Thơm thảo món chè kho ngày Tết của người Hà Nội xưa
Miếng chè kho thơm ngọt nhâm nhi cùng chén trà sen chan chát, dẫu dân dã nhưng từ trăm năm nay đã trở thành thức quà không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nội.
Mục lục
Nguồn gốc món chè kho ngày Tết
Chè kho là món ăn thân thuộc không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng. Với món ăn này, người Hà Nội xưa thường dùng để cúng Phật và gia tiên. Đây cũng là thứ thức quà ngon, dân dã để mời khách quý ghé nhà trong dịp Tết.
Chè kho ngày Tết được làm từ hai nguyên liệu chính rất dễ tìm là đậu xanh và đường. Tuy nhiên để cho ra một nồi chè kho ngon, chuẩn vị thì người nấu phải rất kỳ công, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Quay ngược dòng thời gian, tìm về nguồn gốc của món chè kho ngày Tết, thì theo tương truyền vào thế kỷ thứ 6, tại làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi có Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân trong vùng tiếp tế lương khô cho quân lính của Lý Nam Đế, trong đó có món chè kho. Chè kho nấu xong có thể để được 10-15 ngày mà không bị ôi thiu, rất thích hợp để quân lính mang đi theo đánh trận dài.

Sau này nhân dân dựng miếu thờ Lý Nam Đế, vào ngày 24-27 tháng 5 âm lịch hằng năm và vào những dịp lễ Tết trong đền lúc nào cũng có món chè kho. Sau bữa tiệc đình, các vị bô lão, quan viên trong làng cũng ngồi thưởng thức món chè kho, sau đó còn mang về làm quà cho con cháu. Nhận được bát chè kho, nhiều người kính cẩn đặt lên bàn thờ gia tiên tận mấy tuần sau để lưu lại niềm vui.
Cứ như vậy, qua nhiều đời, món chè kho dân dã đã trở thành món ăn được yêu thích mỗi dịp lễ Tết. Ngoài hương vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt, món chè kho ngày Tết còn mang nhiều ý nghĩa tích cực như sự may mắn, sung túc cho một năm mới.
Cách làm chè kho ngày Tết chuẩn vị Hà Nội xưa
Để có được món chè kho ngày Tết thơm ngon, chuẩn vị thì phải dùng loại đỗ hạt tiêu, còn nguyên hạt, bé tí xíu, lòng xanh nhạt để nấu chứ không dùng loại đỗ mỡ hạt to, lòng vàng được bày bán nhiều ngoài chợ. Ngoài đỗ, người nấu còn phải chuẩn bị thêm các nguyên liệu khác là đường, vừng rang và thảo quả. Sở dĩ có nguyên liệu là thảo quả bởi trong sách nam có ghi lại thảo quả có vị cay, thiên về trừ hàn thấp, có thể dùng để trị đầy bụng. Đi với đỗ xanh có tính mát, thảo quả sẽ giúp cân bằng, nhất là trong thời tiết lạnh rét của miền Bắc.
Ngày nay nhiều người thường thay thảo quả bằng vani, hoặc thay đường kính bằng đường mật, nhưng để cho ra được món chè kho chuẩn vị xưa thì nấu theo lối cũ vẫn thơm và ngon hơn cả.

Đỗ xanh sau khi đem xay vỡ thì ngâm vào nước lạnh trong khoảng 6 tiếng. Đến khi vỏ đỗ long ra thì đem đi đã sạch. Việc đãi đỗ cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng, nhặt hết những hạt đỗ sâu, đen, vụn và đãi đến khi nước trong thì để ráo rồi đem đi đồ trong chõ cho chín. Giã nhuyễn đỗ đã đồ chín cho thật mịn rồi nắm lại thành từng nắm bằng quả bưởi nhỏ. Sau đó dùng dao sắc thái lát mỏng cho đỗ tơi ra, rồi lại đem đỗ đã thái ấy nắm lại. Lặp đi lặp lại vài ba bận thì phần đỗ mới mịn tơi.
Đường trắng đã chuẩn bị trước đó đem đi đánh tan với nước rồi đem đun sôi, để nguội. Đem nước đường này trộn vào phần đỗ đã giã nhuyễn rồi cho lên bếp dùng đũa cả khuấy thật đều tay, nhớ hạ lửa nhỏ dần. Trước đó, đem thảo quả đi đun với một ít nước rồi lọc lấy phần nước cho vào nồi chè kho đang nấu.
Để cho ra một nồi chè kho thơm ngon, khâu kho chè rất quan trọng, đòi hỏi người nấu phải công phu, kỹ lưỡng, quấy liên tục để nồi chè không bị cháy khét. Đỗ và đường khi quyện vào nhau rất nặng tay và dễ bén nồi.
Nồi chè kho đạt yêu cầu phải mịn mướt nhưng khô, không dính tay, có màu vàng đẹp và mùi thơm nhẹ. Chè sau khi nấu xong thì múc ra những chiếc đĩa nông lòng, dàn đèn rồi rắc phần vừng trắng rang thơm lên trên.
Cách ăn chè kho không bị ngấy
Chè kho ngày Tết là một món ăn ngon, nhưng nếu ăn không thì sẽ rất mau ngán vì thế người Hà Nội xưa sẽ vừa ăn chè, vừa nhâm nhi chén trà sen nóng. Vị ngọt của chè sẻ được vị chan chát của trà trung hòa lại.

Vào những ngày Tết thời tiết thường se sẽ lạnh, ăn một miếng chè kho, uống kèm một ngụm trà nóng, hơn ấm của chén trà lan tỏa, quẩn quanh khiến lòng người như lắng lại, cảm nhận rõ nét sự giao hoa chan hòa của đất trời vào xuân.
Xem thêm: Thịt đông miền Bắc - Ký ức về một mùa Tết xưa