Tôi tự hào khi phượt đủ 3 nước Đông Dương, trekking được 39 đỉnh núi
Đối với tôi, đam mê dịch chuyển là không có tuổi. Tôi bắt đầu hành trình đi thật xa của mình khi bước sang ngưỡng 50 tuổi và hiện tại, ở tuổi 60, tôi đã phượt đủ 3 nước Đông Dương, trekking 39 ngọn núi.
Tôi đã hiện thực hóa được đam mê xê dịch thời trẻ
Tôi tên là Nguyễn Thị Bích Vân - một người nội trợ đúng nghĩa, sống tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Khi còn trẻ, tôi thích đi phượt, thích leo núi nhưng cuộc đời được "lập trình" theo thứ tự đi học, đi làm, lấy chồng, sinh con, chăm sóc gia đình... nên ước mơ được "bay nhảy" đành gác sang một bên.

Cách đây 8 năm (khi đã bước vào tuổi 50), tôi phát hiện con trai không có hứng thú học tập, chỉ thích vẽ. Bạn bè khuyên tôi nên cùng con đi khắp nơi, ngắm danh thắng cảnh đẹp để con có những cảm nhận cơ bản trước khi bước vào ngành kiến trúc.
Cũng từ câu chuyện của con mà đam mê thời trẻ của tôi "sống dậy". Ở đội ngũ tuần, tôi đưa quyết định đầy táo bạo: Xách balo lên và đi phượt.
Hành trình "phượt từ tốn" qua 3 nước Đông Dương
Để chuẩn bị hành trang cho chuyến phượt đầu tiên, tôi đã đi sắm điện thoại, máy ảnh và một số đồ dùng cá nhân cần thiết khác. Chuyến đi này của tôi có sự đồng hành của con trai. Mẹ con tôi xuất phát từ Gia Lai đi lên Buôn mê Thuột, đổ đèo Phượng Hoàng đến Phú Yên. Sau đó tiếp tục di chuyển đến Khánh Hòa để khám phá đảo Bình Hưng, Bình Ba và Điệp Sơn.
Mỗi khi hè về, mẹ con tôi lại cùng "bạn đồng hành" là chiếc xe máy chạy dọc miền Trung và miền Tây. Tôi đèo con trai trên xe máy, người khệ nệ balo, bơm xe khiến ai đi đường cũng ngoái nhìn. Có thể nói, hành trình phượt xuyên Việt không chỉ giúp mẹ con có cơ hội được khám phá cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là lúc chúng tôi hiểu nhau hơn, xóa bỏ mọi khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và con cái. Cũng kể từ đó, mẹ con trở thành người bạn đường, cùng nhau phượt 24 tỉnh Campuchia và 17 tỉnh của nước Lào.

Tôi có phong cách "phượt từ tốn". Có nghĩa là, khi đặt chân đến một nước nào đó, tôi sẽ bình tĩnh đi qua các tỉnh để ngắm nhìn cách người dân tạo dựng kiến trúc nhà ở, cách họ sinh hoạt. Tôi đi chậm rãi để khám phá và cảm nhận chứ không chỉ đơn thuật là chạy lướt qua một địa phận nào đó. Trong chuyến phượt Campuchia, tôi di chuyển bằng chiếc PCX 125 (chiếc xe đã cùng tôi 3 lần phượt xuyên Việt).
Trong mắt tôi, Lào là đất nước nhiềm cảm mến. Ban đầu, đi từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), tôi khá sợ khi thấy người dân Lào với khuôn mặt hoang dã, quần áo rách rưới. Tôi đến bắt chuyện, họ khá rụt rè. Nhưng khi di chuyển vào trong thành phố, tôi cảm nhận được sự cởi mở, hiền hòa của người dân.
Tỉnh Luang Prabang rất bình yên, khác hẳn với cảm giác khi đến Campuchia.Nơi đây giữ gìn được bản sắc dân tộc, kiến trúc chùa chiền đặc trưng. Một buổi sáng trong lành, đoàn khất thực vẫn đi dọc trên các con đường.

Khi con trai vào đại học, không còn thời gian để rong ruổi cùng mẹ, tôi quyết định tự mình độc hành. Cuối tháng 3, tôi phượt đến Đà Lạt (Lâm Đồng) để tham gia giải chạy cự ly 15km. Tôi đi qua Trường Sơn Đông - cung đường được đánh giá khó đi bởi diện tích hẹp và rừng núi hẻo lánh. Dù ở tuổi trung niên, tôi vẫn ưa trải nghiệm phiêu lưu hơn an toàn.
Khi kết thúc giải, tôi tiếp tục chạy từ Đà Lạt về Nha Trang. Tôi phượt trong mưa nhưng lại chủ quan sương mù nên đổ đèo Khánh Lê trong lớp sương trắng mịt mù. Trong khi đi, tôi phải bấm còi liên tục để báo động. Vì đi xe tay ga nên tôi rất cẩn thận ở các đoạn đường trơn. Đến đoạn ôm cua, tôi hoang mang khi thấy nhiều người nhốn nháo, vẫy tay bảo dừng lại. Trước mắt tôi là chiếc ô tô lật ngửa do trượt bánh. Đi hết đèo, trời bắt đầu quang đãng hơn, tôi liền tăng tốc nhanh hơn một chút để về Nha Trang.

Ban đầu, tôi di chuyển theo cung đường ven biển, nhưng mưa ngày càng lớn, gió rít từng cơn, quật mạnh vào sườn xe khiến xe chao đảo. Vì vậy, tôi quyết định dừng lại ở Đại Lãnh (Khánh Hòa).
Hôm sau, tôi nương theo lực gió qua đèo Cả đến Tuy Hòa. Nhưng sức gió vẫn mạnh, tôi đành đánh lái gần 100 km qua Sông Hinh (Phú Yên) để về Gia Lai.
Đó là một chuyến đi đầy khó khăn nhưng cũng chứa đựng nhiều trải nghiệm. Niềm vui lớn nhất của tôi là được khám phá, ngắm nhìn cảnh đẹp đất nước mà khi còn trẻ tôi đã bỏ lỡ. Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện khiến tôi cảm thấy trẻ, khỏe hơn. Tinh thần lạc quan, yêu đời ngày càng được bồi dưỡng nhiều hơn.
Tuổi tác không thể cản bước hành trình trekking 39 đỉnh núi từ Bắc vào Nam của tôi
So với các bạn trẻ, tôi bị hạn chế về tuổi tác và sức khỏe, nhưng tôi lại là "tỷ phú" thời gian. Mỗi ngày tôi đều tập leo thang bộ, chạy bộ dầm mưa để tăng sức bền.
Sự chăm chỉ đó đã giúp tôi có thể chinh phục thành công "tứ đại đỉnh đèo" gồm Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Vạ và Pha Đin, 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Ngũ Chỉ Sơn (2.858 m), Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m), Pusilung (3.083 m), Khang Su Văn (3.012 m), Pờ Ma Lung (2.967 m), Chung Nhía Vũ (2.918 m), Lùng Cúng (2.913 m)...

Tà Xùa (Yên Bái) là cung trekking đầu tiên của tôi. Sau 6 ngày lái xe đến Trạm Tấu, tôi bắt đầu leo núi. Đến đoạn sống lưng khủng long, khớp gối của tôi mỏi nhừ, bước không nổi, tôi định bỏ cuộc. Nhưng sau đó lại tự nhủ rằng phải tiếp tục cố gắng. Tôi đến đỉnh lúc 17h, trời đã sầm tối. Hôm đó, tôi ngủ ngoài trời, không chăn chiếu dưới cái lạnh của vùng cao. Đến đêm, trời đổ mưa, tôi ngủ tại lều hoang, xung quanh chỉ có tiếng côn trùng.
Chờ khi trời tạnh, tôi lại tiếp tục leo để hoàn thành cung đường. Chính tôi cũng bất ngờ với sức mạnh sinh tồn của mình. Đức trên đỉnh núi mới thấy thiên nhiên Tây Bắc quá đẹp, trước mắt tôi là cảnh mặt trời mọc, tỏa ra hàng nghìn tia nắng lấp lánh. Tôi cảm giác mình sờ được vào mặt trời, chạm được vào mây.

Cung trekking khiến tôi nhớ nhất là Fansipan cao 3.143 m. Khi trời tờ mờ sáng, tôi đã chuẩn bị hành trang leo núi. Tôi nghỉ đêm tại một quán cà phê gần khu cáp treo, nhiệt độ hạ xuống -4 độ C nên tay chân cóng buốt, giấc ngủ cũng chập chờn.
Sáng hôm sau, đúng khoảnh khắc mặt trời ló rạng, tôi đứng phất lá cờ đỏ sao vàng. Bình minh trên đỉnh Fansipan đẹp ngẩn ngơ, nhưng thời tiết quá lạnh, tôi phải nhảy lên nhảy xuống để làm ấm cơ thể.
Cuối năm 2023, tôi tiếp tục chinh phục các đỉnh núi thuộc miền Trung và Nam như Bà Đen (Tây Ninh), Chứa Chan (Đồng Nai), Tà Cú (Bình Thuận), Hoàng Ngưu Sơn (Khánh Hòa)… Cùng với đó là các đỉnh thuộc Tây Nguyên như Chư Nâm, Chư Yang Lak, Chư Mư…
Đầu năm nay, tôi leo thành công đỉnh Miêu Thạch Sơn, Tim Nà Nọi và thác Nậm Lúc trong 5 ngày liên tục. Trong đó, Miêu Thạch Sơn là một trong những ngọn núi khó, nguy hiểm vì độ dốc hàng nghìn mét.
Tôi không nghỉ chân, mỗi năm, tôi đều tìm hiểu thêm ngọn núi mình có hứng thú để chinh phục. Sau này, tôi có thể dõng dạc nói với các cháu rằng bà đã thật sự hạnh phúc khi chạm đỉnh thành công hàng chục ngọn núi, vượt khỏi giới hạn của tuổi tác và truyền cảm hứng đến nhiều người.
(Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân)
Xem thêm: Trải nghiệm khó quên: 20 tuổi, một mình đi xuyên Việt và trải nghiệm qua đêm ở nghĩa địa
Tin liên quan
Niềm sung sướng chiến thắng bản thân chảy rần rần trên mặt cùng ánh bình minh ấm áp chồm qua vạn con sóng bạc tới đây. Đó là một sự tưởng thưởng khiến tâm-thân-ý ngập tràn trong cảm xúc hạnh phúc.
Anh chàng Tiktoker Đào Quang Hà đang đạp xe Thống Nhất xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh xem lễ diễu binh 30/4, mang theo ký ức về ông ngoại và thông điệp yêu nước, kết nối cộng đồng.
Cùng với người bạn đồng hành – chiếc xe thồ của ông nội, tôi nhất định sẽ dừng bánh tại TP.HCM đúng ngày 30/4, tận mắt xem diễu binh, mừng 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài mới

Chia sẻ về hành trình của mình, chàng trai khuyết tật – Nguyễn Viết Quân, nói: “Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những vùng đất thiêng liêng mà cha ông ta đã hy sinh máu xương để giữ lấy tự do. Tôi cũng muốn được thấy sự phát triển, hòa bình của đất nước mình, không qua màn hình mà qua đôi mắt và trái tim đầy cảm xúc”.