Nhà tù Hỏa Lò và những câu chuyện lịch sử chân thực
Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, Di tích Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam từng bị thực dân Pháp giam giữ tại đây.
Mục lục
Nhờ sự đổi mới liên tục trong xây dựng sản phẩm, cách thức trưng bày, quảng bá của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò mà nơi đây đã và đang trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ở bài viết này, Người Du Lịch xin một lần nữa được giới thiệu một cách tổng quan nhất về Di tích Nhà tù Hỏa Lò để du khách nắm bắt được những thông tin quan trong trước khi thực hiện chuyến tham quan đến di tích này.
Thông tin du lịch cơ bản về Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò ở đâu Hà Nội?
Trước đây, Nhà tù Hỏa Lò là địa điểm lịch sử chỉ mở cửa trong giờ hành chính. Thế nhưng những năm gần đây, cứ tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, di tích này lại sáng đèn với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Được biết, hiện di tích đang diễn ra 2 tour trải nghiệm đêm với chủ đề: "Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa"; "Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân".

Nhờ hoạt động trải nghiệm thú vị này mà Nhà tù Hỏa Lò từ một di tích ít người biết đến trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của Thủ đô. Du khách đến tham quan Thủ đô có thể dành một buổi tối để đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò để trải nghiệm những điều thiêng liêng, ngược dòng thời gian trở về lịch sử tìm hiểu về sự kiên cường của những con người Việt Nam từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nơi đây.
Nhà tù Hỏa Lò tọa lạc tại số 1, Kp. Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là khu vực trung tâm, gần với nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội nên du khách có thể dễ dàng di chuyển đến để tham quan, trải nghiệm.
Di chuyển đến Nhà tù Hỏa Lò như thế nào?
Nhà tù Hỏa Lò nằm ở khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm nên du khách có thể di chuyển đến đây bằng cả phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng. Nếu chọn điểm xuất phát từ Hồ Hoàn Kiếm, du khách di chuyển theo đường Lê Thái Tổ hướng Hàng Trống, đi thẳng qua Bà Triệu. Tiếp đó, du khách rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng, đi thêm 500m nữa thì rẽ trái vào phố Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 trên con phố này.

Để tiết kiệm chi phí, du khách có thể đi bằng xe bus với tuyến 32, 02, 38 hoặc 41. Các tuyến xe bus này đều có điểm dừng gần nhà tù Hỏa Lò. Ngoài ra, du khách cũng có thể di chuyển bằng xe đạp công cộng. Hiện có rất nhiều khu vực để xe đạp công cộng để du khách có thể di chuyển đến các địa điểm mình mong muốn.
Trong trường hợp, du khách ở phương xa đến thì có thể di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, xe khách để đến sân bay Nội Bài, các bến xe ở Hà Nội. Từ vị trí sân bay, bến xe, du khách có thể bắt xe taxi, xe ôm để di chuyển đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Gần khu vực Nhà tù Hỏa Lò cũng có nhiều địa điểm lưu trú và ăn uống để du khách thuận lợi cho việc tham quan, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực.
Tham quan Nhà tù Hỏa Lò mùa nào đẹp nhất?
Đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách sẽ được tham quan những hiện vật sống động, hình ảnh mô phỏng lại cuộc sống của người Việt bị thực dân Pháp giam cầm tại đây thời xưa. Qua đó, có những cảm nhận sâu sắc về những hi sinh, mất mát của thế hệ cha ông để gìn giữ cho hòa bình và độc lập của dân tộc.
Du khách có thể thực hiện trải nghiệm tham quan Nhà tù Hỏa Lò vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bởi địa chỉ này mở cửa quanh năm để đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Tuy nhiên, để có thể trải nghiệm được hoạt động hấp dẫn ở địa chỉ này thì du khách nên đi vào tối thứ Bảy và Chủ nhật. Bởi hai tối cuối tuần sẽ diễn ra tour trải nghiệm với những chủ đề rất hấp dẫn.
Nhà tù Hỏa Lò mở cửa khi nào, giá vé ra sao?
Nhà tù Hỏa Lò mở cửa từ 8:00 đến 17:00 tất cả các ngày trong tuần, kể cả Lễ, Tết.
Giá vé vào cửa tham quan Nhà tù Hỏa Lò:
- Người lớn và trẻ em 15 tuổi trở lên là 30.000 đồng/người.

- Học sinh, sinh viên, người 60 tuổi trở lên, người thuộc chính sách xã hội: 15.000 đồng/người.
- Người dưới 15 tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng: Miễn phí.
- Với các tour đêm sẽ có giá vé riêng.
- Ngoài ra, Nhà tù Hỏa Lò còn cung cấp dịch vụ thuyết minh bằng tai nghe với giá 50.000 đồng/headphone.
Lịch sử hình thành và phát triển, kiến trúc của Nhà tù Hỏa Lò
Lịch sử hình thành và phát triển của Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò (hay nhà pha Hỏa Lò) tên tiếng Pháp của nhà tù này là Maison Centrale, tiếng Việt là Nhà tù Trung ương, lúc bấy giờ thường gọi là Ngục thất Hà Nội. Đây nhà tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 trên khu đất xưa thuộc làng Hỏa Lò, nay là số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là ngục thất trung ương của cả hai xứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Mảnh đất Hỏa Lò trước đây từng là một làng nghề thủ công làm đồ gốm nổi tiếng. Nhưng thực dân Pháp đã biến nó trở thành nơi giam giữ, đày ải, cướp đoạt tự do cả thể xác lẫn tinh thần của hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, nhà hoạt động các mạng Việt Nam.
Ở thời kỳ đầu, sự kiện nổi bật nhất là vào ngày 9/2/1929, đảng viên Quốc dân Đảng bị truy bắt khắp nơi sau cái chết của Bazin. Khoảng nửa năm sau, Nguyễn Văn Viên bị áp giải vào tù, tự nhận đã giết Bazin và kết liễu đời mình trong ngục thất. Đây là một trong những sự kiện gây rúng động thời bấy giờ.

Trong giai đoạn 1954 - 1973, Nhà tù Hỏa Lò thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. Nó trở thành nơi giam giữ tù binh chiến tranh của Mỹ và đồng minh. Nơi đây từng được các tù binh phi công Mỹ châm biếm gọi là "Hanoi Hilton". Tuy nhiên, sau khi hiệp định Paris có hiệu lực, việc giam giữ các tù binh Mỹ ở Nhà tù Hỏa Lò đã kết thúc.
Vào năm 1993, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của Nhà tù Hỏa Lò nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô. Một phần phía Đông Nam của nhà tù được bảo tồn, tu bổ và tôn tạo để được xếp hạng là Di tích lịch sử Hà Nội. Địa điểm du lịch Hà Nội nay có Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam, những người đã dũng cảm hy sinh tại nhà tù vì độc lập, tự do của dân tộc.
Kiến trúc của Nhà tù Hỏa Lò
Được biết, tổng diện tích Nhà tù Hỏa Lò trước kia lên đến hơn 12.000m2. Song ngày nay chỉ còn 2.434m2 là được giữ lại nhằm bảo tồn để trở thành khu di tích, phục vụ cho mục đích tham quan du lịch của những ai muốn đến và tận mắt chứng kiến khung cảnh của nhà tù thực dân trông như thế nào.

Vì được xây dựng trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ), đây là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung nên làng có cái tên Hỏa Lò. Dưới thời Pháp thuộc, ngục Hỏa Lò được thiết kế xây dựng với cấu trúc gồm những bức tường đá cao 4m, dày 0,5m được gia cố thêm dây thép điện. Cả khu ngục tù được chia thành 4 khu (A, B,C, D):
- Khu A và B dành cho phạm nhân đang được cứu xét và phạm nhân nguy hiểm.
- Khu C giam giữ phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.
- Khu D là nơi câu cấm phạm nhân bị án tử hình chờ ngày duyệt y hoặc giảm án.

Năm 1899, nhà tù chưa được xây dựng hoàn thiện nhưng đã đưa vào sử dụng vì việc thực dân Pháp bắt hàng loạt người Việt yêu nước đấu tranh chống lại họ. Những năm sau đó, nhà tù thường xuyên được cải tạo, sửa chữa, tăng thêm diện tích các phòng giam.

Với tính chất là nhà giam, nhà pháp lý, nhà trừng giới, Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp trang bị hết sức tối tân với các công cụ dùng cho các hình phạt nặng nề, hiểm độc đối với tù nhân, nhất là các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam.
Nhà tù Hỏa Lò - địa ngục trần gian
Những hình thức tra tấn tàn nhẫn nhất
Nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là "địa ngục trần gian". Không gian nhà tù có sức chứa khoảng 500 tù nhân. Các nhà giam đều được thiết kế với chế độ giam giữ, ép cung hà khắc và cực kỳ dã man tàn bạo.
Từ vùng đất của làng nghề thủ công có tiếng, thực dân Pháp biến nó thành nơi giam cầm, đầy ải về thể xác và tinh thần với hàng ngàn chiến sĩ yêu nước. Sống trong ngục tù đế quốc với chế độ giam cầm hà khắc, đọa đầy nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học, nơi phổ biến lý luận cách mạng, nơi truyền tải tinh thần yêu nước nồng nàn.

Có nhiều nhân vật lãnh đạo đã bị thực dân Pháp bắt giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Lương Văn Can, Hồ Tùng Mậu... Ngoài ra còn có 5 đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh.
Những vũ khí tra tấn man rợ
Khi đến tham quan Nhà tù Hỏa Lò, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những loại vũ khí man rợ mà thực dân Pháp đã dùng để tra tấn các chiến sĩ cách mạng của ta. Một vài dụng cụ tra tấn điển hình như: máy chém, máy quay điện, ba toong... Thực dân Pháp rất chú trọng trong việc xây dựng nên tất cả các thiết kế cửa, khóa, gông cùm ở đây đều là các thiết kế chuyên biệt mang từ bên Pháp sang, được quản lý vô cùng chặt chẽ.
Bên trong Nhà tù Hỏa Lò có đặt một máy chém. Đây là công cụ giết người được tạo ra bởi bác sĩ người Pháp Guillotine, được xem là một phương tiện giết người mang tính nhân đạo nhằm thay thế hình thức xử tử thời trung cổ như ngựa xéo, tùng xẻo...

Máy chém này gồm các bộ phận: Bàn chém là một mặt phẳng được làm bằng gỗ, trong quá trình hành hình tù nhân sẽ nằm trên đó, phần đầu được đưa vào lỗ tròn trên thân máy chém. Giá chém là một khung sắt cao gần 4 mét, bên trong có rãnh để dao chém di chuyển và hoạt động. Dao chém làm bằng thép với phần lưỡi vát chéo.
Khi hành hình tù nhân, đao phủ sẽ nhấn chốt và kéo sợi dây thừng để dao chém từ trên cao phóng mạnh xuống, lực rơi của lưỡi dao tương đương 60kg. Kế tiếp, đầu của tù nhân sẽ rơi xuống thùng tôn bên dưới, còn thân được đưa vào trong sọt mây.
Những hình ảnh tái hiện cuộc sống kinh hoàng trong chốn lao tù
Đút chân vào cùm lim, một tiếng là 60 phút, một ngày là 1440 phút... đó là những gì mà các chiến sĩ cách mạng, những người tù chính trị đã phải chịu đựng suốt từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm. Quả thật đáng khâm phục khi họ vẫn có thể sống kiên cường và chiến đấu anh dũng.

Hình ảnh chốn lao tù ngày ấy với những trận đòn roi, xét xử, tra tấn dã man, tàn bạo dù trải qua bao năm vẫn đọng lại trong ký ức, trong từng trang sách lịch sử. Tất cả được khắc họa rõ nét, chân thực ở mọi ngóc ngách tại nhà tù Hỏa Lò giúp du khách dễ dàng cảm nhận được sự gian lao, khổ cực, đau đớn của cha ông ta - những người chiến đấu vì độc lập của đất nước.
Cachot (khu ngục tối) - địa ngục của địa ngục
Khu cachot là những ngục tối có diện tích chỉ vỏn vẹn 4m2 với tường quét sơn màu đen u ám. Nơi này không có ánh sáng và thiếu không khí. Nó khiến cho tù nhân cảm giác như mình đang ở trong một nấm mồ vô cùng bí bách.

Chỗ nằm trong khu cachot được xây bằng xi măng đặc biệt, khi nằm thì đầu dốc xuống thấp, gây hiện tượng máu dồn lên não. Chúng dùng cachot để trừng phạt những người đã tổ chức đấu tranh, tuyên truyền cách mạng hay vượt ngục. Đồng chí Trường Chinh đã từng bị bắt giam ở đây khi tổ chức mít tinh trong tù để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.
Ý chí cách mạng và minh chứng lịch sử
Tinh thần yêu nước rực cháy bên trong Nhà tù Hỏa Lò
Dù bị đàn áp dã man nhưng tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng vẫn không ngừng nhen nhóm trong không gian tăm tối của chốn lao tù. Những buổi tuyên truyền cách mạng, phong trào học tập, các lớp lý luận chính trị vẫn diễn ra bất chấp đòn roi của thực dân nhằm mục đích tuyên truyền lý tưởng của Đảng, giác ngộ binh lính và liên hệ với các tổ chức bên ngoài, đấu tranh giành quyền sống.

Không những vậy, những tờ báo cách mạng như "Đời tù", "Lao tù tạp chí" cũng được ra đời ngay trong chính cuộc sống bị áp bức, bóc lột. Từ đó giáo dục, nâng cao ý thức của Đảng viên. Đốt lên ngọn lửa cách mạng ngay trong lòng kẻ thù. Cũng nhờ có những hoạt động đó mà cuộc sống lao ngục nơi đây cũng phần nào bớt đi được sự tăm tối.

Tàn ác, man rợ, dã man chưa đủ để diễn tả hết sự vất vả, gian khổ mà biết bao thế hệ chiến sĩ, các nhà hoạt động cách mạng đã trải qua ở nơi địa ngục trần gian. Bởi vậy, khi tham quan và nghe thuyết trình về nơi đây, về sự các chiến sĩ cách mạng trung kiên, du khách sẽ một lần nữa thêm tự hào về tinh thần Việt Nam, thêm yêu nước, thêm nghị lực để sống, cống hiến cho quê hương mình.
Cây bàng "tình nghĩa" - minh chứng lịch sử
Theo lời kể của một số cựu tù chính trị ở Nhà tù Hỏa Lò, nguồn gốc của cây bàng bắt đầu từ năm 1930, khi những tù nhân bị kết án phải đi lao động vệ sinh bên tòa án. Họ đã thu thập những cây bàng mọc hoang ở các lùm cây mang về trồng chúng trong sân của trại giam. Sau một thời gian, cây bàng lớn lên trở và gắn bó với bao thế hệ tù chính trị tại đây.

Mỗi khi được ra ngoài, các tù nhân chính trị sẽ tập trung quanh gốc bàng để tận hưởng không khí trong lành. Và dưới bóng mát của cây bàng, họ đã bàn bạc với nhau về những biện pháp chống lại chế độ tù đày của thực dân.
Gốc cây Bàng đã trở thành nơi chứng kiến cuộc sống thường nhật, lắng nghe những chia sẻ, tâm tình về ước mơ, mục tiêu, lý tưởng và tình cảm của những người cộng sản. Bên cạnh đó, nơi đây còn là "hòm thư bí mật" quan trọng để các tù nhân trao đổi thông tin, tuyên truyền tài liệu cách mạng.
Ấn tượng các tour tham quan Nhà tù Hỏa Lò
Đến với Nhà tù Hỏa Lò, du khách có thể lựa chọn tham quan ngày hoặc đêm tùy theo quỹ thời gian cũng như sở thích. Mỗi tour sẽ mang đến những trải nghiệm đặc sắc riêng.
Tour ban ngày ở Nhà tù Hỏa Lò
Tour ngày ở Nhà tù Hỏa Lò có giá vé là 30.000 đồng/người. Sau khi mua vé, du khách có thể thuê thêm bộ đàm tai nghe để nghe thuyết minh, trích dẫn lời kể của các nhân vật từng bị giam giữ ở nơi này. Ở mỗi phòng trưng bày và mỗi vật dụng cũng có những tấm biển cung cấp những thông tin sơ bộ nhất cho du khách khi tham quan.

Bước vào tour ngày, du khách sẽ được tham quan từng khu vực của nhà tù từ lúc có ánh sáng le lói cho đến khi hoàn toàn chìm vào bóng tối. Các hiện vật của tù nhân được trưng bày như đồ dùng, quần áo khi kết hợp với thuyết minh sẽ khiến du khách phải "rùng mình" về tội ác của thực dân.
Tour đêm ở Nhà tù Hỏa Lò
Để giúp nhân dân và du khách quốc tế hiểu sâu sắc hơn về những đau thương trong những cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức tour đêm với chủ đề "Đêm Thiêng Liêng".
- "Đêm thiêng liêng 1" có chủ đề "Sáng ngời tinh thần Việt": Du khách sẽ được quay lại quá khứ để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
- "Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa" nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, những người mẹ anh hùng trong thời kì kháng chiến.
- “Đêm thiêng liêng 3” với chủ đề “Lửa thanh xuân” đã tái hiện những câu chuyện về sự dũng cảm của những chiến sĩ trẻ tuổi.

Không gian di tích Hỏa Lò về đêm là sự kết hợp hòa quyện giữa âm thanh và ánh sáng, đánh thức mọi giác quan của du khách. Đặc biệt, kỹ thuật nhấn ánh sáng và hắt bóng được sử dụng nhằm tạo điểm nhấn trong các phòng trưng bày. Hệ thống âm thanh, tiếng động cũng được thay đổi qua từng điểm tham quan. Kết thúc tour, mỗi người có thể dành thời gian ghi lại cảm xúc lên trang lưu bút và thưởng thức món chè bất khuất, ăn bánh lá bàng và uống trà bàng.
bằng cách truyền tải hấp dẫn, "Đêm thiêng liêng" của Nhà tù Hỏa Lò sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng khó quên.
Kinh nghiệm tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Để có chuyến tham quan Nhà tù Hỏa Lò trọn vẹn, du khách cần lưu ý một vài điều sau:
- Chỉ mang các vật dụng cần thiết, gọn nhẹ, không mang các chất có khả năng cháy nổ vào nhà tù. Trước khi vào bên trong hãy gửi hành lý cồng kềnh ở đúng nơi quy định.
- Khi tham quan không hút thuốc, ứng xử văn minh, đi nhẹ, nói khẽ.

- Không chạm vào các hiện vật, có ý thức bảo vệ các hiện vật.
- Nếu du khách muốn thắp hương và đặt hoa, hãy thực hiện ở khu vực nhà tưởng niệm.
- Dù cuối tuần đông khách, bạn không cần lo lắng đặt vé trước vì có thể dễ dàng mua vé ở cổng vào. Nếu muốn thuê hướng dẫn viên thì nên hẹn lịch trước.
- Nếu bạn đi tham quan với đoàn đông nhằm tìm hiểu, nghiên cứu thì nên liên hệ trước với ban quản lý.
Xem thêm: Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật Thủ đô
Tin liên quan
Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.
Trong số những tinh hoa ẩm thực của vùng đất Thủ đô, bún thang Hà Nội vẫn luôn là món ăn tinh tế, thanh tao khiến ai từng một lần thưởng thức cũng đều mê đắm.
Canh bóng thả là một trong những món canh được xem là “4 món tứ trụ” trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực của người dân xứ kinh kỳ.