Tôi đã chinh phục thành công "nóc nhà thế giới" Everest và trở thành người Việt đầu tiên chạm đỉnh Lhotse
Tôi đã dành 2 năm để chuẩn bị tài chính, sức bền, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ công ty tổ chức leo núi Adventure 14 Summit để "hiện thực hóa" ước mơ "chạm đỉnh".
Tôi là Nguyễn Mạnh Duy (41 tuổi) - doanh nhân, nhà leo núi. Hiện tôi đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Tôi là người đam mê trekking, muốn chinh phục nhiều đỉnh núi cao và dãy Himalaya là 1 trong những mục tiêu của tôi.
Nhân duyên của tôi với dãy Himalaya bắt đầu từ năm 2014, khi tôi chưa chinh phục đỉnh núi nào ở đây. Đến năm 2023, tôi leo đỉnh đầu tiên Mera Peak. Đứng trên độ cao 6.476 m, tôi sửng sốt trước quan cảnh tráng lệ. Thời khắc đó, tôi thầm nghĩ: "Đứng ở đỉnh Everest còn đẹp hơn gấp bội".

Giống như một sự mách bảo, tôi lên kế hoạch chinh phục "nóc nhà thế giới' trong 2 năm. Đỉnh Everest đòi hỏi người leo núi phải có kỹ năng, thể lực và tâm lý. Những trường hợp gặp nạn mỗi năm là lời nhắc nhở và cũng là thách thức lớn nhất. Sự khắc nghiệt cần đi đôi với việc phân phối sức lực. Vì thế tôi cần có thời gian rèn luyện qua từng mốc độ cao như đỉnh Ama Dablam (6.812 m), đỉnh Manaslu (8.163 m)… để chắc chắn bản thân đủ sức chinh phục.
Vào ngày 4/4, tôi đáp chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đến Lukla (Nepal) để bắt đầu chinh phục ước mơ Everet.
Tôi chinh phục ước mơ Everet trong 5 ngày
Vào tháng 9/2024, khi chinh phục Manaslu, tôi đi thẳng từ Base Camp (trại nền) lên đỉnh, không trải qua quá trình thích nghi độ cao. Đó là lần cuối cùng tôi chọn cách summit điên rồ này. Lần này, tôi leo xoay vòng để cơ thể không bị sốc khi tiến vào ngưỡng chết - khu vực trên 8.000m. Tổng hành trình leo Everest mất 35 ngày, bao gồm thời gian thích nghi độ cao và leo đỉnh.
Ngày 7/4, tôi leo từ Lukla lên Base Camp với độ cao khoảng 5.364m. Tôi mang theo một số thiết bị hỗ trợ leo núi tuyết như rìu phá băng, các loại móc, khoám bình oxy... Thời gian di chuyển và chờ ở đây mất khoảng 2 tuần. Sau đó tôi Camp 1, Camp 2, Camp 3 và quay ngược về Base Camp.

Sau 1 tháng thích nghi với độ cao, 2h ngày 7/5, tôi bước vào hành trình chinh phục ước mơ Everest. Từ Base Camp, tôi leo thẳng đến Camp 2 (cao khoảng 6.400 m), ngủ lại 2 đêm để dưỡng sức. Mò mẫm băng qua những con dốc cao giữa đêm đen tĩnh lặng, tôi đến được Camps 3 (cao khaonrg 7.500m. Thời tiết ở đây khá thuận lợi, càng lên cao tuyết càng dày, nhuộm trắng những dãy núi. Ánh nắng chiếu rọi trên nền tuyết tạo những mảng sáng tối đan xen.
Thời điểm tôi leo đến Camp 4 (ở độ cao 7.950 m), đỉnh Everest đang gia cố lại dây leo, đây là một thách thức bất ngờ khi tôi phải chờ khá lâu ở ngưỡng chết. Lượng oxy chỉ còn khoảng 30%, ít đến mức gây áp lực nặng lên tim mạch, hệ hô hấp, não bộ... Mạch máu và mắt tôi phồng nhẹ nhưng tôi vẫn khỏe và không có triệu chứng say độ cao. Nhưng điều này đồng nghĩa với khoảng cách đến đỉnh sẽ được rút ngắn hơn.

Tôi đi theo hướng Nam của sườn núi, càng leo lên cao càng nhìn rõ một phần đất Tây Tạng, bên kia là Nepal. Thiên nhiên rất diệu kỳ, khi tôi đi qua Balcony, nhìn theo hướng Đông trời sẽ ửng hồng, còn phía Nepal trời sáng muộn hơn.
Đặc biệt, cảnh quan ở Hillary Step - nơi gần như ở độ cao đạt đỉnh của thế giới - huy hoàng ngoài sức tưởng tượng. Tôi có thể nhìn thấy trọn vẹn dãy Himalaya, thậm chí là độ cong của địa hình theo vỏ Trái đất.

Đúng 9h09 (giờ Nepal) ngày 11/5, tôi đặt chân lên đỉnh Everest cao 8.849 m, trở thành người đầu tiên summit trong mùa leo năm nay. Điều đầu tiên tôi làm đó là giật phăng mặt nạ oxy để ăn mừng cùng gia đình và bạn bè.
Ước mơ chinh phục "nóc nhà thế giới" không ai thấu hiểu, chỉ khi tự đứng trên đỉnh, giữa không gian bao la, niềm hạnh phúc ấy mới thực sự dâng trào.
Tôi trở thành người Việt đầu tiên chạm đỉnh Lhotse
Kế hoạch ban đầu của tôi là chinh phục đỉnh Everest nhưng người bạn đồng hành đưa thêm một chặng mở rộng: leo đỉnh Lhotse cao thứ 4 trên thế giới (8.516 m). Tôi liền gật đầu.
Núi Lhotse cũng nằm trong dãy Himalaya, thường được gọi là "kẻ thách thức của Everest" vì chỉ cách đỉnh Everest một dãy núi nhỏ và có cùng tuyến đường leo. Nhưng địa hình ở đỉnh này lại hiểm trở với mật độ tuyết dày đặc, mặt băng, đá và khe nứt. Để lên đến đỉnh, tôi đã đi qua những hẻm núi hút gió lồng lộng, độ lạnh đủ khiến người trưởng thành tê cóng hay hạ thân nhiệt.

Ngày 12/5, tôi thực hiện hành trình summit Lhotse bắt đầu từ Camp 4, nằm tại đường leo núi Everest và Lhotse tách ra (cách Camp 4 của Everest khoảng 250 m). Phải nói rằng độ dốc của đỉnh này gấp vài lần Everest, hoàn toàn không có điểm phẳng để ổn định nhịp tim. Càng đến gần đỉnh càng dốc, tôi phải bám chặt vào dây để giữ thăng bằng trên vách đá cao.
Điều kiện thời tiết cũng thay đổi nhanh chóng, bầu trời trong xanh có thể chuyển thành bão. Năm nay, đỉnh Lhotse gió rất lớn, tưởng chừng thổi bay lều trại, dây leo liên tục bị vùi dưới tuyết, tôi vừa đi vừa giật. Một số đoàn không chịu được sức gió đã bỏ cuộc, tôi cũng xuống lại Camp 3.
Khi trời lặng gió, tôi tiếp tục leo đỉnh Lhotse. Điểm mấu chốt nằm ở 300 m cuối cùng, đó là một khe núi dốc đầy đá, dễ xảy ra tình trạng đá rơi nguy hiểm. Nếu không có thể lực từ mức tốt và kinh nghiệm dày dặn để xử lý tình huống, việc chinh phục đỉnh núi này sẽ trở thành một cuộc đánh cược tính mạng.

Ngày 13/5, tôi một lần nữa vỡ òa khi chinh phục thành công đỉnh Lhotse. Tôi không tin rằng, chỉ trong 48 giờ mình đã lên được đỉnh. Và tôi chính là người Việt Nam đầu tiên ghi dấu chân trên đỉnh núi này, được xác nhận bởi công ty lữ hành Adventure 14 Summit và 8K Expedition (chuyên tổ chức các đoàn leo núi Himalaya).
Để miêu tả về 40 ngày ở dãy Himalaya, tôi dùng từ "tái sinh". Trải qua nhiều gian nan, thậm chí có thể cận tử, sau đó tôi quay về an toàn với sức sống hoàn toàn mới. Đỉnh Everest và Lhotse mang đến cho tôi sự gia trì, đánh thức nguồn năng lượng của tâm thức, nội tâm và ý chí.
Với tôi, leo núi không phải để chiến thắng thiên nhiên hay thỏa mãn cảm giác chinh phục. Mỗi bước đi đều là một bước lùi về bên trong, quan sát chính mình. Càng lên cao, tôi càng học cách cúi đầu.
(Ảnh: Nguyễn Mạnh Duy)
Xem thêm: Lần đầu đến Pù Luông - chạm vào sự bình yên giữa đại ngàn
Tin liên quan
Độc hành chinh phục bộ đôi núi lửa sát thủ Ijen và Bromo ở Indonesia là một hành chinh đáng nhớ trong thanh xuân tươi đẹp của Ly Phuong Thanh.
Cụ bà Trương Thiên đã có một hành trình phá bỏ khuôn mẫu khiến nhiều người thích thú: Không kết hôn, không con cái, bán nhà, lái xe đi du lịch suốt 8 năm trời.
Tả Liên Sơn nằm ở tỉnh Lai Châu, đỉnh núi cao 2996M nằm trong Top 6/15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Nếu bạn yêu thích cảnh rừng núi thiên nhiên đa dạng thì đừng bỏ lỡ cung trek này nha.