Độc lạ đặc sản “bún sông” Đà Nẵng – Nhìn thì sợ mà ăn là mê
“Bún sông” là món ăn độc đáo chỉ có ở làng Cu Đê, Đà Nẵng. Nếu lần đầu nhìn thấy không ít người phải “giật mình khiếp vía” bởi hình thù có phần kỳ lạ. Nhưng một khi đã ăn thì chỉ có “mê mẩn” mà thôi!
Mục lục
“Bún sông” ở Đà Nẵng là gì?
Sông Cu Đê hay còn được gọi là sông Trường Định, là một dòng sông nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Đà Nẵng. Trong đó thượng nguồn của sông nằm ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), còn hạ nguồn là cửa biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Sông được gọi là Cu Đê vì phần hạ lưu của sông chảy qua làng Cu Đê.

Ở vùng hạ nguồn của sông Cu Đê, nơi giáp với biển Nam Ô vào đầu hè (khoảng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch) thường xuất hiện một loại thủy sinh kỳ lạ. Người dân bản địa gọi đó là “bún mẹ” và trứng của chúng được gọi là “bún sông” bởi có hình sợi giống như bún gạo nhưng kích thước bé hơn, có màu xanh nhạt hoặc màu vàng. “Bún mẹ” có hình dáng xù xì, thân mềm, với nhiều đốn xanh nổi bật trên lưng. Xung quanh thân “bún mẹ” có nhiều chân màu cam vàng và thường tiết ra chất dịch màu đen tím để bảo vệ bản thân khi gặp nguy hiểm. Vào mùa sinh sản, “bún mẹ” sẽ đẻ ra nhiều dây trứng trong đêm tối với số lượng lớn. Những dây trứng này được cuộn tròn lại như lọn bún cỡ bằng một bàn tay và có màu xanh nhạt.

“Bún sông” được người dân nơi đây ví như sản vật trời ban vì có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn với hương vị độc lạ.
Trước đây, người dân dọc sông Cu Đê đã biết đến “bún sông” nhưng họ rất ít ăn vì mất thời gian khai thác, với cả thời ấy tôm cá dưới sông nhiều. Nếu có ăn mọi người cũng chỉ vớt lượng vừa phải, đủ dùng trong một bữa.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, “bún sông” dân dã bỗng trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cu Đê nói riêng và Đà Nẵng nói chung, được người dân và cả thực khách gần xa biết đến, yêu thích.
Cách khai thác “bún sông” Đà Nẵng
Để khai thác bún sông, người dân địa phương thường canh lúc chiều muộn mới đem lưới ra thả dọc bờ sông để bẫy “bún mẹ” vào đẻ trứng. Phương pháp khai thác này khá hiệu quả vì chúng thường sinh sản ở những chỗ có nhiều vật cản.

Ngoài cách khai thác trên, những người có thể lực tốt hơn thường sẽ đeo thiết bị lặn, lặn xuống độ sâu khoảng 5m ở khu vực giữa sông để mò bắt “bún sông” bằng tay. Với cách này bún sông sẽ không bị đứt đoạn, giữ được độ tươi giòn, khi đem bán cũng được giá cao hơn.
Trung bình mỗi lần lặn, ngư dân sẽ bắt được khoảng 1-2kg “bún sông”. Nếu bắt được “bún mẹ” họ sẽ thu trứng rồi thả chúng về lại sông.
Theo người dân nơi đây thì “bún sông” chỉ phát triển trong môi trường nước chảy, trong và sạch. Năm nào “bún sông” vào mùa sinh sản mà gặp trời mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm thì năm đó chúng biến mất, không thu hoạch được gì.
Cách bảo quản và chế biến “bún sông” Đà Nẵng
“Bún sông” khi mới sinh sản sẽ có màu xanh nhạt, ăn vào sẽ rất giòn, mát, mang hương vị ngọt thanh. Còn nếu ngả sang màu vàng thì “bún sông” đã sinh sản được một thời gian, không còn giữ được hương vị đặc trưng, độc đáo ban đầu nữa.
Để bảo quản “bún sông” giữ được độ tươi ngon vốn có, sau khi khai thác người dân sẽ rửa sạch lại bằng nước biển để loại bỏ phần rong tảo, bùn đất bám dính. Sau đó, lại đem rửa lại bằng nước ngọt và ngâm vào phần nước muối đã chuẩn bị sẵn.

“Bún sông” có thể chế biến thành một số món tương tự như bún, bánh canh hoặc cuốn gỏi, xào… nhưng được ưa chuộng hơn cả vẫn là trộn gỏi. Để làm gỏi “bún sông” người ta phải chọn loại bún còn non, màu xanh nhạt đem về sơ chế nhiều lần với nước sạch và chần qua nước sôi khoảng 1 phút đê rloaij bỏ mùi tanh.
Tùy vào khẩu vị của từng ngoài mà người ta sẽ đem trộn “bún sông” với nước mắm tỏi ớt kèm các nguyên liệu khác như tôm đất, thịt ba chỉ, thơm, dưa leo thái lát mỏng, cà rốt thái sợ, rau thơm, lạc,… Để món trộn được ngon, giữ được độ giòn đặc trưng của “bún sông” thì các nguyên liệu phải được để nguội rồi mới bỏ vào trộn cùng.

Khi ăn “bún sông” có hương vị rất lạ miệng, khác hẳn với các loại rong nho, tảo biển thường thấy. Món ăn này có vị ngọt nhẹ, thanh mát, khi nhai sẽ thấy giòn sần sật giống như rau câu.
Vào mùa hè món “bún sông” được rất nhiều người yêu thích nhờ công dụng giải nhiệt.
“Bún sông” có đắt không?
Vào mùa, “bún sông” thường được bày bán ở ngoài chợ Nam Ô (Đà Nẵng) hoặc trên chợ mạng. Những người quanh vùng muốn ăn có thể đến mua trực tiếp tại chợ, còn những ai ở xa thì có thể đặt qua mạng để người bán ship tới nhà.

Khi vào mùa giá “bún sông” thường giao động từ 50.000 – 120.000 đồng/kg.
Món ăn độc đáo này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng sông nước Đà Nẵng.
Xem thêm: Độc lạ món nhộng sâu muồng – “tôm rừng” nức tiếng của Tây Nguyên
Tin liên quan
Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi vừa hoang sơ, vừa trong lành, không ồn ào như những điểm du lịch nổi tiếng, thì Hòn Khô Quy Nhơn chính là thiên đường dành cho bạn!
Gia đình mình dự định lái xe tự túc từ Hà Nội đi Đà Nẵng vào dịp 30/4 - 1/5. Đây là lần đầu đi nên rất mong nhận được ý kiến tư vấn về lịch trình, ăn uống và lái xe.
Mình đang tính đặt phòng ở bãi biển Mân Thái mà thấy vắng người quá, mọi người có ai ở đây rồi thì cho mình xin ít review với ạ!
Bài mới

Có thể bạn chưa biết, khách sạn 124 tuổi - Metropole Hà Nội chính là nơi ra đời món cà phê trứng biểu tượng của Việt Nam. Cho đến bây giờ, khách sạn này vẫn giữ được nguyên công thức pha chế từ năm 1946.