Lễ hội đền Cổ Loa - tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra nhằm giáo dục nhân dân truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Nội.
Mục lục
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra vào ngày bao nhiêu tháng Giêng?
Đền Cổ Loa (đền An Dương Vương hoặc đền Thượng) tọa lạc ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thủ đô Hà Nội. Đền là nơi thờ tự vua An Dương Vương - người lập nên đất Âu Lạc - nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua An Dương Vương trị vì từ năm 257 đến năm 208 TCN. Còn theo Sử ký Tư Mã Thiên thì niên đại chính xác của vua An Dương Vương là từ năm 208 đến năm 179 TCN. Sau khi ông mất được lập đền thờ tại Thành Cổ Loa. Hiện nay, nơi thờ tự vua An Dương Vương là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại Thủ đô Hà Nội.
Đền Cổ Loa là nơi lưu giữ biết bao giá trị lịch sử từ thời vua An Dương Vương. Tương truyền, ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung. Sau đó 3 ngày là ngày 9 thì vua lên ngôi và mở hội khao toàn bộ lực lượng quân binh. Nhân dịp này, người dân cũng tổ chức lễ hội ăn mừng. Lễ hội đền Cổ Loa cũng xuất hiện từ đây và được nhân dân trong vùng gìn giữ cho đến tận bây giờ.
Hằng năm, cứ sau dịp tết cổ truyền của dân tộc, vào ngày mùng 6 tháng Giêng, nhân dân vùng Bát xã (Đài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép) cùng thờ cúng vua An Dương Vương sẽ tấp nập chuẩn bị lễ vật để tổ chức Lễ hội đền Cổ Loa. Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm ngày mùng 6 cho đến ngày 16 tháng Giêng.

Theo truyền thống, lễ hội đền Cổ Loa sẽ được tổ chức theo thứ tự như sau:
- Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày diễn ra chính thức của lễ hội, được tổ chức tại làng Cổ Loa và đền thượng với sự góp mặt của 7 làng còn lại: Sằn Giã, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Ngoại Sát, Thư Cưu, Văn Thượng.
- Ngày mùng 8 là lễ hội Văn Thượng
- Ngày mùng 9 lễ hội làng Ngoại Sát và làng Đài Bi
- Ngày mùng 10 lễ hội làng Mạch Tràng
- Ngày 11 lễ hội làng Cầu Cả
- Ngày 13 lễ hội làng Sằn Giã
- Ngày 16 lễ hội làng Thư Cưu.
Lễ hội đền Cổ Loa được lưu giữ và tổ chức hằng năm nhằm giáo dục nhân dân về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cũng như bảo tồn những hoạt động văn hóa di sản xưa. Lễ hội đền Cổ Loa là một trong những lễ hội lớn không nên bỏ lỡ trong hành trình du xuân, khám phá nét đẹp của Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Những hoạt động đặc sắc trong lễ hội đền Cổ Loa
Lễ hội đền Cổ Loa là hoạt động đặc sắc thu hút du khách đam mê tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của đất nước. Lễ hội đền Cổ Loa là sự kiện lớn đối với nhân dân 8 cụm làng quanh đền chính vì thế, công tác chuẩn bị được quan tâm đặc biệt.

Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, nhân dân trong vùng sẽ bầu người giữ "sạch cỏ - đỏ hương" tại đền Cổ Loa và am công chúa Mỵ Châu, còn được gọi là Quan Đám hoặc Thủ Từ. Vào khoảng đầu tháng Chạp hằng năm, hội đồng Bát Xã sẽ họp để phân công công việc, chuẩn bị tài chính dựa trên hương ước của làng, quy định của xã, tuyển chọn người rước kiệu, chuẩn bị đồ lễ và lên kế hoạch cho cả buổi lễ. Năm "Phong đăng hòa cốc" sẽ là một lễ hội rất lớn ở làng Cổ Loa.
Lễ hội đền Cổ Loa cũng giống như các lễ hội khác sẽ hai phần rõ rệt là phần lễ và phần hội:
Phần lễ trang nghiêm
Lễ rước kiệu vào đền Cổ Loa
Phần lễ bắt đầu từ sáng sớm ngày mùng 6 tháng Giêng. Tuy nói là lễ chính diễn ra vào mùng 6 nhưng thật ra, từ ngày 14 tháng Chạp, người dân đã chuẩn bị sửa sang, dọn dẹp đền thờ. Những người được chọn khiêng kiệu phải đã phải chay tịnh từ trước đó. Người hành lễ cũng phải giữ sự thanh khiết, bịt miệng bằng vải đỏ trong lúc phong bao áo cho thần.
Từ sáng sớm ngày mùng 6 tháng Giêng, một đoàn người mặc lễ phục cầm cờ quạt, tàn, lọng đình, dẫn đầu là chủ lễ mặc áo thụng xanh, đội mũ tế đến nhà ông diễn văn rước bản văn ra đền. 8 làng trong cụm "Bát Xã" đưa đám rước đến đầu làng Cổ Loa thì có người ra nghênh đón và đưa vào đền Cổ Loa.

Phía bên ngoài đền Cổ Loa đã được đặt sẵn ngựa hồng, ngựa bạch làm bằng gỗ đứng hầu hai bên. Dọc hai bên đường đi vào có cắm cờ quạt và các bộ vũ khí thờ cúng. Trước hương án có bày các loại vũ khí như cung, tên, kiếm, nỏ và trải một hàng chiếu để làm chỗ cúng vái thần. Cuộc tế được thực hiện trên nền nhạc phường bát âm. Sau khi thực hiện xong cuộc tế, người dân có thể lần lượt vào làm lễ.
Phần lễ rước thần
Dẫn đầu đoàn rước thần là người cầm cờ quạt đến long đình và các lộ lộ bát bửu. Ngay sau đó là phường bát âm và các quan đội mũ tế áo phụng trong tay bưng vũ khí của nhà vua. Tiếp đó là các chức sắc và trai đinh trong làng khiêng long đình có bài vị của vua. "Bát Xã" lần lượt rước kiệu của mình một cách thận trọng và chậm rãi. Đoàn rước được nối dài trong tiếng đàn sáo tưng bừng của lễ hội.

Đoàn rước thần di chuyển từ đền Cổ Loa vòng qua giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội đến đình Ngự Triều. Sau đó mỗi kiệu có 4 trai đinh cầm cờ đại vừa đi vừa múa. Tới ngã tư ở cửa điếm làng Cổ Loa, kiệu làng nào quay về làng ấy. Riêng kiệu của làng Cổ Loa thì quay lại đình Ngự Triều và làm lễ thần tiếp theo.
Phần lễ chính đến đây cơ bản là hoàn thành. Nhân dân sẽ chuyển qua phần hội.
Phần hội đặc sắc
Sau khi kết thúc phần lễ đầy trang nghiêm, nhân dân "Bát Xã" và du khách thập phương sẽ bước vào phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn:
Các hoạt động nghệ thuật trong lễ hội đền Cổ Loa
Trong lễ hội đền Cổ Loa có phần múa rối nước, hát quan họ ở giếng Ngọc giữa làng. Những người biết hát trong làng chia làm các phe nam, nữ đi trên thuyền rồng hát đối đáp qua lại. Các liền anh liền chị hát đối nhau và không cần nhạc. Du khách tham dự lễ hội đền Cổ Loa cũng có thể hòa chung không khí, thử biến mình thành liên anh hoặc liền chị.
Đến với lễ hội đền Cổ Loa, du khách còn được xem tuồng Mỵ Châu, Trọng Thủy. Vở tuồng này chắc hẳn không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam nhưng được diễn lại nhằm nhắc đến thế hệ sau về việc nâng cao cảnh giác để không lâm vào tình cảnh vừa đáng thương vừa đáng trách như Mỵ Châu.
Hòa mình vào các trò chơi dân gian
Đối với nhân dân "Bát Xã" việc tổ chức các trò chơi dân gian sẽ giúp họ có thêm nhiều hoạt động gắn kết, có thêm nhiều niềm vui trong dịp năm mới. Có rất nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội đền Cổ Loa nhưng được hưởng ứng nhiều nhất có lẽ là trò chơi cờ người, đấu vật và bắn nỏ.
Trò chơi cờ người mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thành phần tham gia gồm 16 nam và 16 nữ chia làm 2 đội để đấu với nhau. Trò chơi diễn ra trong không khí náo nhiệt của tiếng trống liên hồi và cờ lọng bay phấp phới.

Trò chơi đấu vật cũng tạo nên sự thích thú cho du khách và nhân dân trong vùng. Từ xưa nhân dân trong vùng chủ yếu làm nông và đòi hỏi sự cường tráng từ các đấng nam nhi, vì thế đấu vật ra đời như một môn thể thao. Đâu vật giúp thanh niên thêm cường tráng, có lòng dũng cảm để lao động, giữ làng, giữ nước. Đấu vật cứ thế dần trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Những đô vật lên sân khấu trong sự reo hò cổ vũ của mọi người cùng tiếng trống tiếng khua, họ cởi trần đóng khố và sau một hồi khua chân múa tay thì bắt đầu vật ngửa đối thủ để giành chiến thắng.
Trò chơi bắn nỏ được xem là điểm nhấn của lễ hội đền Cổ Loa. Nỏ là vũ khí gắn liền với sự tích thành Cổ Loa nên ai cũng muốn thử chinh phục nỏ thần. Nỏ tuy nhỏ nhưng lại rất khó bắt trúng mục tiêu vậy nên cần có sự tập luyện lâu dài mới có thể thành thục trong việc chinh phục nỏ thần.
Những ngày diễn ra lễ hội, đền Cổ Loa tấp nập du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu lịch sử và hòa mình trong các trò chơi dân gian. Đây là một trong những lễ hội nhất định không nên bỏ qua vào dịp đầu năm khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Xem thêm: Linh thiêng đền Cổ Loa - Nơi lưu giữ hai bảo vật quốc gia