Tôi đã chinh phục ngọn núi cao 4.600 m trên dãy Himalaya như thế nào?
Không giống những chuyến leo núi ở Việt Nam, trekking đỉnh Pangarchulla trên dãy Himalaya là hành trình rất gian nan nhưng lại mang đến cho tôi đủ cung bậc cảm xúc.
Tôi là Trần Hồng Nhung, 26 tuổi, sống tại TP Hồ Chí Minh. Tôi đam mê xê dịch, nhất là những hành trình trải nghiệm ấn tượng. Tôi đặc biệt yêu thích hoạt động trekking và luôn ao ước một lần được đặt chân đến những ngọn núi tuyết hùng vĩ trên dãy Himalaya.
Sau thời gian dài chuẩn bị, tôi bắt đầu khám Himalaya huyền bí bằng hành trình 4 ngày 3 đêm chinh phục đèo Kuari (Kuari Pass) cao 3.870 m và đỉnh Pangarchulla (Pangarchulla Peak) cao 4.600 m thuộc bang Uttarakhand, nằm ở phía Bắc Ấn Độ.

Không giống những chuyến leo núi ở Việt Nam, trekking đỉnh Pangarchulla là chuyến đi bão táp, khó khăn, khắc nghiệt và cũng hạnh phúc nhất mà tôi từng chinh phục cho đến thời điểm hiện tại.
4 ngày không tắm và những phút giây khóc - cười
Tổng hành trình của tôi kéo dài 8 ngày. Trong đó, tôi dành một nửa thời gian di chuyển từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại. Tôi có 4N3Đ trekking với những kỷ niệm đáng nhớ.
Ngày 1 và 2, tôi dành phần lớn thời gian để di chuyển từ TP Hồ Chí Minh sang Ấn Độ, nghỉ ngơi, làm quen với độ cao và khí hậu ở thành phố Joshimath. Đối với người say xe như tôi, việc di chuyển gần 20 tiếng liên tục bằng xe 7 chỗ và 16 chỗ là cực hình. Hơn 500km đều là đường đèo, gặp nhiều đoạn quanh co tài xế đánh lái liên tục khiến bụng tôi nôn nao nhưng ý nghĩ về đỉnh núi mà mình sắp được đặt chân đến khiến tôi cố gắng chịu đựng.
Ngày thứ 3, cả đoàn rời khách sạn đến làng Tugasi cách đó 17km để bước vào hành trình trekking. Chào đón chúng tôi là những đồi cỏ xanh mát, điểm tô sắc hồng của những cây hoa đỗ quyền nở rộ tạo thành bức tranh thơ, xa xa là cánh rừng thông cao tít tắp. Ngày đầu tiên trekking chặng đường khá đơn giản với đoạn đường mòn gồ ghề sỏi đá.

Càng lên cao, tuyết xuất hiện càng nhiều. Nhìn thấy những cụm tuyết lấp ló trên mặt đường, nơi những cành cây khiến tôi thét lên vì khung cảnh tuyết quá đẹp. Xuyên qua tán rừng thông già, bên dưới là những cây sồi cổ thụ, chúng tôi được thỏa thích ngắm bầu trời trong xanh, tận hưởng khung cảnh bình yên, mát lành ở nơi đây. Ánh nắng chiếu qua những tán lá rọi trên nền tuyết trắng tạo ra những mảng sáng tối đan xen lấy nhau vô cùng đẹp.
Gulling là điểm cắm trại đầu tiên của chúng tôi. Nó nằm ở độ cao 2.900m, nhiệt độ ở đây khoảng 7 - 8 độ C. Mặc dù có đoàn đầu bếp người Ấn Độ đi cùng để chuẩn bị đồ ăn nhưng tôi vẫn xắn tay vào bếp nấu ăn vì cách chế biến của họ không hợp khẩu vị người Việt. Trời lạnh, chúng tôi ở trong trại thưởng thức những món ăn ấm nóng, trò chuyện về chặng đường vừa qua và về lầu nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc trekking ngày mai.

Ngày thứ tư, tôi tiếp tục di chuyển lên Khullara, bắt đầu những bước chân đầu tiên với mục tiêu chinh phục đèo Kuari. Càng lên cao, tuyết càng nhiều, nhiệt độ càng lạnh. Trên chặng đường di chuyển, tôi có cơ hội ngắm nhìn những dãy núi trùng trùng điệp điệp phía xa, trên trời là mây trắng, dưới đấy là đồng tuyết trải dài bất tận. Sau nhiều tiếng di chuyển, chúng tôi cũng đến được bãi trại ở Kuallara nằm ở độ cao 3.383 m.
Dừng chân nghỉ ngơi một chút, chúng tôi lại tiếp tục vác balo lên để chinh phục Kuari Pass. Lên dốc cao, tuyết phù dày trên mắt cá chân khiến mọi người gặp khó khăn trong việc di chuyển. Một số đoạn đi qua dốc đá cao cả nhóm phải đi chậm, cẩn thận đặt từng bước chân để không xảy ra sự cố. Đến khi đi được nửa đường, chúng tôi bắt đầu thấy lạnh và nản. Sau vài phút suy nghĩ và bàn bạc, mọi người trong đoàn quyết định quay về bãi trại để nghỉ ngơi, giữ sức cho ngày thứ 5.
Với quyết tâm chinh phục bằng được đỉnh đèo Kuari, tôi cùng anh tourguide tiếp tục hành trình trong khi anh dẫn đoàn Việt Nam đưa mọi người về bãi trại. Sau nhiều giờ đi giữa trời tuyết mạnh khiến tôi mệt lả, đói và lạnh. Nhưng chính lời cổ vũ từ đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Và cuối cùng, tôi trở thành người duy nhất trong đoàn chinh phục thành công đỉnh Kuari Pass.

Đứng giữa trời không gian bao la, mênh mông tuyết trắng, tôi oà khóc vì cảm xúc vui mừng, sợ hãi, hạnh phúc khi được khám phá giới hạn của bản thân. Nghỉ ngơi, chụp ảnh trong chống lát, tôi nhanh chóng vòng về bãi trại. Khi ấy vào khoảng 16h, trời đổ mưa phùn khiến tôi lo sợ khi nghĩ về những sự cố lở tuyết thường thấy trong những bộ phim, tôi chỉ biết vừa cầu nguyện và cố gắng đi thật nhanh để về với đoàn trước khi trời tối.
Ngày thứ 5 là ngày thử thách nhất trong hành trình với quãng đường 24km đến đỉnh Pangarchulla cao 4.650 m. Càng lên cao không khí càng loãng, mọi người sẽ cảm thấy khó thở và dễ bị sốc nhiệt. Vì thế, chúng tôi cần chuẩn bị thật kỹ càng.
Chúng tôi thức dậy từ 1h sáng, thu dọn hành lý, mang theo đồ giữ ấm để tiếp tục hành trình. 2h30 sáng, cả đoàn đội đèn bắt đầu leo lên ngọn núi tuyết. Để chinh phục đỉnh Pangarchulla, chúng tôi phải đi bộ liên tục dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Những con dốc cao nối tiếp, nhiệt độ xuống mức âm khiến cơ thể tôi run lên bần bật vì lạnh. Nếu như đi trên đường đất mọi người đã thấy khó 1 thì đi trên tuyết độ khó sẽ gấp 5 lần như vậy. Khi ấy, thứ dẫn dắt chúng tôi tiến lên phía trước chính là ý chí chứ không phải bằng đôi chân.
Mò mẫn băng qua những con dốc cao giữa đêm đen tĩnh mịch, thi thoảng chúng tôi đứng lại nghỉ mệt, ngắm bầu trời với muôn vạn vì sao lấp lánh. Khoảnh khắc bình minh ấm áo tỏa nắng dát vàng lên mọi cảnh vật khiến tôi vô cùng xúc động.

Ngắm nhìn dãy Himalaya chìm trong ánh nắng, khung cảnh ngoạn mục khiến tôi tạm quên đi mệt mỏi. Trên mỗi bước đường, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, động viên nhau cùng tiến lên. Khi nhìn thấy được lá cờ nhỏ xíu từ trên đỉnh phía xa, tôi đã hét lên thật to rằng gần tới rồi, thế nhưng chúng tôi mất tận 3 tiếng mới có thể đi đến đó.
Sau 8 tiếng trekking từ bãi trại, cuối cùng tôi đã đặt chân lên đến đỉnh. Nhìn lá cờ bay phấp phới khiến tôi rất tự hào vì bản thân và đồng đội đã nỗ lực thật nhiều để cùng chinh phục mục tiêu.
Đứng trên đỉnh núi cao, tôi phóng tầm mắt ra xa xa, nhìn toàn cảnh hệ thống núi non như bức tường thành sừng sững, kiêu hãnh dựng lên nơi phía chân trời, cảm giác thỏa mãn khiến mọi nỗ lực trở nên thật sự đáng giá. Tiếp đó, cả đoàn lại quay trở về bãi trại 2 để nghỉ ngơi. Trên đường về, tôi được trải nghiệm trượt tuyết bằng mông rất vui và sảng khoái.

Ngày thứ 6, chúng tôi bắt đầu trekking về lại điểm xuất phát. Sáng dậy, tôi thấy trời lạnh hơn những ngày trước. Bước ra khỏi lều là khung cảnh tuyết rơi trắng xóa đẹp như trong những câu chuyện cổ tích. Sau khi mặc trên người 7 lớp áo, tôi ùa ra chạy nhảy, chạm vào những bông tuyết đang tung bay giữa trời.
Về đến thành phố, cuối cùng chúng tôi cũng được tắm rửa sau 4 ngày trời. Cả đoàn thong thả đi dạo, ghé thăm ngôi đền Narsingh Temple Joshimath với tuổi đời hơn 1.200 năm, tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa.

Ngày 7 và 8, chúng tôi di chuyển về Risikesh nghỉ ngơi ở khách sạn rồi tiếp tục bay về Việt Nam, kết thúc hành trình.
Chuyến đi với những trải nghiệm đặc biệt để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử, cuộc sống và tín ngưỡng của những người dân sống nép mình cạnh dãy Himalaya huyền bí.
Cần chuẩn bị gì để có một hành trình trekking núi tuyết trọn vẹn?
Khong giống như những ngọn núi bình thường, hành trình trekking núi cao trên 4.000m đòi hỏi người leo núi phải có thể lực tốt, có ý chí bền bỉ, có sự chuẩn bị đầy đủ, nhất là về trang phục. Trước khi đi, các bạn cần rèn luyện sức khỏe thường xuyên, thử sức bằng những ngọn núi phía Bắc Việt Nam.
Để giữ ấm cơ thể, tôi đã chuẩn bị quần áo giữ nhiệt, đồ leo núi, áo khoác phao, ống chân ngăn cho tuyết không lọt vào giày, mũ, găng tay, vớ giữ nhiệt và một đôi giày trekking thật tốt có thể chịu được tuyết và có độ bám tốt…
Bên cạnh đó, việc trang bị một chiếc mắt kính phù hợp sẽ giúp các bạn tránh khỏi nguy cơ bị mù tuyết khi phải nhìn quá lâu vào nền tuyết trắng dưới ánh nắng mặt trời. Đừng quên chống nắng và bổ sung nước trong hành trình di chuyển.
Để chống say độ cao, các bạn có thể uống thuốc vài ngày trước khi đi theo chỉ dẫn của bác sĩ, dành thời gian làm quen với không khí địa phương, đặc biệt đừng quên lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể để có phương án xử lý kịp thời.

Đồ ăn ở Ấn Độ thường không hợp khẩu vị của người Việt, các bạn có thể chủ động nấu ăn hoặc mang thêm một số loại thực phẩm khác để chủ động trong việc ăn uống, tránh gặp trường hợp di chuyển cả ngày mệt lại không ăn được sẽ rất kiệt sức. Hãy chuẩn bị thêm những thanh năng lượng, kẹo socola để có thể tiếp thêm đường vào những lúc di chuyển quá mệt.
Quan sát những dấu hiệu thời tiết và tuân theo chỉ dẫn của tour guide là những điều mọi người đừng quên khi thực hiện những chuyến trekking. Chuyến đi này tôi đã được trải qua 4 trạng thái thời tiết, từ tuyết rơi, mây mù, mưa và nắng. Thật may cả đoàn đều chinh phục thành công đỉnh Pangarchulla và trở về an toàn.
Tổng chi phí cho hành trình trekking Pangarchulla vào khoảng 28 triệu đồng. Trong đó, chi phí tour và dịch vụ visa là 800 USD (khoảng 20,5 triệu đồng), chi phí máy bay khứ hồi từ 7-8 triệu đồng.
(Theo Zing)
Xem thêm: Trải nghiệm của tôi ở Greenland - vùng đất truyền cảm hứng vô tận
Tin liên quan
Bãi Chuối gây ấn tượng mạnh với gia đình chị Thu Thủy (Đà Lạt) nhờ khung cảnh hoang sơ, bãi cát trắng mịn và nước trong xanh, nhìn thấy đáy.
Hành trình xuyên Việt của anh Tý và chú ngỗng Dona không chỉ là câu chuyện về du lịch bụi mà còn là minh chứng cho sự tình bạn lạ kỳ nhưng chân thành giữa người và vật, đã lan tỏa cảm xúc ấm áp trong suốt năm rưỡi qua.
Đảo Trần chính là nơi chỉ có 12 hộ dân sinh sống, còn rất hoang sơ và bình yên. Nơi đây không chỉ là điểm đến đẹp mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của ý chí giữ gìn từng tấc biển đảo giữa trùng khơi.