"Ốc đảo" ở Hà Tĩnh: Vùng đất "nội bất xuất, ngoại bất nhập”, từng có lúc trâu bò nhiều hơn dân, sao giờ người ta kéo nhau đến đông vậy?
"Ốc đảo" Hồng Lam cách TP Vinh khoảng 15 phút chạy xe từng có lúc trâu bò nhiều hơn người, được mệnh danh là vùng đất "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nếu đò dừng chạy. Thế nhưng, giờ đây, người ta lại ùn ùn kéo đến du lịch, vì sao vậy?
Mục lục
Hồng Lam - "ốc đảo" giữ bốn bề sông nước
Thôn Hồng Lam thuộc xã Xuân GIang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thôn nằm cách TP Vinh (Nghệ An) khoảng vài km, cách TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) khoảng 50km. Nơi đây từng được ví là "ốc đảo" vì bốn bề bao quanh là sông nước, giao thông cách trở.

Trước đây, người dân trong thôn Hồng Lam chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông, rồi bươn bải ra ngoài mưu sinh. Trong thôn giờ chỉ còn người già và trẻ em ở lại. Đến trường học cũng bỏ vì thiếu học sinh...
Nhưng ở thời điểm hiện tại, Hồng Lam đã "thay da đổi thịt" trở thành điểm du lịch trải nghiệm hút khách. Tác giả của mô hình du lịch tại đây là cặp vợ chồng đến từ bên kia bờ sông Lam - anh Lê Vũ Nguyên Huy và chị Võ Phương Trinh (cùng SN 1992, ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Anh Huy và chị Trinh cùng tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Họ từng có thời gian sinh sống, mưu sinh ở các thành phố lớn. Sau cùng, họ chọn bỏ lại tất cả, trở về quê tìm cuộc sống bình yên.
Một lần được bạn bè đưa đi thăm thôn Hồng Lam, cặp vợ chồng trẻ rất lưu luyến nơi vì sự mộc mạc, chân quê cùng bầu không khí trong lành. Tất cả khu làng vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa bị kiến trúc xây dựng hiện đại phá vỡ.
Biến "ốc đảo" thành điểm du lịch trải nghiệm
Càng tìm hiểu, đôi bạn trẻ càng thấy mảnh đất này chứa đựng những câu chuyện giá trị nhân văn mà đôi khi dễ bị lãng quên trong cuộc sống vội vã. Thôn đã có lịch sử 500 năm, nhưng vì thiên tai lũ lụt và những khó khăn về địa lý, dân cư dần rời “đảo” đi lập nghiệp. Người trong thôn đa phần là trung niên hoặc cao tuỏi. Trẻ em chủ yếu do bố mẹ đi làm xa gửi ông bà chăm sóc. Dân làng thuần nông, thật thà, hiếu khách.

Từ những yếu tố trên, vợ chồng anh Huy nhận thấy đây là vùng đất rất tiềm năng để phát triển duy lịch trải nghiệm. Vợ chồng anh bắt tay lên kế hoạch khởi động dự án.
“Có rất nhiều khó khăn từ khi khởi điểm cho tới khi thành hình, khó nhất là về công tác dân vận để tất cả bà con trong thôn cùng hiểu và đồng hành với mình, sau đó tới giấy tờ pháp lý”, anh Huy chia sẻ với tờ Dân Việt.
Với cam kết giữ gìn những giá trị truyền thống tại Hồng Lam, mang đến những giá trị bền vững cho cộng đồng, ý tưởng của vợ chồng anh Huy đã thuyết phục được các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư thôn Hồng Lam ủng hộ.

Nhờ chính quyền hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, Hợp tác xã Dịch vụ Hồng Lam chính thức ra đời vào năm 2023 với mục tiêu phát triển du lịch bản địa và tạo đầu ra cho các sản phẩm địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân “ốc đảo”.
Trong Hợp tác xã này, vợ chồng anh Huy đóng vai trò thành viên và cố vấn mô hình thí điểm trải nghiệm du lịch tại thôn Hồng Lam. Các thành viên còn lại đều là người dân Hồng Lam.

Những ngày đầu có rất nhiều khó khăn ập đến như: điện, nước không có; giao thông cách trở; cơ sở vật chất, thực phẩm... đều rất khó khăn. Thậm chí, muốn có đá để pha đồ uống, phục vụ du khách cũng phải chở bằng đò sang...
“Chúng tôi cứ làm dần, không vội vàng. Khung cảnh và nhịp sống tại Hồng Lam cũng vậy, thích hợp với “sống chậm”. Hơn nữa, ở đây muốn vội cũng không được. Tất cả đều phải... đợi đò”, anh Huy chia sẻ.
Tour "sống chậm" hút khách nơi "ốc đảo"
Hợp tác xã Dịch vụ Hồng Lam trở thành cầu nối giữa du khách và "ốc đảo". Thông qua hợp tác xã, những du khách đầu tiên đã cùng nhau đến "chill", ngắm cảnh, check in ở "ốc đảo" Hồng Lam. Tại đây, họ cùng nhau thưởng thức món ăn đồng quê, cùng nhau trò chuyện, cùng nhau mắc võng ngồi thư giãn.
Tiếng thơm "ốc đảo" cứ theo lời truyền miệng vang xa. Nhiều người bắt đầu tìm hiểu, liên hệ để có cơ hội đến tham quan, trải nghiệm nơi này. Theo anh Huy, hành trình tới với "ốc đảo" Hồng Lam không chỉ dừng lại ở việc vui chơi, ăn uống đặc sản ở địa phương mà còn là câu chuyệ “trải nghiệm 1 ngày bình thường” của người dân “đảo”.

Đó là quãng thời gian ngồi đón sóng sông Hồng Lam chờ đò cùng người dân bản địa, cùng trò chuyện để hiểu về những khó khăn và những lợi thế khi sống ở "ốc đảo". Rồi cảm giác được lênh đênh mát mẻ trên chuyến đò dân sinh, ngồi xen cùng hàng hóa nhu yếu phẩm...
Khi rời khỏi phố thị đặt chân lên "ốc đảo" Hồng Lam, du khách như được sống chậm lại với hình ảnh làng quê quen thuộc: con đò nhỏ, lũy tre xanh, trâu, bò đằm mình dưới bùn và hình ảnh những người nông dân đang "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Khi đi vào trong làng, du khách được ngắm những ngôi nhà đơn sơ còn cả dấu vết những trận lụt, những chuồng trâu, chuồng bò được “ưu tiên” cao hơn nhà dân. Khi đi qua đồng, du khách được ngắm những cánh đồng cói, đồng rươi, đồng ngô, đồng lạc... Và cánh rừng phi lao xanh mát với nhiệm vụ giữ đất khỏi sạt lở, đồng thời là nơi tránh nắng, tránh lũ trên đảo.
Theo anh Huy: “Mong muốn của chúng tôi khi làm du lịch tại Hồng Lam là xây dựng một hành trình giúp du khách trải nghiệm “sống chậm”. Vì đơn giản mọi thứ trên “đảo” là không vội vàng.

Khi du khách lựa chọn Hồng Lam là điểm đến sẽ cảm nhận được những giá trị truyền thống của làng quê, được đón tiếp như những người xa quê về thăm, không cầu kỳ, mọi thứ vừa đủ nhưng sự nhiệt tình thì luôn thừa”.
Từ xây dựng du lịch đến xây dựng các giá trị bền vững
Hiện mô hình du lịch trải nghiệm thí điểm ở Hồng Lam đã tạo ra công ăn việc làm cho 10 nhân sự trong làng, bước đầu đưa được các mặt hàng nông sản ở địa phương đến gần với khách du lịch hơn (gạo, ngô, mắm cáy, gà chạy bộ...). Đáng mừng hơn cả là đã có những người xa quê trở về chung tay cùng Hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Huy cho biết, mọi thứ ở trên "ốc đảo" đều khó khăn. Muốn xây một cái nhà ở đây thì chi phí và nhân công đều nhân 3. Bởi mọi thứ không sẵn, từ bánh mì, bó rau, thực phẩm tươi cũng phải đưa sang bằng đò hoặc đặt trước. Đò dừng là mọi thứ cũng dừng. Nhiều khi thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến di chuyển của đò.

“Điều ý nghĩa nhất mà chúng tôi cảm nhận được khi làm du lịch tại Hồng Lam là những giá trị tưởng chừng rất đơn giản, nhưng đôi khi rất khó có được trên “ốc đảo”. Như ánh mắt hạnh phúc của các em nhỏ trên “đảo” lần đầu tiên được xem múa lân, vẽ mặt nạ, làm đèn lồng trong Tết trung thu tổ chức tại Hồng Lam. Hay sự trở về của những người trẻ từng rời “đảo” đi xa mưu sinh. Những điều đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi rất nhiều”, anh Huy nói.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng anh Huy và các cộng sự trong Hợp tác xã Hồng Lam vẫn quyết tâm phát triển du lịch cộng đồng trên "ốc đảo" giúp du khách hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa của làng Hồng Lam: di tích nhà thờ họ Hồ Dao với hơn 500 năm lịch sử, cánh đồng cói nơi sinh ra làng nghề dệt chiếu lâu đời…
Đặc biệt, anh Huy và các cộng sự mong muốn tạo thêm được nhiều việc làm cho người dân trong làng, tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để cải thiện đời sống của người dân.
Thôn Hồng Lam hiện có 135 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu. Trâu, bò hiện có khoảng 300 con, nhưng có những thời điểm, trâu bò còn nhiều hơn cả người. Tuy nhiên, từ ngày có mô hình du lịch trải nghiệm, dân làng vui hơn hẳn.
Nhiều nông sản cũng được giới thiệu tới du khách góp phần cải thiện thu nhập cho bà con. Đặc biệt do có đông người qua lại nên nạn hút cát trộm ở khu vực rừng phi lao giảm đáng kể.
(Theo Dân Việt)
Xem thêm: Du khách bức xúc: Quốc lộ 4A bị chắn ngang để lập chốt bán vé vào Khu du lịch thác Bản Giốc
Tin liên quan
Khu di tích Lam Kinh - cố đô trăm tuổi ở Thanh Hóa chính là quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê Sơ.
Bãi Thùng là "tọa độ" khá mới mẻ trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng rất đáng đến. Đặc biệt, camping Bãi Thùng là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới vùng biển xinh đẹp này.
Sở hữu hình dạng đẹp lạ, dốc Vạn Long (huyện Chư Sê, Gia Lai" khiến du khách gần xa liên tưởng đến vùng đất Ai Cập cổ đại...