Linh thiêng chùa Láng - nơi tổ chức lễ hội làng đặc sắc nhất Hà Nội
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả, lễ hội chùa Láng là "hội vui nhất vùng" (vùng Tây Thăng Long), được tổ chức vào dịp mùng 7 tháng 3, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân từ 9 làng lân cận...
Mục lục
Chùa Láng ở đâu?
Cùng với chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột... thì chùa Láng là một trong những địa điểm tâm linh mà du khách nhất định phải ghé chiêm bái ít nhất một lần khi đến thăm Thủ đô Hà Nội. Bởi chùa Láng là ngôi tự chứa đựng câu chuyện lịch sử thú vị, kiến trúc đáng ngưỡng mộ và là nơi gìn giữ lễ hội đặc sắc nhất ở khu vực phía Tây Thủ đô.
Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự, là ngôi cổ tự ở làng Láng (Yên Lãng) bên phía đông sông Tô Lịch. Trên tấm bia tạo lệ còn lưu ở đây có ghi niên hiệu Thịnh Đức 4 (1656), văn bia do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc viết được giải nghĩa như sau: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu, nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền".

Theo địa giới hành chính xưa kia, chùa tọa lạc ở xã Yên Lãng (tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận), sau này là làng Láng. Hiện nay, chùa nằm trên phố Chùa Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Láng nằm ở vị trí khá dễ tìm, thuận lợi di chuyển. Từ chùa Láng, du khách thập phương và Phật tử có thể di chuyển đến nhiều địa chỉ tâm linh khác ở Hà Nội như: Chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Thầy...
Chùa Láng và lịch sử nghìn năm
Theo sử sách ghi chép, chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175). Chùa Láng được xây dựng trên nền nhà cũ của cha mẹ Thiền sư Đạo Hạnh.
Không chỉ thờ Phật, cổ tự này còn là nơi thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Bởi các nhân vật này gắn liền với truyền thuyết thiền sư đầu thai làm con Sùng Hiền hầu - em trai Lý Nhân Tông.

Do vua Lý Nhân Tông không có con nên con trai của Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức là vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1128 - 1138). Vì thế, con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây chùa Chiêu Thiền để thờ tự vua cha và tiền nhân của người là thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Vào thời nhà Lý, Phật giáo phát triển cực thịnh, thiền sư Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng được triều đình và nhân dân vô cùng nể trọng. Thiền sư còn được coi là Đệ tam Thánh tổ Lý triều Quốc sư.
Chùa Láng và lối kiến trúc gần 1000 năm tuổi
Chùa Láng là địa chỉ tâm linh linh thiêng, có ý nghĩa lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng với nhân dân Thủ đô. Đây là công trình có tới hơn 100 gian lớn, nhỏ, mang nhiều giá trị kiến trúc nổi bật. Đồng thời là nơi lưu giữ nhiều di vật văn hóa, nghệ thuật đồ số, đa dạng về chất liệu và chủng loại.

Do những biến động lịch sử, chùa Láng đã được trùng tu nhiều lần, đại trùng tu vào năm Thịnh Đức 4 (Bính Thân 1656). Mặc dù trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng chùa Láng vẫn giữ được kiến trúc của thuở sơ khai ban đầu: uy nghi, hài hòa với không gian xung quanh. Đến năm 1962, ngôi cổ tự này được được công nhận là Di sản lịch sử - văn hóa quốc gia.
Chùa Láng nằm trong khuôn viên rộng 18.000m2 với những nét kiến trúc độc đáo sau:
Kiến trúc "nội công ngoại quốc"
Theo ghi chép ở tấm bia từ thời Thịnh Đức, chùa Láng trước đây có tổng cộng 100 gian, xây theo kiểu "nội công ngoại quốc". Đây là kiểu kiến trúc phổ biến ở nước Nam ta thời xưa.
Hai bên hành lang dài nối liền nhà tiền đường và nhà hậu đường tạo thành một khung hình chữ nhật khép kín. Ở giữa có thể là nhà thiêu hương hoặc nhà thượng điện.

Quần thể kiến trúc chùa được xây trên một trục chính đạo, Đầu tiên là ba lớp cổng tam quan, ở trung tâm là Nhà Bát Giác, tiếp đến là các tòa Tiền Đường, Trung Đường, Thượng Điện. Phía sau Thượng Điện là Nhà Tổ.
Ba lớp cổng tam quan của chùa Láng
Ở chùa Láng có 3 lớp cổng tam quan được thiết kế mang nhiều nét tương đồng với cổng trong cung vua. Cổng có 4 cột vuông khảm sứ khắc câu đối và ba mái vòm cong gắn vào sườn cột. Mái giữa cao hơn hai mái bên, có treo bức hoành phi lớn với tựa "Thiền Thiên Khải Thánh".

Bước qua cổng tam quan thứ nhất, du khách sẽ đến một khoảng sân lát gạch Bát Tràng. Ở giữa có chiếc sập đá để đặt kiệu thánh trong những ngày diễn ra lễ hội. Cuối sân là cổng thứ hai, dẫn vào con đường lát gạch có hai hàng muỗm cổ thụ gần nghìn tuổi. Cuối cùng là cổng thứ ba, nơi có Nhà Bát Giác.
Nhà Bát Giác - biểu tượng của chùa Láng
Nhà Bát Giác được coi là biểu tượng của chùa Láng. Đây là nơi đặt tượng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nhà Bát Giác (hay nhà Bảo Cái) được xây ở giữa sân chùa. Mái nhà có kiến trúc mái chồng 2 tầng, tổng 16 mái, lợp bằng ngói vảy, Trên mái đắp 8 tượng rồng tượng trưng cho 8 đời vua Lý.

Khi phật tử men theo con đường gạch đỏ thẫm sẽ thấy hai bên là những hàng cây muỗm cổ thụ. Nơi đây có không gian yên bình giúp du khách và phật tử xua tan đi những mệt mỏi, bộn bề ngoài kia.
Một số công trình kiến trúc bề thế khác trong chùa Láng
Sau nhà Bát Giác là các công trình kiến trúc bề thế như: Tiền Đường, Thượng Điện, nhà thiêu hương, Nhà Tổ...
- Thập Điện Diêm Vương: Ở hai đầu tòa tiền đường là Thập Điện Diêm Vương uy nghi. Nơi đây mô phỏng lại các hình phạt ở các tầng địa ngục với rất nhiều tội danh khác nhau. Việc này như nhắc nhở con người cần phải sống hướng thiện.

- Hệ thống hiện vật trong chùa Láng: Ở ngôi cổ tự này sở hữu 198 bức tượng đá quý. Nổi bật nhất là tượng vua Lý Thần Tông ngự trên ngai vàng, tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được làm từ mây và phủ sơn bên ngoài, Tam Thế Phật, Quan Âm Chuẩn Đề, Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương... Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ 31 câu đối, 39 bức hoành phi, 15 bia đá...
Nhà Chuông, Nhà Khánh: Đây là nơi treo chuông và khánh cổ, được thiết kế theo kiểu 2 tầng, 8 mái đao cong.
- Nhà Tổ: Nơi đây được xây theo hình chữ "Nhị" với hai nếp nhà song song, mỗi nếp có 7 gian. Nếp nhà bên ngoài là nơi thờ Tổ, nhà bên trong là nơi thờ Mẫu.
Cổ thụ và hóa trắng ở chùa Láng
Khi đi qua lớp cổng thứ hai của chùa Láng, dọc đường thần đạo, du khách và phật tử sẽ được chiêm ngưỡng hai hàng muỗm cổ thụ, mỗi gốc cỡ vài vòng tay người ôm. Thấp thoáng ẩn hiện phía sau là màu trắng tinh khôi của hoa cau cùng những cây đại cằn cỗi, rụng hoa trắng gốc. Đến độ hoa nở, hương bưởi, hương cau hòa quyện, tỏa hương thơm dịu...
Lễ hội chùa Láng - lễ hội lớn nhất phía Tây Thủ đô
Lễ hội chùa Láng diễn ra vào ngày nào?
Chùa Láng không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi lưu giữ những huyền tích ly kỳ về thiền sư Từ Đạo Hạnh - một nhân vật huyền thoại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Người ta tin rằng thiền sư chính là hóa thân của vua Lý Thần Tông - điều này càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp linh thiêng của ngô cổ tự nghìn năm.
Tương truyền, thiền sư Từ Đạo Hạnh là một bậc giác ngộ với tài năng và đức độ phi thường. Ngày không chỉ là một nhà sư mà còn là một nhà tư tưởng lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của người dân. Trước khi viên tịch, ngày đã để lại lời tiên tri về việc tái sinh trong hoàng cung, một lời tiên tri kỳ bí đã trở thành đề tài bàn tán của nhiều người.
Vào đúng ngày thiền sư viên tịch, vợ của Sùng Hiền hầu cũng sinh hạ một hoàng tử. Vua Lý Nhân Tông đã đem hoàng tử về nuôi và lập làm Thái tử. Sự trùng hợp kỳ lạ càng củng cố thêm niềm tin của người dân về lời tiên tri của thiền sư, khiến cho câu chuyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông trở nên huyền bí và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Để tưởng nhớ công đức to lớn của vua Lý Thần Tông và thiền sư Từ Đạo Hạnh, con trai của Ngài là vua Lý Anh Tông đã cho xây dựng ngôi chùa này. Từ đó, cứ vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân trong vùng lại nô nức về chùa Láng để dâng hương, cầu phúc, tổ chức lễ hội thể hiện lòng thành kính đối với bậc tiền nhân.
Nói về sức hấp dẫn của lễ hội chùa Láng, Đại Việt sử ký toàn thư đã miêu tả lễ hội này là "hội vui nhất vùng". Dân gian cũng lưu truyền câu ca dao: "Nhớ ngày mùng bẩy tháng ba/ Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy" để thể hiện sự háo hức và mong chờ của người dân mỗi khi mùa lễ hội đến.
Được biết, lễ hội chùa Láng xưa là một sự kiện văn hóa của vùng Tây Thăng Long, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân từ 9 làng lân cận. Với quy mô hoành tráng và không khí tưng bừng, lễ hội diễn ra trong suốt 10 ngày, với nhiều nghi thức truyền thống độc đáo như rước kiệu, tế lễ, và các trò chơi dân gian. Cứ khoảng 10 - 15 năm một lần, lễ hội lại được tổ chức với quy mô lớn, gọi là đại hội "phong đăng, hỏa cốc". Nhân dân tin rằng, lễ hội mang đến nhiều điều may mắn, thịnh vượng. Vào năm 2019, lễ hội chùa Láng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chùa Láng có gì đặc biệt?
Vì nhiều năm mới được tổ chức một lần nên lễ hội chùa Láng thường có quy mô rất lớn. Các hoạt động theo ngày của lễ hội này như:
Ngày 5 tháng 3 Âm lịch
Đây là ngày đầu tiên diễn ra hội, người dân địa phương sẽ tổ chức rước kiệu Thánh và bát hương đi đến chùa Nền. Đến buổi chiều sẽ rước kiệu hoàn cung.
Ngày 6 tháng 3 âm lịch
- Buổi sáng: Các cụ cao niên, lão làng sẽ rước bát hương từ chùa Láng xuống cáo yết tại chùa Tam Huyền - đây là nơi thờ Đức Thánh phụ Từ Vinh - theo kiệu Long. Sau đó, họ quay về chùa Láng và đưa bát hương nhập cung. Cũng trong buổi sáng ngày mùng 6, các thanh niên trai tráng sẽ tiến hành hoành kiệu (hay còn gọi là lắp kiệu).

- Buổi chiều: người dân thuộc các làng Láng Hạ, Láng Thượng, Láng Trung sẽ tiến hành chuẩn bị những lễ vật công phu, đặt vào trong kiệu, sau đó các thanh niên sức vóc sẽ rước lên chùa. Một trong những nghi thức quan trọng của ngày mùng 6 đó là Giải y phục được thực hiện lúc 12h.
Ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch
- Buổi sáng: Ban tổ chức sẽ tổ chức rước kiệu từ chùa ra đường. Đoàn rước bao gồm các loại cờ, chiêng, trống, lọng che, họa kích, siêu đao, voi bành, chiêng.... Dọc theo đoạn đường mà đoàn đi qua, cứ vài chục mét lại có một hương án, đèn nhang với bô lão bái lễ đám rước đi qua, điều này tượng trưng cho thần dân bái vọng Thiên tử. Sau đó là hoạt động lễ tế được thực hiện bởi các cao niên trong làng.
- Buổi chiều: Nghi lễ dâng hương tế Thành được đội tế nữ chùa Láng thực hiện.
- Buổi tối: Nghi thức Dâng lục cúng được tổ chức tại chùa với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà bình yên, hạnh phúc.
Ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch
- Buổi sáng: Hoạt động lễ tế Thánh tiếp tục được thực hiện bởi đoàn tế lễ, dâng hương của nhiều khu vực lân cận.
- Buổi chiều: Các trò chơi dân gian được tổ chức đa dạng như chọi gà, thổi cơm, đập niêu, hội thư pháp, hội thơ, hát Quan họ, múa, Chầu văn, Cải lương...
- Buổi chiều tối: Lễ tế hạ hội được thực hiện bởi các cao niên trong làng, kết thúc lễ hội chùa Láng.
Có một thông tin khá quan trọng về lễ hội chùa Láng, sau hơn 70 năm, lễ hội chùa láng năm 2023 được tổ chức với nhiều nghi thức cổ truyền, khôi phục được những giá trị văn hóa độc đáo của một hội làng nổi tiếng ở vùng Kẻ Láng.

Những nghi thức mở đầu lễ hội như: dâng lễ chùa Tam Huyền, đình Ứng Thiên, lễ xuất cung rước kiệu Đức Thành... đều là những nghi lễ đặc trưng của nét đẹp truyền thống văn hóa Việt. Trong ngày khai hội, nghi thức rước kiệu thánh dọc sông Tô Lịch có ý nghĩa "con không đi trên đầu cha". Sau đó, kiệu dừng ở "hòn Ngọc" để Hàng đô và tiếp tục chuyển tiếp sang bờ bên kia sông, thăm "Thánh Mẫu" ở chùa Hoa Lăng.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, người dân và du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian... được tổ chức tại khu vực chùa Láng.
Một số kinh nghiệm khi tham quan, dâng lễ ở chùa Láng
Cũng như nhiều đền chùa miếu mạo khác, khi đến chùa Láng tham quan, dâng lễ du khách và phật tử cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đây là điểm tâm linh linh thiêng nên du khách cần ăn mặc kín đáo, đi nhẹ, nói khẽ, không đụng chạm làm hư hại các hiện vật trong chùa.
- Phật tử có thể dâng lễ mặn ở một số khu vực trong chùa. Tuy nhiên, nên hỏi trước để biết vị trí đặt lễ mặn cho chính xác.
- Ngoài tham quan chùa láng, du khách và phật tử có thể ghé thăm một số di tích khác ở quận Đống Đa như: chùa Phổ Giác, đình Kim Liên, gò Đống Đa, Văn Miếu Quốc Tử Giám...
- Phố Chùa Láng có nhiều trường đại học nên đây cũng là một trong những "thiên đường ẩm thực" mà du khách có thể thưởng thức sau khi chiêm bái dâng lễ ở trong chùa.
Xem thêm: 5 cổ tự linh thiêng cầu bình an ở Hà Nội nên đi vào dịp đầu năm mới Ất Tỵ 2025
Tin liên quan
Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.
Lễ hội chùa Hàm Long Bắc Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng, vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh và giải mã thắc mắc về nơi được mệnh danh là "đệ nhất nhốt trùng".
Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu Phật tử, du khách thập phương lại cùng nhau tham dự lễ hội chùa Hương, chiêm bái miền đất Phật để cầu may mắn, bình an.