Xên bản, Xên mường – Lễ hội cầu an đặc sắc của đồng bào Thái tại Mường Lò, Yên Bái
Lễ hội cầu an bản mường hay còn gọi là Xên bản Xên mường là nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào người Thái. Nghi thức tâm linh này không chỉ mang đậm tính nhân văn mà còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống an lành.
Mục lục
Lễ hội cầu an bản mường là gì?
Xên Bản Xên Mường hay còn gọi là lễ hội cầu an, đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng, được cộng đồng dân tộc Thái lưu giữ qua nhiều đời. Xên Bản Xên Mường có liên quan mật thiết đến đời sống tinh thần, vật chất, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng trong năm ấy nên được tổ chức rất trọng thể, thu hút rất đông sự tham gia cả đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).

Lễ hội này có ý nghĩa xướng báo các vị thần linh, thần nước, thần núi, thần rừng, thổ địa,… về hưởng thụ đồ lễ, bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã có công khai sáng ra bản mường. Đồng thời, lễ hội cầu an bản mường cũng là dịp để cầu xin đất trời, các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi nảy nở và gửi gắm những ước nguyện về cuộc sống bình yên.
Lễ hội cầu an bản mường được tổ chức khi nào và ở đâu?
Lễ hội cầu an bản mường thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng giêng đến đầu tháng 2 âm lịch, tùy từng năm. Vào khoảng thời gian này trời thường nắng ấm, lúa rẫy trên nương cũng đang độ xanh mơn mởn.

Lễ hội Xên Bản Xên Mường là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc như người Thái Mai Châu, Mộc Châu, Sơn La,… Mỗi một nơi lại chọn địa điểm, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau. Riêng đối với người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) thì việc tổ chức lễ hội cầu an bản mường thường diễn ra ở khu rừng cấm của mường, chọn nơi có gốc đa to nhất và xung quanh là mộ phần của những người đã khuất. Nhưng ngày nay, phong tục ấy đã được thay đổi, Xên Bản Xên Mường sẽ được tổ chức ở khu vực Chi nhánh bảo tàng Nghĩa Lộ, nơi có cây cột bằng gỗ được cắm sâu dưới lòng đất hay còn được gọi là cột “đắc mường”.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội cầu an bản mường của đồng bào Thái ở Mường Lò
Về nguồn gốc của Xên Bản Xên Mường thì mỗi vừng sẽ có những truyền thuyết khác nhau. Song đa phần những câu chuyện ấy đều có điểm tương đồng là cầu cho người dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo lịch sử dân tộc Thái ghi chép lại, lễ hội cầu an bản mường có thể bắt đầu từ thế kỷ thứ XIII. Lễ hội được tổ chức với mục đích thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị Pu Then, các thần linh thổ địa, Pú mường, Pú bản (những người đầu tiên xây dựng nên bản mường) và tổ tiên đã mang đến cho con cháu, dân làng cuộc sống ấm no, bình yên. Đồng thời, Xên Bản Xên Mường cũng là dịp cầu mong cho bàn con trong bản mường luôn khỏe mạnh, mùa màng được bội thu, ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội cầu an bản mường của đồng bào Thái ở Mường Lò có gì đặc sắc?
Phần lễ của lễ hội cầu an bản mường
Ở Mường Lò, ông mo Nghè – người chuyên trông coi thần quyền cho chủ Mường và Hội Phụ lão sẽ là những người đứng ra tổ chức Xên Bản Xên Mường. Trong phần nghi lễ phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc hay người đương chức để dùng làm vật tế lễ. Nhưng thời gian, chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái ở Mường Lò sẽ lấy áo của một vị lãnh đạo xã để làm vật tế. Lễ vật trong lễ hội cầu an bản mường là do người dân trong mường đóng góp.
Trong lễ cúng, ngoài các lễ vật cơ bản như vải thổ cẩm, vòng tay bạc, vòng cổ, các cuộc vải sải thì đặc biệt phải có thịt trâu. Trong lễ Xên Bản Xên Mường ở Mường Lò, bàn con thường mổ hai con trâu (1 con trâu đen và 1 con trâu trắng) để hiến sinh.

Khi làm lễ cúng, chủ mường sẽ mặc áo màu đen. Còn thầy mo sẽ mặc áo dài màu đỏ, cúc đồng, tay áo và cổ áo có viền vàng, xanh, đầu đội khăn dài màu đen. Lúc làm lễ, bên cạnh thầy mo sẽ có 2 người đứng canh gác, trên người đeo kiếm, tay cầm thanh đao gỗ. Các quan chức trong mường (các cấp lãnh đạo ở xã, phường) sẽ ngồi hai hàng để lắng nghe nội dung bài cúng tế.
Sau phần cúng tế, thầy mo sẽ mang 3 cây neo đi cắm ở 3 nơi giáp ranh với các mường. Việc làm này mang hàm ý “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vòng 3 ngày kể từ ngày làm lễ. Trong 3 ngày ấy nếu người ở mường khác đến chơi, đến vì có việc mà không được sự đồng ý của người trong mường thì sẽ bị phạt lợn, phạt rượu. Khi thầy mo cắm neo xong trở về, các chức sắc trong mường và bà con sẽ đến nhà chủ mường để làm tiệc ăn uống.
Phần lễ của lễ hội cầu an bản mường
Sau khi kết thúc phần nghi lễ, bà con đồng bào Thái trong mường sẽ cùng tham gia phần lễ hội. Lúc này, ông quàn (người lên lạc) sẽ đem trống, chiêng treo giữa một bãi đất rộng để đánh trống khai hội.
Phần hội của Xên Bản Xên Mường sẽ gồm các trò chơi dân gian tập thể như đua ngựa, tó mắc lẹ, tó tiếc, ném còn, bắn nỏ,… Bên cạnh những trò chơi, trong lễ hội cầu an bản mường còn có các môn thể thao mang đậm sắc Thái bản địa như kéo co lý mường, leo cây, đi cà kheo, chọi cù,…

Đến khi trời về chiều, người dân trong bản sẽ tổ chức xòe vòng, xòe đôi, xòe đơn. Mọi người sẽ cùng múa hát, đối đáp giao duyên vô cùng náo nhiệt.
Lễ hội cầu an bản mường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống văn hóa tâm linh của người Thái ở Mường Lò nói riêng và cộng đồng dân tộc Thái ở Tây Bắc nói chung. Nếu có dịp ghé thăm Yên Bái vào thời điểm này, bạn đừng bỏ qua cơ hội tham gia lễ Xên Bản Xên Mường đầy độc đáo này nhé!
Xem thêm: Lễ hội Hoa ban Điện Biên – Vẻ đẹp tinh khôi nơi núi rừng Tây Bắc
Tin liên quan
Lễ hội Hoa ban được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm ở Điện Biên. Đây là dịp để tôn vinh vẻ đẹp cũng như giá trị của loài hoa này trong đời sống văn hóa của người Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc tại Tây Bắc nói chung.
Lễ hội đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) là ngày lễ thiêng liêng của người Việt, là nơi kết tinh những giá trị quan trọng của dân tộc. Để có mùa lễ hội đền Hùng 2025 ý nghĩa, du khách đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Lễ hội chợ tình Khâu Vai tồn tại hơn 100 năm nay như một bản tình ca từ xa xưa vọng về, nơi ấy chất chứa cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt của những mối tình dang dở. Nếu có dịp ghé đến Hà Giang vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch thì đừng bỏ qua phiên chợ đặc biệt này nhé!