Chiêm bái chùa Phổ Quang Phú Thọ - cổ tự linh thiêng lưu giữa bảo vật quốc gia
Chùa Phổ Quang Phú Thọ có niên đại khoảng 800 năm và là nơi lưu giữ 1 trong 5 bảo vật quốc gia được công nhận tại Phú Thọ...
Chùa Phổ Quang Phú Thọ tọa lạc ở đâu?
Phú Thọ được mệnh danh là vùng đất tổ, nơi phát tích nhà nước đầu tiên của Việt Nam - nhà nước Văn Lang do các Vua Hùng cai trị. Chính vì thế, nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử, gắn liền với truyền thuyết dựng nước của dân tộc ta. Bên cạnh đó, nơi đây còn là vùng đất tọa lạc của nhiều đền, chùa linh thiêng, là nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia. Trong bài viết này, Người Du Lịch xin giới thiệu đến quý du khách địa chỉ tâm linh linh thiêng, là nơi lưu giữ 1 trong 5 bảo vật quốc gia của Phú Thọ - đó là chùa Phổ Quang Phú Thọ.
Chùa Phổ Quang Phú Thọ (hay chùa Xuân Lũng) tọa lạc ở xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chùa nằm ngay trên tuyến đường chính của xã Xuân Lũng, cách đê tả sông Hồng khoảng 500m.

Chùa Phổ Quang Phú Thọ cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, thời gian di chuyển khoảng 1,5 đến 2 giờ đồng hồ. Nhờ có cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà việc di chuyển đến ngôi chùa cổ này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Chùa Phổ Quang cách thành phố Việt Trì khoảng 10km. Phật tử về hành hương hoặc du khách đến chiêm bái vãn cảnh có thể di chuyển theo đường Nguyễn Tất Thành rồi đường 309, qua trường THCS Xuân Lũng là đến chùa. Do khoảng cách từ thành phố Việt Trì đến chùa khá gần nên chùa trở thành địa chỉ tâm linh không thể bỏ qua trong chuyến hành hương, vãn cảnh ở vùng đất tổ linh thiêng.
Hiện nay, chùa Phổ Quang Phú Thọ có 4 ngày lễ chính: Rằm tháng giêng, ngày 8/4 (lễ tắm Phật), rằm tháng 7 (lễ xóa tội vong nhân) và ngày 8/12 âm lịch. Bên cạnh đó, chùa còn là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo lành mạnh, hướng thiện.
Chùa Phổ Quang Phú Thọ được xây dựng vào thời nào?
Theo các tư liệu lịch sử, chùa Phổ Quang Phú Thọ được xây dựng từ thời nhà Trần (1224 - 1400). Chùa từng trải qua nhiều lần tu sửa, trong đó, lần tu sửa lớn nhất được thực hiện vào năm 1626 và lần tu sửa gần nhất vào tháng 4/2021. Tính đến nay, chùa có niên đại khoảng 800 năm và được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1980. Điều này giống như lời khẳng định về giá trị to lớn của ngôi chùa về mặt lịch sử, kiến trúc, văn hóa và đời sống tâm linh của nhân dân.
Về kiến trúc, chùa Phổ Quang Phú Thọ là công trình gồm: Tam quan - Gác chuông, nhà văn chỉ, chùa Phổ Quang, nhà bia, nhà Tổ. Trong đó:
Tam quan - Gác chuông của chùa vẫn được bảo lưu theo kiến trúc cổ với hệ thống mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy.Thương lượng khắc hàng chữ Hán: "Hoàng triệu Minh Mạng nhị thập" (có nghĩa là: Minh Mạng năm thứ 12 - năm 1839). Ở các đầu chạm đều được khắc hình hoa sen.

Ở trên gác có treo chuông đồng "Phổ Quang tự chuông" và khánh đồng. Đây là hai cổ vật được đúc vào năm Minh Mạng nhị thập niên (1839). Trong sách "Văn khắc Hán Nôm Việt Nam" (1993) có tóm tắt về nội dung khắc trên hai tấm bia đá đặt ở chùa Phổ Quang Phú Thọ. Một tấm bia được tạo năm 1628 có ghi: Chùa là ngôi cổ tự danh lam bị hư hỏng, nên vào năm 1626, các vị Tín quan, Phú Xuyên hầu Nguyễn Hiếu Dũng, sĩ Phủ Nguyễn Văn Vị cùng khoảng 70 vị hội chủ hưng công tổ chức trùng tu các tòa thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tam quan... Còn tâm bia tạo năm 1634 có khắc bài thơ Đường luật 8 câu của Phạm Sư Mạnh (1377) nói về việc đi kinh lý ở vùng này. Năm 2016, gác chuông được tu bổ với tổng mức đầu tư lên đến hơn 11 tỷ đồng.
Chùa Phổ Quang Phú Thọ được xây dựng theo kiểu chữ "Công", lợp ngói và có hai cấp chùa. Chùa cấp trên cao 10m, dọc 7m bao gồm 3 gian, 1 cửa ra vào từ nhà Tổ lên chùa. Chùa cấp dưới ngang 16m, dọc 13,5m gồm 5 gian. Đá Kế cột có loại vuông, loại bát giác với trang trí gần như lá đề. Ở giữa chùa có bức đại tự và hai câu đối.
Chùa Phổ Quang Phú Thọ có kiến trúc kiểu trồng đầu, điêu khắc đơn giản. Tòa Tam Bảo gồm: Bái đường, Thiêu hương, Chính điện. Bộ khung kết cấu gỗ với các bộ vì nóc làm theo kiểu "Thượng giá chiêng, chồng rường - hạ kẻ". Chùa Xuân Lũng hiện lưu giữ được hơn 30 pho tượng chất liệu gỗ và thổ, được bài trí trên bệ xây.
Bảo vật quốc gia gì được lưu giữ trong chùa Phổ Quang Phú Thọ?
Bàn thờ Phật bằng đá nằm ở chính điện được công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 25/12/2021. Bàn thờ Phật của chùa Phổ Quang là 1 trong 5 bảo vật quốc gia ở Phú Thọ gồm: Trống đồng Đền Hùng, Sưu tập nha chương, Bộ khóa đai lưng bằng đồng, tượng Mẫu Âu Cơ và bàn thờ Phật bằng đá.
Theo đánh giá, nghệ thuật kiến trúc đáng chú ý nhất ở chùa Phổ Quang Phú Thọ là bệ đá hoa sen được ghép từ 71 phiến đá xanh trạm trổ kỳ công, đặt ở giữa chùa cấp trên đỡ ba tòa tam thế. Đây là tác phẩm điêu khắc độc đáo, mang đậm phong cách kiến trúc chùa chiền thời nhà Trần - thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Bệ đá hoa sen được cấu tạo theo hình chữ nhật có kích thước: cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m. Trong đó, cánh sen được cách điệu là ấn tượng nhất, chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc đá. Cùng với hình ảnh bông sen, cuộc sống trần thế cũng được miêu tả sinh động qua các họa tiết dân gian như: Cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường...Ở 4 góc bệ, tầng 3, tầng 4 có 4 linh điều, mặt hình nhân, dưới ngực có 4 lá đề cách điệu, trên trán khắc chữ "vương" cổ chân và thân đều thắt hoa.

Trên bệ đá hoa sen còn có khắc dòng chữ Hán ghi niên đại có thể coi là bức thông điệp mà cha ông để lại cho thế hệ mai sau về một giai đoạn lịch sử vàng son. Từ đó, giúp chúng ta khẳng định một cách chính xác về niên đại và những đóng góp của những người đi trước với tác phẩm nghệ thuật có giá trị này.
Cụ thể, ở tầng 3 của bệ đá hoa sen khắc: "Xương Phù thập niên, Đinh Mão tuế, nhị nguyệt thập nhị nhật, điền chủ tiểu học chi hầu Nguyễn Chiêu tự việt ngộ không cư sĩ tịnh thê Nguyễn Thị Sửu tự viết công tín tu tạo khánh tịnh thạch tòa vi tam bảo". Dịch: Ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù thứ 10 (1388) điền chủ học chi hầu Nguyễn Chiêu và vợ là Nguyễn Thị Sửu tên tự Công Tín cung tiến khánh đá tòa tam bảo.

Ở ô số 4 mặt trước của bệ đá có khắc: "Sử đài điền ngự thư hà chính thư Nguyễn Nạp tự viết Đạo Cư Sĩ cộng tạo bàn thạch hoàng tòa cư tam bảo". Dịch là: Sử đài điền ngự thư hà chính thư là Nguyễn Nạp tự Đạo Cư Sĩ cùng cung tiến tòa đá tam bảo vào chùa.
Mặc dù là một nơi lưu giữ bảo vật quốc gia nhưng hiện chùa Phổ Quang vẫn chưa được trở thành điểm du lịch của tỉnh nên chưa có số liệu về việc du khách đến hành hương, tham quan, chiêm bái.
Chùa Phổ Quang Phú Thọ bị cháy"
Gần trưa ngày 23/10/2024, chùa Phổ Quang Phú Thọ bị cháy. Khói lửa bốc ra từ ban Tam Bảo của tòa chính điện và bao trùm chính điện trong ít phút.
Ngay lập tức, nhân dân địa phương đã dùng nước dập lửa nhưng không thành do lửa bùng quá mạnh. Công an huyện Lâm Thao đã huy động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường. Đến khoảng 12h, hỏa hoạn được dập tắt song phần lớn cấu kiện của tòa chính đã bị cháy rụi.
Xem thêm: Ghé thăm Chùa Một Cột - Điểm đến linh thiêng giữa lòng thủ đô
Đọc thêm
Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến tham quan, vãn cảnh, hành hương. Nếu đang có ý định du lịch chùa Bái Đính thời gian tới thì đừng bỏ qua những cẩm nang chi tiết được Người du lịch giới thiệu trong bài viết dưới đây!
Du lịch Phú Thọ là du lịch hướng về cội nguồn - nơi kinh đô trù phú của nước Văn Lang năm xưa. Đó là vùng đất tụ thủy, tụ nhân, nơi in dấu ấn về một thời dựng nước hào hùng của dân tộc ta...
Trong hành trình khám phá dải đất hình chữ S xinh đẹp, bạn đừng bỏ qua chuyến hành hương về đất Tổ trải nghiệm du lịch tâm linh Phú Thọ...