Du xuân 2025: 6 lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai
Nếu có ý định du xuân tại vùng đất Lào Cai xinh đẹp, du khách đừng quên ghé thăm, hòa mình vào không khí của 6 lễ hội đặc sắc dưới đây nhé!
Mục lục
Từ ngàn năm nay, lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình thức tổ chức và nội dung của các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa các tín ngưỡng dân gian, thờ thần hoàng làng, tín ngưỡng phồn thực...
Lào Cai là tỉnh vùng biên với 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống hòa thuận. Mỗi dân tộc mang trong mình những đặc sắc văn hóa riêng. Mỗi dịp Tết đến xuân sang, các dân tộc tại vùng biên Lào Cai lại cùng nhau tổ chức các lễ hội đặc sắc như: Hội Gầu tào của người H'Mông, Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Lễ hội Cúng rừng của người Nùng, Lễ hội Gặt tu tu của người Hà Nhì Đen...
Ở bài viết này, Người Du Lịch xin giới thiệu đến du khách gần xa 6 lễ hội đặc sắc của các đồng bào dân tộc đang sinh sống tại Lào Cai:
1. Lễ hội Gầu tào của người H'Mông
Gầu tào là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông tại huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Lễ hội truyền thống này được tổ chức vào dịp đầu năm mới. Địa điểm tổ chức thường là ở trên một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi đất rộng lớn, quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng của Mặt trời.
Theo Báo Lào Cai, lễ hội Gầu tào được tổ chức là dịp các gia đình không có con, ít con, hay có người đau ốm hoặc làm ăn không may mắn... khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu sức khỏe hoặc làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ sẽ sắm lễ Gầu tào để tạ ơn.

Lễ hội Gầu tào được tổ chức với 2 nội dung chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện theo nghi lễ truyền thống. Phần hội được thực hiện với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc H'Mông.
Lễ hội Gầu tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần của đồng bào dân tộc H'Mông. Ngày nay, lễ hội này trở thành điểm đến thu hút du khách gần xa.
2. Lễ hội Roóng poọc của người Giáy
Người Giáy là đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống ở Tả Van (Bát Xát), thị xã Sa Pa. Người Giáy sống chủ yếu bằng nghề nông và lễ hội Roóng Poọc được xem là lễ hội lớn nhất và đặc sắc nhất của họ.
Trong tiếng Giáy, "Roóng" nghĩa là xuống, còn “Poọc” có nghĩa là đồng ruộng. Nhưng theo người dân bản địa "Poọc" còn mang ý nghĩa là hội nhiều hơn, bởi vì nói lên được sự đông đúc của nhiều người tham gia.
Lễ hội Roóng Poọc được tổ chức mỗi năm một lần, phản ánh ước nguyện của nhân dân về cuộc sống bình an, ấm no; cầu mong gia súc sinh sôi nảy nở. Bên cạnh đó là lễ cầu mưa được thể hiện rõ nét trong hội Xuống đồng, như dán giấy màu vàng hình con rồng trên vòng nhật nguyệt mang ý nghĩa đảm bảo cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Roóng Poọc được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch ở cánh đồng tương đối bằng phẳng nằm ở phía đầu làng, bên cạnh bản làng của đồng bào Giáy.
Lễ hội Roóng Poọc cũng có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ cúng diễn ra trang nghiêm, cầu mong thần linh ban cho gia đạo trong nhà được bình an, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi. Phần này sẽ do thầy cúng của làng thực hiện.
Phần hội bắt đầu là lúc dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các trò chơi mang tính nghi lễ của lễ hội bắt đầu. Mọi người hòa mình vào các trò chơi như ném còn, kéo co... Du khách đến đúng dịp diễn ra lễ hội cũng có thể hòa mình vào không khí lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian.
3. Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Tà Chải, Bắc Hà
Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Tà Chải, Bắc Hà (Lào Cai) được diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội Lồng Tồng hay còn được gọi với tên khác là "Ngày hội xuống đồng". Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao đặc sắc.
Lễ Hội Lồng tồng được tổ chức với mục đích cầu mùa. Lễ hội có 2 phần: Lễ lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng nghi thức rước đất và rước nước từ dòng suối đầu nguồn về sân tế lễ. Đi đầu là người đánh chiêng, hai người thổi kèn loa gỗ, theo sau là thầy cúng, đôi nam nữ khiêng đất và gùi nước dâng cúng, đi sau cùng là 2 người khiêng trống, vừa đi vừa đánh.

Theo phong tục, mỗi thôn trong xã sẽ chuẩn bị một mâm lễ cúng tế gồm các sản vật địa phương để dâng lên các vị thần phù hộ nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó, thầy cúng chính và các thầy giúp việc đặt mâm lễ chính, tạ ơn trời đất, cầu ấm no, hạnh phúc. Cuối phần lễ là nghi thức xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.
Sau phần lễ chuyển sang phần hội với các trò chơi truyền thống. Những trò chơi được chọn trong lễ hội đều mang ý nghĩa cầu mùa, cầu sức khỏe, như ném còn, kéo co, đu quay...
4. Lễ hội Cúng rừng của người Nùng ở Mường Khương
Theo tục lệ của đồng bào dân tộc Nùng ở Mường Khương, lễ hội Cúng rừng được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hằng năm. Buổi lễ mang ý nghĩa tuyên truyền răn dạy con cháu đồng bào dân tộc nơi đây có ý thức bảo vệ rừng. Đồng thời, cầu cho một năm mới với mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Lễ vật Cúng rừng vào dịp đầu năm gồm có: 1 con gà trống, 1 con lợn đen bản đại, 1 vò rượu và cơm trắng. Sau khi lễ vật cúng rừng được chuẩn bị xong, thầy cúng sẽ tiến hành tuần tự các bài cúng.

Phần lễ cúng được chia làm 2 phần: Phần tế sống, tức là các con vật sau khi được rửa mặt, rửa chân cho sạch sẽ thì sẽ được dâng lên cho thần rừng, mời thần về chứng giám. Phần hai là cúng đồ chín, dâng lễ vật lên mời thần rừng về hiến hưởng. Khi cúng, chủ tế sẽ gọi tên các lễ vật rồi mời thần rừng và sơn thần, thổ địa về dự và nhận các lễ vật của dân làng.
Sau hai bài cúng cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã về và chấp nhận các lễ vậy mà dân làng dâng lên. Bài cúng cũng thể hiện lòng biết ơn thần rừng đã che chở cho nhân dân. Đồng thời mong năm mới sức khỏe, sung túc, may mắn.
Lễ Cúng rừng tựa như một sợi dây tâm linh gắn bà con dân tộc Nùng với nhau, biểu thị sự đồng lòng vì bản làng, vì cộng đồng, vì thiên nhiên. Lễ Cúng rừng vì thế trở thành ngày lễ lớn trong năm của đồng bào người Nùng.
5. Lễ hội quét làng của người Xa Phó
Lễ hội quét làng là nghi lễ cúng cộng đồng đặc sắc được tổ chức vào những ngày đầu năm để xua đuổi tà ma, bảo vệ sự yên lành, ấm no cho dân bản. Ở xã Liên Minh (thị xã Sa Pa), lễ hội quét làng cũng là lúc khép lại chuỗi sự kiện trong lễ hội mùa xuân.
Tương truyền, vào tháng 2 là tháng ma đói về phá dân làng, do đó, hằng năm đến tháng này, cuộc sống của người dân bị ma quỷ tàn phá nặng nề, từ người già đến người trẻ nhỏ đều bị ốm, chữa bệnh không khỏi, mùa màng hư hỏng. Lúc này đã có một vị thần đến cứu giúp người Xa Phó nên đồng bào lấy dịp này làm lễ xua đuổi tà ma, cầu mong cuộc sống bình yên, ấm no. Do đó, Lễ quét làng (còn được gọi Lễ quét ma làng) là nghi thức xua đuổi ma dữ gây nên ốm đau, xui xẻo, đón điều tốt lành trong năm mới.

Lễ hội quét làng cũng có 2 phần, phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, theo sự phân công, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng sẽ mổ lợn, gà, dê, chó. Thầy cúng tay cầm kiếm gỗ, cành cây nhỏ, mặt bôi nhọ, vào từng nhà làm lễ cho cả bản. Vào đến nhà nào, thầy cũng rót một chén rượu đặt vào bàn thờ của gia đình, đọc tên tuổi tất cả các thành viên trong gia đình. Đọc xong, thầy múa kiếm gỗ khắp nơi trong nhà, gia đình cử một người đi sau cầm bắp ngô tẽ hạt tung qua đầu thầy cúng. Sau đó, người mang chăn, chiếu ra đầu thôn giặt giũ vào một chiếc bè nứa được đóng tượng trưng với ý niệm mọi vận hạn trong năm sẽ theo dòng nước trôi đi.
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian và văn nghệ đặc sắc. Người Xa Phó rất yêu văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc và múa; được thể hiện rõ ràng nhất tại các lễ hội truyền thống như Lễ quét làng. Những điệu múa uyển chuyển của các cô gái trong trang phục truyền thống rực rỡ kết hợp với tiếng khèn và chuông nhạc độc đáo của dân tộc Xa Phó đã để lại ấn tượng cho đông đảo du khách.
Sau phần hội, nhân dân Xa Phó cùng nhau ăn cơm đoàn viên ngay ở cổng làng. Tất cả thức ăn cúng ma được hết, không mang đồ thừa về nhà. Ăn uống xong, thầy cúng ở lại sau cùng, lấy cành tre cắm xung quanh bãi đất, sau đó lấy đuôi và tai chó cắm xuống đất với mục đích không cho ma vào thôn làm hại người. Thầy đốt một đống lửa và bước qua, sau đó đi về nhà. Bắt đầu từ ngày hôm đó sẽ thực hiện cấm thôn trong 3 ngày, người lạ không được vào nhà, vào thôn. Sau 3 ngày, mọi sinh hoạt trở lại như cũ.
6. Lễ Nào Sồng của người H’Mông
Lễ hội Nào Sồng tự như một hội nghị, cuộc họp của một làng, bản để thống nhất các quy định, lập ra hương ước của làng, bản trong ngày xuân. Người Mông kể rằng, lễ hội Nào Sồng trong ngày đầu năm mới của người Mông thường được tổ chức ở một thôn, bản. Địa điểm thường ở những nhà của người có uy tín như già làng, trưởng bản.
Cái hay là trong Lễ hội "Nào Sồng" của người Mông cũng lập ra nhiều quy định về ma chay, cưới hỏi. Chẳng hạn như nhà gái không được thách cưới quá 70 đồng bạc xòe, không quá 50 kg lợn hơi, không quá 200 bát rượu… Trong lễ hội còn lập ra nhiều điều lệ quy định về trật tự an ninh, xử lý những người trộm cắp tài sản của nhà khác…

Các quy định đều được già làng, trưởng bản thông qua các gia đình trong thôn, bản dự lễ hội để mọi người cùng bàn bạc, tán thành thì giơ tay biểu quyết. Cứ như vậy hết quy định này đến quy định khác, lễ hội kết thúc bằng một bữa cỗ thịnh soạn, mọi người chúc tụng nhau bằng những ống nứa chứa đầy rượu. Những vấn đề nêu ra trong lễ hội trở thành quy định của thôn, bản, nhà nhà phải thực hiện theo. Cái hay là những già làng ở bản khác tới dự cũng nắm được quy định đó, về bản thông báo lại cho từng gia đình trong bản mình biết và nhắc nhở mọi người khi sang bản khác tránh không mắc phải.
"Nào Sồng" là lễ hội mang nét văn hóa làng xã, độc đáo, đầy ý nghĩa của người Mông, cần được quan tâm khôi phục và phát huy. Ngày nay, ngay chính trong thế hệ trẻ người Mông rất ít người biết được cha ông họ có một lễ hội mang tính cộng đồng đầy ý nghĩa nhân văn như thế!
Tin liên quan
Lễ hội Gầu Tào được tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, gia đình ấm no. Theo thời gian, Gầu Tào trở thành dịp để nhân dân các dân tộc cùng giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau...
Lễ hội chùa Hàm Long Bắc Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng, vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh và giải mã thắc mắc về nơi được mệnh danh là "đệ nhất nhốt trùng".
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định là lễ hội lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, thu hút rất nhiều du khách đến tham gia, cầu may mắn bình an và công danh tài lộc.