Đền Cấm Lào Cai: Từ ngôi miếu nhỏ đến Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia
Đền Cấm Lào Cai tồn tại gần 200 năm gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới sự chỉ duy của vua tôi nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Trần Quốc Tuấn.
Mục lục
Đến Cấm ở đâu Lào Cai?
Nhắc đến du lịch tâm linh ở vùng đất biên cương Lào Cai là nhắc đến đền Thượng, đền Bảo Hà, đền Cô Tân An, Đền Đôi Cô - Chùa Cam Lộ, đền Mẫu, đền Hằng Phố, đền Mẫu Thượng Ngàn (Sa Pa), Quần thể văn hóa tâm linh Fansipan... Nhưng ít ai biết được, ở thành phố Lào Cai còn có một ngôi đền gần 200 tuổi, gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đó là đền Cấm.

Đền Cấm tọa lạc ở thôn Soi Mười, xã Vạn Hòa (nay là tổ 13, phường Phố Mới), thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đền Cấm nằm dưới chân quả đồi thấp, xung quanh cây cối tốt tươi. Trước đền có 3 cây cổ thụ (cây si, cây mít, cây ngọc lan) tỏa bóng mát cho đền tạo nên cảnh quan rất lý tưởng.
Vào các ngày mùng 1, ngày rằm hằng tháng hay các dịp lễ hội, ngôi đền này thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương đến dâng hương cầu mong sự an lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đền Cấm Lào Cai thờ ai?
Theo ghi chép tại đền, đền Cấm Lào Cai được xây dựng với mục đích để thờ phụng, tưởng nhớ những chiến công oanh liệt của các vị quan binh triều Trần. Đền còn là nơi thờ tự bà chúa Cấm - người được coi là vị thần chữa bệnh cho nhân dân.

Năm 1257 Trần Quốc Tuấn hành quân lên biên giới chỉ huy quân phòng thủ chống quân xâm lược Mông Cổ (Thế kỷ XIII) có rất nhiều tướng lĩnh đã ngã xuống vùng đất nơi biên cương này. Đền Cấm được xây dựng để tưởng nhớ 5 binh sĩ nhà Trần (không rõ tên tuổi). Hồi đó khu vực ga (Phố Mới ngày nay) là một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, trong một lần thị sát và chỉ huy phòng thủ biên giới (khoảng năm 1257), tướng Trần Quốc Tuấn đã chọn địa điểm ngôi đền Cấm bây giờ làm trạm quân y tuyến 2 trong phòng thủ biên giới. Sau đó trong các trận chiến đấu, thương binh được đưa về chữa trị dưới cánh rừng này, người dân bản địa lúc đó là người Việt, người Tày và người Giáy cũng đưa người ốm đau vào nhờ quân y chăm sóc giúp.

Vào thời điểm đó, một sự ly kỳ xảy ra. Khi màn đêm buông xuống sẽ có một thiếu nữ diện y phục màu xanh đến bốc thuốc chữa bệnh cho quân lính. Cô chữa bệnh rất tài tình, bất kỳ ai khi dùng thuốc của cô cũng đều trở nên khỏe mạnh rõ rệt, sức lực được cải thiện nhanh chóng.
Thế nhưng lạ là vào ban ngày khi trời sáng thì không ai thấy bất kỳ dấu vết nào, cũng không ai nhìn thấy cô gái có tài chữa bệnh kia nữa. Thấy vậy, ai ai cũng tin rằng cô gái đó là hiển linh của Mẫu Thượng Ngàn đến giúp quân sĩ cố gắng chiến đấu hết mình để bảo vệ bờ cõi của đất nước. Một thời gian sau khu rừng này được đặt tên là rừng Cấm.
Đền Cấm Lào Cai được xây dựng vào năm nào, mang kiến trúc gì?
Đền Cấm được xây dựng cách đây gần 200 năm. Ban Vào, đền Cấm nằm ở vị trí trung tâm cánh rừng xưa, trước đây là một ngôi miếu nhỏ do quan binh và dân làng cùng tạo tác. Sau này, được chính thức khởi công xây dựng thành ngôi đền từ thế kỷ XVI. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được một số sắc phong, cây mít cổ thụ. Năm 2001, đền Cấm Lào Cai được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Đền Cấm Lào Cai được xây dựng theo kiến trúc cổ hình chữ Đinh, mái đền xây thành 2 tầng uốn cong hình con thuyền. Đền có 3 dãy nhà chính gồm Đại Diện, nhà Tả Vu và nhà Hữu Vũ. Ngoài 2 dãy nhà Tả Vu, Hữu Vu còn có lầu cô bé bản đền, cậu bé bản đền (cô Cấm, cậu Cấm - người cai quản khu rừng và đền).
Trong khuôn viên đền Cấm Lào Cai có những cây cổ thụ đứng sừng sững có niên đại lên đến hơn trăm năm tuổi. Kề bên khuôn viên là hồ nước xanh phẳng lặng, êm đềm. Tất cả những điều này góp phần tạo nên vẻ đẹp, không gian linh thiêng của ngôi đền.

Bước vào trong đền là gian thờ những nhân vật tâm linh như: Ngũ vị Tôn Ông Triều Trần, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Mười, bà Chúa Thác Mười, bà Chúa Sơn Trang, bà Chúa Cấm, Chầu Lục, Chầu Bát Ngàn, Chầu bé Bắc Lệ, các vị Thánh mẫu, Phật Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay.
Vào năm 2005, đền được tu bổ. Nhưng đến năm 2024, đền xuống cấp khá nghiêm trọng, phần khấu kiện bằng gỗ đã bị mục, mái nhà hư hỏng phải phủ bạt che để tránh dột nước. Nền gạch, bậc thang cũng bị nứt, bong tróc sau nhiều năm. Hiện Lào Cai đang có động thái tích cực để cải tạo, tu bổ đền Cấm.
Lễ hội đền Cấm Lào Cai diễn ra vào tháng mấy, có gì đặc sắc?
Đền Cấm Lào Cai lấy ngày giỗ của 4 quan binh nhà Trần đã anh dũng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để làm ngày lễ hội chính của đền. Đó là ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch hằng năm.
Vào ngày chính lễ, đông đảo du khách thập phương đổ về tham quan, dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân có công với đất nước. Đồng thời cũng mong muốn các ngài hộ trì cho bản thân và gia đình luôn mạnh khỏe, an lành, công việc suôn sẻ.

Truyền thống của lễ hội này đó là người dân sẽ góp gạo góp thịt để làm lễ "xá tội vong nhân" cho 5 vị binh sĩ. Còn phần hội sẽ được tổ chức với các trò chơi mang đậm tính truyền thống nhưng rất thu hút đông đảo người chơi như ném còn, đánh én...
Khi đi lễ ở đền Cấm Lào Cai cần phải sắm một mâm lễ bằng tất cả cái tâm của mình để thể hiện sự thành kính. Thông thường, lễ là hoa quả, trầu cau, hương nhanh. Cũng có thể bày trí thêm oản tài lộc. Lễ chỉ cần thành tâm chứ không nặng về vật chất.
Tham quan đền Cấm Lào Cai vào mùa nào đẹp nhất và cách di chuyển ra sao?
Du khách thập phương có thể đến chiêm bái và hành hương tại đền Cấm Lào Cai vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nếu du khách đến vào dịp chính hội của đền thì sẽ đông đúc hơn và có nhiều hoạt động văn hóa tâm linh ý nghĩa hơn.
Để di chuyển đến đền Cấm, du khách cần đến được thành phố Lào Cai. Nếu chọn đểm bắt đầu là thủ đô Hà Nội thì du khách sẽ di chuyển như sau:
- Đi ô tô khách: Du khách đặt xe và lên xe ở bến Mỹ Đình với nhiều nhà xe khác nhau. Du khách di chuyển lên thành phố Lào Cai bằng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khi xuống bến xe khách thành phố Lào Cai, du khách bắt xe ôm hoặc taxi để di chuyển đến đền Cấm, khoảng cách không quá xa.

- Xe ô tô cá nhân: Du khách đi từ trung tâm Hà Nội lên cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp sau đó di chuyển theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sau đó đến trung tâm thành phố Lào Cai - Cầu Phố Mới - đường Nguyễn Huệ - rẽ phải vào Cao Thắng - rẽ trái đến Nguyễn Tri Phương - Triệu Quang Phục - Hoàng Diệu là đến đền Cấm.
Văn chầu Cô bé Cấm Sơn ở đền Cấm Lào Cai
Thỉnh mời Cô Bé Cấm Sơn
Lai lâm chứng giảm tâm hương lòng thành
Cảnh địa linh sơn lâm Bắc trấn
Tối linh từ đền Cấm Lào Cai
Sánh tày tiên cảnh Bồng Lai
Tả Long hữu Hổ tụ lai minh đường
Nơi hảo khí âm dương hòa hiệp
Thế địa đồ trùng điệp non xanh
Một tòa đền Cấm anh linh
Sơn Lâm quý địa hách danh Cô Bé Ngàn
Kim đệ tử văn đàn tấu luyện
Thỉnh mời Cô ứng hiện giáng lâm
Khói bay tỏa ngát hương trầm
Các đằng gặp hội long vân phỉ nguyền
Kiềng xuyến bạc quạt tiên hài sảo
Vòng khăn sừng màu áo chàm xanh
Khuyên tai hoa bạc long lanh
Vòng vàng xà tích đai xanh dịu dàng
Điệu tính tẩu vang vang dậy núi
Pí noọng cùng trảy hội non xuân
Sa Pa, Bát Xát cũng gần
Văn Bàn có rượu Nậm Cần thơm cay
Rượu San Lùng men say Bát Xát
Chóe rượu ngô ngào ngạt Bắc Hà
Cơm lam măng sặt hay là
Rầy xôi ngũ sắc lại trà tuyết san
Giận hài sảo băng ngàn vượt suối
Rau sắng cùng rau rớn song mây
Hoa ban lá đắng trên tay
Thong dong nhẹ gót đường mây trở về
Về đền Cấm đan trì tâu dộng
Tấu đan đài Sơn động Mẫu Vương
Châu cung đệ nhất ngọc đường
Thệ nguyền cứu độ muôn phương dân lành
Khách hữu tình đương cơ bệnh khổ
Lòng chỉ thành Mẫu độ Cô thương
Kể khi binh biển bất thường
Đoàn quân gặp buổi tang thương cơ hàn
Bỗng có người áo chàm khăn thắm
Nước suối thần thảo dược độ nguy
Uống xong bệnh khỏi tức thì
Thoắt đà chẳng thấy tiên phi nơi nào
Giấc chiêm bao trăm người như một
Ứng mộng thần đều được bảo cho
Ấy nhờ phép lực Tiên Cô
Phải mau tạ lễ thỉnh Cô Bé Ngàn
Sắm hài sảo tiền vàng võng thẳm
Tâm chí thành kêu khẩn đều linh
Dù ai một dạ chi thành
Lập đàn loan giá phụng hành hầu cô
Dương đuốc tuệ soi cho trần thế
Vượt sông mê thoát bể khổ sầu
Thành tâm kính nguyện khẩu đầu
Xin cô giáng phúc muôn thâu thọ trường.
Xem thêm: Chiêm bái đền ông Hoàng Bảy nghe truyền thuyết về "Thần Vệ quốc" họ Nguyễn
Tin liên quan
Bảo Sái Cổ Tự là ngôi chùa linh thiêng hội tụ linh khí trời đất nằm giữa vùng quê thanh bình của tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là nơi tu hành của vị đệ tử thân cận nhất của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.
Phủ Tây Hồ là điểm đến tâm linh linh thiêng giữa lòng Thủ đô, thu hút rất nhiều người đến dâng lễ, cầu bình an, may mắn, công danh tài lộc và thanh tịnh cho tâm hồn.