Ngọt thơm hương vị chè con ong ngày Tết
Đĩa chè con ong nhỏ xinh, lấm tấm những hạt vừng, mang vị ngọt thanh của mật mía, quyện với vị thơm của nếp mới, vị cay cay của gừng già khiến ai ăn cũng gật gù tấm tắc.
Chè con ong là món gì?
Dù gọi là chè nhưng thực chất chè con ong lại giống với xôi hơn. Khi nấu xong, từng hạt nếp nở ra căng mọng, vàng óng, đượm vị ngọt tựa như những con ong nên mọi người mới đặt cho món ăn này cái tên dung dị, chân chất – chè con ong.
Nguồn gốc của món chè con ong
Chè con ong là món ăn không còn xa lạ với người miền Bắc, nhất là vào dịp lễ Tết. Món ăn này thường xuất hiện trên mâm cúng gia tiên, cúng giao thừa, mâm cỗ tất niên,… cùng với xôi gấc hoặc xôi vò.

Không ai biết chè con ong xuất hiện từ lúc nào, chỉ biết rằng xưa kia miền Bắc, trong những hội hè, đình đám ở làng, xôi chè sẽ được lên mâm trước xôi thịt. Thường là hai mâm thước bằng đồng chạm chân quỳ: một mâm xôi nếp cái hoa vàng, một mâm là chè con ong nấu thành mật ngọt. Sau khi cúng tế xôi chè sẽ được cắt thành từng miếng để chia phần cho từng giáp.
Cách nấu chè con ong chuẩn vị miền Bắc
Chè con ong muốn cho ngon, chuẩn vị thì phải lựa đúng gạo nếp cái hoa vàng để nấu, hạt gạo trắng tròn, thơm phức khi nấu xong sẽ cực kỳ dẻo thơm, căng mọng. Chè con ong thoạt nhìn qua mọi người sẽ tưởng cũng được đồ như nấu xôi vậy, nhưng kỳ thực không phải, cách nấu chè con ong cầu kỳ hơn nhiều.
Công đoạn chế biến bắt đầu từ việc đãi sạch phần gạo nếp đã chuẩn bị rồi đem ngâm từ 4- 6 tiếng cho “no nước”. Sau khi ngâm xong thì đem tráng rửa nhẹ rồi tãi ra rổ tre cho ráo nước, xóc chút muối hạt cho đậm vị. Đây cũng là bí quyết các bà các mẹ hay dùng để chè nấu ra được dẻo mềm, không bị bết dính.
Cho phần gạo nếp dàn đều khăn màn rồi đặt vào chõ, chọc vài lỗ to để thoát hơi nước rồi đồ trên lửa vừa. Thỉnh thoảng phải xới để hạt xôi chín đều, không bị sượng. Sau khoảng 40-45 phút là xôi chín, dỡ xôi ra mặt rồi cho vào thau nước lạnh xoa đều cho hạt xôi tơi ra. Đây là bí kíp giúp cho từng hạt nếp được tơi dẻo.

Chuẩn bị xôi xong thì tới phần mật mía. Để có món chè con ong chuẩn vị phải chọn loại mật mía hàng đầu, mật vàng, không cặn, không đen. Đun chút nước với gừng tươi, cho mật mía vào rồi trút phần xôi đã chuẩn bị vào, đảo liên tục trên lửa nhỏ vừa. Vị nếp thơm rất hợp với vị cay cay của gừng, làm cho món ăn dân dã thêm phần nồng ấm mỗi độ đông về. Đảo đến khi chè ráo nước, quyện lại thành khối là được. Đây là khâu quan trọng, thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo của người nấu. Chè con ong ngon, chuẩn là phải vừa ngấm đủ vị ngọt nhưng không được nát, khi ăn có độ dẻo thơm.
Chè nấu xong sẽ được đơm ra các đĩa sâu lòng, rắc lên trên một ít vừng rang cho đẹp mắt. Khi ăn sẽ cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác, nhâm nhi với chén trà nóng là chuẩn vị.
Đĩa chè nhỏ xinh, lấm tấm những hạt vừng, có vị ngọt của mật mía, vị dẻo thơm của nếp và pha tí cay cay của gừng. Ngày Tết nấu nồi chè con ong, cả nhà quây quần cùng thưởng thức, khoảnh khắc ấy dường như mọi đắng cay, khô ải trong đời đều trôi qua thật nhẹ. Chè con ong từ bao đời nay đã góp phần làm nên cái Tết thật ngọt ngào!
Xem thêm: Bún thang Hà Nội – Thức quà tinh tế, thanh tao của ẩm thực Hà thành