Chùa Hà – Ngôi chùa cầu tình duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội
Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.
Mục lục
Chùa Hà ở đâu?
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà nằm tại xóm Hà, thôn Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm nay là số 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Đây là ngôi cổ tự nổi tiếng với sự linh thiêng về việc cầu duyên.
Lịch sử hình thành chùa Hà Hà Nội
Về lịch sử hình thành Chùa Hà Hà Nội, người dân địa phương đã truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện huyền bí, trong đó có hai tích xưa liên quan đến triều đại nhà Lý và nhà Lê.
Truyền thuyết thứ nhất kể lại rằng, vào thời nhà Lý vùng Dịch Vọng đã có rất nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con, vì nóng lòng ông đã đến cầu tự tại một ngôi chùa sau đó sinh ra Thái tử Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông). Cũng từ đó ngôi chùa này được gọi là chùa Thánh Chúa. Trên đường cầu tự hôm ấy, vua đã ghé vào thắp nhang, ban lộc tại Chùa Hà để chùa có thể trùng tu lại khang trang hơn. Cũng từ đó mà ngôi chùa này có tên chữ là Thánh Đức Tự.

Truyền thuyết thứ hai thì kể lại rằng, Chùa Hà Hà Nội thực chất được xây dựng từ thời nhà Lê để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn đến các vị đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, những người đã cứu mang, bảo vệ, giúp ông ngôi vua vào năm 1460.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi của thời gian và lịch sử, Chùa Hà đã bị phá hủy nhiều lần. Đến đời vua Lê Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán đồ gốm sứ tại thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai người đã tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong làng xây dựng lại Chùa Hà khang trang hơn bằng gạch ngói. Diện mạo của chùa Hà hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu sau này.
Kiến trúc đặc sắc của Chùa Hà Hà Nội
Chùa Hà được xây dựng trong một khoảng không gian rộng thoáng với phía ngoài cùng là cổng Tam quan được thiết kế 2 tầng, có cầu thang lên ở phía bên trái. Tầng dưới được chia làm 3 gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tầng trên của cổng Tam quan được xây theo kiểu chồng diêm, chạm khắc nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, mái lợp giả ngói ống. Tại đây còn có treo chuông đồng Thánh Đức tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật có từ thời Tây Sơn được bảo quản nguyên vẹn đến tận ngày nay.

Chùa Hà Hà Nội nằm ở hướng Tây, chùa chính có kết cấu kiểu chữ Đinh, có Tiền đường, Thượng điện cùng tam bảo năm gian rất rộng. Tòa phật điện bên trong Chùa Hà được bố trí theo nhiều lớp, lớp cao nhất là 3 pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, lớp thứ hai là tượng A DI Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, phía dưới tượng A Di Đà là tượng A Nan Đà, Đức Ông.
Phía sau chính điện là Điện Mẫu với lối kiến trúc phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Điện Mẫu là ban thờ chính để mọi người đến cầu tình duyên. Bên trong điện thờ Mẫu cùng với các ông hoàng, bà chúa và nhiều cô, cậu khác.
Chùa Hà thờ ai?
Mặc dù nổi tiếng là ngôi chùa cầu duyên bậc nhất miền Bắc, nhưng Chùa Hà lại không thờ ông Tơ, bà Nguyện, thay vào đó chùa được xây dựng với nhiều khu thờ Đức Phật, Đức Ông, Tam Hòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Hiền, tướng Triệu Việt Vương, Thành hoàng làng Triệu Chí Thành.
Kinh nghiệm chiêm bái Chùa Hà Hà Nội chi tiết cho người lần đầu ghé đến
Nên đi Chùa Hà Hà Nội vào thời gian nào?
Thời gian mở cửa của Chùa Hà Hà Nội: chùa mở cửa từ thứ 2 đến chủ nhật. Trong những ngày thông thường chùa chỉ mở cửa đón khách từ 8h sáng – 18h chiều. Riêng những ngày đặc biệt như mùng 1, rằm, lễ Tết thì chùa sẽ đóng cửa muộn hơn.

Ngày mùng 1 và ngày rằm: Đây là hai ngày được xem là linh thiêng nhất để đi lễ chùa, cầu bình an, may mắn và tình duyên. Đi lễ Chùa Hà vào những ngày này thường rất đông đúc, nhộn nhịp. Nếu không muốn ồn ào, có không gian yên tĩnh để dễ dàng tập trung vào việc chiêm bái, cảm nhận được sự thanh tịnh nơi cửa Phật thì bạn nên chọn đi vào sáng sớm.
Ngày lễ, Tết: Vào các dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán, lễ Phật Đản, Vu Lan,… cũng là những ngày rất đông người dân, du khách thập phương đến Chùa Hà để cầu duyên, cầu bình an, may mắn.
Cách di chuyển đến Chùa Hà
Chùa Hà nằm ở 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, khá gần trung tâm TP.Hà Nội nên rất thuận tiện cho việc di chuyển của du khách. Bạn có thể đến đây bằng xe máy, ô tô hoặc xe buýt.

Nếu đi bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể đi theo sự hướng dẫn của Google Maps. Còn nếu đi xe buýt bạn có thể tham khảo một số tuyến xe buýt như:
- Xuất phát từ Cầu Giấy: tuyến xe buýt số 7, 20C, 20B
- Xuất phát từ Bến xe Giáp Bát: tuyến xe buýt số 16, 28, 32
- Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình: tuyến xe buýt số 34
Gợi ý cầu duyên tại Chùa Hà
Cách sắm lễ khi tới Chùa Hà Hà Nội
Nếu bạn đang có ý định đến Chùa Hà Hà Nội để cầu duyên thì việc sắm sửa lễ vật là điều rất cần thiết. Mâm đồ soạn lễ không cần phải quá cầu kỳ, nhưng vẫn phải đầy đủ để bày tỏ được tấm lòng thành kính, thành tâm của mình.
Mâm lễ tại ban Tam Bảo sẽ bao gồm các lễ vật: 1 thẻ hương, 1 vỉ nến, hoa quả tươi, bánh kẹo. Đây là ban được dựng lên để thờ Phật nên kiêng kị các món đồ ăn mặn và đặc biệt là không cúng tiền vàng.

Mâm lễ tại ban Đức Ông sẽ khác so với ban thờ Tam Bảo, bạn có thể chuẩn bị các đồ lễ mặn, ngoài ra thì có thêm tiền vàng, rượu, chè, thuốc lá. Còn nếu không có điều kiện thì bạn có thể sắm mâm lễ như ban Tam Bảo nhưng nên có thêm tiền vàng.
Mâm lễ tại ban thờ Mẫu, trong 3 ban thì đây là ban thờ quan trọng nhất đối với những người đang có ý định cầu duyên. Bên cạnh tiền vàng, bánh kẹo, hoa quả bạn nên chuẩn bị thêm trầu cau cùng với 5 bông hồng đỏ tươi.
Trình tự thắp hương, khấn lễ tại Chùa Hà
Sau khi đến chùa việc đầu tiên bạn cần làm là đi xếp lễ tại gian thờ chính và dâng lên từng ban. Ban Tam Bảo và ban Đức Ông đều được đặt ở gian thờ chính, còn ban thờ Mẫu thì nằm ở Điện mẫu.
Sau khi dâng lễ xong bạn hãy thắp hương, tổng sẽ có khoảng 5 nén hương, 3 nén thắp ở 3 ban Đức Ông, Tam Bảo, Điện Mẫu những nơi vừa đặt mâm lễ; 1 nén còn lại sẽ thắp tại ban của Đức Thánh Hiền và 1 nén lại lư hương chung. Khi tiến hành thắp thương thì đồng thời khấn lễ và vái lạy.

Sau khi hoàn thành nghi lễ ở các gian chính, bạn đến ban thờ Mẫu để dâng sớ cầu tình duyên. Trước khi dâng sớ bạn có thể học thuộc hoặc cầm bài khấn để đọc nhưng nhớ phải giữ phong thái nghiêm túc, thành tâm. Dâng sớ xong thì bạn nhớ hành lễ rồi đi hóa sớ, tiền vàng và vái ban Ngũ Hổ các Quan Âm Dinh, ban thờ Sư Tổ, ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cuối cùng thì đi ra bên ngoài vái 3 vái với hai vị trông coi cổng chùa.
Một số lưu ý quan trọng khi đi Chùa Hà cầu duyên
- Khi làm lễ hoặc khấn xin bạn hãy thành tâm mong cầu được gặp ý trung nhân, người tâm đầu ý hợp, tài đức, chung thủy thì mới linh ứng.
- Đến chùa, bạn nên lưu ý ăn mặc kín đáo, lịch sự, tránh ăn mặc hở hang, phản cảm.
- Khi đi cầu duyên bạn nên đi một mình, soạn mâm lễ không cần cầu kỳ như phải đầy đủ và thành tâm.
- Không nói tục, chửi thề, không nói chuyện ồn ào, cười đùa và trong quá trình làm lễ bạn cần giữ thái độ thành kính, trang nghiêm.
Hy vọng rằng với những thông tin Người du lịch chia sẻ trong bài viết trên đây bạn sẽ có cho mình một buổi lễ cầu duyên tại Chùa Hà thật trọn vẹn và thành công!
Xem thêm: Chùa Phật Tích Bắc Ninh: Những huyền tích ly kỳ xoay quanh cổ tự nghìn năm tuổi
Tin liên quan
Chùa Non Nước là ngôi cổ tự nằm trong quần thể Di tích đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), gắn liền với huyền thoại Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm.
Lễ hội chùa Hàm Long Bắc Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng, vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh và giải mã thắc mắc về nơi được mệnh danh là "đệ nhất nhốt trùng".
Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu Phật tử, du khách thập phương lại cùng nhau tham dự lễ hội chùa Hương, chiêm bái miền đất Phật để cầu may mắn, bình an.