Về bảo tàng Hùng Vương tìm hiểu những hiện vật, tài liệu quý về thời đại Hùng Vương
Những hiện vật, khảo cổ, tư liệu được trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương là vật chứng quý giá về nếp sinh hoạt của người dân ở thời đại Hùng Vương và nhà nước Văn Lang.
Mục lục
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép sử nước ta từ thời Kinh Dương Vương làm vua đầu tiên. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân rồi sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai là tổ của Bách Việt.
Một ngày nọ, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ". Bèn từ biệt, chia 50 người con theo mẹ lên miền ngược, 50 người con theo cha về miền xuôi. Người con trưởng được nối ngôi vua cha, được gọi là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi vua lập nên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Hiện nay, vùng đất Phú Thọ được gọi là đất tổ, nơi tọa lạc rất nhiều di tích, hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Bảo tàng Hùng Vương là nơi lưu rất nhiều hiện vật, kỷ vật, tư liệu về nếp sinh hoạt của nhân dân thời đại Hùng Vương và nhà nước Văn Lang một thời.
Bảo tàng Hùng Vương ở đâu Phú Thọ?
Bảo tàng Hùng Vương có tọa lạc trên một quả đồi thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bảo tàng được ví như "cuốn sử bằng hiện vật" thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá những giá trị độc đáo, riêng có về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tổ cội nguồn.
Bảo tàng Hùng Vương nằm ở vị trí khá đắc địa nên du khách có thể dễ dàng tìm đến. Nếu bạn chọn điểm xuất phát từ Hà Nội và đi bằng xe máy, ô tô thì có thể lựa chọn 2 cung đường sau:
- Cung đường 1: Bạn di chuyển theo hướng sân bay Nội Bài qua cầu Thăng Long. Đến đường Quốc lộ 2 thì đi tiếp đến cầu Việt Trì. Từ đây, bạn đi vào trung tâm thành phố Việt Trì và đi theo chỉ dẫn bản đồ là đến bảo tàng.

- Cung đường 2: Bạn đi theo quốc lộ 32 đến Ba Vì, sau đó đi lên cầu Trung Hà và tiếp tục đi qua cầu Phong Châu để tiến vào đường đi thành phố Việt Trì. Khi vào thành phố bạn đi theo biển chỉ dẫn hoặc hỏi người người dân để đến bảo tàng.
Nếu bạn di chuyển bằng đường tàu hỏa từ Hà Nội thì có thể bắt chuyến tàu Hà Nội - Việt Trì. Từ ga Hà Nội có 2 chuyến tàu có trạm dừng ở ga Việt Trì là YB3 và tàu SP3.
- Tàu YB3 xuất phát từ Hà Nội lúc 6h10 đến Việt Trì lúc 8h20.
- Tàu SP3 xuất phát từ Hà Nội lúc 22h và có mặt ở Việt Trì lúc 23h50.
Sau khi xuống ga Việt Trì thì bạn đi bộ ra đường Hùng Vương và bắt xe ôm hoặc taxi để đến bảo tàng Hùng Vương.
Nếu di chuyển bằng xe khách, du khách có thể bắt xe ở bến xe Mỹ Đình, chọn tuyến Hà Nội - Việt Trì. Sau đó, nhà xe sẽ đưa bạn đến thành phố Việt Trì, thời gian di chuyển chỉ khoảng 2 tiếng. Đến nơi, bạn bắt xe ôm hoặc taxi đến bảo tàng.
Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng thế nào và trưng bày bao nhiêu hiện vật?
Theo tìm hiểu, bảo tàng Hùng Vương được thiết kế dựa trên thế giới quan của dân tộc Việt cổ với quan niệm trời tròn - đất vuông. Bảo tàng có 2 tầng với diện tích lên đến 1.000m2. Đứng từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, bảo tàng trông giống như một chiếc hộp vuông khổng lồ mà đa phần mọi người đều liên tưởng đến hình ảnh bánh chưng bánh dầy.
Bảo tàng Hùng Vương có gần 700 hiện vật gốc với tổng số 4.000 hiện vật được sưu tập, trưng bày ở 5 phòng chuyên đề chính khắc họa và làm nổi bật những chủ đề như: con người; đất nước thời nguyên thủy; thời dựng nước; sự nghiệp của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng; hay khu di tích đền Hùng cũng như việc thờ cúng vua Hùng ở trên thềm đất cổ Phong Châu; tình cảm của nhân dân và sự quan tâm của những chế độ xã hội thời Hùng Vương.

Bảo tàng Hùng Vương đã đón hàng nghìn du khách đến tham quan. Nhất là vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch), mỗi ngày có tới hàng vạn lượt khách đến tham quan Khu di tích lịch sử đền Hùng và ghé thăm bảo tàng Hùng Vương.
Theo một hướng dẫn viên làm việc tại bảo tàng Hùng Vương, khu di tích lịch sử đền Hùng là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam, là nơi mà tất cả người Việt chúng ta đều mong muốn đến và trở về. Trong hành trình về nguồn đó có một điểm rất đặc biệt khi về với đền Hùng đó là bảo tàng Hùng Vương. Bảo tàng là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật quý, để thấy rằng, thời đại Hùng Vương, bên cạnh những giá trị mà chúng ta cảm nhận được, đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thì còn rất nhiều hiện vật quý được tìm thấy ở đây để chứng minh rằng thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử.
Mỗi hiện vật, khảo cổ thời Hùng Vương trưng bày tại bảo tàng đều là vật chứng thiêng liêng kết nối những huyền thoại vùng đất Tổ.
Khám phá 4 giai đoạn văn hóa tiêu biểu được trưng bày trong bảo tàng Hùng Vương
Bên trong bảo tàng Hùng Vương được phân khu rất rõ ràng nhằm giúp du khách có thể dễ dàng tham quan, tìm hiểu. Những hiện vật được trưng bày theo 4 giai đoạn văn hóa tiêu biểu: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong đó, những hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu tại bảo tàng được sưu tập vô cùng phong phú. Tất cả những hiện vật đó đã kết nối chúng ta trở về thời đại Hùng Vương và hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân thời đó.
Giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên
Văn hóa Phùng nguyên được phát hiện từ năm 1959. Đây là giai đoạn quan trọng ở khảo cổ Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là sự mở đầu cho thời đại đồng thau ở Việt Nam; là nhân tố quan trọng hình thành nên nền văn hóa Đông Sơn - văn hóa khởi đầu nhà nước Việt Nam.

Bảo tàng Hùng Vương phối hợp với cơ quan chức năng khai quật và đưa về đây lưu giữ, trưng bày các hiện vật của văn hóa Phùng Nguyên. Hiện vật chủ yếu được làm từ chất liệu: xương, sừng, gốm, đá... với nhiều hình ảnh khác nhau và cho thấy trình độ phát triển rất cao về thẩm mỹ, ý thức, nhận thức của cư dân Phùng Nguyên. Nhờ đó mà những hiện vật tại bảo tàng đã tái hiện lại bức tranh sinh động về thời kỳ lịch sử thời Hùng Vương.
Giai đoạn văn hóa Đồng Đậu
Cư dân thời kỳ văn hóa Đồng Đậu là cư dân nông nghiệp. Họ định cư và làm ruộng ở ven chân đồi gò. Họ chăn gia súc và khai thác sản vật tự nhiên để đảm bảo cuộc sống lâu dài. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Đồng Đậu là sử dụng công cụ xương, sừng để chế tác thành các dụng cụ như mũi tên, mũi lao có ngạch.

Cuộc sống vật chất và tinh thần của người Đồng Đậu rất phong phú, có sự giao lưu trao đổi giữa các vùng khác nhau ở nước ta. Mối quan hệ nhiều chiều qua lại giữa các vùng là một quá trình tất yếu của quy luật phát triển nhân loại.
Giai đoạn văn hóa Gò Mun
Đây là văn hóa tiếp nối giữa văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn. Nền văn hóa Gò Mun được phản ánh chân thực qua những hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Những hiện vật văn hóa Gò Mun chủ yếu được làm từ các chất liệu: đồ gốm, đồ đá, đồ đồng. Không những phong phú về chất liệu mà còn đa dạng về loại hình công cụ, đồ dùng, sinh hoạt cũng như nghệ thuật trang trí. Đặc trưng nhất là công cụ sinh hoạt của 3 chất liệu đồ đồng, đồ đá và đồ gốm.
Giai đoạn văn hóa Đông Sơn
Đây là giai đoạn tái hiện rất sinh động khi tại bảo tàng được trưng bày những hiện vật từ những di khảo cổ học như: làng cả, gò De... nền văn hóa này có nhiều loại hình di chỉ cư trú, di chỉ xưởng, di chỉ mộ táng... trong đó, đồ đồng là di vật đặc trưng nhất.

Những chiếc trống đồng - di vật lịch sử vô cùng đặc sắc và độc đáo. Chúng ta còn thấy được nhiều sinh hoạt văn hóa, kinh tế thời kỳ này như: giao thông vận tải thời Hùng Vương là đường thủy. Thế nên, thuyền Đông Sơn trên trống đồng chính là hình ảnh thân thuộc của người Việt cùng với dòng sông, bến nước, cây đa.
Việc hình thành bảo tàng Hùng Vương ngay bên cạnh khu di tích đền Hùng đã đáp ứng được sự kỳ vọng của người Việt cả trong và ngoài nước mỗi khi về đất Tổ. Bảo tàng đã khắc họa được lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần giới thiệu về khu di tích đền Hùng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cùng với những tình cảm của nhân dân Việt Nam với các vua Hùng... Ngoài ra, bảo tàng còn giúp du khách quốc tế hiểu hơn về nguồn cội của người Việt, văn hóa truyền thống Việt Nam, đạo lý của con người Việt Nam để thêm yêu quý và ngưỡng mộ.
Tin liên quan
Lễ hội đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) là ngày lễ thiêng liêng của người Việt, là nơi kết tinh những giá trị quan trọng của dân tộc. Để có mùa lễ hội đền Hùng 2025 ý nghĩa, du khách đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Cây vạn tuế 800 tuổi ở trước cửa Đền Hạ (thuộc khu di tích Đền Hùng) là "cây nhân chứng" của cuộc nói chuyện giữa Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên phong...
Đình Hùng Lô nằm nghiêng mình bên dòng sông Lô thơ mộng là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá về lịch sử, kỹ, mỹ thuật... có niên đại đến 300 năm tuổi.