Trải nghiệm khó quên: 20 tuổi, một mình đi xuyên Việt và trải nghiệm qua đêm ở nghĩa địa
Trong chuyến hành trình xuyên Việt ở tuổi 20, tôi đã làm một điều mà chắc có lẽ ít người dám làm: Ngủ qua đêm ở nghĩa địa. Nghĩa lại vẫn thấy rợn da gà.
Tôi là Đào Hoàng Long (SN 2004, quê Quảng Ninh). Từ khi học cấp 3, nhìn tấm bản đồ Việt Nam trong sách Địa lý, tôi đã ấp ủ dự định chinh phục 63 tỉnh thành để tìm hiểu về văn hóa, con người ở mỗi vùng miền. Năm 2002, tôi quyết định theo học ngành Du lịch của trường ĐH Sài Gòn.
Trước đây, tôi từng nhiều lần thực hiện các chuyến phượt ngắn ngày với mục đích làm quen cảm giác độc hành trên các cung đường. Ngoài giờ học trên trường, tôi tranh thủ đi làm thêm, mỗi tháng trích ra một khoản để chuẩn bị kinh phí. Tổng chi phí chuyến đi này chưa đến 10 triệu đồng.
Hành trình xuyên Việt của tôi bắt đầu vào ngày 12/1 khi mọi thứ đã sẵn sàng, lịch học được sắp xếp ổn thỏa. Tôi thực hiện chuyến xuyên Việt dài 1 tháng này với "bạn đồng hành" là chiếc xe máy được sử dụng lâu năm.
Gần 5000km, 60 tỉnh thành và 1 tháng đam mê
Tôi bắt đầu xuyên Việt từ TP Hồ Chí Minh, đi dọc theo cung đường biển miền Trung. Đoạn đi qua Bình Thuận và Ninh Thuận khiến tôi liên tục ngoái nhìn. Thu vào trong tầm mắt tôi là màu xanh rì của nước biển, màu trắng của cát và bên tai luôn có tiếng sóng, tiếng gió. Thỉnh thoảng hít vào trong khoang mũi mùi vị đặc trưng của biển cả.

Mỗi tỉnh thành, tôi nán lại từ 1 - 2 ngày để trải nghiệm. Nhưng cũng có ngày tôi đặt chân đến 2 tỉnh vì đường đi không quá xa nhau. Tôi đi một mình và chi phí có hạn nên chủ yếu là cắm trại bên bờ biển, đồi cát, rừng thông hoặc thung lũng. Những lúc không tìm thấy nơi lý tưởng để hạ trại, tôi phải vào trạm xăng hoặc đến, chùa để xin tá túc nhờ qua đêm.
Trải nghiệm rợn gáy nhất trong hành trình 5.000km của tôi chính là Mũi Yến (Phú Yên). Dựng chân chống và tắt máy, tôi chợt thấy một ngôi miếu với ánh đèn đỏ lập lòe. Dù bán tín bán nghi, tôi vẫn liều lĩnh bung lều.
Trời sập tối, xung quanh tĩnh lặng, phả vào không khí là tiếng thở của tôi và sóng biển vỗ bờ. Tôi dần thiếp đi vì mệt. Sáng hôm sau, người dân ngơ ngác khi biết tôi cắm trại ở đây cả đêm. Họ nói rằng, đây là khu nghĩa địa lâu năm. Lúc này, tôi chỉ biết cười trừ. Dù có chút sợ nhưng tôi nghĩ đây vẫn là một trải nghiệm rất đáng nhớ. Tôi đã dành buổi sáng hôm đó để khám phá trọn vẹn Mũi Yến.

Không chỉ sở hữu cảnh quan đẹp, miền Trung còn khiến tôi ghi nhớ sâu sắc bởi sự hiếu khách và nhiệt tình của người dân. Ngày tôi đến Tam Kỳ - Hội An (Quảng Nam) có ghé vào một quán ăn để thưởng thức loại cơm gà vàng óng. Sợ tôi đi phượt mất sức, cô chủ mời thêm món này món kia, phần nào cũng đầy ú ụ. Khi tính tiền, cô chỉ lấy đúng giá của một phần cơm gà.
Rời miền Trung đầy nắng, tôi đến quê hương Quảng Ninh, ở lại thăm gia đình một tuần, sau đó tiếp tục hành trình xuyên Việt của mình với cung đường Đông - Tây Bắc đến các tỉnh còn lại. Cung đường này địa hình gây khó cho những tay phượt, có đoạn rất hẹp, dốc thẳng đứng, có đoạn quanh co đến khó tin.
Đoạn từ đèo Yên Minh về lại TP Hà Giang, tôi bị kẹt lại con đèo hoang vu vào buổi tối. Trái tim như nhảy khỏi lồng ngực vì xung quanh không một ngôi nhà, vạch xăng liên tục nhấp nháy, trời lạnh chọc qua xương, kèm theo mưa phùn và sương mù cản tầm nhìn. Cảm giác bất lực khi chỉ có tôi và màn trời tối om. May mắn, tôi vẫn về đến thành phố an toàn. Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn rùng mình.

Khi từ Sơn La về Mùa Cang Chải (Yên Bái), trong lúc chờ thông đường, tôi còn được một chị người dân tộc mang sáo ra thổi, một chú khác lại hát tặng vài giai điệu. Tôi thích những khoảnh khắc tự nhiên, chậm rãi tận hưởng nét đẹp truyền thống một cách thuần túy nhất.
Trên hành trình trở về, tôi đi theo đường Trường Sơn về Tây Nguyên và kết thúc hành trình ở TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/2, cũng đúng lúc đón sinh nhật tuổi 21. Do một vài sự cố trên đường và lịch học nên tôi không kịp ghé qua 3 tỉnh Tây Nguyên như dự định ban đầu.
Bài học ở tuổi 20
Rong ruổi một mình gần 5000km, tôi không thấy đơn độc, ngược lại còn rèn luyện được tính tự lập. Trước giờ, tôi chưa từng có bạn đồng hành vì không tìm thấy người chung mục tiêu. Những lúc buồn, tôi thường tự trấn an bản thân bằng cách trò chuyện với người dân địa phương hoặc gọi về cho gia đình.
Trong chuyến đi lần này, tôi không chỉ thu về được những cảnh đẹp mà còn gặp được những con người rất thân thiện. Đó là những người bạn cùng đốt lửa trại ở Ninh Bình hay người dân đẩy xe cho tôi Tà Xùa (Sơn La). Dù tôi xa lạ, họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ, tôi càng thêm trân trọng những trải nghiệm trong hành trình này.
Đi và trải nghiệm nhiều mới thấy Việt Nam mình mộc mạc, bình dị nhưng mang nét quyến rũ khó cưỡng. Mỗi chuyến đi, tôi đều len lỏi vào đời sống người dân, hiểu về phong tục tập quán từng vùng miền và có thêm kiến thức lịch sử, vượt xa sách vở hay những bài giảng có phần khô khan ở trường.

Tôi thích văn hóa của các dân tộc Tây Bắc, nhất là ẩm thực đa dạng như thắng cố, cơm lam, thịt trâu gác bếp, bánh hạt dẻ, bán tam giác mạch... Mỗi điểm đến, tôi vừa ngắm cảnh vừa chụp lại hàng nghìn tấm ảnh phục vụ công việc hướng dẫn viên du lịch sau này của mình,
Khi tôi quyết định đi xuyên Việt, bố tôi khá lo lắng vì tuổi của tôi còn chưa chín chắn. Nhưng với tôi, đây là độ tuổi đầy hoài bão. Tôi tự hào về hành trình của mình, có lẽ đến già cũng không thể quên. Sau này, nếu con cháu hỏi về tuổi trẻ của mình, tôi có thể vỗ ngực nói rằng: "Ông đã có một tuổi trẻ đầy đầy nhiệt huyết, một mình khám phá khắp đất nước ở tuổi mười tám đôi mươi".
Hành trình khám phá của tôi không dừng lại ở đây. Thời gian tới, tôi sẽ đi xuyên Việt lần 2, thậm chí sẽ đầu tư hơn về máy ảnh hay flycam để có thể ghi lại một Việt Nam rất đẹp.
Xem thêm: Hành trình đi tìm “thần mặt trời” tại Cực Đông Tổ quốc
Tin liên quan
Chia sẻ về hành trình của mình, chàng trai khuyết tật – Nguyễn Viết Quân, nói: “Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những vùng đất thiêng liêng mà cha ông ta đã hy sinh máu xương để giữ lấy tự do. Tôi cũng muốn được thấy sự phát triển, hòa bình của đất nước mình, không qua màn hình mà qua đôi mắt và trái tim đầy cảm xúc”.
Tôi đã sử dụng hơn 100 ngày trong quỹ thời gian của cuộc đời mình để thực hiện hành trình trượt patin xuyên Việt từ Cà Mau địa đầu Tổ quốc Hà Giang...
Cùng với người bạn đồng hành – chiếc xe thồ của ông nội, tôi nhất định sẽ dừng bánh tại TP.HCM đúng ngày 30/4, tận mắt xem diễu binh, mừng 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.