Hang động Tả Phìn - Tuyệt tác thiên nhiên ẩn mình sau những cánh rừng già
Trải qua hàng triệu năm kiến tạo trong lòng đá vôi và những biến thiên của thời cuộc, hang động Tả Phìn trở thành nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghiên cứu, khảo cổ. Nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn tại Sa Pa.
Mục lục
- Hang động Tả Phìn ở đâu Sa Pa?
- Ý nghĩa tên gọi của động Tả Phìn
- Khảo cổ học tại hang động Tả Phìn
- Tham quan và trekking hang động Tả Phìn mùa nào đẹp nhất?
- Di chuyển đến hang động Tả Phìn như thế nào?
- Một số trải nghiệm không thể bỏ qua khi khám phá hang động Tả Phìn
- Một số kinh nghiệm tham quan, khám phá hang động Tả Phìn
Hang động Tả Phìn ở đâu Sa Pa?
Đến Sa Pa, ngoài tham quan các địa điểm nổi tiếng như bản Cát Cát, đỉnh Fansipan... du lịch đừng quên dành thời gian để khám phá động Tả Phìn - tuyệt tác thiên nhiên độc đáo. Hang động Tả Phìn là di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh tọa lạc ở trung tâm bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; cách trung tâm thị xã khoảng 12km.

Bản Tả Phìn nằm các trung tâm UBND xã Tả Phìn gần 1km về phía Bắc có dãy núi đá vôi - đây là một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong dãy núi này có một quả đồi nhỏ, dưới chân núi nứt ra một cửa hang có chiều cao khoảng 5m, rộng khoảng 3m. Cửa hang này mở ra một lối đi xuyên xuống lòng đất. Đây chính là đường đi vào động Tả Phìn.
Khu vực gần động Tả Phìn là nơi sinh sống của dân tộc Dao và dân tộc H'Mông. Tuy nhiên, tỉ lệ người Sao chiếm đa số. Vì vậy, khi đến tham quan bản Tả Phìn, du khách sẽ cảm nhận rõ nét không gian sống với những ngôi nhà đơn sơ, những bộ trang phục được may thủ công đầy màu sắc và vô vàn món ăn dân dã, đậm hương vị núi rừng.
Ý nghĩa tên gọi của động Tả Phìn
Từ nhiều thế kỷ trước, tổ tiên người Dao Đỏ đã vượt qua nhiều khó khăn để di chuyển từ phương Bắc xa xôi đến vùng cao Tây Bắc của Việt Nam. Họ tập trung tại bản Tả Phìn (Sa Pa) để khai khẩn đất đai, dựng làng dựng xóm.
Trong phương ngữ của người đồng bào, Tả Phìn mang ý nghĩa là một bãi đất rộng bằng phẳng. Điều này cũng phần nào cho thấy, nơi đồng bào người Dao sinh sống là vùng đất có địa thế bằng phẳng. Vùng đất bằng phẳng này được bao bọc bởi các dãy núi nhấp nhô, rừng xanh thăm thẳm.

Trong quá trình khai khẩn đất hoang, cư dân địa phương phát hiện ra hang động thạch nhũ tự nhiên nằm trên mạn sườn phía Đông Nam của ngọn núi đá vôi Trị San Kỳ cao 1.792m thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Cái tên Trị San Kỳ vốn có nghĩa là "núi đồi đằng sau" - tức ám chỉ vị trí ngọn núi nằm ở sau bản làng của người Sao.
Mãi về sau này, người dân gọi hang động này theo tên của bản Tả Phìn. Cách gọi này như tạo ra dấu ấn đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Khảo cổ học tại hang động Tả Phìn
Hang động Tả Phìn không chỉ là danh thắng thiên nhiên mà còn mang ý nghĩa về mặt khảo cổ học. Có không ít nghiên cứu đã được tiến hành tại đây cho thấy sự có mặt của người cổ đã từng sinh sống trong khu vực này.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của công cụ đá, mảnh gốm và xương động vật. Những hiện vật được tìm thấy ở đây có niên đại từ thời kỳ đồ đá hoặc đồ đồng sớm. Chứng minh con người đã tận dụng hang động làm nơi sinh sống, trú ấn.

Phát hiện tại hang động Tả Phìn giúp các nhà khoa học hiểu rõ về sự phát triển của con người thời tiền sử ở vùng Tây Bắc của Việt Nam. Đây là nơi họ sinh sống, trú ẩn và thậm chí còn là nơi họ tổ chức những nghi lễ quan trọng trong cộng đồng.
Tham quan và trekking hang động Tả Phìn mùa nào đẹp nhất?
Hang động Tả Phìn là một trong những địa điểm du khách không nên bỏ lỡ khi đến du lịch Sa Pa. Nơi đây hứa hẹn sẽ đưa du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Động Tả Phìn nằm trong Sa Pa nên có khí hậu mát mẻ phù hợp với những chuyến đi du lịch quanh năm. Du khách muốn tham quan, khám phá và trekking ở động Tả Phìn chỉ cần tránh mùa mưa bão từ tháng 6 đến đầu tháng 8. Bởi thời điểm này thời tiết cực đoan, có thể gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở...

Từ tháng 2 đến tháng 5, Sa Pa bước vào mùa trăm hoa đua nở, bản Tả Phìn cũng ngập tràn trong sắc xuân của hoa mận, hoa đào... Mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8 cũng là thời điểm du khách đến Sa Pa để tránh nắng, ngắm những thửa ruộng xanh mát (nhưng thời điểm này hay có mưa gió bất thường nên tránh đi tham quan các hang động).
Mùa thu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11, đây là thời điểm Sa Pa quyến rũ với màu vàng óng ả của lúa chín. Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nhưng du khách vẫn có thể tham quan hang động Tả Phìn được. Sang đến mùa đông (tháng 12 đến tháng 2 năm sau), nếu đến Sa Pa du lịch, du khách có thể may mắn "săn" được tuyết. Nhưng thời điểm này đi động Tả Phìn sẽ khá khó khăn và lạnh.
Tóm lại, thời điểm lý tưởng để du khách thực hiện chuyến khám phá hang động Tả Phìn là vào mùa hè và mùa thu. Tuy nhiên, du khách nên đi theo đoàn hoặc có sự hướng dẫn của người dân bản địa để đảm bảo an toàn.
Di chuyển đến hang động Tả Phìn như thế nào?
Để đi đến được hang động Tả Phìn, trước tiên, du khách cần phải đến được trung tâm thị xã Sa Pa. Nếu chọn điểm xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, du khách có thể di chuyển lên Sa Pa bằng xe khách giường nằm hoặc xe ô tô cá nhân. Du khách đi theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, qua địa phận thành phố Lào Cai và di chuyển theo đường đèo lên thị xã Sa Pa.

Từ trung tâm thị xã Sa Pa, du khách di chuyển theo tuyến đèo Quốc lộ 4D và hướng về bản Tả Phìn. Khi đã đến trụ sở UBND xã Tả Phìn, bạn chỉ cần đi về dãy núi đã đã vôi Trị San Kỳ thêm 1km theo hướng Bắc để đến được lối vào hang động. Vì đường đến hang Tả Phìn là đường đất hẹp, phải băng qua các đoạn rừng rậm rạp, do đó, bạn nên lựa chọn xe máy để thuận tiện di chuyển. đồng thời có thể khám phá nhiều địa điểm khác ở xung quanh khu vực này.
Một số trải nghiệm không thể bỏ qua khi khám phá hang động Tả Phìn
Khi đến hang động Tả Phìn, du khách đừng quên trải nghiệm một số những điều thú vị này nhé:
Khám phá lối vào hẹp - mở ra một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp
Vừa bước vào đến hang động Tả Phìn, du khách sẽ nhìn thấy một cửa hang hẹp hình chữ nhật. Cửa hang này được tạo ra từ vết nứt tự nhiên trên núi đã vôi. Cửa hang dẫn du khách đến với một danh thắng siêu thực giữa đại ngàn Hoàng Liên rộng lớn.
Cửa động Tà Phìn có chiều cao khoảng 5m, chiều rộng khoảng 3m, từ ngoài nhìn vào chỉ thấy một mảnh tối tăm sâu hút, thôi thúc sự tò mò của những du khách yêu thích phiêu lưu.

Bên cạnh lối vào hang động Tả Phìn thường có những người phụ nữ Dao trong bộ trang phục truyền thống cùng các em nhỏ đứng sẵn chào đón du khách đến điểm tham quan của làng. Khi bước vào hang Tả Phìn, du khách men theo bậc tam cấp bằng đá thô sơ dẫn xuống lòng núi Trị San Kỳ.
Ở bên trong động khá ẩm thấp, đường đi trơn trượt, vì thế, du khách cần di chuyển từ từ để quan sát, tránh đi nhanh dễ dẫn đến ngã, tạo ra các tai nạn nguy hiểm.
Chinh phục "cung đường" hơn 30m với nhiều ngã rẽ dưới lòng đất
Hành trình đầu tiên khi đến hang động Tả Phìn chính là chinh phục đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu dài 30m từ bàn thờ Sơn Thần ở cửa hang đến một hang động nằm sâu bên trong. Ngày trước, càng đi sâu vào đoạn hang đá này, du khách sẽ chỉ thấy bóng tối nhưng hiện nay, địa phương đã bố trí thêm hệ thống đèn thắp sáng để du khách dễ di chuyển hơn.
Dù chỉ dài khoảng 30m nhưng đoạn hang động đầu tiên này sẽ giúp du khách cảm nhận được cái lạnh, sự ẩm ướt bên trong hang đá vôi. Bên cạnh đó là cảm giác trơn trượt từ các bậc thang và tiếng suối róc rách chảy ngầm bên trong. Người đồng hành với du khách chỉ có tiếng suối chảy, tiếng nước rơi từ trên trần và tiếng thở.
Đoạn đường này dẫn dắt du khách đến với cuộc phiêu lưu ở địa đạo dưới lòng đất. Có lúc, du khách phải bám vào tai đá để lên xuống những đoạn dốc đứng, cheo leo, lúc lại phải khom lưng, cúi ngược lại để đi qua những khe đá hẹp. Trên đường đi, bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều ngã chúc xuống lòng đất mà chỉ có một chui lọt, có ngã nối liền với nhau như giao thông hào, có ngã lại dẫn đến một hang động thô sơ, bí ẩn khác.
Trekking hang động Tả Phìn
Sau khi hoàn thành cung đường gần 30m, du khách đam mê trekking có thể trải nghiệm lối đi ngoằn nghèo trải dài khắp hang động. Những đoạn hang lúc lên lúc xuống sẽ đưa bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó có thể là vách đá phình to như người mẹ đang âu yếm trẻ thơ, những dãy cột nhà trắng phớt buông xuống từ nóc hang đá vôi, những mảng tường nham thạch xù xì hệt như đám san hô dưới đáy biển hay vỏ quả mâm xôi khổng lồ.

Khi thực hiện cung trekking đặc biệt này, du khách cần để ý một số đoạn hang đá nhỏ hẹp đến mức chỉ có ai cơ thể nhỏ bé mới luồn lách qua được. Nếu bạn đi sâu được vào trong lòng đất sẽ gặp một tảng đá lớn nằm nghiêng in hằn dấu chân gà bới, ngay chóp đá bên phải tồn tại một vết lõm sâu như móng ngựa mạnh mẽ đạp lên. Những vết tích kỳ lạ để lại cho hậu thế nhiều băn khoăn về sự huyền ảo bên trong hang động Tả Phìn. Dân chúng từng truyền tai nhau rằng, thạch động này rộng miên man, không bao giờ thấy đáy.
Lưu lại những hình ảnh đẹp bên trong hang động Tả Phìn
Nơi rộng nhất bên trong hang động Tả Phìn có mái vòm rộng đến 8m, tạo điều kiện cho các thạch nhũ rũ xuống hình thành những khối đá nhấp nhô, uốn lượn với nhiều hình thù đan xen mà không hề có sự sắp đặt từ trước. Xung quanh hang động được bố trì dày đặc chuông đá, rèm đá, thác đá, măng đá, cột đá... tạo nên khung cảnh vô cùng bắt mắt. Ở những chóp mũi đá, đôi khi lại văng vẳng nhịp nhỏ giọt nước mưa, nước suối tạo nên khúc nhạc thánh thót trong khung cảnh huyền ảo.
Và thật thiếu sót nếu bạn không tranh thủ khung cảnh huyền diệu này để ghi lại những thước phim, hình ảnh. Mặc dù ánh sáng trong hang động không quá tốt nhưng nó lại có thể tạo nên bức tranh vô cùng kỳ ảo, sống động. Và trên hết, bạn sẽ ghi lại được những khối thạch nhũ vô cùng bắt mắt.
Khám phá vách đá chữ Pháp phủi bụi thời gian
Đối diện với tảng đá lớn in dấu chân gà, móng ngựa là một vách đá dựng đứng khắc những nét chữ tiếng Pháp bằng vật cứng. Trải qua sự bào mòn của thời gian những dòng chữ này vẫn còn hiện rõ, cho thấy thời kỳ kháng chiến hào hùng của dân tộc, người bản địa nói riêng và quân dân Lào Cai nói chung. Bởi lẽ đó, hang động Tả Phìn còn mang đến những bằng chứng khảo cổ học quý giá, thu hút giới học thuật hoặc những du khách mong muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
Chạm tay vào những dòng chữ tiếng Pháp, du khách như được ngược dòng thời gian trở về với quá khứ hào hùng. Đó có thể là công cuộc tiễu trừ thổ phỉ của quân cách mạng ở vùng Tây Bắc những năm 50 của thế kỷ trước; cũng có thể là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Việt - Trung năm 1979. Hiện tại, vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho biết nguồn gốc của những dòng chữ này, tạo nên một mật mã bí ẩn giữa vùng rừng núi hoang vu của bản làng Tả Phìn xinh đẹp.
Một số kinh nghiệm tham quan, khám phá hang động Tả Phìn
Để có chuyến khám phá hang động Tả Phìn thuận lợi nhất, du khách cần nắm chắc được một số kinh nghiệm sau nhé:
- Nên khám phá hang động Tả Phìn trước buổi chiều tà (khoảng từ 8h30 đến 16h); rời khỏi hang trước khi màn đêm buông xuống, vì nhiệt độ giảm thấp, trong hang rất lạnh và ẩm thấp.
- Lựa chọn trang phục tối màu, trang phục gọn gàng, dễ di chuyển; bởi trong hang có nhiều đoạn nhỏ hẹp, khó đi, trang phục gọn gàng sẽ giúp việc di chuyển thuận lợi hơn. Việc mặc đồ tối màu giúp hạn chế làm bẩn đồ.

- Có thể thuê người dân bản địa hướng dẫn di chuyển trong hang. Du khách nên thuê đồng bào dân tộc Dao sống quanh hang động vì họ thường xuyên di chuyển sẽ nắm bắt được địa hình nơi đây.
- Chuẩn bị đèn pin đội đầu để khám phá hang động Tả Phìn. Bên cạnh đó, du khách cần chuẩn bị kinh phí để trả chi phí tiền điện thắp sáng trong hang động; khoảng 10.000 đồng/người hoặc 50.000 đồng/đoàn (chi phí có thể thay đổi tùy theo số lượng người trong đoàn).
- Mang theo nước và đồ ăn nhẹ: Mang theo nước để uống trong quá trình khám phá hang động Tả Phìn và đồ ăn nhẹ để bổ sung năng lượng.
- Khi khám phá thạch nhũ bên trong, du khách tuyệt đối không được phá hoại, dẫm đạp để bảo bảo cảnh quan nguyên vẹn.
Xem thêm: Gợi ý trải nghiệm cắm trại "cực chill" ở Séo Mý Tỷ - hồ ước cao nhất Việt Nam
Tin liên quan
Lễ hội quét làng là một nghi thức độc đáo của đồng bào dân tộc Xa Phó ở Sa Pa, được tổ chức vào ngày một ngày tốt của 2 Âm lịch. Ba con chuẩn bị sửa soạn lễ vật tươm tất để thầy mo đến nhà làm lễ xua đuổi tà ma, xui xẻo, đón điều tốt lành trong năm mới...
Bản Cát Cát là 1 trong những tọa độ du lịch nhất định phải ghé thăm khi đến du lịch Sa Pa. Ở bài viết này, hãy cùng Người Du Lịch khám phá những điều thú vị về ngôi làng H'Mông nép mình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nhé!
Nhà thờ đá Sa Pa là công trình kiến trúc duy nhất của người Pháp tồn tại trên mảnh đất mùa sương. Đây là công trình chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử...