Độc lạ món nhộng sâu muồng – “tôm rừng” nức tiếng của Tây Nguyên
Nhộng sâu muồng là đặc sản nức tiếng ở Tây Nguyên, vị béo ngậy, giòn giòn nhưng khiến không ít thực khách sợ “xanh mắt”, rùng mình trong lần đầu nhìn thấy.
Mục lục
Nhộng sâu muồng là gì?
Nhắc đến vùng đất Tây Nguyên, người ta không chỉ nghĩ tới vùng đất đỏ bazan hùng vĩ với cây cối xanh mát, bạt ngàn, mà nơi đây còn là “cái nôi” của những món ăn ngon, những đặc sản độc lạ. Trong số đó phải kể đến món nhộng sâu muồng, được ví như “tôm rừng” của cao nguyên.
Nhộng sâu muồng là một dạng tiến hóa của loài sâu trên cây muồng, một loại cây thường được người dân trồng để lấy bóng mát và trồng đan xen giữa rẫy cà phê để dùng làm trụ cho cây tiêu bám vào.

Vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, khoảng thời gian Tây Nguyên bước vào đợt nắng nóng cũng là lúc hàng ngàn con bướm vàng bay rợp những cánh rừng muồng để đẻ trứng. Và chỉ vài ngày sau đó, chúng nở thành những sâu con bám vào dưới những tán lá. Những cây muồng cành lá xum xuê là nguồn thức ăn khoái khẩu của loài sâu này.
Sâu muồng có thân màu vàng xanh, thoạt nhìn rất giống sâu đo, chúng di chuyển bằng cách cong thân mình lại và bắn về phía trước. Nhưng loài sâu này lại rất lành tính, không gây ngứa hay khó chịu khi chạm vào.

Đối với những người nơi khác đến, chứng kiến cảnh cả khu vườn rộng lớn, đâu đâu cũng đầy sâu sẽ rất hoảng sợ. Nhưng với người dân làm nương rẫy ở Tây Nguyên thì cảnh tượng này chẳng còn xa lạ gì. Bởi loại sâu này ngoài việc ăn trụi lá thì chẳng gây hại gì, thậm chí chúng còn đem lại giá trị kinh tế và là món ăn ngon, khoái khẩu với nhiều người.
Tới mùa sâu, bà con Tây Nguyên lại hò nhau đi bắt sâu muồng. Chỉ cần rảo bước quanh những gốc muồng là có thể thu hoạch về những bao sâu to đầy sụ. Có một điểm đặc biệt là chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là loại sâu này cũng không còn. Nên vừa bước vào mùa, bà con địa phương sẽ tranh thủ đi bắt để bán và chế biến thành những món ăn ngon cho thỏa cơn thèm. Bởi một khi qua mùa, muốn ăn lại thì phải chờ đến tháng 3, tháng 4 năm sau.
Cách chế biến món nhộng sâu muồng
Sâu muồng sau khi bắt về bà con sẽ không chế biến ngay mà để sâu khoảng 4-6 giờ để chúng tự tiêu hóa và làm sạch ruột. Tiếp đến sẽ đem sâu đi rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi rồi vớt qua, tẩm ướp gia vị hoặc chế biến tùy thích.
Nhộng sâu muồng có thể nấu thành món luộc chấm muối tiêu hoặc nướng, xào nhưng ngon nhất và được bà con nơi đây yêu thích nhất vẫn là món sâu muồng rang mỡ.


Sau khi sơ chế sạch sâu muồng sẽ cho chảo lên bếp, để chảo nóng già, phi thơm hành tỏi cùng với mỡ rồi bỏ tất cả nhộng sâu muồng vào. Đảo thật đều tay để nhộng không bị dập nát. Tiếp đến nêm nếm thêm một ít muối, đường, nước mắm cho vừa ăn. Để tăng thêm phần thơm ngon cho món ăn một số nơi còn bỏ thêm ớt và lá chanh thái nhỏ vào. Còn người Ê Đê thì thường chọn cách xào không để giữ lại hương vị ngọt béo đặc trưng của loài sâu này.
Sau khi rang xong nhộng sâu muồng sẽ có màu vàng ươm, vỏ ngoài giòn tan, khi ăn vào sẽ có vị béo bùi đặc trưng, khá giống với nhộng tằm nhưng thơm hơn và không bị ngấy.
Món nhộng sâu muồng có tác dụng gì?
Theo bà con Ê Đê truyền tai nhau thì món nhộng sâu muồng độc lạ này không chỉ ngon, cải thiện bữa ăn vào những ngày trời nắng nóng mà còn là phương thuốc dân gian ngăn ngừa bệnh sốt rét. Không chỉ vậy, đối với phái nam, món ăn này còn có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực hiệu quả.
Nhộng sâu muồng có đắt không?
Món nhộng sâu muồng không chỉ là món ăn dân dã của người đồng bào Ê Đê mà hiện nay nó đã trở thành đặc sản của vùng đất đỏ bazan, niềm tự hào của người dân Tây Nguyên, được rất nhiều thực khách yêu thích, săn đón.

Cũng bởi vì thế mà nhộng sâu muồng có giá thành khá cao. Theo tiết lộ của người dân nơi đây, vào đầu và cuối vụ sâu muồng, loại đặc sản này sẽ có giá cao hơn thời điểm vào mùa, khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg. Khi vận chuyển tới các tỉnh miền xuôi hay xa hơn, giá thành có thể tăng đến 350.000 – 400.000 đồng/kg.
Những lưu ý khi ăn nhộng sâu muồng
Dù nhộng sâu muồng là món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng với nhiều người nhưng không nên ăn quá nhiều, hàm lượng dinh dưỡng có trong nhộng sẽ khiến cơ thể khó hấp thụ hết, gây ra dư thừa. Đặc biệt những người bị bệnh gout tuyệt đối không nên ăn vì loại thực phẩm này rất nhiều chất đạm.

Ngoài ra, những người có cơ địa dị ứng, đã từng bị dị ứng nhộng sâu muồng hay lần đầu ăn thì phải chú ý cân nhắc thật kỹ. Chỉ ăn ăn thăm dò một ít trước để xem phản ứng.
Xem thêm: Phải lòng ẩm thực Tam Kỳ - Khiêm nhường mà đầy bản sắc
Tin liên quan
Rau sắn muối chua của Phú Thọ không chỉ "lên đời" trở thành đặc sản mà còn xuất hiện trong hệ thống siêu thị ở thành phố lớn và các sàn thương mại điện tử.
Trong Lễ hội Nón Lá 2025 diễn ra tại Ninh Bình và Hà Nam từ ngày 30/4 đến 3/5 du khách sẽ được chiêm ngưỡng màn trình diễn cổ phục quy mô lớn, show thực cảnh Hoa Lư Vũ Họa và diễu hành kỵ binh lần đầu tiên.
Bún cua thối là một trong những món đặc sản nổi tiếng của phố núi Gia Lai với phần nước dùng màu đen, “bốc mùi” thum thủm… khiến nhiều người e ngại trong lần đầu thưởng thức. Nhưng một khi đã ăn thì chỉ có mê mẩn quên lối về!
Bài mới

Có thể bạn chưa biết, khách sạn 124 tuổi - Metropole Hà Nội chính là nơi ra đời món cà phê trứng biểu tượng của Việt Nam. Cho đến bây giờ, khách sạn này vẫn giữ được nguyên công thức pha chế từ năm 1946.