5 món ăn nhất định phải thử khi đến Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2025
Đến Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngoài dâng hương, tham gia lễ hội, trải nghiệm văn hóa thì du khách đừng quên thưởng thức những đặc sản lạ miệng dưới đây nhé!
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn là món ăn đặc sản của người Mường tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Nguyên liệu chính để làm ra món này là thịt lợn Mán đem đi thái mỏng, ướp cùng thính rang được làm từ gạo nếp, đậu xanh rang chín đem xay nhỏ thành bột. Thịt lợn sau khi ướp xong sẽ được ủ trong uống nứa hoặc hộp kín từ 3 – 7 ngày để lên men tự nhiên.

Khi ăn thịt chua Thanh Sơn, thực khách sẽ cảm nhận rõ được vị chua thanh, thơm bùi đặc trưng. Bà con nơi đây thường ăn kèm thịt chua với lá sung, lá ổi và nước mắm tỏi ớt để tăng thêm hương vị thơm ngon của món ăn.
Cá lăng Việt Trì
Cá lăng là một trong những đặc sản nổi tiếng của thành phố Việt Trì. Loài cá này sinh sống nhiều ở sông Lô và sông Đà, nơi có nguồn nước sạch, mát mẻ quanh năm. Cá lăng Việt Trì được nhiều du khách ưa chuộng bởi phần thịt chắc, ngọt, ít xương và giàu dinh dưỡng.

Cá lăng được bà con nơi đây chế biến rất nhiều món ăn với hương vị hấp dẫn như nướng than hoa, nấu lẩu, om chuối đậu,… Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương này, ghé đến vùng đất Phú Thọ du khách đừng quên thưởng thức món ăn nổi tiếng này nhé!
Bánh tẻ mật
Bánh tẻ mật là đặc sản nổi tiếng của làng Đào Xá thuộc xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Bánh tẻ tại đây được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo tẻ và mật mía. Phần gạo tẻ được bà con đem đi nghiền mịn, kết hợp với mật mía đặc sánh, tạo nên vị ngọt thanh đặc trưng.

Tuy dân giã nhưng món bánh tẻ mật đã gắn liền với đời sống của người dân làng Đào Xá hàng trăm năm nay. Đây cũng là món ăn không được bà con dâng lên mâm cỗ thờ Thành hoàng làng trong lễ hội rước voi hằng năm.
Bánh tai
Bánh tai hay còn được gọi là bánh hòn, là một loại bánh được làm từ gạo tẻ trắng. Bên ngoài bánh có màu trắng đục, bên trong có phần nhân mặn được làm từ thịt nạc xay kết hợp với mỡ, hành khô và hạt tiêu. Khi ăn bà con thường chấm kèm với nước mắm chua ngọt để tăng thêm độ ngon.

Bánh tai không chỉ đơn thuần là món bánh truyền thống của người dân đất Tổ, mà còn thể hiện sự khéo léo của người làm và mang ý nghĩa cầu may mắn, đủ đầy.
Cơm nắm lá cọ
Cơm nắm lá cọ là một trong những đặc sản bạn không nên bỏ qua khi tới Phú Thọ trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Món ăn dân giã này có nguồn gốc lâu đời, xuất phát từ nhu cầu mang cơm ra đồng của những người nông dân xưa.

Cách làm món cơm nắm lá cọ khá đơn giản. Cơm sau khi nấu chín sẽ được bà con dùng khăn ướt nắm tròn, lăn kỹ cho nhuyễn mịn rồi đem chia thành những phần vừa ăn. Sau khi chia xong, phần cơm này sẽ được bọc vào lá cọ, buộc túm một đầu, lăn qua lăn lại để cơm chắc và bám vào lá. Khi ăn cơm sẽ được chấm cùng muối vừng hoặc thịt lợn rang khô. Tuy bình dị, nhưng món ăn này lại mang đượm hồn quê, khiến những người con đi xa nhớ mãi không quên.
Xem thêm: Top 5 quán phở gia truyền nức tiếng Hà Nội ăn là ghiền
Tin liên quan
Phú Thọ là vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam; là nơi tọa lạc của nhiều đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia như: Đình Đào Xá, Đình Do Nghĩa, đình Hùng Lô...
Bản Cỏi Phú Thọ là "viên ngọc thô" giữa thiên nhiên núi rừng hoang sơ của đất Tổ. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao Tiền với rất nhiều nét văn hóa độc đáo...
Hang Lạng là kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ và đầy bí ẩn ở vùng đất Tổ. Càng đi vào sâu, du khách như lạc vào một thế giới đầy huyền bí và lạ lùng...