Hồ Hoàn Kiếm - "trái tim" của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Xưa kia, hồ Hoàn Kiếm gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ. Ngày nay, hồ Hoàn Kiếm là điểm du lịch nổi tiếng, mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Mai Anh Nguyễn Theo dõi

Mục lục

Những thông tin du lịch cần biết về hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm ở đâu Hà Nội?

Hồ Hoàn Kiếm (hay Hồ Gươm) còn có một số tên gọi khác là hồ Tả Vọng, hồ Lục Thủy (hồ nước xanh) hoặc hồ Thủy Quân (hồ từng là nơi huấn luyện thủy binh chiến đấu). Đến thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) vì gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ. Đến nay, Hồ Hoàn Kiếm được bảo tồn trở thành di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-0-1537
Hồ Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao xuống

Hồ Hoàn Kiếm tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội (địa chỉ: phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kết nối với khu phố cổ (phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Lương Văn Can) và những khu phố sầm uất như Tràng Thi, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Bà Triệu... Vì nằm ở vị trí đắc địa, nên hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm giao thoa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại của Hà Nội.

Từ lâu nay, hồ Hoàn Kiếm đã trở thành "trái tim" của Thủ đô ngàn năm văn hiến, là biểu tượng, là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Hà Nội. Từ hồ Hoàn Kiếm, du khách có thể thăm thú rất nhiều địa danh nổi tiếng như Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu...

Tham quan hồ Hoàn Kiếm mùa nào đẹp nhất?

Bất kỳ thời điểm nào trong năm du khách đều có thể tham quan hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, để có trải nghiệm trọn vẹn nhất, du khách có thể lựa chọn những thời điểm lý tưởng sau:

Mùa xuân: Đây là thời điểm hồ Hoàn Kiếm được trang hoàng bởi hoa và các biển hiệu chào mừng Tết. Khi đến đây, du khách có thể cầm thêm một cành đào để ghi lại cho mình những hình ảnh đẹp của mùa xuân, của Thủ đô vào những ngày đầu năm mới.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-1-1531
Mỗi mùa, hồ Hoàn Kiếm sẽ mang một vẻ đẹp riêng

Mùa thu: Đây được xem là thời điểm lý tưởng nhất để tham quan hồ Hoàn Kiếm. Bởi lúc này thời tiết mát mẻ, dễ chịu, không khí trong lành, lá cây chuyển sang sắc vàng tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn. Chỉ cần ngồi tại một chiếc ghế bên hồ Hoàn Kiếm du khách cũng có thể có được những bức ảnh đẹp lung linh...

Dịp cuối tuần: Vào những ngày cuối tuần, hồ Hoàn Kiếm vô cùng sôi động. Bởi lúc này người dân ở Thủ đô và du khách thập phương sẽ đổ về tham quan, vui chơi, thưởng thức chương trình âm nhạc đường phố, đi chợ đêm...

Sáng sớm hoặc chiều tối: Đây là thời điểm lý tưởng dành cho những người thích đi bộ, thích hít hà bầu không khí trong lành ở hồ Hoàn Kiếm.

Di chuyển đến hồ Hoàn Kiếm như thế nào?

Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội nên việc di chuyển đến đây rất thuận tiện. Du khách có thể đi đến bằng các phương tiện công cộng hoặc phương tiện cá nhân:

- Xe bus: Đây là lựa chọn di chuyển phổ biến và tiết kiệm nhất. Du khách có thể đến hồ Hoàn Kiếm bằng các tuyến xe như 04, 08, 09, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 40.

- Xe máy: Nếu muốn chủ động đi lại, tham quan lòng vòng Hà Nội thì có thể lựa chọn phương tiện là xe máy. Tuy nhiên, khi đi vào trung tâm thành phố thì nên giữ tốc độ an toàn.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-2-1533

- Taxi: Du khách lựa chọn taxi để di chuyển từ nơi mình lưu trú đến hồ Hoàn Kiếm.

- Xích lô: Nếu muốn vòng quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ thì xích lô là một lựa chọn tuyệt vời.

- Đi bộ: Du khách cũng có thể đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để tận hưởng không khí trong lành, giao lưu với du khách thập phương và tham quan các địa điểm gần hồ Hoàn Kiếm.

Tham quan hồ Hoàn Kiếm có mất vé không?

Nếu bạn đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, ngắm cảnh và chụp ảnh hoặc tham gia các hoạt động đường phố tại đây thì hoàn toàn miễn phí. Du khách không phải trả bất kỳ chi phí tham quan nào.

Tuy nhiên, nếu du khách vào tham quan đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm thì cần mua vé với chi phí như sau:

- Người lớn: 30.000 đồng/người

- Trẻ em: 15.000 đồng/người

- Người già, người khuyết tật: miễn phí vé vào cửa

Những điều ít biết về lịch sử và sự tích hồ Hoàn Kiếm

Lịch sử hình thành hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt tự nhiên, nằm trong quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12ha. 

Cách đây khoảng 6 thế kỷ, dựa theo bản đồ thời Hồng Đức, phần lớn xung quanh kinh thành khi ấy là nước. Hồ Hoàn Kiếm là một phần lưu sông Hồng chảy qua vị trí của các phố ngày nay như Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối. Sau đó đổ ra nhánh chính của sông Hồng. Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-3-1534
Một số hình ảnh về hồ Hoàn Kiếm năm xưa

Vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16), chúa Trịnh cho chỉnh trang Hoàng thành THăng Long để vua Lê ở, đồng thời cho xây dựng phủ chúa riêng nằm ngay bên ngoài Hoàng thành. Phủ chúa trở thành một cơ quan trung ương thời bấy giờ với các công trình kiến trúc xa hoa, lộng lẫy như: Lầu Ngũ Long (dùng để duyệt quân) nằm ở bờ Đông của hồ Hoàn Kiếm, đình Tả Vọng nằm trên đảo Ngọc Sơn. Đến năm 1728, Trịnh Giang cho đào hầm ở vị trí phía Nam hồ để xây dựng cung điện ngầm được gọi là Thưởng Trì cung. Chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi duyệt quân thủy chiến cho triều đình. 

Sang đời vua Tự Đức (1847 - 1883), hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Từ năm 1884, nhà nước bảo hộ Pháp cho lấp hồ Thủy Quân để xây dựng và mở mang Hà Nội. 

Sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ

Tên gọi hồ Hoàn Kiếm xuất hiện từ đầu thế kỷ 15, liên quan đến sự tích Hồ Gươm về câu chuyện của vua Lê Thái Tổ và Rùa Vàng. Truyền thuyết này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành biểu tượng cho tinh thần quật cường, ý chí độc lập và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam ta.

Tương truyền, vào thế kỷ 15 khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược, trong một lần đi dạo ven hồ Lục Thủy đã nhặt được lưỡi gươm sáng chói cùng chuôi gươm có khắc chữ "Thuận THiên" và "Lợi". Tin rằng đây là báu vật trời ban, Lê Lợi đã rèn thành gươm và lấy tên là Thuận Thiên. Nhờ có gươm báu, nghĩa quân Lam Sơn đã có chiến thắng vang dội, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi nước ta.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-4-1535

Đầu năm 1428, sau khi đăng cơ, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã du thuyền trên hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm). Bỗng nhiên, Rùa Vàng nổi lên trên mặt nước và ngỏ lời xin lại gươm báu. Vua hiểu ý Rùa Vàng nên rút gươm ra trao lại. Thanh gươm bay khỏi tay nhà vua, vút lên trời rồi biến mất trong lùm cây trên Tháp Rùa. 

Truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm đã thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Thanh gươm báu tượng trưng cho sức mạnh, lòng yêu người của người Việt, là niềm tin vào sự chiến thắng trước kẻ thù xâm lược. 

Những thông tin ít biết về Tháp Rùa và rùa hồ Hoàn Kiếm

Tháp Rùa - nơi giữ hồn thiêng giữa lòng hồ Hoàn Kiếm

Tháp Rùa là ngọn tháp nhỏ nằm trên một gò đất nổi giữa hồ Hoàn Kiếm, lui về phía Nam của hồ. Tháp Rùa được xây dựng vào năm 1886 bởi Nguyễn Ngọc Kim - một vị quan triều Nguyễn với mục đích để tưởng nhớ cha của ông. Trước đó, gò đất này từng là nơi vua Lê Thánh Tông cho xây dựng Điếu Đài để câu cá và chúa Trịnh cho xây Tả Vọng (thế kỷ 17 - 18) nhưng đến thời Nguyễn thì công trình này đã không còn dấu tích.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-5-1537
Hình ảnh Tháp Rùa nhìn từ trên cao

Ít ai biết rằng, Tháp Rùa gắn liền với sự tích Hồ Gươm và truyền thuyết về Rùa Thần. Tương truyền, vua Lê Lợi nhận được gươm thần để đánh đuổi giặc Minh. Sau khi chiến thắng, vua trả gươm thần cho Rùa Vàng ở hồ. Chính vì thế mà hồ này được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm để ghi nhớ sự tích trọng đại này.

Về kiến trúc, Tháp Rùa là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc châu Âu với hàng cửa cuộn gothic hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc cổ Việt Nam. Tháp Rùa được xây trên gò đất rộng 350m2, bình đồ hình chữ nhật có 4 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần khi lên các tầng trên. Hai mặt phía đông và tây có 3 cửa cuốn, Phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh. Cụ thể:

- Tầng 1 có hình chữ nhật với 10 cửa vòm, tượng trưng cho đất, được xây dựng bằng đá kiên cố. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-7-1541

- Tần 2 thu nhỏ hơn tầng 1, vẫn giữ nguyên hình chữ nhật và 14 cửa sổ nhỏ, tượng trưng cho sự kết nối giữa trời và đất.

- Tầng 3 chỉ có một cửa hình tròn ở mặt phía đông, bên trong có một bàn thờ - nơi thờ tự cha của Nguyễn Ngọc Kim.

- Tầng trên đỉnh được thiết kế như một vọng lâu, có hình vuông, bên ngoài có chữa "Quý Sơn Tháp" (tức Tháp Núi Rùa).

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-6-1541

Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm là công trình kiến trúc mang nhiều ý nghĩa lịch sử và là dấu tích trường tồn của thời gian. Đến với Tháp Rùa, du khách sẽ tận hưởng sự thanh bình, nhẹ nhàng cùng hình ảnh nhuốm màu thời gian tạo nên một bức tranh lãng mạn về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Rùa hồ Hoàn Kiếm - loài cực kỳ nguy cấp, có khả năng tuyệt chủng

Du khách đến tham quan hồ Hoàn Kiếm còn rất quan tâm đến loài rùa từng sinh sống tại đây. Thực tế, rùa hồ Hoàn Kiếm có tên khoa học là Rafetus Leloii. Đây là loài vật họ Ba Ba thuộc bộ Rùa, lớp Sauropsida. Rùa mai mềm khổng lồ Rafetus swinhoei đặc biệt quý hiếm, năm 2023 trên thế giới người ta chỉ tìm thấy được 3 cá thể.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-8-1542
Tiêu bản "cụ Rùa" hồ Hoàn Kiếm được trưng bày ở đền Ngọc Sơn

Theo các ghi chép, rùa hồ Hoàn Kiếm có 4 cá thể khác nhau, trong đó có một cá thể đã chết được lưu trong đền Ngọc Sơn, một cá thể khác lưu ở Bảo tàng Hà Nội, một cá thể bị giết vào năm 1962 - 1963 khi bò lên vườn hoa Chí Linh. Khoảng năm 2011, rùa Hồ Gươm còn duy nhất một cá thể sống sót và rừng được vớt lên để chữa trị vết thương và được gọi là "cụ Rùa". Cá thể rùa cuối cùng của hồ đã chết vào ngày 19/1/2016.  Hiện nay, rùa Hồ Gươm là loài rùa đặc biệt quý hiếm, được sách đỏ thế giới xếp vào danh mục loài cực kỳ nguy cấp, khả năng tuyệt chủng rất cao. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-9-1543
Hình ảnh hiếm hoi về rùa hồ Hoàn Kiếm

Để có thể chiêm ngưỡng "cụ Rùa", du khách có thể dành thời gian đến đền Ngọc Sơn - ngôi chùa linh thiêng giữa hồ để tham quan. Ở đây, tiêu bản của cá thể rùa hồ Hoàn Kiếm được trưng bày với màu sắc tương tự như thời còn sống, mang đến cho du khách góc nhìn chân thật về loài động vật. 

Những điểm tham quan nổi tiếng quanh hồ Hoàn Kiếm

Hiện nay, hồ Hoàn Kiếm vẫn giữa nguyên được vẻ đẹp và giá trị lịch sử. Đây là tọa độ đến lý tưởng không thể bỏ qua với rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng:

Đền Ngọc Sơn - vẻ đẹp trầm mặc giữa lòng Hà Nội

Đền Ngọc Sơn thuộc cụm di tích hồ Hoàn Kiếm, là ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thần chủ quản công danh Văn Xương Đế Quân. Bên cạnh đó, nơi đây có ban thờ Phật, ban Công Đồng.... Qua việc thờ tự cùng với phong cách kiến trúc, hệ thống câu đối, hoành phi và cách bài trí của đền đã thể hiện rõ quan niệm Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) của người Việt xưa.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-10-1544

Đền Ngọc Sơn mở cửa đón khách vào tất cả các ngày trong tuần. Từ thứ 2 đến thứ 6, mở cửa từ 7h đến 18h.Thứ 7 và Chủ nhật, đền mở cửa đến 21h để phục vụ du khách tham quan. 

Đài Nghiên và  Tháp Bút - công trình biểu tượng của đền Ngọc Sơn

Đài Nghiên và Tháp Bút được xây dựng vào năm 1864 (có tài liệu ghi 1865) bởi Nguyễn Văn Siêu - một nhà nho uyên bác và một án sát nghỉ hưu nổi tiếng của Hà Nội. Sự ra đời của 2 công trình này không chỉ đơn thuần là một phần trong quá trình tu bổ đền Ngọc Sơn mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh lịch sử, xã hội đầy biến động thời đó. Nguyễn Văn Siêu quyết định xây dựng Đài Nghiên và Tháp Bút như một biểu tượng cho việc hồi sinh tinh thần văn hóa, khôi phục lại giá trị đạo đức và trí tuệ của người Việt.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-11-1545

Đài Nghiên bao gồm 3 chân kê lên lưng của 3 con cóc, trên thân nghiên có khắc một bài thơ Minh văn gồm 64 chữ Hán.  Tháp Bút được thiết kế với hình dáng của một cây bút lông cao 9 mét, với ngòi bút thẳng đứng hướng về trời. Hai công trình này tượng trưng cho truyền thống hiếu học của dân tộc Việt cũng như lòng tự hào về trí tuệ, văn hóa nước nhà.

Cầu Thê Húc - "dải lụa mềm" đỏ rực giữa lòng hồ Hoàn Kiếm

Thời vua Tự Đức, năm 1865, Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng một câu cầu với độ dài 45m nối từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến đền Ngọc Sơn, lấy tên là Thê Húc, với ý nghĩa là nơi ngưng tụ những hào quang sáng chói. Khi đó, cầu chỉ được xây dựng bằng gỗ, khá đơn sơ. Sau khi hoàn thành, các sĩ tử trước khi bước vào kỳ thi Hương đều tập trung đến đền Ngọc Sơn để thắp hương rất đông. Điều này khiến cầy có nguy cơ bị sập. Vì thế, cầu đã trải qua 2 lần tu sửa vào năm 1916 và năm 1954. Với lần trùng tu cuối cùng, móng cầu gỗ đã được thay thế hoàn toàn bằng móng cầu xi măng, cực kỳ chắc chắn và kiên cố. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-12-1546

Kiến trúc của cầu Thê Húc liên quan đến hướng và màu sắc mang ý nghĩa mà không phải ai cũng biết: Cầu được xây dựng hướng về phía mặt trời mọc (phía Đông) nhằm đón được trọn vẹn nguồn dưỡng khí tốt lành, cầu chính là nơi ngưng tụ ánh sáng. Cầu có màu đỏ, đại diện cho màu của sự sống, hạnh phúc, niềm vui. Cùng với tên gọi Thê Húc, cầu được ví như "cầu của thần mặt trời".

Đền Bà Kiệu - Ngôi đền linh thiêng bên hồ Hoàn Kiếm

Đền Bà Kiệu tọa lạc ở số 59 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền nằm ở vị trí linh thiêng của Thủ đô, phía trước có hồ Gươm với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, gần đó là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-13-1547

Đền Bà Kiệu được xây dựng vào thời Lê TRung Hưng và hiện được chia thành 2 phần là Tam quan và Đền thờ. Đền mẫu này được gọi là Thiên Tiên điện, nằm ở phía Đông Bắc của hồ Hoàn Kiếm và là nơi thờ Liễu Hạnh công chúa, Quế Hoa và Quỳnh Hoa. Với nhiều giá trị văn hóa và tâm linh, đền Bà Kiệu đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân đến hành hương, tìm hiểu tín ngưỡng và các di sản văn hóa. 

Du khách có thể ghé thăm đền Bà Kiệu vào tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia lễ hội đền Bà Kiệu - hoạt động nhằm tôn vinh Thần Nữ Bà Kiệu, cầu mong những điều may mắn, bình an cho mọi nhà. 

Tháp Hòa Phong - Chứng tích văn hóa, lịch sử của Thủ đô

Tháp Hòa Phong là công trình có niên đại hơn một thế kỷ, tọa lạc trên mặt phố Đinh Tiên Hoàng, bên phía bờ Đông Nam của hồ Hoàn Kiếm. Tháp Hòa Phong không nằm trong quần thể cùng với Tháp Rùa mà là một phần còn sót lại của di tích chùa Báo Ân được xây dựng từ năm 1846 dưới thời nhà Nguyễn. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-14-1548

Tòa tháp được xây dựng uy nghiêm với 3 tầng, trong đó tầng thứ nhất có ô cửa thông bốn hướng. Đây là công trình đại diện cho một thời lịch sử oanh liệt của dân tộc và cũng là chứng tích cho lịch sử, kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật. Với vẻ đẹp cổ kính, tháp Hòa Phong là điểm chụp hình được nhiều người yêu thích khi đến Hồ Gươm.

Nhà hát múa rối Thăng Long - nơi nghệ thuật dân gian thăng hoa

Nhà hát múa rối Thăng Long là địa điểm đáng đến trong hành trình tham quan hồ Hoàn Kiếm. Đây là nơi nghệ thuật múa rối nước dân gian của Việt Nam được thăng hoa, được trình diễn cho du khách trong nước và quốc tế thưởng thức.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-15-1549

Mỗi ngày, nhà hát có khoảng 6 suất diễn với những tiết mục rối nước đặc sắc, được dàn dựng tài tình, công phu. Sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, nhà hát đã mang đến cho khán giả hàng nghìn vở diễn với đa dạng thể loại, hình thức. Đặc biệt, nhà hát luôn sáng tạo những điều mới mẻ để không làm mờ nhạt đi tinh hoa văn hóa Việt Nam, tôn vinh giá trị cao đẹp của nghệ thuật múa rối nước.

Đền thờ vua Lê - nơi tưởng nhớ vị vua đầu tiên của triều Lê

Đền thờ vua Lê tọa lạc tại số 16 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền nằm ở bờ phía Tây của hồ Hoàn Kiếm, gần đình Nam Hương. Ngôi đền này được xây dựng để tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ - vị vua đầu tiên của triều nhà Lê.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-16-1550

Khuôn viên đền thờ có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên một trụ cao, tay nâng thanh kiếm như đang chuẩn bị trao đổi lại gươm của Rùa thần trong hồ. Đây là một trong những tượng đài cổ nhất Thủ đô và là di tích lịch sử quan trọng trong quần thể danh thắng hồ Hoàn Kiếm. Bên cạnh kiến trúc độc đáo, khuôn viên của đền còn có nhiều cây xanh, có một đàn bồ câu sống tự do tạo nên sự bình yên, thư thái cho du khách ghé thăm.

Tượng đài Lý Thái Tổ

Tượng đài Lý Thái Tổ tọa lạc giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm thơ mộng. Tượng đài là biểu tượng văn hóa và lịch sử quan trọng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-17-1551

Tượng đài khắc họa hình ảnh vị vua Lý Thái Tổ với phong thái uy nghiêm, tay cầm thanh kiếm chỉ về phí trước, thế hiện ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước. Công trình này không chỉ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật mà còn là nơi nhân dân và du khách tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của vị vua đã có công dời đô về Thăng Long mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho nhân dân Việt Nam.

Tượng đài Quyết tử

Tượng đài Quyết nằm sừng sững bên hồ Hoàn Kiếm, là biểu tượng hùng tráng, khắc họa tinh thần bất khuất, kiên cường của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh người chiến sĩ ôm bom ba càng và cô gái Hà Nội trong tà áo dài truyền thống cùng hướng về phía trước với ánh mắt quyết tâm đã trở thành dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-18-1552

Ở tượng đài còn có khẩu hiệu "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" là lời trích từ bức thư động viên Bác Hồ gửi cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Tượng đài là công trình mang tính biểu tượng cao, thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của quân và dân Thủ đô trong những ngày tháng hào hùng. 

Phố cổ Hà Nội 

Phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 100ha với 10 phường và 76 tuyến phố. Chỉ cần đặt chân đến đây, du khách sẽ có cảm giác như được quay lại những thế kỷ trước của một Hà Nội cổ xưa. Phố cổ Hà Nội phần nào phản ánh được bức tranh cuộc sống của mảnh đất, con người Hà Nội khi xưa. Cho đến nay, phố cổ đã trở thành một tài sản quý giá được chính quyền và nhân dân gìn giữ, bảo tồn.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-19-1553

Phố cổ Hà Nội được hình thành từ thời Lý - Trần (thế kỷ 11). Đây là khu phố diễn ra các hoạt động giao thương của kinh đô Thăng Long khi xưa. Các khu phố ở phố cổ được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển và có chung một kiểu cách với mái ngói ngang, nhà ống nhỏ, màu sơn vàng.

Những điểm vui chơi hiện đại gần hồ Hoàn Kiếm

Nếu có thời gian khám phá Thủ đô Hà Nội mà "tọa độ" chính là khu vực hồ Hoàn Kiếm thì du khách đừng nên bỏ qua một số điểm vui chơi giải trí mua sắm dưới đây nhé:

Phố đi bộ Hồ Gươm

Khác với vẻ trầm lắng của các di tích lịch sử xung quanh, phố đi bộ Hồ Gươm là địa điểm sôi động với không khí náo nhiệt khi về đêm. Phố đi bộ Hồ Gươm hoạt động vào tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Khu phố bán đa dạng các sản phẩm quần áo, đồ dùng sinh hoạt cho đến ẩm thực. Tại đây, du khách cũng được hòa mình vào các trò chơi dân gian thú vị như nặn tò he... 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-20-1554

Dạo quanh phố đi bộ, bạn có thể thoải mái chụp hình, thưởng thức ẩm thực và mua những món quà lưu niệm. Tuy nhiên, phố đi bộ khá đông đúc nên du khách phải chủ động bảo vệ tài sản cá nhân.

Phố sách Đinh Lễ

Đinh Lễ được gọi là "thiên đường sách" của Hà Nội, nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm. Dãy phố này tập trung nhiều cửa hàng sách, nơi du khách có thể tìm thấy các đầu sách về triết họck, lịch sử, văn hóa, kinh tế, khoa học xã hội cho đến sách đầu sách chuyên ngành... Đây là nơi, du khách có gặp gỡ, giao lưu, đàm thoại về sách. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-21-1556

Tràng Tiền Plaza

Tràng Tiền Plaza tọa lạc ở số 24 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây là một khu phức hợp mua sắm và giải trí. Công trình này được xây dựng bởi người Pháp từ năm 1901. Trải qua thăng trầm của thời gian và lịch sử, nơi đây không chỉ mang giá trị về hóa, kiến trúc, lịch sử mà còn trở thành trung tâm thương mại cao cấp bậc nhất cả nước. 

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-22-1557

 Đến với Tràng Tiền Plaza, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc sang trọng và trải nghiệm mua sắm các sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp.

Những "tọa độ" ăn ngon gần hồ Hoàn Kiếm

Đến với hồ Hoàn Kiếm, ngoài tham quan khám phá các di tích lịch sử, các địa điểm vui chơi giải trí thì du khách đừng bỏ qua trải nghiệm ẩm thực. Tại nơi đây có rất nhiều quán ăn ngon được khen hết lời trên các diễn đàn mạng xã hội cũng như những tạp chí ẩm thực uy tín:

Chợ Đồng Xuân - thiên đường ẩm thực phố cổ

Chợ Đồng Xuân là khu chợ lâu đời và có quy mô lớn nhất ở Hà Nội. Nơi đây bán nhiều sản phẩm từ đồ dùng cho đến hàng may mặc và cả đồ ăn. 

Chợ Đồng Xuân nổi tiếng với các món ăn bình dị nhưng hấp dẫn: bún ngan, bánh tôm, bún ốc, thịt xiên, các loại chè...

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-23-1557

Bún thang Cầu Gỗ

Quán bún thang Bà Đức nổi tiếng nhất nhì phố Cầu Gỗ. Quán ăn này thu hút thực khách bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng. Bún thang Bà Đức là sự hòa quyện của thịt gà, giò lụa, tôm khô, trứng non, hành, mùi tàu, nấm hương và nước dùng thanh ngọt. Với người Hà Nội, đây không chỉ là món ăn mà còn là tinh hoa ẩm thực của Hà thành.

Bún chả Hàng Quạt

Bún chả là món không thể bỏ qua khi đến hồ Hoàn Kiếm vui chơi. Cửa hàng bún chả nằm ngay đầu đường Hàng Quạt đã tồn tại từ lâu đời và luôn ghi dấu ấn với suất ăn đầy đặn, phần thịt nướng xém cạnh thơm ngon.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-24-1558

Nộm bò khô Đinh Tiên Hoàng

Nếu bạn muốn ăn nhẹ thì đừng nên bỏ qua món nộm bò khô ở số 51 Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây phục vụ nhiều món ăn khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là nộm bò khô với vị đậm đà của nước mắm, ban bò khô.

Chè bốn mùa Hàng Cân

Chè bốn mùa ở số 4 Hàng Cân nổi tiếng với sự thơm ngon. Quán ăn mang đến cho du khách nhiều lựa chọn với đa dạng các loại chè từ chè nóng cho đến chè lạnh (phù hợp với từng mùa). Quán chè có tuổi đời trên 50 năm là địa điểm quen thuộc với người dân phố cổ. Đến đây, bạn đừng bỏ qua trải nghiệm thú vị này nhé.

Ốc nóng Đinh Liệt

Quán ốc số 1 Đinh Liệt lúc nào cũng đông đúc khác ghé thăm bởi phục vụ nhanh, ốc nóng hổi, béo ngọt kèm nước chấm đậm đà. Chủ quán chia sẻ, ở đây có công thức chế biến đặc biệt nên rất thơm ngon, thu hút du khách gần xa.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-25-1559

Kem Tràng Tiền

Đây là thương hiệu kem lâu đời và nổi tiếng ở hồ Hoàn Kiếm. Cửa hàng gây thương nhớ với những que kem mát lạnh. Du khách có nhiều lựa chọn về vị như: kem vani, kem đậu xanh, kem sữa dừa...

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-26-1601
ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-26-1601

Kem Thủy Tạ

Thủy Tạ cũng là thương hiệu kem nổi tiếng ở Hà Nội. Cửa hàng kem Thủy Tạ đặt ngay sát hồ Hoàn Kiếm nên du khách có thể vừa thưởng thức kem vừa ngắm hồ. Mức giá của hãng kem này cũng khá hợp lý.

Cafe Đinh - nổi tiếng với cafe trứng ngon

Đến hồ Hoàn Kiếm, bạn đừng quên ghé quán Cafe Đinh để thưởng thức một ly cafe trứng siêu thơm ngon, béo ngậy. Đây Đây là thức uống nổi tiếng của quán với công thức pha chế độc đáo. Khi uống cà phê trứng, bạn sẽ ngửi thấy mùi cà phê thơm phảng phất, đậm và rất béo. Cũng chính lí do này mà cà phê trứng trở thành thức uống thử một lần nhớ mãi. 

Một vài kinh nghiệm bỏ túi khi tham quan hồ Hoàn Kiếm

Tham quan hồ Hoàn Kiếm là một trải nghiệm thú vị, nhất định phải thực hiện một lần trong đời. Tuy nhiên, để có chuyến đi trọn vẹn, du khách đừng bỏ qua một số lưu ý sau:

- Các điểm tham quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm không quá xa nên du khách có thể đi bộ để vận động và thăm thú một cách thư thả.

- Khi muốn trải nghiệm các dịch vụ như xích lô... du khách nên tìm hiểu về giá cả trước.

ho-hoan-kiem-va-kinh-nghiem-tham-quan-tu-a-den-z-28-1604

- Nên đi tham quan hồ Gươm vào những ngày trời khô ráo để có thể khám phá được tất cả các địa điểm và không bị cản trở bởi mưa gió. 

- Nếu muốn mua sắm đồ về làm quà, du khách nên mua vào buổi chiều để tiện hỏi giá, mặc cả.

- Gần hồ Hoàn Kiếm có nhiều điểm lưu trú, du khách nên lưu trú ở gần đó để tiện di chuyển.

Xem thêm: Giải mã Hoàng thành Thăng Long: Từ kinh đô Đại La đến Thủ đô Hà Nội

Tin liên quan

Nhà hát Lớn Hà Nội được xem là biểu tượng của di sản kiến trúc và nghệ thuật Pháp còn lưu lại giữa lòng Thủ đô mà bất cứ ai cũng có thể đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật.

Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng của kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật Thủ đô
0 Bình luận

Chùa Non Nước là ngôi cổ tự nằm trong quần thể Di tích đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), gắn liền với huyền thoại Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm.

Kinh nghiệm du xuân tham quan chùa Non Nước Sóc Sơn, Hà Nội
0 Bình luận

Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.

Chùa Hà – Ngôi chùa cầu tình duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội
0 Bình luận


Bài mới

Kẻ lãng du “hồi sinh” giữa Du Già hoang vu dữ tợn

Giữa trong veo, tĩnh lặng và lạnh giá của Du Già Hà Giang, những kẻ lãng du thấy cơ thể mình được hồi sinh. Không còn nỗi sợ hãi về cơn lạnh nữa, chỉ còn một niềm khoái cảm được chìm đắm giữa núi rừng, suối thác nguyên sơ.

Hồng Anh
Hồng Anh 6 ngày trước
Thanh xuân sống ở Việt nam là điều tôi tự hào nhất trong đời mình…

Chris Wallace là nhà văn và nhiếp ảnh gia đến từ New York. Ông đã từng có một khoảng thời gian ở Việt Nam và với ông đây là quãng thanh xuân tơi đẹp nhất. “Nghe có vẻ lạ, nhưng thanh xuân sống ở Việt Nam là điều tôi tự hào nhất trong đời mình", Chris Wallace chia sẻ.

Hồng Anh
Hồng Anh 7 ngày trước
Nguyên và chuyến trekking xuyên đêm leo núi Chư Mư đón bình minh trên hòn Vọng Phu

Để có thể đón bình minh, chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Đắk Lắk, Nguyên đã phải một mình leo núi Chư Mư trong đêm...

Đường lên Yên Tử 

Đường lên Yên Tử là cung đường đầy khó khăn, tốn sức nhưng lòng cảm thấy thanh thản vì đã được gặp những con người bình dị nhưng tử tế...

Mê mẩn vẻ đẹp cổ kính ở tiểu chủng viện Làng Sông - 'cái nôi' của chữ Quốc ngữ

Tiểu chủng viện Làng Sông có lịch sử hơn 170 năm nhưng vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc Gothic đặc trưng, tạo nên vẻ đẹp cổ kính...

Phó Bảng Hà Giang – Thị trấn cổ tích ẩn mình giữa cao nguyên đá

Không quá đông đúc, nhộn nhịp như phố cổ Đồng Văn, thị trấn Phó Bảng Hà Giang mang đến vẻ đẹp của sự bình yên, rêu phong và cổ kính, tựa như một thước phim xưa quay chậm.

Cầu Long Biên: 'Chứng nhân lịch sử' của 'một thời đạn bom, một thời hòa bình'

Cầu Long Biên không chỉ là "chứng nhân lịch sử" của một thời đạn bom mà còn là kiệt tác kiến trúc với kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á...

Hồ Noong Hà Giang – Đôi mắt của rừng 

Được mệnh danh như chốn bồng lai vùng biên viễn, Hồ Noong Hà Giang hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng, như dải lụa mềm vắt giữa những khu rừng nguyên sinh rậm rạp.

Giải mã Hoàng thành Thăng Long: Từ kinh đô Đại La đến Thủ đô Hà Nội

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di sản, văn hóa tiêu biểu phản ánh tiến trình lịch sử của nước Việt trong suốt 13 thế kỷ (thế kỷ 11 - thế kỷ 18)... Giờ đây, nơi này trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống di tích Việt Nam.

Nhà tù Hỏa Lò và những câu chuyện lịch sử chân thực

Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, Di tích Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam từng bị thực dân Pháp giam giữ tại đây.

Dốc Thẩm Mã Hà Giang – Dải lụa mềm uốn lượn giữa mây trời

Dốc Thẩm Mã là một trong những cung đường đèo đẹp nhất Hà Giang. Cung đường này không chỉ nổi tiếng với những đoạn cua khúc khuỷu mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Top những đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở đất Tổ Phú Thọ

Phú Thọ là vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam; là nơi tọa lạc của nhiều đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia như: Đình Đào Xá, Đình Do Nghĩa, đình Hùng Lô...

Núi đôi Quản Bạ - Tuyệt tác thiên nhiên nơi địa đầu Tổ quốc

Núi đôi Quản Bạ là một trong những cảnh đẹp mà du khách ghé đến Hà Giang ai cũng muốn được một lần chinh phục, khám phá. Thật không ngoa khi nói, đây là một tuyệt tác thiên nhiên của đất trời.

Hang động Tả Phìn - Tuyệt tác thiên nhiên ẩn mình sau những cánh rừng già

Trải qua hàng triệu năm kiến tạo trong lòng đá vôi và những biến thiên của thời cuộc, hang động Tả Phìn trở thành nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghiên cứu, khảo cổ. Nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn tại Sa Pa.

Đề xuất