Tích xưa chùa Bà Đanh: Ngôi cổ tự 300 năm tuổi được mệnh danh “Đệ nhất vắng khách”
Chùa Bà Đanh hay còn được gọi là Bảo Sơn Nữ là ngôi chùa cổ linh thiêng nổi tiếng tại Hà Nam, được mọi người biết đến với câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”.
Thực hư câu nói “Vắng như chùa Bà Đanh”
Chùa Bà Đanh nằm trên khu đất rộng 10ha ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với 3 mặt giáp sông Đáy. Bao quanh ngôi chùa là khu vườn rộng lớn, vừa tạo cảnh quan trong lành, vừa mang lại cho cổ tự vẻ u tịch, linh thiêng, cách xa khói bụi nhân gian.
Những ai ghé đến chùa Bà Đanh đều có thể cảm nhận rõ sự hiu quạnh của nơi đây từ cổng tam quan, những cánh gỗ lim nhuốm màu thời gian luôn đóng chặt, chỉ mở khi có lễ hội. Khách đến muốn vào chùa tham quan, dâng hương chỉ được đi qua 2 cổng phụ.
Về câu nói “Vắng như chùa Bà Đanh” mà bất kể người Việt nào cũng biết đến, ni trưởng Thích Đàm Đam – người giữ chức trụ trì chùa Bà Đanh 35 năm nay cho biết, bà cũng không rõ câu nói này xuất hiện khi nào và vì sao lại có, tuy nhiên chính bà từ thuở ban đầu đến chùa cũng cảm nhận được sự vắng vẻ của nơi đây.

“Tôi nghe truyền lại rằng, chùa Bà Đanh khi xưa linh thiêng lắm, đến cổng tam quan mà không hạ nón, kính cẩn là bị “quở” ngay. Có lẽ vì thế mà ít người qua lại chăng? Còn thời tôi về đây, chùa 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp núi, khi ấy sông Đáy rất rộng, chưa được bồi đắp như bây giờ nên việc đi lại khá khó khăn. Đường vào chùa rậm rạp như rừng, trời chỉ chớm về chiều là không còn người lai vãng tới, một phần vì tối không nhìn thấy đường, phần vì sợ thú hoang tấn công.
Tôi còn nhớ năm cụ trụ trì Thích Đàm Lê bị ốm, chúng tôi trong lúc băng rừng đi tìm thầy thuốc còn phải dùng đèn dầu để vừa soi đường, vừa xua đuổi thú hoang. Sau này có việc đi xuống làng, nếu trời sẩm tối là chúng tôi không dám đi về một mình mà phải nhờ người làng đưa về”, Ni trưởng Thích Đàm Đam kể lại.
Mãi đến sau này, khi sông dần dần bồi lên thành bãi, người dân tới khu vực gần chùa để dựng nhà, làm đường nên đường đến chùa cũng sáng sủa hơn. Đến năm 1994, chùa Bà Đanh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc Gia, được cho trùng tu, tôn tạo, mở rộng và xây đường, việc di chuyển, đi lại dần trở nên thuận tiện hơn.
Tích xưa chùa Bà Đanh
Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh Hà Nam cũng thờ Phật, song ngoài tượng Bồ Tát, chùa còn có tượng Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ.
Theo tương truyền, thuở xa xưa có một vị thần trong Tứ Pháp đi ngang qua vùng đất này, thấy cảnh đẹp, đất nền cao, không lụt lội nên báo mộng cho người dân, bảo dựng đền thờ ngài rồi ngài cho ăn lộc. Dân chúng nghe theo bắt đầu khai phá khu đất, đặt bát nhang để thờ cúng. Hôm khác, lại có người dân đến kể rằng mình được báo mộng yêu cầu tạc tượng nữ thần Pháp Vũ. Bà là người trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trù lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thế là người này tạc tượng xong mang đến, dân làng làm lễ hô thần nhập tượng. Khi đó, chùa chỉ có đền, có tượng.
Một thời gian sau, ở bến sông trước đền xuất hiện vật lạ nổi lập lờ, người dân đẩy mãi không đi, nước xoáy cũng không thể nhấn chìm. Thấy điềm lạ, người dân bảo nhau kéo vật lạ lên xem thì thấy đó là cỗ ngai bằng gỗ, đặt tượng nữ thần Pháp Vũ vào thì vừa như in.

Đến thời Hậu Lê, dâng làng mới rước tượng Phật vào đền và dựng thành chùa. Chùa đặt ở làng Đanh nên người dân gọi là chùa Bà Đanh – cái tên này mang 3 yếu tố là “tiền Phật, hậu Thánh” và địa danh nơi ngôi chùa tọa lạc.
Theo tư liệu lịch sử, ban đầu chùa Bà Đanh được dựng bằng tranh tre nứa lá đơn sơ. Đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông (1676-1680), chùa mới được cho xây khang trang.
Quần thể kiến trúc chùa Bà Đanh hiện nay về cơ bản là được xây dựng vào thế kỷ XIX, gồm 14 gian và các khu phụ trợ. Trong đó, 5 gian nhà bái đường được lợp bằng ngói nam, mang đậm nét kiến trúc cổ của nhà vườn Bắc Bộ, trên nóc còn có 2 con rồng chầu nguyệt uốn lượn, uy nghi.
Nếu có ý định du lịch tâm linh Hà Nam, ghé thăm, hành hương tại chùa Bà Đanh thì bạn có thể đến vào ngày 17/02 âm lịch. Khi ấy, tại chùa sẽ tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh nhằm tri ân Đức Thánh Bà Pháp Vũ, vị thần phù trợ cho nhân dân trong việc sản xuất nông nghiệp, giúp đời sống ấm no, chan hòa. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như lễ cầu an, lễ rước kiệu, lễ tế và các hoạt động vui chơi sôi nổi, nhộn nhịp.
Xem thêm: Chùa Phật Quang Hà Nam – Tìm về chốn bình yên linh thiêng nơi cổ tự trăm năm tuổi
Đọc thêm
Chùa Phật Quang Hà Nam là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại miền Bắc, được nhiều Phật tử, người dân và du khách ghé tới tham quan, dâng hương lễ lãi hàng năm.
Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh là một trong những địa điểm du lịch tâm linh linh thiêng và nổi tiếng nhất tại miền Bắc. Hằng năm nơi đây đón hàng nghìn lượt khách đến để cầu tài lộc, may mắn và bình an.
Không chỉ là quần thể danh thắng tâm linh đẹp tự chốn bồng lai tiên cảnh, chùa Tam Chúc còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển và truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế...
Tin liên quan
Chùa Phổ Quang Phú Thọ có niên đại khoảng 800 năm và là nơi lưu giữ 1 trong 5 bảo vật quốc gia được công nhận tại Phú Thọ...
Chùa Một Cột không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà nơi đây còn được xem là một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến tham quan, vãn cảnh, hành hương. Nếu đang có ý định du lịch chùa Bái Đính thời gian tới thì đừng bỏ qua những cẩm nang chi tiết được Người du lịch giới thiệu trong bài viết dưới đây!