Kẻ lãng du “hồi sinh” giữa Du Già hoang vu dữ tợn
Giữa trong veo, tĩnh lặng và lạnh giá của Du Già Hà Giang, những kẻ lãng du thấy cơ thể mình được hồi sinh. Không còn nỗi sợ hãi về cơn lạnh nữa, chỉ còn một niềm khoái cảm được chìm đắm giữa núi rừng, suối thác nguyên sơ.
Trong tiềm thức của dân phượt, Du Già từng là một thách thức lớn nhất cho đối với những kẻ từng mê đất và trời Hà Giang, bởi mức độ hiểm trở, nguy hiểm khôn lường mà những cung đường Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Thượng Phùng không thể so đọ.
Trong giới phượt thủ giữa những năm 2000, tôi có quen một nhân vật, người mà sau khi chinh phục thành công cung đường Du Già Hà Giang liền lấy luôn tên địa danh này thành biệt danh cho mình. Chỉ cần nghe thấy tên Du Già, là dân phượt thủ đều “ngồi trật tự” lắng nghe.
Nói thế để độc giả biết rằng, từng có một Du Già Hà Giang hoang sơ, hiểm trở và đầy sức hấp dẫn, thách thức đến như thế! Bây giờ, đường xá ở Du Già đã tốt hơn xưa, tuy nhiên, người ta chỉ thích bon qua cung đường từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn sang Mèo Vạc bởi nhiều hoa thơm, bướm lượn mà bỏ qua “phía tối của mặt trăng” này.
Nhưng thế cũng may, nhờ đó mà tốc độ “hiện đại hóa, thương mại hóa, đại chúng hóa” của Du Già chậm hơn những nơi khác. Nhờ thế những kẻ phiêu lưu mê vẻ đẹp hoang sơ còn có chốn để mà ngao du trong những ngày đầu Xuân tuyệt sắc này.

Đường vào Du Già chỉ có 2 hướng. Một từ Bắc Mê sang, hai từ Mèo Vạc về. Khoảng hơn 20 năm trước, hễ đã quyết định đi hai cung đường này là phải chấp nhận cảnh đói khát, ngủ đường ngủ chợ, dắt xe hàng cây số vì hết xăng hoặc xe bị sự cố. Còn bây giờ, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều.
Nhưng dù sao, hai cung đường đều dữ dội bởi phải đi ngang lưng chừng trời, tuy nhiên, vẻ đẹp của cung Mèo Vạc qua Mậu Duệ đến Du Già lại diễm lệ và choáng ngợp hơn. Có khúc đường đơn thuần là đi từ đỉnh núi xuống chân núi, hoặc ngược lại theo đường xoáy trôn ốc.
Có đoạn lại thẳng băng nhưng lại chạy giữa hai vách núi dựng đứng, tỏa khí lạnh sởn da gà. Trước đây chỉ biết đường đi ngoằn ngoèo, gấp tay áo. Bây giờ, khi đã có “bản đồ vệ tinh” trên điện thoại thông minh, sẽ thấy mình đang đi trong bộ ruột của một con dê, từng lớp đường xếp lên nhau kỳ quái.
Rồi lại thấy núi như bát úp, chọc thủng trời xanh tạo nên thành lũy thiên nhiên ngăn cản những bước chân nhẹ dạ, thiếu tự tin. Ca ngợi sự hùng vĩ, tôn nghiêm của núi xứ Hà Giang là thừa nhưng không thể không thấy nhịp tim rung lên loạn xạ khi thấy núi non trùng điệp như thiên la địa võng ở Du Già Hà Giang.
Muôn vàn quái thạch kỳ sơn ẩn giấu trong mây rồi lại chợt cùng hiện ra dưới ánh nắng ấm áp của một ngày giữa Xuân. Bên này, một ngọn núi bị hớt một đường cong ngọt xớt, hình dáng như lưỡi rìu. Chỗ kia, một đỉnh núi khác đen sắc đá tai mèo tròn như cột chống trời.

Càng nhìn, càng thấy kính sợ ngọn núi mọc lên trên đất Du Già và những mãnh lực nghìn năm đã tạo ra thạch trận huyền bí, đầy đe dọa. Nơi đây, như thể mới vừa trải qua giai đoạn “Big Bang” chứ không phải đã được mưa bào, gió gọt kỹ càng đến mất “sơn dạng”.
Phủ đầy khắp nơi là một bầu không khí ấm nóng và vàng óng như mật ong. Kệ cho dưới xuôi đang mưa phùn mù mịt, độ ẩm bão hòa trong không khí đạt ngưỡng 100%, chốn này vẫn là một “thế ngoại đào nguyên” rực rỡ và tươi tắn nhất của mùa Xuân.
Rất khó để mô tả cảm giác sung sướng khi làn da mặt tê tê giần giật dưới cái nắng giữa trưa của miền sơn cước. Nơi này cao hơn mặt nước biển cả nghìn mét, không khí trong veo nên sức nắng của vầng thái dương tiếp xúc trực tiếp với da người, khiến ta nảy sinh ham muốn chìm đắm trong làn nước lạnh.
Cũng dễ hiểu tại sao, sắc da của những đứa trẻ nhìn thấy dọc đường đi cứ đỏ au và tràn đầy sinh lực. Chúng chẳng ngại gì tia cực tím hay những bệnh về da mà người dưới xuôi thường dọa nhau. Con người là thế, luôn biết cách phù hợp và thân thuộc với mảnh đất mà mình sống.
Nhìn những vệt nước lõng bõng nhỏ xuống từ quần áo một đám nhóc tì người H’Mông vừa rẽ ra từ đường mòn, chúng tôi dũng cảm ngoặt tay lái vào con đường lạ đó, để kiếm chỗ ngâm mình. Chợt thấy con đường biến mất, không gian yên tĩnh vang lên tiếng rào rào của một con thác.
Xuống xe, lần bước trên đường mòn, chợt thấy một thạch đạo hiện ra. Một con đường gập ghềnh đá xanh, chất đá trơ trơ cả nghìn năm tuổi chứ chẳng chơi. Đá ở đó thật kỳ lạ, chúng như chiếc bánh nghìn lớp, với các thớ đá bị chẻ ngang phiến bởi dao mưa, kiếm gió tạo một cảm giác sắc lạnh khôn cùng.
Nhưng các lớp đá vẫn lì lợm nằm đây bất chấp nước chảy, mưa xói bào mòn. Rồi như những phiến đá rộng như chiếc bàn lớn nhẵn thín nằm dọc đường thủy hành. Chúng dẫn bàn chân đến một vũng nước xanh màu ngọc phỉ thúy, trong veo, nhìn thấu lớp đá ở dưới đáy.
Từ độ cao 5 mét, một dòng thác trắng xóa như bạch long nhẹ nhàng trườn qua 5 bậc đá để tiếp nước cho mảnh kính hồ, và con suối dẫn xuống hạ lưu. Nắng ấm chan hòa càng khiến cho màu trắng của thác thêm lóng lánh, cho màu xanh của hồ nhỏ thêm biêng biếc.
Bất chấp cái lạnh của gió Xuân vẫn đang vi vút và dòng nước từ rừng sâu chảy về, những vết cắn nhiệt độ bứt rứt trên da thịt đã thôi thúc chúng tôi trút mảnh áo quần, bước xuống dầm mình trong khối trong veo đó để thanh tẩy tâm hồn. Tiếng thác dường như biến mất khi tâm trí và thể xác hoàn toàn nhập thể, chỉ còn một niềm khoái cảm như bậc Du Già (Yoga) giữa rừng núi Du Già.
Giữa trong veo, tĩnh lặng và lạnh giá, những kẻ lãng du thấy cơ thể mình được hồi sinh. Không còn nỗi sợ hãi về cơn lạnh nữa, chỉ còn một niềm khoái cảm được chìm đắm giữa núi rừng, suối thác nguyên sơ. Mùa Xuân mới qua non nửa mà thôi!
Tác giả An Lê
Xem thêm: Thanh xuân sống ở Việt nam là điều tôi tự hào nhất trong đời mình…
Tin liên quan
Lễ hội chợ tình Khâu Vai tồn tại hơn 100 năm nay như một bản tình ca từ xa xưa vọng về, nơi ấy chất chứa cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt của những mối tình dang dở. Nếu có dịp ghé đến Hà Giang vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch thì đừng bỏ qua phiên chợ đặc biệt này nhé!
Lễ hội Cấp sắc là một trong những lễ nghi độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao ở Hà Giang. Đây được xem là lễ trưởng thành của những nam nhân trong bản làng, người đã qua cấp sắc sẽ được tham gia vào các việc hệ trọng của gia đình và cộng đồng.
Dinh thự Vua Mèo hay còn còn gọi là Dinh thự họ Vương là công trình cổ được xây dựng từ thế kỷ 19. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với nét kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện huyền bí.