Chùa Vô Vi - cổ tự hơn 600 tuổi "treo" mình trên ngọn núi đá ở Hà Nội
Chùa Vô Vi đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng lại rất ít người biết đến. Ngôi cổ tự này được người dân ví như viên ngọc quý, nằm chênh vênh giữa trời đất.
Bài viết này thuộc series Du lịch Tâm Linh
Du lịch Tâm Linh
Chùa Vô Vi ở đâu Hà Nội?
Nằm cách chùa Trầm không xa là chùa Vô Vi - một ngôi chùa ở Hà Nội mà mới nghe qua tên thôi đã thấy sự tự tại, nhẹ nhàng, khiêm nhường. Ngôi cổ tự này được xây dựng từ năm 968, nằm ẩn khuất trong làn sương mù bao phủ trên ngọn núi Vô Vi thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Núi đá Vô Vi nằm tách biệt khỏi dãy Tử Trầm - còn được người dân địa phương gọi là núi Con Rồng. Chùa Vô Vi được người dân trong vùng ví như viên ngọc quý, nằm chênh vênh giữa trời đất.

Bà Lê Thị Tung (71 tuổi) - người trông coi chùa nhiều năm cho biết, trước đây, xung quanh chùa là dòng sông trong xanh, nhưng dần dần sông bị lấp, chỉ còn một số hồ (theo VnExpress).
Cho đến nay, ngôi chùa cổ kính này không chỉ là một điểm đến tâm linh mà còn là minh chứng sống động cho lịch sử và kiến trúc độc đáo của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Di chuyển đến chùa Vô Vi thế nào?
Chùa Vô Vi thuộc địa phận thành phố Hà Nội nên việc di chuyển vô cùng thuận tiện. Du khách có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô theo quốc lộ 6, qua thị trấn Chúc Sơn; sau đó rẽ vào đường nhỏ dẫn đến thôn Long Châu, xã Phụng Châu.

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể di chuyển bằng xe bus số 67, 72 và xuống tại điểm dừng "Huyện ủy Chương Mỹ" nằm trên quốc lộ 6. Từ đây, du khách rẽ phải vào đường nhỏ và đi khoảng 2km nữa là đến núi Trầm, nơi có chùa Vô Vi.
Truyền thuyết ít biết về chùa Vô Vi
Tương truyền, chùa Vô Vi được xây dựng lần đầu tiên vào năm 968, dưới thời Đinh Bộ Linh. Ban đầu, chùa có tên Phúc Trù Tự và được dựng dưới chân núi Trạo. Sang đời nhà Trần, chùa dời lên lưng chừng núi, đổi tên thành Trai Tinh Tự. Đến năm 1954, dưới triều nhà Hậu Lê, chùa lần nữa được chuyển lên đỉnh núi Vô Vi và lấy tên là Vô Vi Tự. Cho đến nay, chùa vẫn đứng sừng sững trên đỉnh núi Vô Vi.

Lịch sử của chùa Vô Vi gắn liền với tên tuổi vị tướng Trần Văn Lang - người xuất gia từ nhỏ và sau khi hoàn thành sứ mệnh bảo vệ đất nước, ông đã chọn núi Vô Vi làm nơi ẩn dật, tu hành. Vì thấm nhuần tinh thần và tư tưởng đạo Lão, ông đã đặt tên chùa là Vô Vi, thể hiện triết lý sống thuận tự nhiên, không can thiệp vào dòng chảy của cuộc sống.
Có truyền thuyết cho rằng, khu vực chùa Vô Vi vào thời Trần từng là nơi cư ngụ của Trâu Canh - một vị đạo sĩ kiêm thầy thuốc nổi danh với công lao chữa bệnh cho vua Trần và dân chúng trong vùng. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư viết về kết cục của Trâu Canh được tóm tắt như sau: "Dòng dõi của Canh đến chiều nay còn có người là Trâu Bảo, được của do Trâu Canh cất giữ trở nên giàu có, nhưng cũng vì thế mà trở nên lụn bại".
Kiến trúc độc đáo của chùa Vô Vi
Mặc dù nằm trong dãy Tử Trầm nhưng chùa Vô Vi tọa lạc ở đỉnh ngọn núi đá gần như độc lập, cao khoảng 300m so với mặt đường. Xung quanh chùa có 12 cây đại thụ. Để đến được chùa, du khách phải leo qua 100 bậc thang đá phủ rêu phong, men theo sườn núi. Con đường dẫn vào chùa quanh co, càng lên càng hẹp và dốc, tạo nên không gian thanh tịch, khác biệt hoàn toàn so với thế giới bên ngoài.
Chùa chính của ngôi cổ tự này rộng 10m2. Thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ Đinh hay Nội công quốc ngoại mà chỉ có một gian, mái lợp ngói mũi hài, các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản.

Bên trong chùa chỉ có một ban Tam Bảo với tượng Phật, thánh, hai bên là hai vị hộ pháp. Các bức tượng đều nhỏ để tương xứng với khuôn viên của chùa.
Ở trên hai bức tường của chùa Vô Vi còn có bức vẽ Thập Điện Diêm Vương. Bức vẽ này đã nhiều lần được người dân chỉnh sửa.

Sát bên hông chùa là lối đi nhỏ chỉ vừa một người, dẫn tới lầu Nghênh Phong - nơi treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814. Đặc biệt, trên chóp mái của lầu Nghênh Phong có hình tượng âm dương Lạc Việt bên trong vòng bát quái, thể hiện niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.
Xung quanh chùa có nhiều bia đá khắc chữ, trong đó nổi bật nhất là hai bài thơ "Đề chùa Vô Vi" và "Trùng phỏng Vô Vi tự" (Thăm lại chùa Vô Vi) của Trần Văn Tăng, vị tướng thời Hậu Lê gác kiếm xuất gia và cũng là người khởi xướng đưa chùa Vô Vi lên trên núi.
Dâng hương, vãi cảnh tại chùa Vô Vị
Đến chùa Vô Vị, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính có tuổi đời 600 năm mà còn có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên trong lành. Xung quanh chùa là những cây hoa đại cổ thụ, vào mùa nở hoa, hương thơm lan tỏa khắp không gian tạo nên cảm giác vô cùng thư thái, thanh tịnh.

Từ lầu Nghênh Phong, du khách phải leo lên khoảng 20 bậc đá dựng dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để lên tới đỉnh núi Vô Vi. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt, ngắm nhìn toàn cảnh đồng lúa mênh mông và dãy núi Tử Trầm hùng vĩ. Khi hoàng hôn buông xuống, ánh nắng mặt trời nhuộm vàng cảnh vật, tạo nên bức tranh vô cùng thơ mộng.
Một vài lưu ý khi chiêm bái chùa Vô Vi
Chùa Vô Vi sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được kiến trúc cổ kính và gần như nguyên vẹn. Dù không có sư trụ trì nhưng mọi việc trông nom được người dân quanh chùa lo liệu chua toàn.
Bà Tung chia sẻ, hàng ngày vẫn dọn dẹp, giữ gìn để đảm bảo chùa luôn có không gian thanh tịnh. Vào những ngày cuối tuần, ngày Rằm và mùng 1 âm lịch, chùa đón nhiều khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Chùa Vô Vi là nơi thanh tịnh, vì thế du khách đến dâng hương, vãn cảnh cần giữ gìn vệ sinh, không xả rác, không gây ồn ào. Đặc biệt, cần tôn trọng các quy định của chùa, không viết, vẽ bậy lên các phiến đá, chuông chùa, các di tích đang được bảo vệ.
Chùa Vô Vi là một điểm đến tâm linh ý nghĩa gần Thủ đô Hà Nội mà du khách không nên bỏ qua. Nơi đây sẽ mang lại cho bạn cảm giác thanh tịnh, chữa lành hiệu quả.
Xem thêm: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa 700 tuổi được công nhận là "Việt Nam linh thiêng cổ tự"
Tin liên quan
Chùa Hà Hà Nội là địa điểm cầu duyên không còn xa lạ đối với người dân thủ đô. Không chỉ quen thuộc với những bạn trẻ tới dâng hương, xin quẻ cầu may, Chùa Hà còn là ngôi chùa cổ gắn với nhiều huyền tích, thu hút phật tử và du khách ghé thăm.
Chùa Tiêu Dao là ngôi cổ tự được trùng tu bằng gốm sứ đã tạo ra công trình gốm độc đáo, thể hiện tinh hoa văn hóa làng nghề hòa quyện cùng văn hóa tâm linh.
Chùa Tiêu Dao - ngôi cổ tự được trùng tu bằng gốm Bát Tràng là điểm đến không thể bỏ qua tại Thủ đô Hà Nội.