Khu di tích Lam Kinh - Cố đô trăm tuổi linh thiêng tưởng chừng đã rơi vào quên lãng
Khu di tích Lam Kinh - cố đô trăm tuổi ở Thanh Hóa chính là quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê Sơ.
Mục lục
Khu di tích Lam Kinh ở đâu Thanh Hóa?
Khu di tích Lam Kinh nằm cách thành phố TP Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là di tích lịch sử quốc gia cấp từ năm 1962. Năm 2012, khu di tích này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Người tạo lập ra Lam Kinh là vua Lê Thái Tổ.
Lam Kinh không chỉ là "thánh địa" của nhà Lê, nơi lưu giữ hệ thống lăng mộ và bia ký ghi lại thân thế, sự nghiệp của các vua và hoàng hậu thời Lê Sơ - những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và bảo vật quốc gia. Mà trải qua quá trình phát triển, Lam Kinh còn trở thành nơi về nguồn, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người dân đất Việt.
Theo sử sách, Lam Sơn nằm về tả ngạn dòng sông Chu, phía Tây tiếp giáp miền thượng du Thanh Hóa với núi rừng trùng điệp, đầu nguồn các sông Mã, sông Chu (nay là vùng Thường Xuân, Ngọc Lạc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước...). Nơi đây có làng Cham, quê hương của người anh hùng Lê Lợi. Điều này từng được nhắc đến tại đoạn đầu sách "Lam Sơn thực lục”: Lam Sơn động chủ, cụ cố của trầm họ Lê, tên là Hối, người thôn Như Áng, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa...

Một hôm đi chơi đến Lam Sơn, thấy bầy chim bay lượn quanh chân núi như dáng đông người tụ tập. Cụ nói "Nơi đây là đất tốt đây"! Thế là cụ rời rời nhà đến đó ở. Lam Sơn thuộc huyện Lương Giang, nên Lương Giang cũng trở thành một cái tên đi vào lịch sử. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” có ghi: Lương Giang trời mở chân nhân. Vua Lê Thái tổ ứng tuần mới ra.
Vùng đất Lam Sơn đã sinh ra và nuôi dưỡng vị lãnh tụ thiên tài của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đồng thời, đây còn là nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn với những địa danh lịch sử: Như Áng, núi Dầu, núi Mục, sông Lương, Lũng Nhai... Lam Sơn đã chứng kiến nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu hình thành đến những năm tháng chiến đấu gian khổ.

Gắn liền với vùng đất Lam Sơn là sự kiện Hội thề Lũng Nhai (núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng) - một biểu tượng của tinh thần đoàn kết và ý chí phục quốc của các anh hùng, hào kiệt binh sĩ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; dấu mốc quan trọng đặt nền móng đầu tiên vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tại nơi này, vào năm 1416, Lê Lợi đã cùng 18 vị hào kiệt dâng lễ vật, sinh huyết để tấu cáo với trời đất và sông núi, nguyện kết nghĩa anh em, chung sức đồng lòng chống giữ địa phương.
Sau này, vùng đất Lam Sơn còn là nơi vua Lê Lợi chọn để thờ cúng tiên tổ, an nghỉ nghìn thu của các vua, thái hậu nhà Lê và là nơi cử hành các nghi lễ khi nhà vua về bái yết Sơn Lăng.
Di chuyển đến Khu di tích Lam Kinh như thế nào?
Khu di tích Lam Kinh nằm cách TP Thanh Hóa 50km nên việc di chuyển đến đây khá dễ dàng. Du khách có thể di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô con hoặc ô tô khách theo chỉ dân từ Google Maps.
- Nếu đi bằng xe máy, hãy đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, sau đó rẽ vào đường tỉnh lộ 519A để đến xã Xuân Lam.
- Nếu bạn chọn xe bus, có nhiều tuyến xe từ trung tâm thành phố đi Thọ Xuân, từ đó bạn có thể thuê taxi hoặc xe ôm để đến khu di tích.

Hiện tại, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh chưa tiến hành thu vé vào cổng. Tuy nhiên, khi đến đây, du khách lưu ý không nên sờ tay vào các hiện vật cũng như xả rác bừa bãi để đảm bảo mỹ quan của khu di tích. Du khách cũng cần có ý thức bảo vệ các hiện vật, công trình kiến trúc bên trong khu di tích.
Kiến trúc của Khu di tích Lam Sơn - minh chứng cho sự phồn thịnh của triều đại Hậu Lê
Khu di tích Lam Kinh được xây dựng từ khi nào?
Nằm trải dài trên diện tích 140ha, Khu di tích lịch sử Lam Kinh hiện vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn những công trình của triều đại nhà Hậu Lê, cùng nhiều cổ vật quý giá thời bấy giờ.
Như đã chia sẻ bên trên, Lam Sơn là nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi - Lê Thái Tổ và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Để tỏ lòng tôn kính với tiên tổ, nhà Lê đã cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn. Từ đó, Lam Sơn được coi là "kinh đô thứ hai" của nước Đại Việt sau Thăng Long - Lam Kinh.
Theo ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433. Lam Kinh là nơi an táng, thờ cúng, tri ấn các vị Vua và Hoàng hậu triều Lê.

Theo các nhà sử học, vương triều Lê có hai thái miếu ở Thăng Long và ở Lam Kinh. Nhưng thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc. Vì thế hàng năm, các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều đặn hành hương về Lam Kinh để thực hiện các nghi thức lễ tiết và bái yết tiên tổ.
Vì là nơi rất quan trọng nên nhà Lê vô cùng quan tâm đến việc xây dựng kiến trúc của Lam Kinh. Được biết, nơi này được xây dựng với các khu vực chính là điện, miếu, lăng mộ và các khu vực dành để tản bộ, thư giãn.
Thành Điện được xây dựng theo lối "tọa sơn hướng thủy", bao quanh là núi Dầu ở phía Bắc, sông Chu - núi Chúa ở phía Nam, rừng Phú Lâm ở phía Đông và phía Tây là núi Hương - núi Hàm Rồng. Đây chính là tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông, giúp cho Lam Kinh luôn thịnh vượng, yên bình.
Còn khu vực Hoàng Thành, Thái Miếu, Cung Điện được sắp xếp theo hình bàn cờ bao gồm: khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu...
Với nét đẹp kiến trúc cung đình gần như vẫn còn nguyên vẹn cùng những câu chuyện tâm linh huyền huyễn, Khu di tích Lam Kinh đã thực sự trở thành điểm tham quan lịch sử nổi bật trên bản đồ du lịch xứ Thanh.
Lược sử những mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng cố đô trăm tuổi
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh là minh chứng rõ nét nhất cho sự phồn thịnh của triều đại nhà Hậu Lê thời bất giờ. Cụ thể, năm 1428, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, Khu di tích lịch sử Lam Sơn được xây dựng nhằm mục đích thờ cúng tiên tổ cũng như là lăng tẩm để vua an nghỉ sau khi qua đời.
Năm 1443, sau khi nhà vua mất, thi hài của vua được đưa về Lam Kinh an táng. Lúc này, hệ thống đền miếu, lăng tẩm quy mô lớn mới được tiến hành xây dựng với mục đích thờ cúng tiên tổ, vua, Thái hoàng, THái hậu cũng như nơi tổ chức các nghi lễ khi vua về bái yết sơn lăng.
Năm 1448, vua Lê Nhân Tông ban chiếu chỉ, truyền Thái úy Lê Khả và Cục bách tác tiến hành trùng tu điện, miếu. Đến tháng 2/1449 thì hoàn thành.

Sang năm 1456, lễ điện Lam Kinh được diễn ra, vua Lê Nhân Tông đã ngự ban tên cho 3 công trình chính điện là: Quang Đúc, Sùng Hiếu, Diễn Khánh.
Năm 1962, Khu di tích Lam Sơn chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, được trùng tu vào năm 2002 với kiến trúc gần như được giữ nguyên viẹn.
Sang năm 2013, Khu di tích Lam Sơn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Di tích được xem là "nôi vàng" của thời Hậu Lê, minh chứng cho sự phồn thịnh của triều đại phong kiến thời bấy giờ.
Khám phá một số công trình kiến trúc tiêu biểu ở Khu di tích Lam Kinh
Khu di tích Lam Kinh là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa cung đình cùng toàn bộ các bia ký, lăng mộ, minh chứng bước phát triển rực rỡ của nên kiến trúc nước nhà. Các điện miếu, lăng mộ được bố trí theo quan điểm của Nho giáo, thuật phong thủy, có sự hài hòa giữa đồi núi, khe suối, cây xanh, tạo nên một môi trường đẹp, cân bằng giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc cung đình xưa.
Kiến trúc Lam Kinh đã được ghi trong Lịch sửu hiến chương loại chí của Phan Huy Chú như sau: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biết, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu".
Dưới đây là một số công trình kiến trúc tiêu biểu ở Khu di tích Lam Kinh:
Sông Ngọc - Cầu Bạch
Sông Ngọc là dòng sông uốn lượn vắt ngang đường chính dẫn vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Hai bên đường là hàng cây xanh rì soi bóng mặt hồ, tỏa bóng mát.

Giữa dòng sông Ngọc hiền hòa là cầu Bạch được xây theo thế uốn cong cong đẹp mắt. Theo thời gian, hai bên thành cầu đã phủ rêu phong khiến cho không gian càng trở nên cổ kính hơn.
Giếng cổ
Đi qua cầu Bạch độ 50 mét nữa sẽ bắt gặp một chiếc giếng khơi cổ khổng lồ được xây dựng từ thời tằng tổ Lê Lợi. Vốn ngày trước, giếng này được dùng để thả sen nhưng bây giờ không còn nữa. Nhưng nhờ thế mà mặt nước trở nên trong veo, có thể soi thấy bóng.

Một điểm thú vị ửo giếng cổ là quanh năm nước đầy ăm ắp, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống để người dân có thể lấy nước lên sử dụng.
Ngọ Môn
Ngọ Môn (hay Nghi Môn) là công trình có quy mô bề thế nằm trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Ngọ Môn có 3 gian, gian giữa rộng 4,6 mét và hai gian hông rộng 3,5 .mét Ngoài ra, công trình còn có 3 cửa với cửa giữa rộng 3,6 mét, hai cửa hông rộng tầm 2, 674 mét với hàng cột sừng sững ở chính giữa làm trụ.

Phía trước Ngọ môn có hai tượng nghê đá với niên đại hàng tăm năm như đứng canh giữ, bảo vệ sự yên bình của ngôi đền nằm ở phía sau. Vốn ngày xưa, Ngọ môn là nơi diễn ra các khi thức trước khi vào chầu vua.
Sân rồng
Sân rồng là công trình lớn trong Khu di tích. Sân Rồng rộng hơn 3.500m2 với 3 lối dẫn vào chính điện. Đây là nơi diễn ra các nghi thức tế lễ vào các dịp lễ lớn trong năm.

Chính điện
Chính điện được xây dựng theo hình chữ Công với 3 tòa nhà lớn được làm hoàn toàn từ gỗ với các hàng trụ khổng lồ chống đỡ. Có thể nói, chính điện là công trình mang vẻ đẹp kiến trúc nổi bật nhất của thời Lê Sơ.

Thái miếu
Nằm ngay sau Chính điện là 9 tòa Thái miếu. Không gian Thái miếu được bài trí trang nghiêm với hình dáng cánh cung ôm lấy chính điện. Mái điện được lợp ngói mũi truyền thống. Đây là nơi thờ vua, Thái hậu triều Hậu Lê. Nơi đây lúc nào cũng được hương khói đều đặn, nhuốm màu tâm linh.

Hệ thống lăng mộ trong Khu di tích Lam Kinh
Hệ thống lăng mộ là nơi an nghỉ của vua và Hoàng thái hậu. Lăng mộ trong Khu di tích Lam Sơn có quy mô bề thế, hoành tráng với mỗi khu lăng tẩm rộng khoảng 400m2, bao gồm cả khu vực lăng và sân.
Công trình nổi bật nhất tại đây chính là Vĩnh Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ. Vĩnh Lăng được xây dựng ở phía Tây Nam kinh thành với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng núi, hai bên là dãy núi cao bao bọc tạo thành thế "hổ phục rồng chầu".

Ngay trước Vĩnh Lăng là hai tựa đá hình quan chầu, bốn đôi tượng vật nghê, ngựa, tế giác, hổ. Bia đá làm bằng tầm tích nguyên khối với nội dung do chính danh hào Nguyễn Trãi biên soạn, ghi lại thân thế, sự nghiệp của nhà vua.

Ngoài Vĩnh Lăng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn lưu trữ nhiều di vật lịch sử quý giá như: bia Vĩnh Lăng - Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi, bia Hoàng thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng, bia vua Lê Thánh Tông - Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bia và bia vua Lê Hiến Tông - Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi.
Những chuyện huyền bí ở Khu di tích Lam Kinh
Đến Khu di tích Lam Kinh, du khách không chỉ được tìm hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa mà còn được nghe kể về những điều huyền bí. Nhìn từ góc độ văn hóa và lịch sử, cổ vật mang trong mình thông điệp gìn giữ cho muôn đời sau. Trong trường nghĩ tương đồng ấy, những cây cổ thụ không chỉ là một bức thông điệp giàu giá trị mà bản thân sự sống xuyên thế kỷ còn mang tính nhân văn, nhuốm màu huyền bí, tâm linh.
Chuyện tình cây đa - thị
Khi bước vào sân Rồng trong Khu di tích Lam Kinh, du khách sẽ thấy kế bên cổng Ngọ Môn sừng sững một cây di sản. Đó là cây đa hơn 300 tuổi. Cây cao khoảng 40m, gốc to phải 10 người ôm mới xuể, bộ rễễkhoorng lồ chẳng chịt trải xung quanh.
Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết, cổng Ngọ Môn từng có hai bức tường thành bằng gạch. Sau khi hai bức tường bị đổ, một cây thị mọc lên bên phải Ngọ Môn. Đến mùa hè, cây thị ra trái tỏa hương thơm ngát, chim chót kéo đến ăn.

Tương truyền, không biết từ khi nào đàn chim đến ăn quả lại tha cả hạt đa đến. Hạt đa rơi xuống đất, nảy mầm và cứ thế lớn lên bao quanh cây thị. Từ đó, cổng Ngọ Môn có cây hai ngọn, vừa đa, vừa thị. Mùa đông cây đa có quả, mùa hè cây thị ra trái. Người dân trong vùng gọi là cây đa thị.
Vào năm 2007, cây thị càng lúc càng lụi tàn dần giữa bộ rễ đa chằng chịt. Cây chết hẳn, chỉ còn lại cây đa, Nhưng chừng 15 năm sau, một cây thị nhỏ lại mọc lên ngay từ gốc đa. Đến nay, cây thị nhỏ đã cao khoảng 2m.
Có ý kiến cho rằng, đây là nhánh còn sót lại của cây thị cũ. Cũng có người tin rằng, cây thị đã “hóa kiếp” để bầu bạn với cây đa già.
Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận cây đa này là Cây Di sản Việt Nam.
Cây ổi cứ gãi là "cười"
Nhiều du khách đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh tỏ ra vô cùng tò mò về câu chuyện cây ổi "cứ gãi là cười" bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Theo đó, khi sờ nhẹ lên thân cây ổi thì những kẽ cây nơi có thân và cành thì đầu lá rung lên như đang cười. Thậm chí, khi nắm tay vào cành và nhắm mắttthif nhiều người cho rằng sẽ cảm giác khác lạ, người cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn.
Vào năm 1994, khi du khách đến tham quan đã phát hiện ra những tín hiệu kỳ lạ của cây mỗi lần có người chạm vào. Đến năm 2001, trong một lần viếng thăm lăng vua Lê, nhà thơ Hoàng Ngọc Phác (quê Phú Thọ) đã thấy điều kỳ lạ ở cây ổi nên đặt tên cho cây là cây ổi cười.

Vào năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.
Cây ổi kỳ lạ này đã gần 90 tuổi, nằm bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Cây ổi có thân gầy guộc khẳng khiu, chỉ cao tầm 3m nhưng lại xanh tốt quanh năm, đến mùa vẫn cho quả ngọt và toả hương thơm. Chính câu chuyện thú liên quan đến ‘cây ổi biết cười’ nên du khách tới thăm di tích ai cũng tò mò ghé thăm cây ổi này.
Được biết, những người quản lý khu di tích thường hái quả đẹp từ cây ổi này để mang đến dâng lên mộ vua.
Cây lim hiện thân
Đến thăm Khu di tích Lam Kinh, du khách sẽ được nghe về quá trình trùng tu, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ. Công phu nhất là tu bổ Chính điện từ năm 2010 đến 2022. Điện chính nằm giữa trung tâm hình chữ công gồm 3 tòa nhà gọi là Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh. Chính điện rộng khoảng 1.650m2 với 138 chân tảng hiện còn 124 chân tảng, nay đang tổ chức phỏng dựng trên nền cũ.
Vào năm 2010, khi dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt, một cây lim 600 tuổi trong khuôn viên đang xanh tốt bỗng trút sạch lá. Đến khi thiết kế thi công Chính điện hoàn thành, cây lim đã chết khô. Sau khi sự việc được báo lên UBND tỉnh Thanh Hóa, chính quyền quyết định làm lễ “phát mộc” cho hạ thân cây này để phỏng dựng chính điện. Năm 2011, nhân ngày giỗ Vua Lê Thái Tổ, tỉnh Thanh Hóa làm lễ hạ cây.

Có nhiều sự trùng hợp đến kỳ lạ. Từ lúc cây lim trút lá đến khi làm lễ phát mộc khoảng 6 - 7 tháng, vậy mà khi làm lễ cắt cây thì từ thân cây vẫn ứa ra dòng mủ đỏ như máu. Cây lim đã 600 tuổi nhưng không hề rỗng ruột từ gốc đến ngọn.
Cây lim cổ thụ này có đường kính 80 - 82cm, vừa khít chân tảng cái - chân tảng đá kê cột gỗ trong tòa hậu điện của Chính điện. Thân cây cao đến khoảng 7m bắt đầu phân thành 2 cành. Khi được hạ xuống, một cành có đường kính khoảng 65cm vừa khít chân tảng quân ở hàng vách điện, một cành 45cm vừa khít chân tảng hiên ở hè bên ngoài Chính điện và một số phần còn lại dùng làm các thượng lương.
Đặc biệt, cây lim sống trong rừng, nơi Lê Lợi lập Hội thề Lũng Nhau. Cây lim và nhiều cây cối khác trong rừng là nơi ẩn náu của nghĩa quân Lam Sơn khỏi kẻ thù. Cây lim này thuộc hàng "thần mộc", đón nhân linh khí của trời đất trong hàng trăm năm.
Nhiều người tin rằng, cây lim cổ thụ đã được sinh ra ở vùng đất Lam Kinh tối linh với sứ mệnh cao cả của 600 năm sau là phục dựng Chính điện, thể hiện hào khí uy hùng của kinh đô thời Lê Sơ.
Khu di tích Lam Kinh được xem là viên ngọc quý của xứ Thanh với giá trị to lớn về mặt kiến trúc, lịch sử, khắc họa chân thật một thời vàng son của thời Hậu Lê. Hy vọng, nếu có cơ hội đến du lịch Thanh Hóa, du khách có thể dành thời gian ghé thăm, tìm hiểu về một thời phồn thịnh của triều đại Hậu Lê.
Xem thêm: Phẫn nộ lăng mộ vua Lê Túc Tông xâm hại: Kẻ xấu nghi là 2 người mang quốc tịch Trung Quốc
Tin liên quan
Chùa Phật Tích Bắc Ninh không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng xứ Kinh Bắc mà nơi đây còn được biết tới với những huyền tích ly kỳ gắn với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoa bản địa.
Đền Cấm Lào Cai tồn tại gần 200 năm gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới sự chỉ duy của vua tôi nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Trần Quốc Tuấn.
Trong tâm thức người dân đất Tổ, miếu Lãi Lèn không chỉ là chốn linh thiêng thờ Vua Hùng mà còn là nơi lưu giữ tinh hoa và giá trị của những làn điệu Xoan cổ.
Bài mới

Quảng Trị – nơi mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu và nước mắt của cha ông trong hai cuộc kháng chiến, là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu mến lịch sử và muốn hiểu sâu hơn về bản lĩnh dân tộc Việt Nam. Hành trình 2 ngày 1 đêm dưới đây sẽ dẫn bạn đi qua những dấu mốc quan trọng nhất của mảnh đất anh hùng này.