào dịp Tết này!
Cá kho làng Vũ Đại Hà Nam không chỉ nổi tiếng ở hương vị thơm ngon, đậm đà mà còn là sự kết nối với truyền thống văn hóa Việt Nam từ bao đời. Thưởng thức món cá kho này, bạn không chỉ được tận hưởng một bữa ăn ngon, mà còn cảm nhận được cả giá trị văn hóa, sự cần cù, sáng tạo và tinh tế trong ẩm thực của người dân làng Vũ Đại xưa và nay.