Chùa Cây Thị Ninh Bình – Cổ tự ẩn mình trên lưng chừng núi
Chùa Cây Thị Ninh Bình tọa lạc trên lưng chừng núi, phía sau là rừng già rợp bóng mát. Du khách đến đây dâng hương không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nên thơ như chốn "bồng lai tiên cảnh".
Chùa Cây Thị (hay Tịnh Viện Di Đà) tọa lạc ở xã Thanh Liêm, tỉnh Ninh Bình (trước đây là thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cũ), cách TP Hà Nội khoảng 70km.

Chùa nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía Đông Nam cách chùa cổ khoảng 100 mét là lăng mộ Thượng thư Trương Công Giai, bên dưới chân núi hướng Tây Nam cách chùa cổ khoảng 50m là đền thờ liệt sĩ Núi Chùa.

Chùa Cây Thị nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xa xưa nơi đây đã từng có vua đi qua, dừng chân nghỉ lại chùa nên chùa từng được gọi là "chùa Khoa núi Ngụ".

Đại đức Thích Huệ Hạnh - trụ trì chùa Cây Thị cho biết, theo một số nghiên cứu, chùa có lịch sử lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, chùa chỉ còn 3 gian thờ Phật, bị xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2019, Đại đức Thích Huệ Hạnh về chùa. Đến năm 2020, sau bao nỗ lực, cố gắng của Đại đức cùng nhân dân, phật tử thập phương, chùa được trùng tu, tôn tạo, mang diện mạo mới.

Cũng theo lời kể của Đại Đức Thích Huệ Hạnh, chùa tên là "Cây Thị" vì cạnh chùa là một cây thị với niên đại hàng trăm năm. Các cụ cao niên kể, từ nhỏ đã thấy gốc thị to như hiện nay.
Cây thị cổ thụ có chu vi gốc khoảng 2,2m, cao hơn 10m. Năm 2024, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã xác định cây có tuổi đời khoảng 372 năm. Theo dòng lịch sử, ngôi chùa có nhiều đổi thay nhưng cây tị vẫn trụ vững với tán lá xum xuê như che mát, xoa dịu những lo toan, buồn phiền nơi thế giới trần tục của con người mỗi khi về chùa.

Cây thị không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn ẩn chứa giá trị tâm linh rất lớn đối với dân làng nói riêng và toàn thể tín đồ Phật tử thập phương nói chung.

Về kiến trúc, sau khi trùng tu, chùa Cây Thị vẫn mang đậm phong cách kiến trúc Việt pha lẫn kiến trúc một số nước Á Đông. Khi vừa bước vào khu vực chiêm bái, du khách sẽ bắt gặp tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trong tư thế chuyển pháp luân cao 2,5 mét. Không gian thờ phụng bên trong chùa được giữ nguyên lối bài trí thuần Việt, toát lên vẻ trang nghiêm.

Không gian chùa được thiết kế mở, phóng khoáng nhưng tôn nghiêm. Phần sân dẫn vào chùa được trải sỏi trắng nhằm tạo điểm nhấn và tăng thêm vẻ thanh tịnh cho không gian chốn thiêng.

Nơi thờ phụng và khu tham quan được tách biệt nên du khách thoải mái chiêm ngưỡng cảnh sắc, chụp ảnh, khám phá mà không ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm chốn thiền môn.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (du khách đến từ tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Chùa Cây Thị là một ngôi chùa rất đẹp. Bước qua cổng chùa, tôi đã thấy tâm hồn nhẹ bẫng, cảm giác rất an tĩnh, đầy năng lượng chữa lành”.
Xem thêm: Chiêm bái chùa Long Sơn - cổ tự trăm tuổi linh thiêng bậc nhất Nha Trang
Tin liên quan
Không chỉ là quần thể danh thắng tâm linh đẹp tự chốn bồng lai tiên cảnh, chùa Tam Chúc còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển và truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế...
Chùa Trấn Quốc là trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, có niên đại hơn 1500 năm. Chùa mang kiến trúc độc đáo, tựa như một đài sen đang nở giữa sóng nước hồ Tây.
Lễ hội chùa Hàm Long Bắc Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng, vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh và giải mã thắc mắc về nơi được mệnh danh là "đệ nhất nhốt trùng".