Vì sao chùa Quán Sứ được chọn làm nơi tôn trí xá lợi Đức Phật?
Chùa Quán Sứ là địa điểm thứ 3 tại Việt Nam được cung nghinh xá lợi Đức Phật. Đây là ngôi cổ tự linh thiêng hơn 500 năm tuổi và từng đón nhiều nguyên thủ quốc tế đến thăm.
Xá lợi Đức Phật được tôn trí ở chùa Quán Sứ bao lâu?
Xá lợi Đức Phật được cung thỉnh từ Ấn Độ sang Việt Nam nhân Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ được tôn trí tại 4 ngôi chùa nổi tiếng từ Nam ra Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, xá lợi Đức Phật đã được cung thỉnh qua chùa Thanh Tâm và núi Bà Đen.
Sáng 13/5, xã lợi Đức Phật được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chư tăng Ấn Độ cung rước, rời núi Bà Đen (Tây Ninh) chuẩn bị chuyến hành trình từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Nội Bài. Sau đó, xá lợi Đức Phật sẽ được tôn trí tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).
Dự kiến, 15h ngày 13/5, xá lợi Đức Phật sẽ được cung rước từ sân bay quốc tế Nội Bài đi qua các tuyến đường, phố chính như cầu Nhật Tân, Võ Chí Công, Đào Tấn, Kim Mã, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô và an vị tại chùa Quán Sứ.

Đến 18h cùng ngày, đoàn thực hiện nghi lễ cung rước xá lợi Đức Phật đi qua các tuyến đường trung tâm quanh Hồ Hoàn Kiếm như: Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Bà Triệu... và trở về chùa Quán Sứ.
Được biết, xá lợi Đức Phật sẽ được tri tôn tại chùa Quán Sứ trong vòng 3 ngày từ ngày 14/5 - 16/5. Trong thời gian này, người dân, phật tử có thể đến chiêm bái xá lợi Đức Phật - quốc bảo Ấn Độ tại chùa Quán Sứ. Chùa mở cửa để nhân dân, phật tử chiêm bái từ 6h00 đến 23h.
Ban tổ chức yêu cầu người dân, phật tử giữ trật tự, không quay phim, chụp ảnh, không cúng dường lễ vật. Trẻ em dưới 2 tuổi và người mặc trang phục không phù hợp sẽ không được vào khu vực chiêm bái.
Sau 3 ngày tôn trí ở chùa Quán Sứ, xá lợi đức phật sẽ được cung rước và tôn trí tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) từ ngày 17/5 đến 24/5. Sau thời gian này, xá lợi Đức Phật sẽ lên đường trở về Ấn Độ.
Vì sao chùa Quán Sứ được chọn làm nơi tôn trí xá lợi Đức Phật?
Như đã chia sẻ bên trên, sau khi rời núi Bà Đen, xá lợi Đức Phật sẽ được cung nghinh về tôn trí tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Đây là ngôi cổ tự tọa lạc ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chùa nằm cách Hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 1km.
Chùa Quán Sứ được xây dựng từ thế kỷ 15. Chùa nằm trong danh sách 4 di tích nổi tiếng bậc nhất xứ Kinh Kỳ vào những thế kỷ trước.

Trong cuốn Sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, chú tích bản đồ Hồng Đức thành Thăng Long ghi: "Cửa Nam Kinh có 4 di tích nổi tiếng: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khấm Thiên Giám, đền Nam Giao và chùa Quán Sứ".
Trải qua hàng trăm năm thăng trầm cùng lịch sử, chùa Quán Sứ đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Chùa có lần được sửa sang làm chỗ lễ bái cầu đảo cho nhân dân (ghi trên tấm bia niên hiệu Minh Mạng thứ 3 năm 1882). Năm 1942 là lần chùa được trùng tu lớn nhất và trở thành trụ sở Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1992, chùa được tu sửa thành nhà thờ Tổ.
Kến trúc chùa Quán Sứ gồm cổng Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thượng điện, hai nhà Dải vũ và nhà thờ Tổ. Tại chùa Quán Sứ không chỉ thờ Phật,c ác vị sư thầy có công mà còn thờ tự Lý Quốc Sư - vị thiền sư đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, có công với dân với nước.

Chùa Quán Sứ là nơi lưu giữ nhiều pho tượng, câu đối, những quả chuông đồng hay hệ thống di vật bằng gỗ mang giá trị văn hóa, nghệ thuật. Theo nhiều tài liệu, chùa Quán Sứ là một trong số ít những ngôi chùa ở Việt Nam có tên chùa và các câu đối viết bằng chữ quốc ngữ.
Hiện nay, chùa Quán Sứ không chỉ là điểm đến tâm linh dành cho phật tử mà là "tọa độ" du lịch tâm linh mà du khách quốc tế thường xuyên ghé qua. Chùa còn được các nguyên thủ quốc tế ghé thăm khi đến Hà Nội như Quốc vương Lào vào năm 1966, Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2016, Quốc vương Campuchia vào năm 2024...
Chùa Quán Sứ gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có thể kể tới năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập và chọn ngôi chùa làm trụ sở; năm 1977 Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập thành lập Trường "Tu học Phật pháp Trung ương" tại chùa; tháng 11/1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo thống nhất Việt Nam được tổ chức, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam... Chùa Quán Sứ cũng chính là nơi đặt văn phòng đại diện của Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Và năm nay cũng vậy, ngôi cổ tự này trở thành 1 trong 4 địa điểm được tôn trí xá lợi Đức Phật ở Việt Nam.

Tóm lại, chùa Quán Sứ được chọn làm địa điểm tôn trí xá lợi Đức Phật ở Thủ đô là vị:
- Chùa là trung tâm Phật giáo lớn nhất Thủ đô - Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Chùa có vị trí trung tâm, thuận lợi về địa lý và giao thông.
- Chùa mang trong mình giá trị lịch sử và biểu tượng tôn giáo lâu đời (đây là chùa quốc tự - chùa được nhà nước bảo vệ, biểu tượng cho mối liên kết giữa Phật giáo và dân tộc).
- Không gian kiến trúc trang nghiêm, xứng tầm làm nơi tôn trí xá lợi Đức Phật: Chùa rộng rãi, yên tĩnh, các điện thờ, tượng Phật và khu hành lễ được thiết trí đúng truyền thống Bắc Tông – phù hợp với nghi lễ cung nghinh lâu dài quan trọng.
- Tính đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong mắt quốc tế: Đây cũng là nơi tiếp theo đón tiếp các đoàn Phật giáo quốc tế , các cao tăng đến thăm viếng và tổ chức pháp hội.
Chùa Quán Sứ không chỉ là ngôi chùa cổ kính giữa Hà Nội mà còn là biểu tượng sống động của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Với vị trí trung tâm, vai trò lãnh đạo, và ý nghĩa lịch sử đặc biệt, nơi đây là xứng đáng trở thành địa điểm để tổ chức những nghi lễ thiêng liêng nhất, như việc cung nghinh xá lợi Đức Phật.
Xem thêm: Lịch trình chiêm bái xá lợi Đức Phật chi tiết nhất
Tin liên quan
Không chỉ là quần thể danh thắng tâm linh đẹp tự chốn bồng lai tiên cảnh, chùa Tam Chúc còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển và truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế...
Những năm gần đây, Hà Nam đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc, thu hút rất nhiều du khách, phật tử ghé đến tham quan, hành hương, nhất là vào dịp Tết đến xuân về. Dưới đây là 3 ngôi chùa linh thiêng, có cảnh quan đẹp mà du khách nên ghé đến vào dịp Tết này!
Chùa Trấn Quốc là trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, có niên đại hơn 1500 năm. Chùa mang kiến trúc độc đáo, tựa như một đài sen đang nở giữa sóng nước hồ Tây.