Về thăm tượng đài Mẹ Thứ - Biểu tượng vĩnh hằng của dân tộc
Khi Tổ quốc cần, Mẹ Thứ đã động viên 12 người con, cháu lên đường nhập ngũ và không một ai trở về với mẹ… vì Cụ Hồ đã dạy “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Khi cầm nén hương thơm dâng lên tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng giữa cái nắng chói chang của đất trời miền Trung, dưới không gian xanh ngắt không gợn mây, chỉ có những cơn gió phơn rát bỏng, bên tai tôi văng vẳng câu hát "Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con, lần lượt ra đi mãi mãi…". Nước mắt ai cũng rơi nhưng cũng đầy tự hào khi nghe hướng dẫn viên thuyết trình về khu Tượng đài mà lấy hình ảnh Mẹ Thứ, một nhân chứng sống trong chiến tranh làm linh hồn, làm biểu tượng cho những người Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp dải đất hình chữ S này.

Tâm điểm của khu tượng đài tọa lạc trong khuôn viên rộng 15ha này chính là khối tượng Mẹ Việt Nam anh hùng tạc chân dung từ nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn với 12 lần tiễn con, cháu ra trận và 12 người đều không trở về. Tượng đài được gắn kết, tạc từ 20.000 tấn đá hoa cương có chiều cao 18,5 m, có hình cánh cung dài 101m như cánh tay người Mẹ Việt ôm hình hài đất nước và những người con. Phía trước là hồ nước hình bán nguyệt rộng 1.000m2; làn nước trong mát chuyển từ núi non, biển cả đã dồn tụ về đây như vỗ về, ôm ấp bao người mẹ đã dâng hiến chồng, con, tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tôi như lặng người đi, nghẹn ngào về câu chuyện của Mẹ Thứ, người được vinh danh là người phụ nữ huyền thoại đã dâng hiến nhiều người thân nhất cho Tổ quốc. Tôi không hiểu sức mạnh nào, nghị lực phi thường nào đã khiến cho một người phụ nữ nhỏ bé như Mẹ Thứ có thể vượt qua hết nỗi đau này đến nỗi đau khác để góp phần làm nên chiến thắng cho dân tộc. Mẹ Thứ đâu chỉ khóc 9 người con ruột mà cả con rể là Ngô Tường và 2 cháu gái Ngô Thị Cúc, Ngô Thị Điểu (chồng và con mẹ Việt anh hùng Lê Thị Trị, con gái đầu của mẹ Thứ).

Mẹ đã về với các con (Tác phẩm Đợi con về của nhiếp ảnh gia Trần Hồng).
Mất mát đầu tiên của Mẹ là ngày 18/6/1948, khi anh Lê Tự Xuyến, người con trai thứ 2, một chiến sĩ giao liên làm nhiệm vụ bị giặc Pháp bắn hy sinh ngay tại đầu làng. Nước mắt chưa vơi thì tin dữ lại đến, ngày 5/10/1948, anh Lê Tự Hàn (anh) hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. Mười ngày sau, ngày 15/10/1948, anh Lê Tự Hàn (em) cũng hy sinh trong một trận chống càn. Chỉ trong 4 tháng, Mẹ đã mất 3 người con thân yêu của mình. Tiếp đến ngày 1/4/1954, anh Lê Tự Lem vừa tròn 20 tuổi, tham gia bộ đội huyện lại hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc. Cứ thế, nấm mồ này chưa xanh cỏ, Mẹ lại nuốt nước mắt tiễn đưa những người con về cõi vĩnh hằng. Anh Lê Tự Nự hy sinh tháng 9/1966; Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh hy sinh năm 1972; Lê Tự Thịnh hy sinh năm 1974. Đầu năm 1975, Mẹ mong chờ ngày về của người con trai cả, anh Lê Tự Chuyển, một chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Nhưng rồi, 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, người chiến sĩ biệt động ấy trong lúc dẫn đường đoàn quân giải phóng cũng đã ngã xuống, chỉ vài giờ trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với Mẹ Thứ, câu hát "Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…" có lẽ chỉ mới diễn tả phần nào được những mất mát, hy sinh không gì bù đắp nổi mà Mẹ phải chịu đựng.
Trong hồi tưởng của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, người con gái đầu của Mẹ Nguyễn Thị Thứ có đoạn viết: "Lúc mẹ còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh liệt sỹ, Mẹ thường lọ dọ chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với Mẹ…Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, Mẹ như thấy các con về, Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đến trước bàn thờ gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương để tưởng nhớ các con…" Đến đây, không ai có thể cầm được nước mắt trước sự hy sinh thầm lặng, trước nỗi đau chồng chất nỗi đau mà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Thứ đã phải gánh chịu.

Tổng biên tập Báo Quảng Nam Lê Văn Nhi kể cho tôi nghe một câu chuyện về Mẹ Thứ mà tôi nghĩ sẽ là cái kết trọn vẹn cho bài viết này, khi mà hình mẫu bất tử của Mẹ không một ngòi bút nào có thể diễn tả được. Anh Nhi kể lại: Vào năm 1998, lúc Mẹ còn sống, có một đoàn khách nước ngoài về thăm Mẹ. Sau khi nghe những câu chuyện về lịch sử, về sự hy sinh anh dũng của những người con đất Quảng, một nhà báo Hàn Quốc, cũng là một cựu chiến binh đã hỏi Mẹ: "Thưa bà, với quan niệm người á đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn cứ tiếp tục động viên những người con khác của mình ra mặt trận?". Mẹ vẫn điềm nhiên ngồi nhai trầu, thong thả nhìn thẳng vào nhà báo nọ và trả lời: "Thưa ông, tôi không được học nhiều, biết nhiều như ông, nhưng ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Vì vậy người Việt , trong đó có các con, cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cả tính mạng để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do mà hôm nay chúng tôi đang hưởng". Nghe Mẹ nói, nhà báo sững người, rồi quỳ xuống xin lỗi Mẹ mà nước mắt rưng rưng…
Đất đã ôm lấy người phụ nữ kiên trung, người Mẹ Việt anh hùng huyền thoại Nguyễn Thị Thứ vào ngày 10/12/2010. Mẹ không còn nữa nhưng tên tuổi của Mẹ vẫn mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc Việt . Những gì mẹ cống hiến cho Tổ quốc mãi là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Nếu có cơ hội đến Du lịch Hội An - Tam Kỳ, bạn đừng quên ghé qua tượng đài Mẹ Thứ - biểu tượng thiêng liêng nằm tại mảnh đất lịch sử hào hùng Quảng Nam. Với nét đẹp độc đáo và ý nghĩa linh thiêng, công trình kiến trúc kỳ công này được xây dựng để tưởng nhớ, ghi danh các Mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất.
- Địa chỉ: nằm trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tượng đài nằm cách chùa Cầu Hội An 8 km về phía Tây.
Dẫn đường: từ trung tâm thành phố Hội An, bạn sẽ đi dọc theo hướng đường Hùng Vương - Lê Quý Đôn. Tiếp tục rẽ phải ở Chi Cục Thuế huyện Điện Bàn và đi thêm 500 m là đến tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ.
- Giá vé: Tham quan miễn phí; Giờ mở cửa tham khảo: 7h30 - 17h hằng ngà.y
Quỳnh Thu
Xem thêm: Đại tá tình báo lừng danh Tư Cang: "Biệt tích" suốt 29 năm, bất ngờ trở về đúng ngày 30/4/1975
Tin liên quan
"Vua hề Sác-Lô" từng có chuyến đi đến Việt Nam không nhằm mục đích lưu diễn, ghi hình mà hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Ông đã có những ngày tuyệt vời ở đất nước hình chữ S.
Trong chuyến đi du lịch Việt Nam vào năm 1994, vị khách Tây này cầm 100 USD đổi sang tiền Việt và nhận về khoảng 1 triệu đồng. Số tiền này giúp anh chi tiêu xả láng.
Bên bờ vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) 500 em học sinh đã xếp hình bản đồ Việt Nam và cờ Tổ Quốc với mong muốn lan tỏa niềm tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc.
Bài mới

Mùa hè đến là thời điểm lý tưởng để “xách vali lên và đi” đến những bãi biển trong xanh với cát trắng, nắng vàng. Nhưng để có những bức hình sống ảo thật xịn sò, ngoài khung cảnh đẹp thì phối đồ đi biển đúng cách cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cùng Người du lịch khám phá những tips phối đồ vừa thoải mái, vừa “ăn ảnh” để tỏa sáng hết mình trên bãi biển nhé!

"Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn... Cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích”.