Thong dong về miền tiên cảnh thanh tịnh "Địa Tạng Phi Lai Tự"
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự không chỉ là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Hà Nam mà còn là nơi để du khách ghé đến, tìm kiếm sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự ở đâu?
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự hay còn gọi là chùa Đùng, là một ngôi chùa cổ với lịch sử tồn tại hơn 1000 năm. Chùa nằm gọn trong lòng dãy núi Phi Lai tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam.

Chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km. Từ nhiều năm nay, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nam.
Lịch sử hình thành chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Thôn Ninh Trung khi xưa có tên gọi là Thôn Đùng – lấy theo tên chùa Đùng, ngôi chùa to và rộng tới hơn 100 gian. Tuy nhiên, theo dòng chảy của lịch sử và sự biến động của thời gian, kiến trúc cảnh quan của ngôi chùa cô đã bị bào mòn, cây cối mọc hoang vây kín khiến chùa Đùng dần xuống cấp, rơi vào quên lãng. Mãi đến tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, cho xây dựng, tu tạo và đổi tên thành chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa mới có diện mạo mới, trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng được du khách gần xa ghé đến mỗi năm.

Theo lời của Đại đức Thích Minh Quang, chùa Đùng được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 10 với 120 gian chùa cổ. Rất nhiều đời vua chúa đã về đây sinh sống. “Đến khoảng thế kỷ thứ 17, vua Tự Đức sóc về đây cầu con và khi bước xuống đến chân núi, nhà vua có nói: Phi Lai. Nghĩa của từ “Phi Lai” này khá rộng, có thể hiểu là sẽ quay trở lại, cũng có thể sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Chùa được đặt tên mới là Địa Tạng Phi Lai Tự có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này. Mà nơi nào Đức Địa Tạng không về thì nơi đó thành Phật rồi”, Đại đức Thích Minh Quang nói.
Trên đỉnh núi Phi Lai có tháp Phổ Đồng được xây dựng vào thời Lý – Trần, đây là nơi yên nghỉ của hơn 40 đời tổ sư. Dưới chân tháp, phía tiếp nối sau làng Đùng chính là làng Tháp. Tên gọi là Tháp là do tháp Phổ Đồng được đặt trên núi cao, khi nắng chiều chiếu vào đỉnh tháp, bóng tháp đổ xa vút tầm mắt, ra khỏi làng Đùng, chạm sang làng bên cạnh nên làng này được đổi thành làng Tháp.

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Phổ Đồng mang kiến trúc Chăm-pa là do sau chiến thắng quân Chiêm Thành, các tù binh đã được đưa về chùa Đùng để xây dựng tháp. Đến nay, số lượng cổ vật phát lộ và tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa Địa Tạng Phi Lai Tự khá nhiều. Sư trụ trì vì muốn cho thế hệ hậu sinh biết về lịch sử ngôi chùa và lịch sử mảnh đất Thanh Liêm ngày ấy nên đã cho trưng bày những cổ vật này trong gian trà thất nhỏ của chùa, để ai có duyên về chùa thưởng trà sẽ được chiêm ngưỡng.
Ngoài ngôi chùa và tháp cổ, Đại đức Thích Minh Quang còn cho biết thêm, nằm trong khu vực khuôn viên chùa Địa Tạng Phi Lai Tự còn tìm thấy một bãi đất mà theo theo người dân, Lê Hòa (tức vua Lê Đại Hành) đã từng tập trận tại đây.
Kiến trúc chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Với quan điểm sống hòa với tự nhiên, sau hơn 5 năm trùng tu và xây dựng, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nức tiếng xa gần không chỉ vì lịch sử mà còn bởi lối kiến trúc cảnh quan độc đáo, tạo nên sự an lạc, bình yên cho bất kỳ ai ghé thăm.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự có quy mô rất rộng với 100 gian gồm Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nơi thờ Đức Ông, Đức Thánh Hiền, điện Phật Bà Quan Thế Âm, khu nhà ở (dành cho Tăng ni Phật tử trong chùa), khu giảng đường (nơi các Tăng ni Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày), khu nhà khách (dành cho khách thập phương và những người tham gia khóa tu tại chùa). Trước cầu thang lẫn lên chùa có hai bức tượng Hộ Pháp kim cang uy nghi, bề thế là Thanh Long – Bạch Hổ.

Phần sân dẫn vào chùa đều được trải sỏi màu trắng thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. Đặc biệt, ngay trước Tổ đường có 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Ngay 12 vòng tròn ấy có một tấm biển ghi “KHổ hải (biển khổ) vì là biển nên xin hãy đi lên bờ”, dòng thông điệp nhẹ nhàng ấy nhắc nhở du khách ghé thăm hãy đi lên những phiến đá mịn đã được lót sẵn, đừng giẫm chân lên sỏi. Sỏi trắng cũng có ý nghĩa là thiền định, nên khi dọa bước vãn cảnh quanh chùa, nhìn vào những viên sỏi trắng xung quanh, du khách cũng chợt thấy lòng mình thanh thoát hơn.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự được xây dựng với lối kiến trúc cột chèo truyền thống, các chi tiết cũng được chạm trổ hoa văn tinh tế, riêng biệt, mang nét đặc trưng của văn hóa chùa chiền tại Việt Nam. Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống mang đậm nét đạo Phật, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự cũng thiết kế tòa Tam Bảo to lớn nằm giữa. Bên trong có tượng Đức Địa Tạng lấy màu nâu – vàng – trắng làm chủ đạo. Chùa cũng sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên gần gũi như gỗ, tre, đất nung, gạch ta, gốm sứ,… để tạo sự hòa hòa, gần gũi với tự nhiên.

Hệ thống chuông gió tại chùa cũng là một điểm nhấn đặc biệt trong kiến trúc. Mỗi khi có gió thổi qua, cả một đoạn đường dài sẽ vang lên tiếng leng keng nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Với lối kiến trúc cổ độc đáo, gần gũi với thiên nhiên ấy mà bất kỳ ai đặt chân đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự đều cảm thấy như mọi muộn phiền lo âu đều tan biến, thay vào đó là cảm giác tiêu dao, tự tại như đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh, yên bình, thanh tịnh.
Kinh nghiệm lễ Phật và chiêm bái chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Nên đi chùa Địa Tạng Phi Lai Tự vào thời điểm nào?
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự nằm ở tỉnh Hà Nam, nơi có đủ 4 mùa xuân – hạ - thu – đông, vào mỗi mùa chùa lại có cảnh sắc riêng với vẻ đẹp riêng để du khách khám phá, trải nghiệm.
Vào những ngày đầu năm chùa sẽ trang trí nhiều hoa tươi để đón ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài tham quan vãn cảnh chùa, du khách còn có thể chụp những bức hình đẹp với không gian tràn ngập sắc xuân, rực rỡ nhưng vẫn phảng phất nét cổ kính, yên bình.
Ngoài đi vào mùa xuân, du khách còn có thể ghé đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự vào lễ Vu Lan (30/7 âm lịch) hoặc Trung thu (15/8 âm lịch) để vừa tham quan, vừa được tham gia trải nghiệm ngày hội truyền thống với những hoạt động văn hóa tâm linh ý nghĩa, sâu sắc.
Di chuyển đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km nên rất thuận tiện cho việc di chuyển của du khách.

Phương tiện cá nhân ô tô, xe máy: Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi theo hướng cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình ra đến Phủ Lý, Hà Nam. Sau đó, tiếp tục di chuyển theo tuyến Thanh Phong – Thanh Lưu – Liêm Sơn là tới chùa. Khi đi, bạn có thể hỏi đường người dân hoặc tra Google map để tránh lạc đường. Thời gian di chuyển dự kiến khoảng 1-1 giờ 30 phút.
Xe khách: Nếu đi bằng xe khách, bạn có thể ra bến xe Giáp Bát hoặc Mỹ Đình để bắt xe đi Thanh Liêm, Hà Nam để đến chùa.
Gợi ý cách hành hương chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Những năm gần đây, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự là điểm đến tâm linh yêu thích không chỉ của người dân địa phương mà còn có du khách, Phật tử cả trong và ngoài nước. Mọi người thường đến đây để cầu bình an, sức khỏe nhất và vào những ngày mùng 1, ngày rằm, các ngày Lễ của Phật giáo và dịp đầu xuân năm mới.
Tới chùa Địa Tạng Phi Lai Tự lễ bái, mọi người nên ăn mặc lịch sự, phù hợp với văn hóa của đạo Phật. Qua Tam quan đến Tam bảo về nhà Tổ lễ tạ. Ngoài vái lạy, bạn cũng nên chuẩn bị một ít tiền lẻ, sắm sửa lễ vật thành tâm để bát yết nơi cửa chùa linh thiêng

Phần lễ vật bạn cũng không cần phải sắm sửa quá hoành tráng, mâm cao cỗ đầy, chỉ cần đơn giản nhưng đầy đủ và thành tâm là được. Mâm lễ dâng đặt lên hương án Phật là những đồ chay, tịnh như hương, hoa quả tươi, trầu cau, xôi chè, phẩm oản.
Khi dâng lễ, bạn cũng nên lưu ý cách bày lễ ở các ban. Ban Tam bảo khi bày thì phải đầy đủ 5 món là hương, nến, hoa, quả, nước, lưu ý là không được bày tiền thật, tiền vàng mã, đồ lễ mặn. Các ban thờ khác trong chùa như ban Đức Ông, ban Thánh Hiền,… chỉ cần thắp 3 nén hương rồi thực hiện lời cầu khẩn.
Gợi ý cách vãn cảnh chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Đông đức nhưng không ồn ã, dập dìu Phật tử, du khách gần xa ghé đến nhưng không gian vẫn yên ả, tĩnh tại. Ghé đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, bước chân bỗng nhiên chậm lại, lời nói bất giác cũng nhẹ nhàng, lối hành xử cũng trở nên từ tốn, khoan thai. Ngôi chùa cổ nằm giữa núi rừng như bản hòa ca của chư thiên, trời đất và lòng người an lạc.
Lặng lẽ men theo con đường đá đen nổi bật trên nền sỏi trắng, du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng những công tình, hiện vật tiêu biểu, mang đậm nét riêng của ngôi chùa đang là điểm đến du lịch tâm linh Hà Nam thu nhất bậc nhất.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tĩnh lặng của 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi đá ngay trước Tổ đường. 12 vòng tròn này tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người.
Tháp Phổ Đồng: Đây là ngôi tháp cổ được xây dựng vào thời Lý – Trần, là nơi an nghỉ của 40 vị tổ sư.
Tòa Tam bảo: Nơi thờ cúng 42 vị tổ sư từng trụ trì tại chùa. Bên trong tòa Tam Bảo còn có 4 bức tượng chính là tượng Bồ Tát Địa Tạng đứng phía trước, phía sau là tượng Đức Phật Thích Ca, hai bên là tượng ngài A Nan và Ca Diếp ( 2 trong số 10 đại đệ tử của Đức Phật).
Tham quan khuôn viên chùa với những vườn trái cây, thảo dược, rau rừng,… xanh mướt. Hoặc bạn có thể ngắm nhìn những chậu phong lan nằm ở sau nhà thờ Tổ, đến vườn thiền thưởng trà, nằm võng, ngồi ghế đá.
Một số lưu ý khi tham quan chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Vì chùa Địa Tạng Phi Lai Tự là nơi linh liêng nên khi tới vãn cảnh, hành hương, chiêm bái du khách nên lưu ý một số điều sau:

- Nên mặc trang phục lịch sự, nghiêm chỉnh, tránh mặc quá hở hang làm mất tính trang nghiêm nơi cửa Phật
- Nên sử dụng các loại giày dép mềm mại, dễ di chuyển để đi lại, vãn cảnh, thờ bái được thuận lợi, dễ dàng hơn.
- Chấp hành đầy đủ các quy định về tham quan, lễ bái nơi thờ cúng.
- Không tùy tiện chạm hoặc lấy đồ vật trong chùa mà không có sự đồng ý của ban quản lý chùa.
- Tránh giẫm đạp lên cây cối, hoa lá, bàn ghế, các khu vực có biển cấm trong chùa.
- Không nên nhét tiền, để tiền lên các tượng Phật, thay vào đó du khách nên bỏ vào hòm công đức tại chùa.
- Nếu muốn chụp ảnh, du khách nên chọn chụp ở những nơi có vị trí phù hợp trong chùa.
Hy vọng với những kinh nghiệm được Người du lịch chia sẻ trên đây, du khách sẽ có một chuyến tham quan, trải nghiệm, lễ bái tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự thuận lợi.
Xem thêm: Du lịch Phú Thọ: Ngược dòng thời gian về quá khứ khám phá vẻ đẹp vùng đất kinh đô Văn Lang xưa
Đọc thêm
Nhắc đến quê hương Kinh Bắc ngoài làn điệu quan họ vào lòng người thì còn là “tọa độ” nổi tiếng linh thiêng với những công trình, di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng đặc biệt. Cùng khám phá du lịch tâm linh Bắc Ninh với lịch trình, địa điểm cực chi tiết nhé!
Trong hành trình khám phá dải đất hình chữ S xinh đẹp, bạn đừng bỏ qua chuyến hành hương về đất Tổ trải nghiệm du lịch tâm linh Phú Thọ...
Du lịch tâm linh Sa Pa là những đền, chùa tựa vào thế núi, nép giữa non ngàn tạo nên khung cảnh linh thiêng, huyền bí...
Tin liên quan
Chùa Phổ Quang Phú Thọ có niên đại khoảng 800 năm và là nơi lưu giữ 1 trong 5 bảo vật quốc gia được công nhận tại Phú Thọ...
Chùa Một Cột không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà nơi đây còn được xem là một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến tham quan, vãn cảnh, hành hương. Nếu đang có ý định du lịch chùa Bái Đính thời gian tới thì đừng bỏ qua những cẩm nang chi tiết được Người du lịch giới thiệu trong bài viết dưới đây!