Blog của Rọt kể câu chuyện đầy tự hào về đảo Trần và những con người ngày đêm giữ gìn chủ quyền
Đảo Trần chính là nơi chỉ có 12 hộ dân sinh sống, còn rất hoang sơ và bình yên. Nơi đây không chỉ là điểm đến đẹp mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của ý chí giữ gìn từng tấc biển đảo giữa trùng khơi.
Tôi là Bùi Ngọc Công (hay còn được biết đến với tên gọi Blog của Rọt) hiện đang là travel blogger sống tại Hà Nội. Tình cờ qua lời kể của một người bạn, tôi biết đến đảo Trần. Và tôi đã sắp xếp lịch trình để lên đường khám phá nơi này.

Đảo Trần không mở cửa đại trà cho du khách, muốn lên đảo phải đăng ký trước và cần sự hỗ trợ từ cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin hoặc xã Thanh Lân (Cô Tô) - nơi đảo Trần trực thuộc. Sau khi được biên phòng chấp nhận, chúng tôi đi cano từ Cô Tô đến đảo, mất chừng 1 giờ di chuyển.
Đảo Trần hoang sơ
Tôi đã đi qua nhiều vùng đất dọc dải đất chữ S - từ những bãi biển nổi tiếng ở miền Trung cho đến núi rừng Tây Bắc - nhưng chuyến đi đến đảo Trần giữa tháng 5 mang đến cho tôi trải nghiệm rất khác biệt.
Đảo Trần nằm ở phía Đông Bắc của huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 4 - 5 km. Đây là hòn đảo tiền tiêu - nơi những người lính và người dân đang ngày đêm bám biển, giữ gìn chủ quyền biển đảo và sự toàn vẹn lãnh tổ.
Trước chuyến đi, tôi hình dung đảo Trần sẽ rất vắng vẻ, ít người biết đến vì thực tế các thông tin trên mạng không nhiều. Đến nơi mới thấy, hòn đảo còn hoang sơ hơn cả tôi tưởng tượng.

Trên đảo Trần chỉ có 12 hộ dân sinh sống, chủ yếu là bộ đội và chiến sĩ biên phòng. Nơi đây mang đến cho tôi một bầu không khí trong lành, tĩnh lặng đến lạ thường.
Đập vào mắt tôi đầu tiên là màu xanh ngút ngàn của cây cối, hòa quyện cùng sắc xanh trong của biển cả và trời mây. Nước biển ở đây rất đẹp, không hề thua kém gì những bãi biển nổi tiếng ở miền Trung hay miền Nam.
Một điều khiến tôi bất ngờ là đảo vẫn có sóng điện thoại khá mạnh. Ở một nơi xa đất liền cả tiếng cano vẫn có sóng, điện, trường học, trạm biên phòng. Điều này khiến tôi càng thấy rõ sự nỗ lực để gìn giữ chủ quyền, đảm bảo đời sống cho người dân yên tâm bám đảo. Trên đảo không có dịch vụ du lịch, không hàng quán, không rác thải nhựa - chỉ có một vùng trời yên bình, vắng lặng.
Hòn đảo tiền tiêu, nơi cửa ngõ của vịnh Bắc Bộ
Một trong những nơi để lại ấn tượng sâu đậm với tôi là chùa Trúc Lâm đảo Trần - công trình tâm linh được xây dựng khoảng 2 - 3 năm gần đây, tọa lạc ở vị trí đẹp, hướng ra biển. Đặc biệt, mỗi viên ngói lợp mái, mỗi viên gạch xây chùa đều được in hình quốc huy Việt Nam.
Thầy Thích Thanh Lịch - trụ trì chùa Trúc Lâm chia sẻ, dù 50, 100 hay 1000 năm nữa, những viên ngói, viên gạch này vẫn hiện diện ở nơi đây như dấu tích thiêng liêng của Tổ quốc. Chùa không chỉ là điểm tự tâm linh cho người dân và chiến sĩ mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền, văn hóa Việt Nam giữa biển khơi.

Trong chuyến đi của mình, tôi còn có cơ hội trò chyện với một số cán bộ biên phòng đóng quân trên đảo. Khi được hỏi điều khiến anh tự hào nhất, một người lính nói: "Chúng tôi đang sống và bảo vệ đảo Trần - nơi được xem là cửa ngõ của vịnh Bắc Bộ, vùng đất linh thiêng có vai trò quan trọng trong gìn giữ an ninh, chủ quyền biển đảo. Đó là niềm hạnh phúc và không gì phải nuối tiếc".

Tôi cũng ghé thăm điểm trường duy nhất trên đảo - nơi chỉ có 3 cô giáo luân phiên dạy các lớp từ mẫu giáo đến hết lớp 5. Học sinh từ lớp 6 trở đi phải vào đất liền học tiếp. Tôi mang theo ít bánh kẹo để tặng các em như một lời động viên nhỏ. Nhìn các em học trong điều kiện còn thiếu thốn, tôi càng thêm cảm phục sự nỗ lực của thầy cô và học sinh nơi đảo xa.
Giữa không gian bốn bề là biển, hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mũi thuyền của ngư dân neo đậu gần bờ khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Lá cờ phần nào sờn rách vì gió muối, nhưng vẫn kiêu hãnh bay giữa trời - biểu tượng sống động của tinh thần yêu nước và bất khuất của người dân nơi đây. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm đền thờ Bác Hồ, khám phá cột cờ và ngọn hải đăng trên đảo.

Tôi chỉ ở đảo Trần trong ngày, vì đảo không có nơi lưu trú chính thức, cũng không được phép qua đêm nếu không đăng ký từ trước. Tuy vậy, từng ấy thời gian đủ để tôi hiểu vì sao đảo Trần được ví như "Trường Sa của miền Bắc".
Chuyến đi đến Đảo Trần đã thay đổi hoàn toàn định kiến của tôi về biển đảo miền Bắc. Trước đây, tôi cứ nghĩ nước biển ở đây không trong, không đẹp bằng miền Trung hay miền Nam, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Mỗi khung hình đều ngập tràn sắc xanh, yên bình và mộc mạc.

Hành trình lần này giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn vai trò của người lính, người dân và cả thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự hiện diện của họ - cùng văn hóa, tín ngưỡng và tinh thần kiên cường - chính là những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm.
Tôi hy vọng qua những bức ảnh và chia sẻ của mình, nhiều bạn trẻ sẽ biết đến đảo Trần - không chỉ như một điểm đến đẹp mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, của ý chí giữ gìn từng tấc biển đảo giữa trùng khơi.
(Ảnh: Blog của Rọt)
Xem thêm: TỰ HÀO DÂN TỘC: 500 học sinh ở Quảng Ninh xếp hình bản đồ Việt Nam và cờ Tổ quốc
Tin liên quan
Bãi biển Trà Cổ không được truyền thông nhiều bằng Hạ Long hay Cô Tô, thế nhưng trong mắt du khách mê xê dịch, đây là lại là bãi biển đẹp nhất Quảng Ninh. Vì sao vậy?
Nếu chỉ có 24 giờ ở Hạ Long, liệu có đủ để khám phá hết vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh biển được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới?
Ẩn mình giữa lòng Vịnh Hạ Long, đảo Mắt Rồng là điểm đến còn hoang sơ, tĩnh lặng hiếm có. Với bãi cát trắng hình vòng cung ôm lấy hồ nước xanh như ngọc, đảo được ví như "viên ngọc ẩn" của vùng di sản, nơi mang đến trải nghiệm độc đáo...