Giải mã nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội quét làng Sa Pa - nét văn hóa riêng biệt của người Xá Phó
Lễ hội quét làng là một nghi thức độc đáo của đồng bào dân tộc Xa Phó ở Sa Pa, được tổ chức vào ngày một ngày tốt của 2 Âm lịch. Ba con chuẩn bị sửa soạn lễ vật tươm tất để thầy mo đến nhà làm lễ xua đuổi tà ma, xui xẻo, đón điều tốt lành trong năm mới...
Mục lục
- Đôi nét về dân tộc Xá Phó và những nét văn hóa đặc trưng
- Lễ hội quét làng của người Xá Phó có từ khi nào?
- Lễ hội quét làng của người Xá Phó mang ý nghĩa gì?
- Lễ hội quét làng được tổ chức vào ngày nào trong tháng 2 âm lịch?
- Lễ hội quét làng của người Xá Phó ở Sa Pa có gì đặc sắc?
- Lễ hội quét làng ở Sa Pa có khác biệt gì so với ở Châu Quế Thượng?
- Một vài lưu ý về lễ hội quét làng của người Xá Phó ở Sa Pa
Đôi nét về dân tộc Xá Phó và những nét văn hóa đặc trưng
Người Xá Phó (tên tiếng Trung là Phù Lạp tộc) có tên khác là người Phù Lá, Bồ Khô Pạ, Mú Dí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Phu Dang, là dân tộc thiểu số cư trú ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, người Xá Phó được công nhận là 1 trong 54 dân tộc Việt Nam, có số dân theo Điều tra dân số vào năm 2019 là 12.471 người. Người Xá Phó nói tiếng Phù Lá. Đây là ngôn ngữ của nhóm ngôn ngữ Lô Lô, thuộc ngữ tộc Tạng - Mến trong ngữ hệ Hán - Tạng.
Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Xá Phó (Phù Lá Lão, Lao Pạ) và Phù Lá (Pu La). người Xa Phó trước đây gọi là Lao Pạ. Nghĩa của từ này được giải thích là "người săn thú". Thời xưa, họ còn có tên khác là Gu Nhu, nghĩa là "người rừng". Người Xa Phó hay người Gu Nhu đều sinh sống dựa vào rừng già để săn bắn, hái lượm. Người Phù Lá Đen (Mu Dí Pạ, Xơ Di Pạ) sinh sống tại xã A Lù, huyện Bát Xát còn người Phù Lá Hoa (Bồ Khô Pạ) sinh sống tại Xín Mần, Hà Giang. Bên cạnh đó có nhóm người Phù Lá Hán (Phu Kha, Phù Lá Trắng) ở Mường Khương và Bắc Hà di cư muộn vào Việt Nam.

Riêng tại tỉnh Lào Cai, người Xá Phó cư trú trải dài từ vùng thấp của thị xã Sa Pa đến vùng thượng nguồn sông Chảy thuộc phía Đông của tỉnh Lào Cai. Tính cộng đồng của người Xá Phó rất cao, mỗi thôn, bản là một cộng đồng tự quản, được điều hành bởi Hội đồng các bô lão đại diện cho các dòng họ trong thôn, bản.
Hiện nay họ vẫn giữ được nguyên vẹn các phong tục tập quán. Bản sắc của người Xá Phó không chỉ thể hiện qua trang phục mà còn hiện hữu trong phong tục tập quán, ẩm thực và đặc biệt là kho tàng văn nghệ dân gian. Những làn điệu dân ca, dân vũ uyển chuyển, nhịp nhàng được hình thành từ cuộc sống lao động, sản xuất đã theo bà con trong suốt chiều dài phát triển của dân tộc. Người Xá Phó không có chữ viết riêng, họ lưu giữ và truyền dạy dân ca từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền miệng. Bên cạnh kho tàng văn nghệ, người Xá Phó cũng lưu giữ và thường xuyên thực hiện các nghi thức quan trọng mà theo họ nó ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống thường nhật. Một trong những nghi lễ được tổ chức thường niên hằng năm đó là: Lễ hội quét làng.
Lễ hội quét làng của người Xá Phó có từ khi nào?
Lễ "Ả nệ ghỉ bá" dịch ra có nghĩa là lễ hội quét làng. Theo quan niệm của người Xá Phó, tháng 2 âm lịch là tháng của ma đói, ma làng. Chúng sẽ về quấy phá cuộc sống của người dân nên cần phải thực hiện nghi lễ quét làng để cầu mong bình yên. Tùy theo từng năm, thầy mo sẽ gieo quẻ bói xem nào thuận lợi, phù hợp để cả làng cũng thực hiện nghi lễ quan trọng này.

Nhắc về nguồn gốc của lễ hội quét làng, báo Lào Cai từng chia sẻ: Nghi lễ này bắt nguồn từ câu chuyện từ xa xưa khi cuộc sống của người Xá Phó còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề vì thường xuyên bị ma quỷ tàn phá. Từ người già đến trẻ nhỏ lăn đùng ra ốm, thầy lang đến chữa bệnh cũng không khỏi. Thêm nữa, mùa màng thì bị hư hỏng.
Vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch bỗng có một vị thần tiên xuất hiện cứu giúp dân làm trị ma quỷ. Kể từ đó, người Xa Phó chọn một ngày đẹp nhất trong tháng 2 để tổ chức lễ hội quét làng. Vào năm Ất Tỵ (năm 2025 dương lịch), người Xa Phó ở Sa Pa chọn ngày Mùi để thực hiện nghi lễ trang trọng này.
Lễ hội quét làng của người Xá Phó mang ý nghĩa gì?
Lễ hội quét làng của người Xá Phó ở Sa Pa được tổ chức thường niên vào tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn của người Xá Phó nên họ chuẩn bị vô cùng kỹ càng.

Lễ hội quét làng của người Xá Phó được tổ chức với mong muốn cầu cho cuộc sống của nhân dân được bình yên, gia súc chăn nuôi không bị ốm chết, hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu.
Bên cạnh đó, lễ hội quét làng của người Xá Phó còn mang thông điệp cầu cho nhân dân trong thôn, bản nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và có cuộc sống no đủ.
Lễ hội quét làng được tổ chức vào ngày nào trong tháng 2 âm lịch?
Thông thường các lễ hội truyền thống sẽ được quy định một ngày tổ chức cố định nhưng riêng lễ hội quét làng không có ngày cố định. Chỉ biết, lễ hội này sẽ được tổ chức trong tháng 2 âm lịch hằng năm.
Việc quyết định ngày tổ chức lễ hội quét làng của người Xá Phó sẽ do thầy mo gieo quẻ và chọn ngày. Thông thường sẽ chọn diễn ra vào ngày Ngọ, ngày Mùi hoặc ngày con người (còn được gọi là ngày à thá cũng) vào tháng 2 âm lịch hằng năm.
Đến ngày tổ chức lễ hội, người dân Xá Phó sẽ tập trung ở một bãi đất trống rộng nhất thôn, bản và tiến hành các nghi lễ của lễ hội quét làng. Tất cả mọi người trong làng từ già trẻ, gái trai đều phải tham gia.
Lễ hội quét làng của người Xá Phó ở Sa Pa có gì đặc sắc?
Giống như các lễ hội khác, lễ hội quét làng của người Xá Phó cũng có 2 phần quan trọng là: Phần lễ và phần hội. Hãy cùng Người Du Lịch khám phá những nét đặc trưng của lễ hội quét làng:
Công tác chuẩn bị cho lễ hội quét làng của người Xá Phó
Trước khi tổ chức lễ hội quét làng, đại diện của các gia đình sẽ tập trung tại nhà trưởng bản để họp bàn, thống nhất việc phân công những người giúp các thầy cúng thực hành nghi lễ, địa điểm, thời gian cũng như nội dung tổ chức. Khi đi, đại diện mỗi gia đình sẽ mang theo một bát gạo, một con gà, tiền, hai nén hương và một chai rượu. Những ai mang chó, lợn, dê đến góp thì dân thôn có trách nhiệm tới làm trả công cho người đó trong một ngày.

Để chuẩn bị cho lễ quét làng, nam giới trong các gia đình phải đan những tấm phên nhỏ từ cây vầu trên rừng để làm "vũ khí" xua đuổi tà ma sau khi hành lễ. Đến ngày đã định, những người đàn ông đại diện các gia đình mang lễ vật đến bãi đất trống đã được chọn ở đầu thôn. Theo sự phân công, những người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn cùng nhau mổ dê, lợn, gà, chó.
Phần lễ của lễ hội quét làng của người Xá Phó
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, thầy mo đến nơi tổ chức lễ và bắt đầu thực hiện nghi lễ. Thầy mo cầm kiếm gỗ và một cành lá đào, mặt bôi đen chia nhau vào từng thôn để làm lễ quét làng. Vào đến nhà dân, thầy mo rót một chén rượu, đặt lên bàn thờ của nhà đó, đọc tên tuổi tất cả các thành viên trong gia đình. Sau đó, thầy mo dùng kiếm gỗ múa khắp nơi trong nhà, phía gia đình thì cử một người đi phía sau dùng ngô tung qua đầu thầy mo.

Khi lễ vật được làm xong và xếp lại trong mâm, xung quanh đặt các bát gạo của từng gia đình, thầy cúng sẽ bày 8 đôi đũa, 8 chiếc bát và 8 chén rượu. Dân làng ngồi xếp hàng ngang trước mâm lễ đọc lời khấn, gọi tên các loài ma về hưởng lộc. Sau đó, người dân đi ra để ma quỷ không làm hại người dân.
Phần hội lễ quét làng của người Xá Phó
Sau khi thầy mo thực hiện xong các nghi lễ, nhân dân trong làng bắt đầu chuyển sang phần hội. người dân cả làng tổ chức nhiều trò chơi dân gian để các thế cùng được tham gia. Bên cạnh các trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ truyền thống, họ tổ chức ăn uống linh đình cho đến tận khuya.

Cuối buổi lễ, thầy mo lấy cành tre cắm xung quanh bãi đất, lấy đuôi và tai chó cắm xuống đất để cho ma không làm hại được người dân. Thầy mo cũng đốt một đống lửa và bước qua, sau đó đi về nhà. Bắt đầu từ ngày hôm đó sẽ thực hiện cấm làng trong vòng 3 ngày. Người lạ không được vào nhà, vào thôn làng. Sau 3 ngày, cuộc sống sinh hoạt trở lại như bình thường.
Lễ hội quét làng ở Sa Pa có khác biệt gì so với ở Châu Quế Thượng?
Ở Châu Quế Thượng, lễ hội có một vài nét khác biệt so với ở Sa Pa (Lào Cai). Thầy mo sẽ cùng chủ của mỗi gia đình trong làng vừa đi vừa vẽ vào ống nứa. Thầy mo cúng khấn trước còn thanh niên, người dân Xá Phó lại tỏ vẻ mặt dữ tợn đi phía sau. Khi thầy mo lên tiếng thì mọi người sẽ cùng nhau nhảy múa, đập ống nứa vào vách của từng nhà. Tiếp đó, mọi người được tập trung lại ở đầu làng mang theo chăn, chiếu rủ vào một chiếc bè nứa với ý niệm mang mọi vận hạn trong năm cuốn trôi đi theo dòng nước.

Lễ hội quét làng khá giản dị nhưng lại thể hiện được tín ngưỡng tâm linh riêng biệt của người Xá Phó. Lễ hội sẽ khá thú vị dành cho du khách đến du lịch, tham quan, khám phá cuộc sống của các đồng bào dân tộc ở Sa Pa trong dịp tháng 3 dương lịch này (rơi vào tháng 2 âm lịch).
Một vài lưu ý về lễ hội quét làng của người Xá Phó ở Sa Pa
Trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội quét làng, người Xá Phó ở Sa Pa cũng có những tục lệ, quy định riêng mà bất kỳ người dân nào cũng phải nghiêm túc thực hiện. Cụ thể đó là:
- Tất cả mọi người phải ăn hết những lễ vật tại chỗ (ở nơi tổ chức lễ hội), không được mang về nhà để tránh những con ma sẽ theo quay về làng.
- Khi về nhà, thầy mo đốt một đống lửa để bước qua. Cũng từ hôm đó, dân làng kiêng không cho người lạ vào nhà. Sau 3 ngày thì mọi hoạt động trở lại bình thường.
- Du khách có may mắn được trải nghiệm, chứng kiến lễ hội quét làng của người Xá Phó thì nên quan sát để nắm được phần nội dung chính của lễ hội; tuyệt đối không phán xét, vì đây là lễ hội truyền thống và nó thuộc về tín ngưỡng của người Xá Phó.
- Trong 3 ngày "giới nghiêm" theo phong tục của người Xá Phó, du khách không nên đi vào các gia đình, xin vào các gia đình ở làng để tham quan.
Hy vọng với những chia sẻ từ Người Du Lịch, du khách sẽ có góc nhìn chân thật, khách quan về cuộc sống, phong tục tập quán độc đáo của người Xá Phó nói chung và người Xá Phó đang cư trú ở Sa Pa nói riêng.
Xem thêm: Đền Bà Chúa Kho và nghi lễ tâm linh linh thiêng "sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện"
Tin liên quan
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định là lễ hội lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, thu hút rất nhiều du khách đến tham gia, cầu may mắn bình an và công danh tài lộc.
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra nhằm giáo dục nhân dân truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Nội.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai tồn tại hơn 100 năm nay như một bản tình ca từ xa xưa vọng về, nơi ấy chất chứa cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt của những mối tình dang dở. Nếu có dịp ghé đến Hà Giang vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch thì đừng bỏ qua phiên chợ đặc biệt này nhé!