Lễ hội đền Hùng 2025: Thời gian, địa điểm, kinh nghiệm đi lễ từ A đến Z
Lễ hội đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) là ngày lễ thiêng liêng của người Việt, là nơi kết tinh những giá trị quan trọng của dân tộc. Để có mùa lễ hội đền Hùng 2025 ý nghĩa, du khách đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Mục lục
- Lễ hội đền Hùng là gì?
- Lễ hội đền Hùng 2025 diễn ra vào ngày bao nhiêu dương lịch?
- Rước kiệu - nghi thức quan trọng trong phần lễ của Lễ hội đền Hùng
- Phần hội - nơi hội tụ những hoạt động hấp dẫn của Lễ hội đền Hùng
- Một số kinh nghiệm hữu ích khi đi lễ đền Hùng dịp 10/3
- Một số lưu ý khi tham gia Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng là gì?
Lễ hội đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) là một lễ hội lớn của dân tộc nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biến ơn đến công lao dựng nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày 06/12/2012, Lễ hội Đền Hùng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Nhắc về Giỗ Tổ Hùng Vương, ca dao Việt Nam có đoạn:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"
Những câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, đền Hùng vẫn được xem là nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước, là biểu tượng của lòng tôn kính, sự linh nghiêm quy tụ và gắn bó của dân tộc Việt Nam.
Theo các bài thuyết minh về Lễ hội đền Hùng, tương truyền, Kinh Dương Vương sinh ra một người con trai đặt tên là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con.

Sau này, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Con trưởng là Hùng Vương được Lạc Long Quân phong làm vua, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. 18 đời vua Hùng đã có công dựng nước và xây dựng nền tảng cho đất nước Việt Nam.
Để ghi nhớ công khai thiên lập địa của các vua Hùng, vua Lê Thánh Tông và vua Lê Kính Tông đã đóng dấu kiềm để tại đền Hùng, chọn ngày 11 - 12 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày hội đền Hùng (ngày Giỗ Tổ Hùng Vương). Đến triều nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2, ngày 10/3 âm lịch được chọn làm ngày tưởng nhớ các vua Hùng và nhắc nhở về truyền thống biết ơn cội nguồn.
Sau cách mạng tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhất là đạo đức "uống nước nhớ nguồn", sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Lễ hội đền Hùng 2025 diễn ra vào ngày bao nhiêu dương lịch?
Lễ hội đền Hùng được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Hùng, đồng thời giáo dục thế hệ sau về truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Lễ hội đền Hùng thường được tổ chức từ ngày 1/3 đến ngày 10/3 âm lịch hằng năm, với ngày hội chính là ngày mùng 10/3.
Tính theo lịch dương năm 2025, Lễ hội đền Hùng năm nay sẽ diễn ra từ ngày 29/3/2025 đến ngày 7/4/2025. Địa điểm tổ chức chính là khu di tích đền Hùng, nơi có các đền thờ linh thiêng như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng.
Giống như những năm trước, lễ hội đền hùng 2025 vẫn tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Trong đó:
- Phần lễ gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 3/4 (tức ngày 6/3 năm Ất Tỵ); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong” ngày 7/4 (tức mùng 10/3 năm Ất Tỵ); Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh từ ngày 29/3 đến 2/4 (tức từ mùng 1 đến 5/3 năm Ất Tỵ).

- Phần hội là Tuần văn hóa - du lịch đất tổ với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần văn hóa - du lịch đất tổ năm 2025, chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương”.
Bên cạnh đó là chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao, tổ chức hội trại văn hóa và trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn hát xoan làng cổ; giải bơi chải Việt Trì mở rộng...
Tỉnh Phú Thọ cũng nhấn mạnh, việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - du lịch đất tổ năm 2025 nằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các vua Hùng và bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước. Qua đó, giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.
Đồng thời, sự kiện còn nhằm tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch gắn với phát triển du lịch; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá của nhân dân và du khách, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Rước kiệu - nghi thức quan trọng trong phần lễ của Lễ hội đền Hùng
Lễ rước kiệu là phần quan trọng trong Lễ hội đền Hùng, được tổ chức vô cùng trang nghiêm. Đoàn rước kiệu bắt đầu di chuyển từ cổng lớn, qua sân Trung tâm lễ hội, dừng chân tại cổng chính để thực hiện nghi lễ vọng lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh - nơi linh thiêng thờ tự các vị vua Hùng.
Tại đây, đội múa lân sư rồng cùng đội múa sư tử sẽ biểu diễn những tiết mục đặc sắc, phục vụ đồng bào và du khách. Sau đó, đoàn kiệu tiếp tục hành trình đi đến ngã 5 đền Giếng, dưới chân bức phù điêu Bác Hồ - nơi Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong (câu nói nổi tiếng: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"). Đội múa lân một lần nữa biểu diễn, kết thúc buổi rước kiệu.

Thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) là nơi có nhiều di tích gắn liền với thời đại Hùng Vương nên là nơi có sự chuẩn bị rất chu đáo cho lễ rước kiệu. Theo thông lệ hàng năm, có 7 đội rước kiệu từ các xã Hy Cương, Hùng Lô, Kim Đức, Chu Hóa và phường Vân Phú (thành phố Việt Trì); xã Tiên Kiên và thị trấn Hùng Lô - những địa điểm dưới chân Nghĩa Lĩnh - tham gia rước kiệu về đền Hùng.
Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo thứ tự trang nghiệm: Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp theo là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội; đội chiêng, trống; đội bát âm và múa sinh tiền; đội rước cờ thần; đội rước bát bửu tàn, lọng; kiệu bát cống; chủ tế và quan viên. Sau đó là lãnh đạo xã, phường, thị trấn, các cụ cao tuổi của địa phương mặc áo the, khăn xếp cùng nhân dân tham gia rước kiệu. Lễ vật dâng cúng bao gồm hương, hoa, quả, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương.
Phần hội - nơi hội tụ những hoạt động hấp dẫn của Lễ hội đền Hùng
Ở phần hội của Lễ hội đền Hùng, du khách thập phương và nhân dân sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động hấp dẫn:
- Chiêm ngưỡng các tác phẩm, ấn phẩm, tư liệu về Hùng Vương: Vào ngày 1/3 - 2/3 âm lịch, bạn có thể đến Bảo tàng, khu di tích lịch sử Đền Hùng để ngắm nhìn những tác phẩm, tư liệu liên quan đến Hùng Vương cũng như phong tục, tín ngưỡng thờ cúng của người dân.

- Thưởng thức những tiết mục biểu diễn văn hóa dân gian đặc sắc: Vào ngày 6/3 - 7/3 âm lịch, tại khu vực Đền Hùng sẽ tổ chức chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như: đánh trống đồng, hát xoan, đâm đuống, trình diễn múa rối nước,...
- Tham gia các hội thi thú vị mang đậm văn hóa cội nguồn: Những hội thi diễn ra vào ngày 8/3 - 9/3 âm lịch như hội thi nấu bánh chưng và giã bánh dày siêu thú vị, thi bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang,...
Một số kinh nghiệm hữu ích khi đi lễ đền Hùng dịp 10/3
Thời điểm đi lễ đền Hùng thích hợp nhất?
Đền Hùng mở cửa quanh năm để đón nhân dân về hành hương, chiêm bái, vãn cảnh. Tuy nhiên, dịp đón đông du khách nhất là vào Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3.
Du khách đến lễ vào dịp này cần chú ý lựa chọn đi sớm hơn một chút để tránh tình trạng đông đúc và chi phí dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao hơn ngày thường.
Di chuyển đến đền Hùng bằng phương tiện gì?
Đền Hùng nằm ở thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ nên việc di chuyển đến đền Hùng không quá khó khăn. Du khách chọn địa điểm xuất phát ở Hà Nội thì có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe khách, xe máy, ô tô con, tàu hỏa.

Nếu du khách đi xe riêng thì có thể lên đền Hùng theo 2 hướng:
- Hướng 1: Đi theo quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà tới cầu Phong Châu thì tiếp tục đi thẳng là đến đền Hùng.
- Hướng 2: Xuất phát theo quốc lộ 2, qua Vĩnh Phúc thì chạy xe đến cầu Việt Trì; đi qua trung tâm thành phố rẽ trái khoảng 10km nữa là đến đền Hùng.
Nếu du khách bắt xe khách thì có thể tìm xe ở bến xe Mỹ Đình, vé dao động từ 70.000 - 120.000 đồng, tùy loại xe.
Tham quan và dâng lễ đền Hùng có trả phí không?
Để vào dâng lễ và tham quan đền Hùng, du khách cần mua vé tham quan với chi phí như sau:
- Vé vào tham quan bảo tàng Hùng Vương: 15.000 VNĐ/người.
- Vé đi xe điện tham quan Đền Hùng: 50.000 VNĐ/người.
- Vé vào tham quan các ngôi đền trong khuôn viên Đền Hùng: 10.000 VNĐ/người.
Khu di tích đền Hùng có sẵn dịch vụ vận chuyển bằng xe điện từ các bãi xe đến cổng đền Hùng và các điểm tham quan khác trong quần thể. Du khách có thể lựa chọn để di chuyển nhanh chóng hơn.
Sắm lễ đền Hùng dịp Lễ hội Hùng Vương như thế nào chuẩn nhất?
Trước khi tề tựu về đền Hùng để dâng lễ tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng, người dân cần chuẩn bị mâm cúng đầy đủ với các lễ vật sau:
- Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng)
- Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng)
- Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.

- Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân.
- Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.
Bên cạnh đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau đều bao gồm: Xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).
Văn khấn và cách dâng hương ở Lễ hội đền Hùng như thế nào?
Văn khấn khi đi lễ đền Hùng
Nam mô a di đà Phật! (3 lần )
Kính lạy chín phương trời đất, Mười phương chư Phật, Thánh hiền. Lạy các Vua Hùng linh thiêng, gây dựng đất này Tiên tổ.
Con tên là…địa chỉ…Nhân ngày giỗ tổ con xin gởi đến đấng bề trên chút hương hoa lễ phẩm thể hiện lòng thành của gia đình con đến các Vua Hùng và các bậc tổ tiên.
Kính xin độ trì phù hộ, Mọi chuyện tốt lành bình an. Bách bệnh giảm trừ tiêu tan, điều lành mang đến vẹn toàn. Điều dữ mang đi, yên ổn. Đi đến nơi, về đến chốn, tai qua nạn khỏi tháng ngày. Cầu được ước thấy, gặp may.
Mọi điều hanh thông, thuận lợi. Con cái học hành tấn tới, ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha. Thi đỗ lớp gần, trường xa, mát mặt gia đình làng nước.
Tình duyên gặp người kiếp trước, Ý trung nhân xứng muôn phần. Tình xa duyên thắm như gần, suốt đời yêu thương nhất mực. Đi làm thăng quan tiến chức, buôn bán một vốn bốn lời. Hạnh phúc thanh thản một đời, Nam mô a di đà Phật!
Kính lạy cao xanh Trời đất, Lạy các Vua Hùng linh thiêng. Đức Thánh Trần cõi người hiền, muôn đời độ trì phù hộ!
Nam mô a di đà Phật! (cúi lạy 3 cái ).
Cách dâng lễ
Vật phẩm dâng lễ đền Hùng, người dân có thể chuẩn bị trước ở nhà hoặc đặt dịch vụ sắm lễ ở dưới chân đền. Song vào ngày chính hội chi phí dịch vụ thường đắt đỏ hơn. Việc dâng lễ cần thực hiện theo trình tự sau:
- Ðền Hạ: Người dân leo 225 bậc thang để đến đền Hạ và chùa Thiên Quang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, bên cạnh là nhà bia có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Đây là nơi đặt tấm bia khắc dòng chữ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

- Đền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá sẽ đến đền Trung. Tương truyền, đây là nơi các vua Hùng ngắm cảnh và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp Tết cổ truyền ở đây.
- Đền Thượng: Từ đền chung đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng. Đây là nơi các vua Hùng làm lễ tết trời đất, thần núi, thần lúa. Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề ở đền Thượng sẽ trông nom ngôi đền và gìn giữ cơ nghiệp vua Hùng.
Ngoài việc dâng lễ ở các đền trên, người dân thể dâng lễ ở đền Giếng, thăm lăng vua Hùng, Nhà Bia, đền tổ mẫu Âu Cơ.
Một số lưu ý khi tham gia Lễ hội đền Hùng
Khi tham gia Lễ hội đền Hùng, người dân và du khách phải tuyệt đối tuân thủ các nội quy, quy định về an ninh, trật tự, an toàn về người, tài sản, phòng chống cháy di tích, Khu rừng Quốc gia đền Hùng.
Giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, ăn mặc trang phục trong trọng, lịch sự, kín đáo; đi nhẹ, nói khẽ; ngả mũ, nón trước khi vào đền, chùa.
Thực hành nghi lễ tín ngưỡng theo nghi thức truyền thống và hướng dẫn của ông Từ, nhà sư, cán bộ Khu di tích, không tuyên truyền và hành nghề mê tín dị đoan. Thời gian làm lễ không quá 20 phút tại mỗi đền, chùa.
Đồng bào có lòng hảo tâm công đức xây dựng tu bổ đền Hùng thì thực hiện theo các hình thức: Ghi phiếu công đức, quét mã QR tại các quầy công đức hoặc thả tiền trong các két công đức tại các đền, chùa trong khu di tích.

Tiền đặt lễ, tiền giọt dầu đặt ở các đĩa trên ban thờ. Không cài, dắt, đặt tiền ở trên các tượng thờ, đồ thờ cúng; không thả tiền xuống giếng Ngọc, giếng Cổ (giếng Rồng) và các hồ cảnh quan trong Khu di tích.
Không hái hoa, bẻ cành, thắp hương dọc đường đi; không mang theo các hóa chất độc hại, chất nổ, chất gây cháy, không đốt lửa, vứt tàn thuốc trong khu vực rừng trong di tích; giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định.
Phương tiện vào khu di tích để đúng nơi quy định; giá dịch vụ trông giữ xe được niêm yết ở bãi giữ xe.
Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến các di tích lịch sử, Khu rừng Quốc gia Đền Hùng; các công trình, thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường... trong khu vực Đền Hùng.
Lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gây mất đoàn kết và truyền thống văn hóa của dân tộc; hoạt động mê tín, dị đoan; đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức...
Xem thêm: Cây vạn tuế 800 tuổi - Báu vật xanh ở khu di tích Đền Hùng
Tin liên quan
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định là lễ hội lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, thu hút rất nhiều du khách đến tham gia, cầu may mắn bình an và công danh tài lộc.
Bản Pa Phách không chỉ chiều lòng du khách với cảnh trí thiên nhiên đẹp như chốn tiên cảnh mà còn là điểm đến khám phá, nghỉ dưỡng lý tưởng trong những ngày xuân...
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra nhằm giáo dục nhân dân truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Nội.