Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật Thủ đô
Nhà hát Lớn Hà Nội được xem là biểu tượng của di sản kiến trúc và nghệ thuật Pháp còn lưu lại giữa lòng Thủ đô mà bất cứ ai cũng có thể đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật.
Mục lục
- Một vài thông tin sơ bộ về Nhà hát Lớn Hà Nội
- Đôi nét về lịch sử hình thành và sự phát triển của Nhà hát Lớn Hà Nội
- Khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật Thủ đô
- Gợi ý một số điểm lưu trú, ăn uống gần Nhà hát Lớn Hà Nội
- Một số kinh nghiệm quan trọng khi tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội
Một vài thông tin sơ bộ về Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn ở đâu Hà Nội?
Cuộc sống tất bật khiến chúng ta quên lãng đi những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn. Du lịch là một trong những liệu pháp chữa lành, cân bằng cuộc sống, tìm lại niềm vui hữu hiệu nhất. Ở trong bài viết này, Người Du Lịch xin giới thiệu đến du khách một địa điểm quen thuộc, mang tính biểu tượng giữa lòng Thủ đô mà ai cũng biết nhưng ít ai dành thời gian tìm hiểu sâu - đó chính là Nhà hát Lớn Hà Nội.

Theo Wikipedia, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi phục vụ biểu diễn nghệ thuật; là công trình được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô. Nhà hát Lớn cũng được mệnh danh là “Opéra Garnier Paris thu nhỏ”, sở hữu kiến trúc độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Đặc biệt, đây cũng là nhà hát lớn nhất ở Việt Nam, nổi tiếng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm.
Nhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc tại số 1 Tràng Thi, phường Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, ngay quảng trường Cách mạng tháng Tám. Vị trí của Nhà hát Lớn nằm khá gần hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, khách sạn Hilton Hanoi Opera, vườn hoa Nhà hát Lớn và vườn hoa 19-8... và các trung tâm thương mại, các điểm vui chơi giải trí.
Di chuyển đến Nhà hát Lớn Hà Nội thế nào?
Như đã chia sẻ bên trên, Nhà hát Lớn Hà Nội nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội vì thế việc di chuyển đến "tọa độ" này cũng rất dễ dàng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu bạn là khách thập phương ở các tỉnh phía Bắc thì có thể đi đi xe khách hoặc tàu hỏa để đến Thủ đô Hà Nội, sau đó bắt xe ôm, taxi để đi từ bến xe hoặc ga tàu đến Nhà hát Lớn Hà Nội. Những du khách ở miền Nam, miền Trung di chuyển bằng đường hàng không đến sân bay Nội Bài sau đó bắt xe đến Nhà hát Lớn.
Nếu bạn sống ở trong Thủ đô hoặc một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh thì có thể di chuyển đến Nhà hát Lớn dễ dàng hơn với thời gian ngắn hơn. Dưới đây, Người Du Lịch xin gợi ý cách di chuyển đến Nhà hát Lớn bằng các phương tiện công cộng:
- Nếu muốn đi xe bus, du khách có thể chọn các tuyến: 02, 35A, 43, 49, 55A, 86CT.

- Nếu đi bằng ô tô hoặc xe máy, du khách đi theo đường Lê Thái Tổ - Hàng Trống - Hàng Khay - Tràng Tiền vòng xoay Quảng Trường Cách Mạng Tháng Tám đến Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Du khách cũng có thể chọn tour xe bus hai tầng Hanoi City Tour từ Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến Quảng Trường Cách Mạng Tháng Tám. Việc di chuyển bằng phương tiện này sẽ giúp du khách tham quan được các tuyến phố ở Hà Nội một cách chậm rãi, thư thái.
- Cuối cùng, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe đạp công cộng. Hiện nay ở trung tâm Hà Nội có rất nhiều vị trí đặt xe đạp công cộng mà du khách có thể đến để mượn xe và đi theo hướng dẫn từ nhà cung cấp dịch vụ.
Tham quan Nhà hát Lớn có phải mua vé không?
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm ở ngay Quảng trường Cách mạng tháng Tám nên nếu du khách chỉ muốn tham quan kiến trúc bên ngoài hoặc chụp ảnh lưu niệm thì có thể đến đây tham quan miễn phí. Tuy nhiên, việc tham quan như vậy chỉ có thể thấy được kiến trúc bên ngoài. Để tham quan bên trong và thưởng thức âm nhạc, du khách cần phải mua vé. Hiện nay, Nhà hát Lớn có các tour tham quan kết hợp với xem biểu diễn nghệ thuật. Du khách có thể lựa chọn tour theo nhu cầu của mình như sau:
Tour tham quan, khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội:
- Số lượng khách tối đa: 20 người/lượt
- Thời gian tham quan: 70 phút/lượt.
- Giá vé: 120.000 đồng/lượt.
- Thời gian tổ chức: từ thứ 2 đến chủ nhật (trừ thứ 6).
Tour tham quan kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội:
- Số lượng khách tối đa: 250 người/lượt.
- Thời gian tour: 90 phút/lượt.
- Giá vé: 400.000 đồng/người.
- Thời gian tổ chức tour: từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần.
Nhà hát Lớn Hà Nội có hoạt động gì?
Ngay từ khi thành lập, Nhà hát Lớn Hà Nội đã giữ vai trò là một trong những trung tâm văn hóa đặc biệt quan trọng của Thủ đô. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật Việt Nam và quốc tế.
Dưới đây là một số hoạt động chính diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội:
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước.

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, họp báo chiêu đãi quốc gia, quốc tế theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là địa điểm biểu diễn lý tưởng, sang trọng và quy mô lớn ở Thủ đô. Từ con số chỉ 17 buổi biểu diễn vào năm 2000, đến đầu thập niên 2010, nơi đây đã diễn ra trung bình 400 buổi biểu diễn mỗi năm, đón trên 140 đoàn nghệ thuật quốc tế.
Đôi nét về lịch sử hình thành và sự phát triển của Nhà hát Lớn Hà Nội
Từ năm 1888, người Pháp bắt đầu tiến hành quy hoạch xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, hành chính ở miền Bắc Việt Nam rồi của cả xứ Đông Dương của chính quyền thuộc địa. Rất nhiều công trình kiến trúc mang phong cách Pháp ra đời, trong đó có một khu trung tâm văn hóa - nghệ thuật. Vào năm 1901, Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng và chính thức khánh thành vào năm 1911. Công trình này được lấy cảm hứng từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris - Pháp.
Nhà hát Lớn Hà Nội là tác phẩm kiến trúc của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam của nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Mặc dù là công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, nhất là kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Ra đời muộn hơn Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát Hải Phòng nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của Hà Nội.

Sau khi hoàn thành, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành nơi tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: Nhạc kịch, kịch câm, hòa nhạc giao hưởng, múa ballet... với mục đích thưởng thức nghệ thuật và lan tỏa văn hóa Pháp tại Việt Nam.
Sau năm 1945, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành điểm hội họp của Chính phủ, Quốc hội, và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của quân đội và nghệ sĩ Việt Nam. Cùng với sự hình thành của tầng lớp thị dân Hà thành và trí thức mới, nhà hát đã trở thành nơi sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi của giới văn nghệ sĩ Việt Nam thời bấy giờ.
Đến cuối thế kỷ 20, Nhà hát Lớn Hà Nội rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Khi đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trùng tu công trình này. Dự án bắt đầu từ năm 1995, hoàn thành vào năm 1997. Đây là lần trùng tu đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay, dưới sự giám sát của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị.
Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là một trong những nhà hát có quy mô lớn nhất Việt Nam, mà còn là điểm đến thu hút du khách khi đến thủ đô Hà Nội.
Khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật Thủ đô
Khám phá kiến trúc độc đáo
Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình kiến trúc mang đậm phong cách tân cổ điển Pháp, lấy cảm hứng từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Phần mái ngói được lợp bằng gạch đá xanh truyền thống của Pháp, trang trí họa tiết đắp nổi mang phong cách Baroque kết hợp với cửa sổ lớn hình vòm, tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên bên trong.

Hội trường chính được thiết kế theo kiểu nhà hát châu Âu cổ điển, có sức chứa 600 người. Nội thất được trang trí bằng vàng ánh kim với các vật liệu nhập khẩu như đèn chùm pha lê, thảm đỏ, cùng hệ thống cửa gỗ và sàn lát đá cẩm thạch cao cấp.
Nhà hát Lớn Hà Nội có diện tích hơn 2.600m², được thiết kế với bố cục khoa học gồm 3 tầng. Các khu vực chính bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội là:
Sảnh chính là không gian đón khách với cầu thang chữ Ta dẫn lên tầng 2. Nền sàn lát bằng đá vân thạch kết hợp với họa tiết cổ điển tạo ra không gian sang trọng.

Phòng gương ở tầng 2 là không gian dành cho các nghi lễ quan trọng và sự kiện của Chính phủ, cũng như các buổi đón tiếp những nhân viên cấp cao. Sàn phòng được phục chế bằng kỹ thuật lát gạch Mosaic. Phòng được trang trí bằng những tấm gương lớn và dàn đèn pha đẹp tạo sự trang trọng, lộng lẫy.

Khán phòng là không gian cầu kỳ với cột Corinth nâng đỡ mái vòm đầy màu sắc và họa tiết đắp nổi, kèm theo 1 khối đèn chùm pha lê dát vàng tráng lệ. Khán phòng có sức chứa 870 chỗ ngồi trên 3 tầng ghế bọc nhung đỏ theo phong cách cổ điển của Pháp ở thế kỷ 19. Đây là nơi hoàn hảo về âm thanh, ánh sáng, màu sắc tạo nên không gian nghệ thuật chất lượng.

Phòng chờ là nơi giao lưu, trò chuyện của khán giả trước và sau mỗi buổi biểu diễn. Phòng được trang trí lộng lẫy với đèn chùm pha lê, gương lớn và sàn đá cẩm thạch.
Hậu trường là không gian rộng rãi được chia thành các phòng như: phòng hóa trang, phòng thay đồ, khu vực kỹ thuật. Khu vực này được trang bị đầy đủ thiết bị để hỗ trợ nghệ sĩ trước màn trình diễn.
Khám phá quảng trường rộng lớn
Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội đã được đổi tên thành Quảng trường Cách mạng tháng Tám (hay Quảng trường 19/8) từ năm 1994. Không gian này trở thành biểu tượng đặc trưng của Hà Nội, kết hợp với các công trình: Nhà hát Lớn, khách sạn Hilton Hanoi Opera, và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Vào buổi, khi Nhà hát Lớn lấp lánh ánh đèn, Quảng trường lại càng trở nên rực rỡ hơn, trở thành điểm sáng văn hóa của người dân Thủ đô. Và đây cũng là điểm chụp ảnh ấn tượng.
Nhà hát Lớn Hà Nội - điểm check-in với nhiều góc siêu đẹp
Với kiến trúc độc đáo và tông màu vàng sáng, Nhà hát Lớn Hà Nội từ lâu đã trở thành điểm chụp ảnh không thể bỏ lỡ tại Hà Nội. Rất nhiều bức ảnh đẹp trên mạng xã hội được sản xuất từ đây.
Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi người dân Thủ đô chụp ảnh khi tới dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày kỷ niệm, Lễ tốt nghiệp... Du khách trong nước và quốc tế cũng thường đến đây để lưu lại những bức hình đẹp.
Nhà hát Lớn Hà Nội - Không gian biểu diễn ấn tượng
Nhà hát Lớn mang đến một không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật quan trọng tại Thủ đô. Những người làm nghệ thuật coi nơi đây như "điểm thánh" của nghệ thuật cổ điển, là nơi trình diễn những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đáng nhớ nhất. Vì thế du khách nếu có cơ hội đến Thủ đô thì đừng bỏ qua điểm đến là Nhà hát Lớn Hà Nội.
Gợi ý một số điểm lưu trú, ăn uống gần Nhà hát Lớn Hà Nội
Để có trải nghiệm tuyệt vời nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội, dụ khách cần nắm chắc trong tay một số địa điểm lưu trú, ăn uống để tiếp thêm năng lượng cho mình. Người Du Lịch xin gợi ý một vài địa điểm mà du khách có thể tham khảo:
Một số địa điểm lưu trú gần Nhà hát Lớn Hà Nội
Xung quanh Nhà hát Lớn Hà Nội có nhiều địa điểm lưu trú với nhiều mức giá từ thấp đến cao mà du khách có thể lựa chọn để nghỉ lại qua đêm như:
- Khách sạn Hilton Opera - số 1, đường Lê Thánh Tông, P. Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm.

- Khách sạn Sofitel Legend Metropole - số 15, đường Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm.
- Khách sạn Capella Hanoi - số 11, đường Lê Phụng Hiểu, Q. Hoàn Kiếm.
- Classy Boutique Hotel - 21 Hàng Cá, Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm. Mức giá từ: 540.000đ/đêm.
Một số địa điểm ăn uống gần Nhà hát Lớn Hà Nội
Đã đến Hà Nội, du khách đừng quên thưởng thức một số món ăn dân dã nhưng lại rất được ưa chuộng tại Thủ đô nhé:
- Bún đậu mẹt Nhà hát Lớn: Số 1 Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm; Giá: từ 40.000 đồng/món.
- Quán vịt Hải Lan - Vịt cỏ Vân Đình: Ngõ 49A Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; Giá: từ 20.000 VND/ món.

Quán Bánh Canh Ghẹ 6: Số 5 Phạm Sư Mạnh, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.
- Xôi Yến: Số 35B Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
- Buffet Sen: 61 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Pizza 4P’s: 43 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Bánh mì Bảo Quyên : 8 Chả Cá, Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Cà Phê Cộng: 4 Lý Thường Kiệt.
- Bánh đa trộn Hải Phòng: 29 Phan Huy Ích, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Một số kinh nghiệm quan trọng khi tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội
Nếu bạn có kế hoạch đến tham quan kiến trúc, thưởng thức âm nhạc nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội thì cần nắm chắc trong tay một số lưu ý sau:
- Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa đón khách vào giờ hành chính từ 8:00 sáng đến 5:00 chiều. Các ngày cuối tuần thường đông khách, nhất là vào mùa du lịch, vì thế, du khách nên tham quan vào buổi sáng hoặc chiều vào các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu.
- Nên đọc kỹ các nội quy của Nhà hát và tuân thủ quy định về tham quan, giữ gìn vệ sinh, trật tự.
- Không mang thức ăn hoặc đồ uống vào trong gây ảnh hưởng đến vệ sinh, mỹ quan của công trình.

- Có ý thức bảo vệ kiến trúc, không chạm, sờ vào hiện vật trang trí, các bức tượng, phù điêu.
- Trang phục khi tham quan cần lịch sự, thoải mái, phù hợp với không gian trang trọng.
- Để tìm hiểu kỹ về lịch sử Nhà hát Lớn Hà Nội, câu chuyện về kiến trúc về nghệ thuật âm nhạc thì nên có hướng dẫn viên.
- Sau khi tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, du khách có thể di chuyển đến tham quan nhiều địa điểm khác như phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Văn miếu quốc tử giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Tin liên quan
Trong số những tinh hoa ẩm thực của vùng đất Thủ đô, bún thang Hà Nội vẫn luôn là món ăn tinh tế, thanh tao khiến ai từng một lần thưởng thức cũng đều mê đắm.
Chùa Non Nước là ngôi cổ tự nằm trong quần thể Di tích đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), gắn liền với huyền thoại Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm.
Canh bóng thả là một trong những món canh được xem là “4 món tứ trụ” trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực của người dân xứ kinh kỳ.