Ghé thăm ngôi làng gần một thập kỷ “dệt” hồn cho cờ Tổ quốc
Khi cả nước hân hoan hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam cũng là lúc những người thợ may cờ Tổ quốc tại làng nghề Từ Vân (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) bước vào cao điểm sản xuất.
Theo lời kể của người dân trong làng, tháng 8/1945, để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, Ủy ban Kháng chiến đã mời các nghệ nhân của làng Từ Vân thêu vào Hợp tác xã Cờ đỏ trên phố Hàng Bông để làm cờ Tổ quốc. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là cột mốc đặc biệt để nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân ra đời.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày Quốc khánh 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong dòng người náo nức với rừng cờ phấp phới ấy đã có hàng vạn lá cờ được thêu dệt nên từ bàn tay tài hoa của những người thợ làng Từ Vân.

Trải qua gần 80 năm, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được các thế hệ người làng Từ Vân giữ gìn và phát triển. Trong thâm tâm người làng Từ Vân, có lẽ nghề may cờ Tổ quốc đã gắn bó máu thịt và họ tự hào khi những lá cờ ấy được xuất hiện ở những nơi trang trọng nhất và trong các sự kiện lịch sử của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Phục - một trong những hộ kinh doanh lâu năm tại làng Từ Vân chia sẻ: "Cờ in máu mang hồn nước” nên mỗi khi bắt tay vào làm cờ Tổ quốc, từ việc cắt vải theo nhiều kích thước khác nhau đến in hình ngôi sao, thêu và may hoàn thiện... mỗi công đoạn đều được chúng tôi thực hiện tỉ mỉ, chứa đựng tâm huyết của người dân làng nghề Từ Vân. Mỗi đường kim mũi chỉ chúng tôi đặt xuống đều chứa đựng niềm tự hào và trách nhiệm, góp phần tạo nên lá cờ Tổ quốc tung bay".

Tại làng Từ Vân, có rất nhiều gia đình đã truyền nghề may cờ Tổ quốc qua 4 thế hệ. Công việc này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn là niềm tự hào, gắn kết họ với truyền thống làng nghề thiêng liêng.
Nếu như trước đây, việc may cờ Tổ quốc chủ yếu làm thủ công bằng tay nên tốn nhiều thời gian, cần nhiều nhân công thì hiện tại, các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh mà chi tiết lại sắc nét hơn, đẹp hơn.

Bà Nguyễn Thị Thuấn, người chuyên theo cờ tại làng Từ Vân cho biết: “Để hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Mặc dù công việc này không đòi hỏi có kỹ thuật cao nhưng mỗi công đoạn, người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi chỉ cần một cần một thao tác sai, lá cờ Tổ quốc đó sẽ không được sử dụng".
“Thêu lá cờ bằng tay là cả một quá trình đấy! Để thêu hoàn chỉnh một lá cờ phải mất từ 2 - 3 ngày. Với những người mới bước vào nghề, thời gian hoàn thành có thể lên đến cả tuần lễ”, bà Huấn nói thêm.


Chính vì lẽ đó mà cờ thêu có chất lượng vượt trội và giá thành cũng đắt hơn nhiều so với cờ may. Giá bán của cờ thêu tại xưởng sản xuất hiện tại khoảng 600.000 - 1.000.000 đồng tùy vào kích cỡ của cờ. Khi ra thị trường, giá có thể đội lên gấp 2 hoặc 3 lần.
Trong những ngày này, hòa vào không khí rộn ràng của Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hàng vạn lá cờ được treo trên khắp mọi miền Tổ quốc, đâu đâu cũng ngập tràn trong sắc đỏ. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy xuất phát chính từ tình yêu và niềm tự hào dân tộc của những người thợ ngày đêm miệt mài gửi gắm vào lá cờ.
Xem thêm: Cụ ông U80 tự lái xe máy từ Nghệ An vào TP HCM vui hội non sông thống nhất
Tin liên quan
Làng Thèn Pả là một ngôi làng nhỏ xinh nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, Hà Giang vẫn giữ được nguyên vẹn nhiều nét truyền thống của người Mông như nếp sinh hoạt, nhà tường trình với mái ngói âm dương.
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả, lễ hội chùa Láng là "hội vui nhất vùng" (vùng Tây Thăng Long), được tổ chức vào dịp mùng 7 tháng 3, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân từ 9 làng lân cận...
Bánh xèo cá kình ở làng Chuồn là một trong những loại bánh xèo có cách chế biến độc lạ nhất, khiến ai nghe qua cũng muốn thử một lần. Và đặc biệt hơn cả, đặc sản này của xứ Huế mỗi năm chỉ bán đúng một mùa, phải có “căn” lắm mới được thưởng thức!