Top 6 ngôi chùa thanh tịnh linh thiêng ở Việt Nam nên ghé thăm trong tuần lễ Phật đản 2025
Phật Đản là dịp lễ quan trọng bậc nhất của Phật giáo được tổ chức để tưởng nhớ ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra. Trong tuần lễ Phật Đản, nếu sắp xếp được thời gian, bạn nên ghé qua 6 ngôi chùa thanh tịnh linh thiêng dưới đây nhé.
Mục lục
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm nay diễn ra từ ngày mùng 9 đến 11/4 Âm lịch năm Ất Tỵ (tức từ 6 đến 8/5/2025 Dương lịch) ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Còn theo Thông bạch 41/TB-HĐTS năm 2025 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thời gian tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2025 là từ ngày mùng 1/4 đến 15/4 Âm lịch năm Ất Tỵ (tức từ 28/4 đến 12/5/2025 Dương lịch).
Tuần lễ Phật đản năm 2025 diễn ra từ ngày 8/4 đến 15/4 Âm lịch (tức ngày 5/5 đến 12/5/2025 Dương lịch).

Chính lễ Phật đản là ngày 15/4 Âm lịch (tức 12/5 Dương lịch). Đây là ngày quan trọng để tưởng niệm và kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong tuần lễ Phật Đản 2025, nếu sắp xếp được thời gian thì bạn có thể cùng người thân đến dâng hương, chiêm bái top 6 ngôi chùa linh thiêng thanh tịnh ở Việt Nam dưới đây:
Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa nằm ở phía Tây của di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, phía Bắc của di sản thế giới Tràng An.
Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa cổ và khu chùa mới xây dựng vào năm 2003 với tổng diện tích 539 ha. Trong đó, chùa Bái Đính cổ rộng 27ha, khu vực xây mới rộng 80ha.
Kiến trúc chùa Bái Đính mới đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Quần thể chùa có nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam.

Khu di tích chùa Bái Đính mở cửa từ 6h đến 21h tất cả các ngày trong tuần. Chùa không thu vé vào cửa nhưng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ du khách như:
- Vé xe điện: 60.000 đồng một người khứ hồi (từ cổng chùa đến trung tâm khoảng 3,5 km)
- Vé tham quan bảo tháp: 50.000 đồng một người
- Vé hướng dẫn viên: 300.000 đồng một tour
Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)
Chùa Yên Tử là ngôi cổ tự nổi tiếng linh thiêng ở Việt Nam. Chùa tọa lạc ở thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành sau khi truyền ngôi và thành lập ra phái Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (một dòng Phật giáo đặc trưng ở Việt Nam).

Không chỉ linh thiêng, chùa Yên Tử không còn gây ấn tượng bởi độ cao 1.068 cùng với kiến trúc vô cùng độc đáo. Chùa mang đậm nét kiến trúc Phật giáo, cổng tam quan hai tầng tám mái đứng uy nghi với mái chùa lợp ngói vảy uốn cong hình đầu đao hướng thẳng lên trời. Tất cả các cột ở chùa đều được làm bằng gỗ lim, dưới chân có phiến đá bao quanh.
Các gian chùa đều được thiết kế tinh tế, thoáng mát để phù hợp với thời tiết ở đây.Bên trong thì được trang trí sơn son thếp vàng lộng lẫy, các bức tượng Phật, bức khảm, án thờ, cửa cánh võng được chạm khắc nguy nga, sinh động.
Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc ở đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, Phường 8, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Chùa mở cửa cho du khách, Phật tử dâng hương, chiêm bái từ 7h đến 21h các ngày trong tuần.
Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1984. Chùa bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 bởi ông bà Bùi Công Đạt. Năm 1894, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Chính vì vậy, người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1907, Hòa thượng Trà Chánh Hậu cho sửa chữa phần chánh điện, pha trộn cả nét kiến trúc Á - Âu. Năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng cho trùng tu toàn diện để chùa có diện mạo như ngày hôm nay.
Về kiến trúc, chùa có điểm nhấn ở cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sử, những nghệ nhân xưa đã đã khéo léo xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Các bức thủ quyển mềm mại ghi những câu Phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện: Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn…
Đặc biệt tại chùa có Bộ tượng 18 vị La Hán nằm ở hai bên tường chánh điện, được tạc từ gỗ mít, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Các vị La Hán đều cưỡi thú, trên tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường xác định những pho tượng đẹp nhất của chùa này là do thầy trò nghệ nhân Tài Công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… Tất cả thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể nói rằng vẻ đẹp của chùa tập trung ở nghệ thuật tạo hình và cũng chính là sự phản ánh lịch sử mỹ thuật của vùng đất Tiền Giang. Ngày nay, chùa đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ lỡ tại Tiền Giang.
Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)
Chùa Linh Ứng tọa lạc ở khu vực Bãi Bụt, đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Chùa mở cửa cho du khách đến tham quan, dâng hương từ 6h - 21h các ngày trong tuần.
Chùa Linh Ứng (hay chùa Linh Ứng Bãi Bụt) nằm tựa lưng vào đỉnh núi Sơn Trà, Đà Nẵng. Chùa được xây dựng từ năm 2004 và trở thành công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa - nghệ thuật của Đà Nẵng. Chùa nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 13km và là ngôi chùa lớn nhất Đà Nẵng cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Linh Ứng sở hữu bức tượng Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam với chiều cao 67m - tương đương tòa nhà cao 30 tầng, đường kính tòa sen là 35m. Tượng hướng ra biển, một tay cầm bình cam lộ, một tay bắt ấn tam muội. Bên trong tượng có 17 tầng, mỗi tầng chứa 21 bức tượng Phật với dáng vẻ và tư thế khác nhau, được gọi là "Phật trung hữu Phật". Tượng Phật Quan Thế Âm đứng trên đài sen khổ lồ, tạo nên không khí uy nghiêm, linh thiêng trong chùa.
Ngoài ra, khi đến chùa Linh Ứng, du khách cũng được tận hưởng không gian yên tĩnh, thanh tịnh cùng cảnh quan biển cả xen lẫn núi rừng vô cùng nên thơ.
Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt)
Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc ở đường Trúc Lâm Tử, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thiền viện mở cửa từ 5h - 21h tất cả các ngày trong tuần. Thiền viện mở cửa miễn phí cho du khách và Phật tử đến chiêm bái, dâng hương.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt tọa lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng với tầm nhìn tuyệt đẹp ra hồ Tuyền Lâm thanh bình. Đây là công trình Phật giáo lớn nhất cả nước, thuộc phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đặc biệt, Thiền viện Trúc Lâm cùng với Thiền viện Vạn Hạnh là hai biệt tượng tâm linh Phật giáo nổi tiếng nhất tại thành phố Đà Lạt.
Thiền viện cũng là một địa điểm du lịch có vị trí vô cùng đắc địa, lưng núi và hướng ra hồ Tuyền Lâm, chỉ cách trung tâm Đà Lạt 5km về phía đèo Prenn. Khu vực xung quanh được bao phủ bởi cánh rừng thông xanh ngát, tạo không gian trong lành và mát mẻ quanh năm.

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt nổi bật với kiến trúc truyền thống và sự hài hòa tuyệt vời giữa thiên nhiên xung quanh. Nằm trên đỉnh đồi cao, thiền viện tỏa sáng rực rỡ với các công trình bằng gỗ trắc, tạo nên không gian trang nhã và thanh tịnh. Từng chi tiết kiến trúc nhỏ đều mang ý nghĩa đặc biệt, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa tâm linh Phật giáo và kiến trúc tuyệt đẹp.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt được xem là một ngôi chùa thơ mộng nhất tại thành phố Đà Lạt. Bên cạnh ngọn đồi cao, thiền viện được bao quanh bởi rừng thông bạt ngàn, tạo nên không gian bình yên và lãng mạn. Với hồ Tuyền Lâm xanh mát đối diện, không khí mát lạnh và yên tĩnh nên là điểm đến lý tưởng làm cho mọi du khách phải nao lòng.
Chùa Giác Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh)
Chùa Giác Lâm tọa lạc ở số 565 Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Chùa mở cửa từ 7h - 21h các ngày trong tuần.
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ kính với tuổi đời 300 năm, được coi là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế Tông tại miền Nam. Năm 1988, chùa được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Chùa có lối kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc hình chữ Tam của các ngôi chùa Nam Bộ. Ba dãy nhà ngang được nối liền với nhau, bố cục trên mặt hình chữ nhật gồm: chính điện, giảng đường và nhà trai.

Đến đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng Bảo Tháp Xá Lợi, khu tháp mộ cổ cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác. Đặc biệt, vào các ngày lễ đặc biệt như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan,… chùa đón rất đông tăng ni Phật tử, du khách thập phương tới hành hương. Đến thăm chùa vào dịp này, du khách sẽ được lễ Phật, cầu bình an và chiêm ngưỡng nét cổ kính tại chùa.
Ngoài ra, chùa còn có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng đặc biệt. Người dân thường xem ngày cưới chùa Giác Lâm, lễ phật, xin chữ ở chùa Giác Lâm cầu may,... Nếu thành tâm hướng đạo, Phật tử cũng có thể đăng ký các khóa tu chùa Giác Lâm để được nghe thuyết giảng về Phật pháp, tôi luyện đức tính kiên nhẫn.
Xem thêm: Rộn ràng không khí Đại lễ Phật đản Vesak tại Huế
Tin liên quan
Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.
Cây hoa gạo cổ thụ trước sân chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã nở rực rỡ, nhuộm đỏ cả một khoảng trời khiến cho không khí nơi đây vốn linh thiêng lại thêm phần mơ mộng.
Chùa Vô Vi đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng lại rất ít người biết đến. Ngôi cổ tự này được người dân ví như viên ngọc quý, nằm chênh vênh giữa trời đất.
Bài mới

Quảng Trị – nơi mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu và nước mắt của cha ông trong hai cuộc kháng chiến, là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu mến lịch sử và muốn hiểu sâu hơn về bản lĩnh dân tộc Việt Nam. Hành trình 2 ngày 1 đêm dưới đây sẽ dẫn bạn đi qua những dấu mốc quan trọng nhất của mảnh đất anh hùng này.