Chùa Tam Chúc - nơi đất Phật giữa cõi trần gian
Không chỉ là quần thể danh thắng tâm linh đẹp tự chốn bồng lai tiên cảnh, chùa Tam Chúc còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển và truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế...
Chùa Tam Chúc ở đâu?
Chùa Tam Chúc (Quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc) là một khu du lịch quốc gia rộng 5.100ha, bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng gắn liền với hồ Tam Chúc. Chùa Tam Chúc tọa lạc ở phường Ba Sao và xã Khải Phong thuộc thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Chùa Tam Chúc cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60km, các trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 12km, trên đường quốc lộ 21A tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Hà Nội.

Quần thể thắng cảnh tâm linh Tam Chúc là vùng đá vôi ngập nước với phong thủy hùng vĩ. Chính vì thế mà nơi đây được ví như "Hạ Long trên cạn". Nhìn từ trên cao xuống, khu thắng cảnh tâm linh này đẹp tựa bức tranh thủy mặc với điểm nhấn là chùa Tam Chúc - đây cũng là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Ngoài cảnh quan đẹp, Tam Chúc còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế.
Vào năm 2019, chùa Tam Chúc đã được chọn làm địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (hay còn được gọi là Lễ Phật Đản). Đây là một sự kiện quan trọng của Phật giáo quốc tế.
Truyền thuyết ít biết về tên chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc được xây dựng trên nền chùa Tam Chúc cổ có từ thời nhà Đinh. Sở dĩ chùa được xây dựng ở vị trí này là vì nó gắn liền với truyền thuyết "Tiền Lục Nhạc - hậu Thất Tinh".
Thuở xưa, trời đất còn gần nhau, các nàng tiên thường rủ nhau xuống trần gian chơi. Đi qua Tam Chúc, thấy phong cảnh hữu tình đến mức mê mẩn mà quên đường về. Nhà trời mỗi lần gọi về sẽ ném xuống một quả chuông, ném đến 6 lần mà các nàng vẫn say sưa ngắm cảnh đẹp nhân gian. 6 quả chuông ném xuống đó chính là 6 ngọn núi nằm rải rác khắc hồ nước lớn trước cảnh chùa Tam Chúc như hiện nay, hay còn gọi là "Tiền Lục Nhạc".

Ở trên dãy núi 99 ngọn nằm phía tây nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn gần làng Tam Chúc. Tích xưa kể, khi ấy, cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện những đốm sáng tựa như 7 ngôi sao. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn, dân làng gọi đó là núi Thất Tinh. Có người xấu muốn phá đi 7 ngôi sao để kìm hãm thế đất này. Họ bèn chất củi thành đống lớn, đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, thị trấn của huyện Kim Bảng ngày nay có tên là thị trấn Ba Sao.
Người Việt tin rằng, chùa Tam Chúc là nơi hội tụ linh khí của trời đất và có nền tảng tâm linh từ thời xưa, vì thế, hàng năm có rất rất nhiều người dân, du khách, Phật tử thập phương về đây hành lễ, cầu quốc thái dân an, cầu tài lộc, cầu bình an cho bản thân và gia đình.
Chùa Tam Chúc được xây dựng năm nào và gồm những công trình gì?
Tam Chúc là mảnh đất linh thiêng, thần bí nên từ ngàn năm trước, ông cha ta đã xây dựng ở đây một công trình tâm linh. Cách đây hơn 20 năm, công nhân làm thủy điện đã phát hiện dưới lòng hồ Tam Chúc rất nhiều cột gỗ, cột đá, xà đá. Có những cột gỗ đường kính lên đến 1 mét. Ở khu vực giữa hồ vẫn còn ngôi đình Tam Chúc. Bước đầu các nhà khảo cổ kết luận, chùa Tam Chúc đã có trên 1.000 năm.
Nhằm khôi phục ngôi cổ tự 1.000 năm tuổi và nhân lên giá trị vàng son, năm 2001, chùa Tam Chúc được đầu tư phục dựng lại. Đến năm 2013, chùa Tam Chúc được công nhận là khu du lịch quốc gia. Sau hơn 20 năm phục dựng, chùa Tam Chúc đã trở thành khu thắng cảnh tâm linh kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và sự hùng vĩ của non nước, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến chiêm bái, vãn cảnh.
Quần thể chùa Tam Chúc có hiện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên... cùng nhiều thung lũng. Khu vực này có 3 mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Điểm nhấn nổi bật của khu thắng cảnh tâm linh Tam Chúc là diện tích quy hoạch lên đến 147 ha trên sườn núi phía Tây. Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc rộng 144 ha, gồm nhiều hạng mục ấn tượng như: Tháp Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan âm, cổng Tam Quan, vườn cột kinh. Các điện đều được xây dựng theo kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, có diện tích rộng từ 3000-5.400 m2, cao từ trên 30-39m, các bức tượng được thờ ở đây đều bằng đồng nguyên khối nặng từ 85-150 tấn.
Điểm hấp dẫn ở khu thắng cảnh tâm linh Tam Chúc là 12.000 bức tranh được làm bằng đá lấy từ núi lửa đã ngưng hoạt động ở Indonesia. Những bức tranh này đều do các nghệ nhân Indonesia chế tác và ghép trên toàn bộ bề mặt tường phía trong cả 3 ngôi đại diện. Những bức tranh này đã tái hiện lại cuộc đời Đức Phật, nhằm gửi gắm những câu chuyện nhân văn sâu sắc.

Điện Tam Thế là tòa đại điện lớn nhất, có 3 tầng mái cong được xây dựng theo kiến trúc đình chùa đặc trưng của người Việt với chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m2, diện tích tầng hầm là 2.200m2. Điện có thể chứa cùng lúc 5.000 phật tử cùng hành lễ. Trên tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn.
Điện Pháp Chủ cao 31m, diện tích sàn 3.000m2. Đây là nơi tọa lạc của pho tượng Thích Ca Mâu Ni đúc bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Bức tượng này do nghệ nhân Việt Nam chế tác. Bên cạnh đó, điện còn treo 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật do thợ Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa. Đặc biệt, trong điện có 4 bức phù điêu khổng lồ bao trùm toàn bộ các bức tượng, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật từ khi ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp và khi nhập Niết Bàn.
Điện Cao Âm cao 30,5m, diện tích mặt sàn rộng 3000m2. Đây là nơi chứa đựng kho tàng những tích truyện cổ sâu sắc về lòng từ bi, nhân hậu của Đức Phật cứu độ dân chúng, thể hiện qua những lần ứng thân của Đức Phật khi ngài đã trải qua vô số kiếp luân hồi. Tại điện này còn trưng bày bức tranh kể về sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát gần gũi với người dân Việt. Trung tâm của bức tranh là tượng khắc nổi của Phật Quan Âm với hình ảnh quen thuộc trong các ngôi chùa như Phật Tích, chùa Hương: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Quá Hải và Quan Âm Tống Tử. Đây là 4 bức tranh đặc biệt được tạo tác trên nền phong cảnh của Tràng An và Tam Chúc.
Ngoài 3 đại điện được xây dựng theo triền núi thoải dần thì trên đỉnh núi Thất Tinh còn có ngôi Tháp Ngọc với chiều cao 15m được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Khi ghép các phiến đá, nghệ nhân Ấn Độ không dùng bất cứ vật liệu kết dính nào. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn.
Tiếp theo là cổng tam Quan Nội trước bến thuyền Tam Chúc được xây dựng theo kiến trúc cổ, có 3 tầng mái cong, cao 28,8m, rộng 3558m2. Điểm nhấn ở đây là chiếc vạc đồng đen rất lớn được đúc phỏng theo vạc Phổ Minh - một trong An Nam tứ đại khí.

Qua cổng Tam Quan, sau chiếc vạc khổng lồ là vườn cột kinh. Đây là ý tưởng được lấy từ cột kinh Phật - bảo vật quốc gia tại chùa Nhất Trụ (Bắc Ninh). Các cột kinh được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2 mét, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ sau tu tâm tích đức, góp phần xây dựng một xã hội giàu đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tiếp đến là trung tâm hội nghị quốc tế được xây dựng theo mô hình một chiếc thuyền nổi trên hồ với chiều cao 31m, sức chứa 3.5000 khách. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động chính của Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2019.
Khu du lịch Tam Chúc còn phát triển thêm khu bảo tồn thiên nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng, hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại thị trấn Ba Sao.
Theo đánh giá, khu du lịch hồ Tam Chúc có vị trí giống như gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước. Liên kết phát triển tuyến du lịch Chùa Hương (Hà Nội) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Bái Đính (Ninh Bình) kà ý tưởng được Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình lên kế hoạch thực hiện. Một con đường thẳng nối từ chùa Hương sang Tam Chúc rồi đi thẳng đến Bái Đình đã được quy hoạch xây dựng, chỉ dài khoảng hơn 20km. Con đường này sẽ biến Chùa Hương - Tam Chúc - chùa Bái Đính trở thành tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.
Chùa Tam Chúc thờ ai?
Cách đây trên 10.000 năm, vùng đất Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) đã có người Việt cổ khai phá, cư trú. Các di chỉ, hiện vật mang những nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn và các hiện vật thời kỳ Đông hán, Tùy - Đường sang Lý - Trần đã được tìm thấy. Vùng đất này còn gắn liền với các vị thần, Phật, quân vương như Đinh Tiên Hoàng, Lý Quốc Sư, Trần Nhân Tông cùng với những lễ hội độc đáo.
Vì gắn liền với các vị thần, Phật, quân vương nên nơi đây có một quần thể di tích phong phú. Ngôi đình Tam Chúc cổ là nơi thờ Đinh Bộ Lĩnh và vợ ông là Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt. Theo truyền thuyết địa phương và thần phả làng Đặng Xá (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng), khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đem tướng sĩ về Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt đi dẹp loạn 12 sứ quân. Ông đã về Kim Bảng lập đồn trại và truyền hịch Cần Vương dẹp giặc.
Vợ chồng vị hào trưởng ở Văn Xá mến mộ tài đức nên đã gả con gái là Dương Thị Nguyệt cho Đinh Bộ Lĩnh. Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt sinh được người con gái đặt tên là Đinh Thị Ngọc (Ngọc Nương công chúa). Sau khi Đinh Bộ Lĩnh mất, Lê Đại Hành lên ngôi truyền cho thiên hạ, xã nào từng có đồn doanh của vua Đinh Bộ Lĩnh đóng trước đây đến rước sắc về cho dân lập đền thờ. Nhân dân vùng Tam Chúc (xã Ba Sao) tuân theo chiếu chỉ đến kinh rước sắc về thờ phụng.

Đình Tam Chúc còn thờ Cao Sơn hộ quốc Thượng đẳng thần. Đây là vị tướng có công giúp Hùng Duệ Vương đánh Thục Phán. Trên đường hành quân đánh giặc, Cao Sơn đã lập đồn, trại ở nhiều nơi, trong đó có vùng đất Ba Sao. Khi ngài mất đi, nhân dân lập ban thờ tại đình Tam Chúc. Phối thờ ở đình Tam Chúc còn có vị nhân thần được phong là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thượng đẳng thần. Ngài được cho là có công phù giáp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Chiêm Thành, vua Lê Thái Tổ đánh giặc Ngô và vua Lê Thánh Tông đánh quân Chiêm Thành.
Ngôi cổ tự Ba Sao nằm giữa một vùng núi non sông nước kỳ vĩ, nơi Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng chùa, tu hành cứu nhân độ thế đã dừng chân, hái thuốc hành đạo cứu người và mở rộng chùa Ba Sao, đổi thành Tam Chúc Quốc tự. Sau khi ông mất, ngôi cổ tự này thờ ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tương truyền, vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông hạ san thuyết pháp đã đi tìm lại dấu tích Thiền sư Nguyễn Minh Không. Khi đến đất Ba Sao thấy núi có ngôi cổ tự, Phật hoàng đã dừng chân chiêm bái. Biết nơi đây có vị Quốc sư thời Lý nên đã cùng nhân dân tu sửa lại chùa và ở lại giảng đạo cho dân chúng.
Từ ngôi cổ tự xuống hồ Tam Chúc, trên mặt có 6 ngọn núi nhỏ, đền thờ Mẫu tọa trên một trong 6 ngọn núi. Từ thời khai phá, người dân đã lập một am nhỏ trong hang đá để thờ Tam tòa thánh mẫu gồm: Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải phủ. Sau khi Nguyệt Nương Hoàng hậu và Ngọc Nương công chúa qua đời, hai người được lập thờ ở đây.
Ở vùng đất Ba Sao còn có ngôi đền cổ là đền Giếng tọa lạc ở tổ 3, thị trấn Ba Sao ngày nay. Đền thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải, Nga Hoàng phu nhân và Nữ Anh Phu nhân. Các ngài là nhân thần, được nhân dân trong vùng tôn vinh là Mẫu bản địa được triều đại các vua Nguyễn nhiều lần phong sắc.
Lễ hội chùa Tam Chúc diễn ra vào thời điểm nào trong năm?
Tại chùa Tam Chúc hiện còn lưu giữ lễ hội cổ truyền làng Tam Chúc. Lễ hội làng Tam Chúc diễn ra tại 3 địa điểm chính là: Đình Tam Chúc, đền Mẫu, đền Giếng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 9/11 đến 11/11 âm lịch hằng năm. Lễ hội này nhằm bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với các vị thần, Phật, các nhân vật lịch sử có công với dân với nước. Đồng thời, lễ hồi nhằm mục đích cầu quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Một trong những tục lệ độc đáo của hội làng Tam Chúc đó là việc tổ chức cuộc thi giữa 4 giáp trong việc chọn mâm lễ tiêu biểu để dâng Thánh trong ngày khai hội. Đồng thời tổ chức các nghi thức rước nước, lễ mộc dục, thực hiện trò trồng kiệu truyền thống.

Lễ hội thứ 2 là Lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Năm 2019, nhân sự kiện khánh thành giai đoạn I trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, đón mừng Đại lễ Phật Đản thế giới 2019 (Đại lễ Vesak 2019), tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành khôi phục, tổ chức lại lễ hội và các nghi lễ tôn giáo từ cách đây hơn 1.000 năm.
Ngày khai hội đã diễn ra các nghi lễ tâm linh do các chư vị tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng, ni, phật tử trong nước tiến hành như: Thỉnh chuông, đánh trống khai hội, dâng hương cầu an, tổ chức lễ rước chuông bình an, tổ chức nghi lễ rước nước và các hoạt động văn hóa Phật giáo.
Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, quần thể danh thắng Tam Chúc đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia thuộc loại hình danh lam, thắng cảnh.
Chùa Tam Chúc mùa nào đẹp nhất và di chuyển đến chùa Tam Chúc như thế nào?
Chùa Tam Chúc mùa nào đẹp nhất?
Theo nhiều "tín đồ" du lịch, cảnh sắc chùa Tam Chúc đẹp nhất là vào mùa thu, khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Lúc này, toàn cảnh chùa sẽ chuyển sang một màu vàng bởi đây là mùa cây cối thay lá. Thêm vào đó, tiết trời lúc này cũng rất dễ chịu, phù hợp cho các chuyến đi vãn cảnh, chụp ảnh.
Chùa Tam Chúc cũng thu hút phật tử thập phương vào những ngày lễ lớn như: Đại lễ Phật đản (15/4 âm lịch hằng năm), lễ Vu lan báo hiếu (15/7 âm lịch hằng năm), Trung thu (15/8 âm lịch hằng năm). Vào những ngày Mùng , hôm rằm hay Tết Nguyên đán, phật tử cũng về chùa để hành hương, chiêm bái vẻ đẹp của nơi đây.

Tuy nhiên, theo đại đa số những người từng tới chùa Tam Chúc, thời điểm về chùa đẹp nhất là vào mùa xuân - mùa lễ hội, từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Thời điểm này, khí hậu mát mẻ, du khách có thể đến bái Phật, cầu bình an. Nhưng đây cũng là thời điểm khá đông đúc vì diễn ra lễ hội chùa Tam Chúc.
Gợi ý cách di chuyển dễ dàng đến chùa Tam Chúc
Cách di chuyển từ Hà Nội đến chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc là một trong những ngôi chùa có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc di chuyển. Nơi đây cách Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 60km, cách thành phố Phủ Lý khoảng 12km và có thể dễ dàng di chuyển sang các "tọa độ" tâm linh khác như chùa Hương, chùa Bái Đính. Vì thế, muốn đến chiêm bái chùa Tam Chúc, du khách có thể lựa chọn 1 trong số những phương tiện di chuyển sau (di chuyển từ Thủ đô Hà Nội):
Xe bus: Tuyến bus Hà Nội - Phủ Lý xuất phát từ bến xe Giáp Bát đến bến xe Phủ Lý, có dừng lại ở ga Phủ Lý. Xe bus hoạt động thường nhật từ 4h30 đến 20h30, tần suất khoảng 15 - 20 phút/chuyến, tùy từng thời điểm trong ngày. Khi đến Phủ Lý, du khách có thể bắt xe taxi hoặc xe ôm để di chuyển thêm 12km nữa là đến chùa Tam Chúc.

Xe khách: Đa phần xe khách chạy theo đường cao tốc Pháp Vân - Cầu rẽ trong khoảng 1 tiếng để đến Phủ Lý. Thông thường các xe khách sẽ xuất phát từ bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm hoặc bến xe Yên Nghĩa. Vé xe khoảng 55.000 đồng.
Xe limousine: Hiện nay có nhiều hãng xe limousine chạy tuyến Hà Nội - Tam Chúc với mức giá từ 150.000 đến 230.000 đồng. Xe đón trả tận nơi theo yêu cầu của du khách.
Xe cá nhân: Vì đường đến Tam Chúc khá dễ đi nên du khách có thể tự lái xe cá nhân (ô tô con, xe máy), chạy theo quốc lộ 1A hoặc cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ rồi theo hướng Phủ Lý để đến chùa. Tại khu du lịch Tam Chúc có bãi gửi xe rộng để du khách không lo phải tìm kiếm chỗ đỗ xe.
Cách di chuyển bên trong chùa Tam Chúc
Khi vào được bên trong chùa Tam Chúc, du khách sẽ di chuyển bằng xe điện hoặc thuyền. Từ Thủy Đình đến cổng Tam Quang dài khoảng 4,5km, thời gian di chuyển khoảng 20 phút (xe điện) và di chuyển khoảng 30 phút (đi thuyền). Xe điện có thể chở được đoàn 12 người còn thuyền chở được đoàn tối đa 36 người.

Giá vé tham quan chùa Tam Chúc cập nhật mới nhất
Khi đến chùa Tam Chúc, trẻ em dưới 1 mét sẽ được miễn phí vé tham quan; trẻ em từ 1 mét trở lên sẽ tính vé như người lớn. Dưới đây là một số loại phí tham quan khi đến chùa Tam Chúc mà du khách nên biết:
Vé vào chùa: Miễn phí (cả mùa thấp điểm và cao điểm).
Vé xe điện: 90.000 đồng/khách khứ hồi; trẻ em từ 1 - 1,3m tính 50% giá vé. Xe điện chạy theo tuyến Thủy Đình - cổng Tam Quan - Vườn Cột Kinh - Tam Điện - chùa Ngọc.
Vé thuyền: 200.000 đồng/thuyền nhỏ, 250.000 đồng/thuyền VIP. Thuyền sẽ chạy theo tuyến đình tam Chúc - Tam Quan - Vườn Cột Kinh - Tam Điện - chùa Ngọc. Chiều về đi bằng xe điện miễn phí.
Một số địa điểm tiêu biểu nên ghé qua trong chuyến tham quan Tam Chúc
Nhà khách Thủy Đình
Nhà khách Thủy Đình là điểm đến đầu tiên, du khách sẽ mua vé thuyền để đi vào sâu bên trong. Trong lúc chờ thuyền, du khách có thể tham quan nội thất, tranh ảnh về Tam Chúc được trưng bày tại đây.
Cổng Tam Quan
Để đến chùa Tam Chúc, du khách phải đi qua cổng Tam Quan. Có hai cổng Tam Quan ngoại và nội, được xây dựng hoành tráng, kiên cố.
Vườn Cột Kinh
Qua cổng Tam Quan, du khách đi đến điện Quan Âm với 32 cột kinh hay còn gọi là vườn Cột Kinh. Cột kinh được thiết kế chân cột hình đài sen, thân cột hình lục giác, đỉnh cột là nụ sen. Thân cột có các hình điêu khắc thủ công lời Phật dạy.

Tam điện chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc có 3 điện chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm. Điện Pháp Chủ là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; điện Tam Thế là nơi đặt 3 pho tượng đồng đen và 12.000 bức phù điêu làm từ đá núi lửa Indonesia; điện Quan Âm là nơi thờ Phật nghìn mắt nghìn tay.
Đình Tam Chúc
Ngôi đình tọa lạc giữa hồ nước, thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt (thời Đinh). Mặt hồ còn có 6 ngọn núi nhỏ nhô lên, phía dưới có nhiều loài động vật sinh sống. Mùa hè sen nở rất đẹp.
Đàn tế trời chùa Ngọc
Du khách đi qua khu vực Tam điện chính để đến đàn tế trời chùa Ngọc. Chùa Ngọc được chế tác từ đá granite đỏ, các phiến đá được lắp ghép mà không dùng chất kết dính.
Ngoài ra nếu lưu lại ở khu du lịch Tam Chúc thì du khách có thể được tham gia vào các hoạt động khác (không phải chiêm bái, lễ Phật, vãn cảnh) như: chèo thuyền kayak, trượt ván nước, thiền địa, đạp xe...
Gợi ý điểm lưu trú và ẩm thực ở Tam Chúc
Lưu trú chùa Tam Chúc
Có thể bạn chưa biết, bên trong khu du lịch có khách xá Tam Chúc với 156 phòng và được chia thành 5 hạng khác. Giá phòng sẽ dao động khoảng 800.000 đồng đến hơn 2.000.000 đồng/đêm.
Du khách có thể đặt phòng trên website của khu du lịch hoặc có thể thông qua số điện thoại hotline, hoặc qua các các công ty lữ hành...
Ẩm thực chùa Tam Chúc
Bên trong và các khu lân cận khu du lịch Tam Chúc có có nhiều điểm ăn uống mà du khách có thể ghé qua:
Nhà hàng Thủy Đình
Nhà hàng Thủy Đình nằm gần khu vực bến du thuyền Tam Chúc với sức chứa đến cả nghìn thực khác. Thủy Đình nằm trong Trung tâm hội nghị quốc tế Vesak. Nơi đây phục vụ các món ăn chay, món mặn đa dạng. Mỗi suất ăn dao động từ 120.000 đến 130.000 đồng.

Nhà hàng Hà Nam
cách Tam Chúc khoảng 1,5km là nhà hàng Hà Nam với sức chứa lớn và "tọa độ" ăn uống được đánh giá khá cao. Các phần ăn ở đây dao động từ 120 - 300.000 đồng. Thực đơn gồm: lợn mán, dê núi, gà đồi...
Nhà hàng Lá Cọ
Nhà hàng Lá Cọ nằm ở khu vực Núi Cấm (Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) được thiết kế sang trọng trên diện tích 3ha với sức chứa lớn. Không gian xung quanh xanh mát với nhiều cây xanh. Nhà hàng phục vụ các món như dê núi, gà đồi...
Gợi ý lịch trình du lịch chùa Tam Chúc 1 ngày
Nếu di chuyển từ Hà Nội, du khách có thể lễ Phật, tham quan, chiêm bái chùa Tam Chúc trong 1 ngày. Và với 1 ngày này, Người Du Lịch xin gợi ý du khách lịch trình như sau:
- 7h: Xuất phát từ Hà Nội đến Tam Chúc.
- 9h: Du khách đến nơi, chuẩn bị đồ đạc, nghỉ ngơi vài phút.
- 9h30 - 12h: Du khách lên thuyền, đi tham quan chùa Tam Chúc qua các địa điểm đã gợi ý ở bên trên.
- 12h15: Kết thúc hành trình tham quan Tam Chúc, di chuyển bằng xe điện đến nhà hàng Thủy Đình dùng bữa.
- 13h30: Tiếp tục di chuyển đến khu danh thắng Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn. Đền thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, phía trước nhìn ra bờ sông, phía sau thờ Mẫu hậu và Công Chúa với nhiều truyền thuyết ly kỳ.
- 18h: Lên xe trở về Hà Nội, kết thúc chuyến đi.
Một số kinh nghiệm và lưu ý khi du dịch chùa Tam Chúc
Tổng hợp từ ý kiến của rất nhiều du khách, Phật tử đã đến chùa Tam Chúc, Người Du Lịch xin đúc kết lại một số kinh nghiệm và lưu ý quan trọng cho bạn trước khi thực hiện chuyến đi về chùa Tam Chúc trong năm 2025 này:
- Quần thể khu du lịch tâm linh Tam Chúc rất rộng, bạn cần tham khảo bản đồ chùa Tam Chúc trước khi đi để tránh mất thời gian.
- Nếu bạn đi chùa Tam Chúc vào mùa lễ hội thì nên chọn phương tiện di chuyển là xe ôm; nếu đi xe điện và thuyền sẽ xếp hàng rất lâu.

- Vì chùa Tam Chúc là quần thể du lịch tâm linh nên khi đến đây, bạn phải chú ý mặc trang phục trang nghiêm, kín đáo. Nên đi giày thể thao vì chùa rộng, di chuyển đi bộ khá nhiều.
- Lưu ý cho khách du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam nên bước vào các điện thờ của chùa từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa, không dẫm lên bậu cửa mà cần bước qua bậu cửa.
- Nếu bạn chỉ là khách đi du lịch thì chỉ nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, nên hạn chế thắp hương bên trong chùa vì dễ ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Chỉ cắm 1 nén vào bát hương, không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ.
- Khi bước qua cửa chùa hoặc cửa điện, bạn nên đi cửa bên chứ không đi cửa chính và nhớ bước qua bậu cửa để vào.
Xem thêm: Du lịch tâm linh Hà Nam: Lạc bước giữa chốn linh thiêng nơi "đất mẹ anh hùng"
Đọc thêm
Chùa Phổ Quang Phú Thọ có niên đại khoảng 800 năm và là nơi lưu giữ 1 trong 5 bảo vật quốc gia được công nhận tại Phú Thọ...
Chùa Một Cột không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà nơi đây còn được xem là một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến tham quan, vãn cảnh, hành hương. Nếu đang có ý định du lịch chùa Bái Đính thời gian tới thì đừng bỏ qua những cẩm nang chi tiết được Người du lịch giới thiệu trong bài viết dưới đây!