Tháng 7 này về Quảng Trị để lắng nghe tiếng gọi từ quá khứ
Mỗi độ 27/7 - Ngày Thương binh Liệt sĩ, Quảng Trị lại trở thành điểm đến linh thiêng, nơi người Việt trở về để tri ân, tưởng nhớ một thời lịch sử huy hoàng và oanh liệt.
Có những vùng đất không chỉ hiện diện trên bản đồ địa lý mà còn in đậm trong "bản đồ ký ức" của mỗi người dân Việt Nam. Quảng Trị nằm giữa dải đất miền Trung đầy nắng gió là nơi từng oằn mình gánh chịu chiến tranh khốc liệt, nay lặng lẽ hồi sinh trong hòa bình. Nhưng đâu đó, tiếng vọng từ quá khứ vẫn còn văng vẳng đâu đây.
Tháng 7 này trở về Quảng Trị không chỉ để hòa mình vào thiên nhiên hiền hòa mà còn là hành trình lắng nghe những tiếng gọi thiêng liêng từ lịch sử, từ những địa danh đã trở thành chứng nhân hào hùng và đau thương của cả dân tộc.
Thành cổ Quảng Trị - Khúc hùng ca bất tử
Trong những thành cổ qua các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Thành cổ Quảng Trị được nhắc đến nhiều nhất dù không phải là một kiến trúc đặc biệt. Nơi đây đã ghi dấu một trận chiến bi hùng của quân và dân ta, trở thành khúc tráng ca bất tử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) - nơi diễn ra trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa" với sự huy động hỏa lực chưa từng có.
Trong 81 ngày đêm (từ 28/6 - 16/9 năm 1972), hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 đạn pháo. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Để giữ trận địa, Quân giải phóng đã liên tục bổ sung quân số. Và dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong lúc vượt sông vào Thành cổ.

Những chiến sĩ Thành Cổ đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn để thành phù sa bến bãi, thành cỏ cây, thành tiếng gió rì rào.
Năm tháng qua đi, lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những người con ấy vẫn sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng, nhắc nhớ chúng ta về một thời quá khứ đầy gian khổ, đau thương nhưng rất đỗi anh hùng. Thành cổ giờ đây trở thành khu tưởng niệm trang nghiêm, mỗi bước chân du khách đặt xuống đều nhẹ tênh như sợ đánh thức linh hồn đang yên nghỉ. Đài tưởng niệm, phù điêu "Bảo vệ Thành cổ" và hồ sen lặng lẽ như lời nhắn nhủ về sự hy sinh vĩ đại cho độc lập tự do của dân tộc.
Địa đạo Vịnh Mốc – Ngôi làng ngầm dưới lòng đất
Rời Thành cổ, men theo quốc lộ 1A về phía Bắc, đó là địa đạo Vịnh Mốc - một kỳ tích quân sự nằm sâu dưới lòng đất. Đó là nơi hàng trăm người dân Vịnh Mốc đã sống, sinh hoạt và nuôi quân suốt nhiều năm trong thời chiến tranh ác liệt.

Với gần 2km địa đạo, sâu 10 – 23m, có tới 13 cửa ngầm hướng ra biển và rừng, nơi đây là minh chứng sống động cho trí tuệ và ý chí bất khuất của người Việt. Khi bước chân vào lòng địa đạo mát lạnh, từng lối đi nhỏ, từng căn phòng đơn sơ vẫn còn đó dấu tích của một “xóm làng thứ hai” trong lòng đất – nơi 17 đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời giữa bom đạn.
Cầu Hiền Lương - Nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất
Theo Hiệp định Genève, một vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17, từ cửa sông Bến Hải chạy dọc theo chiều dài sông đến biên giới Việt – Lào sẽ trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền Nam – Bắc. Khi đó, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng bị chia thành 2 phần thuộc về 2 miền và được sơn 2 màu: nửa cầu thuộc miền Nam (ở bờ Nam) sơn màu vàng, nửa cầu thuộc miền Bắc (ở bờ Bắc) sơn màu xanh, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang rộng 1cm.

Cầu Hiền Lương bị đánh sập bởi bom Mỹ vào năm 1967. Lúc này cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” về sự chia cắt đất nước thành 2 miền Bắc – Nam. Nhằm bảo tồn chứng tích lịch sử cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị đã cho phục dựng cầu hiền lương dựa theo bản thiết kế chiếc cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng năm 1952. Đặc biệt, lan can cầu còn được sơn 2 màu xanh, vàng nhằm mô tả chiếc cầu Hiền Lương trong thời kỳ đất nước vẫn còn bị chia cắt.
Hiện nay, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của hòa hợp dân tộc. Đứng giữa vạch sơn màu vàng chia đôi cầu, nghe lại âm thanh giả lập của loa tuyên truyền hai bên, người ta không khỏi nghẹn ngào về những ngày đất nước chia đôi.
Hiền Lương không chỉ là cây cầu nối đôi bờ sông, mà là cây cầu nối quá khứ với hiện tại, là nơi để thế hệ sau thấu hiểu cái giá của độc lập, tự do.
Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu Quảng
Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu Quảng là di tích lịch sử nổi tiếng giúp du khách hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Cụ thể, để ngăn chặn mọi nguồn chi viện từ Bắc cho chiến trường miền Nam, Mỹ đã xây dựng hệ thống rào điện tử, được mệnh danh là Mc Namara. Nơi đây gồm có 12 lớp kẽm gai được xếp chồng lên nhau với độ cao 3m, bên trên mặt hàng rào có cài mịn tự động và phía dưới hàng rào là bãi mìn rộng tới hàng trăm mét. Bên cạnh đó, quân Mỹ còn cho xây dựng rải hệ thống cây nhiệt đới để phát hiện sự xâm phạm tại phạm vi phòng tuyến.
Tại các căn cứ điểm được bố trí hệ thống đèn pha có khả năng kiểm soát mọi sự xâm nhập về đêm. Với hệ thống mắt thần bằng điện tử để kiểm soát mọi hoạt động của binh lính, biệt kích chống lại đội quân du kích.

Khu căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu Quảng Trị còn là căn cứ điểm quan trọng của phòng tuyến Mc Namara. Quân địch còn cho xây đựng hệ thống hầm hình vòm được cố định bằng bê tông và trận địa pháo dưới mặt đất. Khu vực xung quanh căn cứ là hàng rào kẽm gai bom mìn có khả năng thông báo đột nhập.
Mặc dù được xây dựng vô cùng hiện đại nhưng hàng rào điện tử của Mỹ đã bị quân ta tấn công, phá hủy hoàn toàn. Toàn bộ lực lượng du kích của quân ta đã tấn công và khống chế không cho quân địch hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa. Sau ba ngày tấn công, toàn bộ quân địch đã phải trốn khỏi căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu.
Ngày nay, ở Cồn Tiên - Dốc Miếu vẫn còn dấu tích chiến tranh như: boong-ke bê tông, hàng rào điện tử Mácnamara, trạm radar, và cả những hố bom loang lổ giữa triền đồi.
Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 - Khúc tráng ca giữa đại ngàn
Tọa lạc bên Quốc lộ 9, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định danh tính.
Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 Anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 Anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn - Nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt là nơi an nghỉ vĩnh hằng của liệt sĩ Trường Sơn. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn và hơn một nửa trong số đó vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Với quy mô rộng lớn, khuôn viên thanh tịnh, nơi đây giống như "đỉnh đồi ký ức" - nơi đất mẹ dịu dàng ôm trọn những đứa con kiêu hùng vào lòng. Dưới bóng thông rì rào, từng hàng mộ là từng bước chân in đậm lịch sử. Đặc biệt, khu mộ các liệt sĩ theo tỉnh, giúp người thân thập phương về thắp nén nhang cho quê nhà, cho cả một thời trai trẻ.

Về Quảng Trị không chỉ là một chuyến đi du lịch – đó là hành trình trở về ký ức, trở về với một thời kỳ mà máu và nước mắt đã tưới ướt từng tấc đất, để hôm nay đất nước có được sự bình yên.
Trong sự lặng lẽ, Quảng Trị kể chuyện bằng âm thanh của gió qua rừng thông, tiếng sóng vỗ sông Bến Hải, tiếng bước chân du khách rảo đều qua từng bia mộ. Đó là tiếng gọi từ quá khứ – không bi lụy, mà kiêu hãnh và bất diệt.
Xem thêm: Tháng 7 này, về Quảng Trị lặng nghe tiếng đất gọi mùa tri ân
Tin liên quan
Từ loài cây mọc dại rất nhiều trên đồi cát, người dân Quảng Bình (nay là Quảng Trị) đã kết hợp cùng cá đuối để tạo nên món canh chua cá đuối xương rồng vừa ngon miệng và độc đáo...
60 thành viên trong một đại gia đình ở Ninh Bình đã có chuyến đi đáng nhớ, cùng nhau tham quan nhiều địa danh nổi tiếng như: Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tham quan bãi Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, động Thiên Đường, tượng đài Mẹ Suốt...
Quảng Trị – nơi mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu và nước mắt của cha ông trong hai cuộc kháng chiến, là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu mến lịch sử và muốn hiểu sâu hơn về bản lĩnh dân tộc Việt Nam. Hành trình 2 ngày 1 đêm dưới đây sẽ dẫn bạn đi qua những dấu mốc quan trọng nhất của mảnh đất anh hùng này.