Về nơi "đất gặp trời" tìm kiếm công thức tạo nên món cốn sủi trứ danh
Chỉ với 35.000 đồng, du khách có thể thưởng thức một bát cốn sủi nóng hổi - món đặc sản trứ danh mà nhất định phải thử khi đến du lịch Sa Pa.
Cốn sủi Sa Pa là món gì?
Khi đến du lịch Sa Pa, du khách thường được hướng dẫn viên hoặc người dân bản địa cho biết, cốn sủi là món ăn đặc sản của Sa Pa. Thực chất, cốn sủi (phở khan) là món ăn của người Hoa. Vì người dân hai bên biên giới (Việt Nam - Trung Quốc thường xuyên qua lại, giao thương) nên món ăn này dần dần được đưa về đất Việt. Khi có mặt tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, người chế biến đã có một chút thay đổi, biến tấu để phù hợp với vị giác của người Việt hơn. Lâu dần, cốn sủi trở thành món ăn đặc sản ở vùng đất biên giới, nhất là vùng đất du lịch Sa Pa.

Tại thành phố Lào Cai có nhiều chỗ bán cốn sủi, nhưng được đánh giá cao nhất về chất lượng có lẽ là quán ăn ở đường Ngô Quyền gần chợ Gốc Mít. Khách ăn sáng ở quán chủ yến là người dân địa phương. Lâu dần, tiếng lành đồn xa, đây là một trong những địa điểm ăn sáng mà khách du khách thập phương hay ghé tới khi đến du lịch thành phố Lào Cai.
Tại đất du lịch Sa Pa, cốn sủi được xếp hàng nhóm các món ăn đặc sản nhất định phải thử một lần. Ở trung tâm thị xã Sa Pa có một quán cốn sủi duy nhất nằm trên đường Điện Biên Phủ. Đó cũng là lý do vì sao món ăn này rất hấp dẫn du khách Sa Pa dù họ có phải chờ cả tiếng mới đến lượt thưởng thức.
Nước xốt - linh hồn tạo nên bát cốn sủi trứ danh
Một bát cốn sủi thành phẩm được tạo nên từ nhiều nguyên liệu như: sợi phở, thịt xá xíu thái chỉ, trứng gà, sợi mì giòn, rau húng, lá hành cùng nước sốt sền sệt. Theo anh Nguyễn Đức Kiên - chủ quán cốn sủi ở Sa Pa chia sẻ: "Tôi mất gần nửa năm để theo học người thầy người Hoa - chủ quán cốn sủi ông Hà ở Lào Cai. Hầu hết các thành phần trong món ăn tôi đều phải tự tay thực hiện và thời gian chuẩn bị lên đến 10 - 12 tiếng/ngày".
Cũng theo anh Kiên, mùa lễ Tết, ngày cao điểm, cửa hàng bán từ 500 - 600 bát cốn sủi, ngày bình thường bán dao động từ 200 - 250 bát/ngày. Có nhiều khi khách chờ bằng được để ăn cốn sủi nhưng cũng có khi quán hết sạch nguyên liệu nên đành hẹn khách hôm sau quay lại.

Sợi phở là nguyên liệu chính của bát cốn sủi. Nó được anh Kiên đặt mua về rồi cắt bằng tay. Theo anh Kiên, phở lá mới có đủ độ dai, khi ngâm trong nước sốt sẽ thấm gia vị hơn. Người ăn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự khác biệt của sợi phở trong cốn sủi và sợi phở thông thường.
Sợi phở là nguyên liệu chính nhưng linh hồn của bát cốn sủi lại nằm ở nước xốt. Nước xốt là khâu mất nhiều thời gian chuẩn bị nhất. Mỗi nồi nước xốt được ninh trong 10 - 12 tiếng với 12 loại gia vị khác nhau. Trong thời gian này, anh Kiên thường xuyên phải canh để nồi nước xốt trong, thơm, đạt được độ sệt như ý.

Nguyên liệu tiếp theo của món cốn sủi là thịt xá xíu. Thịt này được ướp gia vị trong 45 phút. Màu đỏ của thịt là màu của gấc tươi nên đượm màu và thơm. Sau khi ướp, thịt được đem om trên chảo khoảng 1 tiếng cho chín đều, thấm gia vị rồi tiếp tục được chiên với dầu ăn cho giòn. Riêng công đoạn làm thịt xá xíu mất khoảng 3 giờ đồng hồ.

Bát cốn sủi trở nên đặc biệt và lạ miệng hơn là nhờ nguyên liệu mì giòn. Mì giòn được gia đình anh Kiên tự làm hằng ngày bằng bột mì (trộn thêm với đường, bột canh). Sau khi cán mỏng thì được kéo thành sợi. Sợi mì được chiên qua dầu nóng cho vàng ruộm, giòn tan, vừa ăn. Mỗi mẻ mì giòn được làm trong khoảng 1 đến 1,5 giờ.
Gợi ý cách làm món cốn sủi chuẩn vị Sa Pa
Mặc dù cốn sủi là món ăn trứ danh của Sa Pa nhưng nếu du khách muốn làm tại nhà để ăn cùng gia đình thì có thể tham khảo cách làm cơ bản dưới đây:
Bước 1: Mua lá phở ở ngoài quán về, thái thành sợi vừa ăn theo sở thích của gia đình.
Bước 2: Làm nước xốt cốn sủi bằng cách ninh xương ống heo với các loại gia vị như thảo quả, hồi...
Bước 3: Làm sợi mì giòn bằng bột mì, sau đó chiên vàng, giòn như bim bim.

Bước 4: Làm thịt xá xíu bằng cách ướp thịt nạc vai với gia vị, cho lên bếp kìa cho chính đều. Cuối cùng cho lên chảo rán cho vàng đền và thái sợi.
Bước 5: Cho tất cả các nguyên liệu bên trên vào bát, thêm rau thơm như mùi, răm, hành tây, ớt tươi, tỏi phi...
Khi thưởng thức cốn sủi, thực khách có thể vắt thêm một chút nước cốt chanh, một ít lạc thơm giòn. Bát cốn sủi nóng hổi, lại thêm hương thơm nồng, cái ấm nóng từ các loại gia vị sẽ nhanh chóng đi vào từng giác quan khiến người ăn mê mẩn. Món cốn sủi rất hợp ăn vào buổi, nhất là ở thời tiết se se lạnh của Sa Pa.
Xem thêm: Cơm lam Sa Pa: Tinh túy của ẩm thực Tây Bắc
Đọc thêm
Cơm lam Sa Pa có cách nấu chỉ đơn giản là cho gạo vào ống nứa rừng với nước suối nguồn và chút muối tinh, vậy mà thành phẩm lại ngon đến lạ khiến người ta xao xuyến khi nghĩ về...
Du lịch tâm linh Sa Pa là những đền, chùa tựa vào thế núi, nép giữa non ngàn tạo nên khung cảnh linh thiêng, huyền bí...
Du lịch Sa Pa là cụm từ khóa được du khách trong nước và quốc tế tìm kiếm thường nhật. Bởi đây là một trong những vùng đất hiếm hoi của Việt Nam có thể đến du lịch tham quan, nghỉ dưỡng quanh năm.