Khám phá lễ hội Cấp sắc độc đáo của người Dao ở Hà Giang
Lễ hội Cấp sắc là một trong những lễ nghi độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao ở Hà Giang. Đây được xem là lễ trưởng thành của những nam nhân trong bản làng, người đã qua cấp sắc sẽ được tham gia vào các việc hệ trọng của gia đình và cộng đồng.
Mục lục
Lễ hội Cấp sắc của người Dao là gì?
Lễ hội Cấp sắc hay còn được gọi là lễ phong sắc, lễ tự cải, tiếng Dao gọi là “Đào cải” là một trong những buổi lễ quan trọng nhất của cuộc đời người đàn ông dân tộc Dao. Bất kể người con trai nào cũng phải có buổi lễ này mới được tổ tiên và cộng đồng người Dao công nhận là người trưởng thành và được tham gia và các công việc quan trọng của dòng họ, cộng đồng và còn được giúp việc cho thầy cúng hoặc đứng ra cúng bái.
Người Dao quan niệm rằng, nếu đàn ông chưa trải qua lễ hội Cấp sắc thì dù có lớn tuổi đi chăng nữa vẫn bị xem là trẻ con vì chưa từng được thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm.

Năm 2012, nghi lễ Cấp sắc của người Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay nghi lễ này vẫn được cộng đồng người Dao tại đây duy trì tổ chức.
Lễ hội Cấp sắc của người Dao Hà Giang được tổ chức khi nào và ở đâu?
Lễ hội Cấp sắc của người Dao ở Hà Giang thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng giêng hàng năm tại thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ.
Ngày xưa, buổi lễ Cấp sắc được sẽ tổ chức trong 3 ngày liên tiếp. Nhưng ngày nay, nghi lễ đã được rút ngắn lại thành 2 ngày 1 đêm hoặc ít hơn.
Nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của lễ hội Cấp sắc của người Dao
Nguồn gốc ra đời của lễ hội Cấp sắc
Theo truyền thống được bà con người Dao kể lại rằng: Ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đang sinh sống yên bình trên các dốc núi thì bỗng ma quỷ xuất hiện. Chúng phá hoại mùa màng, ăn thịt vật nuôi, giết hại dân làng khiến cuộc sống người Dao rơi vào thảm cảnh. Thấy vậy, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống nhân gian trừ hại cho dân, nhưng suốt 3 tháng trời mà không hết. Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ trong các gia đình, cấp cho họ một đạo sắc để cùng quân nhà trời tiêu diệt ma quỷ lộng hành.

Nhờ có sự hiệp lực, đồng tâm của trời và người trần mà ma quỷ được tiêu diệt. Kể từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng đã ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông làm chủ gia đình để họ có sức mạnh bảo vệ gia đình, bản làng. Lễ hội cấp sắc ra đời từ đó và được lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Ý nghĩa lễ hội Cấp sắc của người Dao
Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ là ngày lễ có ý nghĩa to lớn đối với mỗi người đàn ông trong cộng đồng. Không đơn thuần chỉ là dịp công nhận sự trưởng thành của người đàn ông trong gia đình, dòng tộc, lễ Cấp sắc còn thể hiện đạo lý làm người, hướng đến cái thiện và luôn ghi nhớ công ơn to lớn của tổ tiên, nhớ về nguồn cội, gốc lễ. Chính vì ý nghĩa đó mà kể từ khi mới sinh ra, những người đàn ông Dao đều mong muốn được tổ chức ngày lễ Cấp sắc, được cấp sắc và cấp sắc bậc cao.
Để có thể tham dự lễ cấp sắc, bản thân người đàn ông phải thể hiện cho người thân, gia đình, dòng họ và cộng đồng thấy sự được cố gắng của mình. Chính vì lẽ đó mà các bé trai người Dao từ 12-13 tuổi đã phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với gia đình, dòng họ và bản làng. Từ khi sinh ra, các bé trai này đã được dạy dỗ rất cẩn thận, chu đáo nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc.
Lễ hội Cấp sắc của người Dao tại Hà Giang có gì đặc sắc?
Những chuẩn bị trước khi diễn ra lễ hội Cấp sắc
Trước ngày diễn ra lễ hội Cấp sắc, gia đình có con sắp được cấp sắc sẽ phải đem lễ vật đến nhà thầy cúng và thỉnh thầy xem ngày lành tháng tốt. Sau đó, dòng họ sẽ họp bàn với nhau để chuẩn bị cho ngày trọng đại.
Mỗi người họ hàng của người thụ lễ phải mang theo rượu, tiền mừng đến buổi lễ Cấp sắc. Mọi người cũng sẽ phân công nhau đi mời những người dân trong thôn đến tham dự, nấu ăn, dọn dẹp, chuẩn bị y phục thầy cúng,…
Người thụ lễ cấp sắc cần phải kiêng cử những việc như hát hò, cãi nhau, nói tục, gần gũi với phụ nữ trong những ngày diễn ra buổi lễ.
Mỗi đợt tổ chức lễ hội Cấp sắc sẽ tổ chức cho tối đa 13 người từ độ tuổi 12 – 30, nếu ít hơn thì phải theo số lẻ. Mỗi một lễ cấp sắc phải có 6 - 7 thầy cúng làm các nhiệm vụ, nghi lễ lớn nhỏ khác như như lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc,….
Phần lễ trong lễ hội Cấp sắc của người Dao
Đến ngày diễn ra buổi lễ, các thầy cúng phải tẩy uế xong mới được đánh trống mời tổ tiên về dự lễ khai đàn. Nghi lễ này nhằm thông báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ cũng như xin phép được tổ chức lễ Cấp sắc và phù hộ độ trì cho gia đình của những đứa trẻ trưởng thành.
Các thầy cúng sẽ cúng ở bàn thờ tổ tiên của nhà thầy trước để xin sự bảo vệ và giúp đỡ. Trong lễ trình điện, gia chủ sẽ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Tiếp đến sẽ đến lễ hạ đền, người được cấp sắc sẽ ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ chặt cây tre ngang vai được đục lỗ, xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy cúng đốt đèn, đặt nến làm lễ.

Tại nơi diễn ra lễ Cấp sắc, những vị thầy cúng sẽ treo tranh của Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao. Trong phần lễ, các thầy cúng thực hiện rất nhiều bài cúng, múa và đọc thần chú, thể hiện pháp thuật theo phong tục của người Dao được chép trong các sách Cấp sắc. Người thụ lễ sẽ được cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, được cấp pháp danh và ghi tên âm để khi mất có thể về được với tổ tiên.
Lễ hội Cấp sắc của người Dao tại Hà Giang có nhiều bậc. Bậc đầu tiên sẽ được cấp 3 đèn vàng và 36 binh mã. Bậc thứ hai sẽ được cấp 7 đèn và 72 binh mã. Bậc cuối cùng người thụ lễ sẽ được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Sau khi được cấp sắc, người đàn ông sẽ có quyền được làm thầy cúng.
Ngày xưa, lễ cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới và khá tốn kém, dao động từ 7 đến 20 triệu. Tuy nhiên ngày nay nhiều bản người Dao tại Hà Giang đã cho phép anh em trong nhà hoặc họ hàng gần nhau có thể tổ chức lễ hội cấp sắc cùng một lúc, không kể lớn bé, già trẻ.
Phần hội trong lễ Cấp sắc
Sau khi hoàn thành hết các nghi lễ vào ban ngày, đến tối người dân trong thôn sẽ kéo đến kín rạp nhà gia chủ ăn uống, vui chơi đến tận sáng. Mọi người sẽ cùng nhau múa kiếm, gõ trống, ca hát tạo bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng.

Kết thúc nghi lễ các thầy cúng sẽ dâng rượu, lễ vật và nhảy múa 3 vòng ở ngoài sân để cảm tạ thần linh đã giúp đỡ tổ chức lễ cấp sắc thành công. Vào ngày tết Âm hằng năm, người được cấp sắc phải đến nhà của vị thầy cúng, mang theo giấy cúng, thịt lợn và một con gà đến tạ ơn hay còn gọi là lễ bái sư ngày Tết, nhằm thể hiện sự tín nghĩa, trước sau như một trong văn hóa cộng đồng của người Dao.
Với ý nghĩa giáo dục to lớn, lễ hội Cấp sắc chính là một bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Những thanh niên được làm lễ cấp sắc sẽ phải thực hiện lời thề trở thành một công dân tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình.
Xem thêm: Độc đáo lễ hội Chợ tình Khâu Vai Hà Giang – Bản vọng tình yêu nơi cao nguyên đá
Tin liên quan
Lễ hội cầu an bản mường hay còn gọi là Xên bản Xên mường là nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào người Thái. Nghi thức tâm linh này không chỉ mang đậm tính nhân văn mà còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống an lành.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai tồn tại hơn 100 năm nay như một bản tình ca từ xa xưa vọng về, nơi ấy chất chứa cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt của những mối tình dang dở. Nếu có dịp ghé đến Hà Giang vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch thì đừng bỏ qua phiên chợ đặc biệt này nhé!
Lễ hội Hoa ban được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm ở Điện Biên. Đây là dịp để tôn vinh vẻ đẹp cũng như giá trị của loài hoa này trong đời sống văn hóa của người Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc tại Tây Bắc nói chung.