Nữ phi hành gia gốc Việt mang theo 169 hạt sen giống bay vào không gian
Ngày 14/4, Amanda Nguyễn - nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt đầu tiên, đã cùng phi hành đoàn của Blue Origin mang theo 169 hạt sen giống bay vào không gian, thực hiện hành trình khám phá vũ trụ.
8h sáng 14/4 theo giờ địa phương (20h tối cùng ngày tại Việt Nam), Amanda Nguyễn -nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt đã cùng các thành viên trong sứ mệnh NS-31 bắt đầu bay vào không gian trên tàu vũ trụ New Shepard của Công ty du lịch vũ trụ Blue Origin.
Đúng 8h30 (20h30 giờ Việt Nam), New Shepard chính thức khởi hành từ bãi phóng số 1 ở Texas, đưa sáu thành viên là phụ nữ của NS-31 vượt qua đường Kármán - ranh giới không gian ở độ cao 100km trên mực nước biển.
Đây là phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ chuyến bay của Valentina Tereshkova năm 1963, thể hiện bước tiến trong bình đẳng giới trong ngành không gian. Và sự kiện này chính thức đưa Amanda Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Việt và Đông Nam Á đầu tiên du hành vào vũ trụ.

Bên cạnh Amanda Nguyễn, các thành viên còn lại của sứ mệnh NS-31 là: Lauren Sánchez - nhà báo, phi công và hôn thê của tỉ phú Jeff Bezos, Katy Perry - ca sĩ nhạc pop nổi tiếng, Gayle King - người dẫn chương trình truyền hình "CBS Mornings", Aisha Bowe - kỹ sư hàng không vũ trụ và cựu nhân viên Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Kerianne Flynn - nhà sản xuất phim độc lập.
Chuyến bay dưới quỹ đạo (suborbital) kéo dài khoảng 11 phút, cho phi hành đoàn trải nghiệm tình trạng không trọng lực, chiêm ngưỡng đường cong của Trái đất và bóng tối của vũ trụ trước khi hạ cánh an toàn bằng dù.
Trước chuyến bay, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông báo đã cung cấp 169 hạt sen giống (Nelumbo nucifera) - biểu tượng văn hóa Việt Nam - để Amanda Nguyễn mang theo trong hành trình đặc biệt này.

Những hạt sen này được chọn từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Chúng sẽ trở về sau sứ mệnh để mở ra các nghiên cứu về ảnh hưởng của không gian lên sự sinh trưởng, góp phần vào khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.
Amanda Nguyễn (sinh năm 1991 tại California, Mỹ) là một nhà khoa học nghiên cứu sinh học vũ trụ (bioastronautics). Cô tốt nghiệp Đại học Harvard và đã thực hiện nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard, MIT, NASA và Viện Khoa học Vũ trụ quốc tế (IAS).
Sau khi gặp biến cố bị cưỡng hiếp, cô đã gác lại giấc mơ phi hành gia trong hơn 10 năm để đấu tranh cho những nạn nhân bị bạo lực tình dục. Cô là nhà sáng lập Rise, tổ chức nhằm đấu tranh cho quyền công dân của những nạn nhân bị xâm hại.

Vì những đóng góp của cô trong việc ủng hộ những nạn nhân của bạo lực tình dục, cô đã được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2019, và được tạp chí Time vinh danh là Người phụ nữ của năm 2022.
"Là nữ phi hành gia người Việt Nam và Đông Nam Á đầu tiên, chuyến bay của Amanda là biểu tượng của sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời sẽ làm nổi bật khoa học như một công cụ cho hòa bình", theo Blue Origin.
Amanda Nguyễn chia sẻ trên mạng xã hội về cảm xúc trước chuyến bay, nói rằng lòng dũng cảm có nhiều hình thái khác nhau, đó là khoảnh khắc được phóng ra từ rocket, hay khi đứng ra làm chứng trước Liên hợp quốc hay Quốc hội Mỹ. “Khi ở trên bệ phóng đó, tôi sẽ nghĩ về từng khoảnh khắc can đảm đã đưa tôi đến đây", cô viết.
Xem thêm: Cơm chiên 208k tại quán quen của nhiều sao Việt gây tranh cãi vì gắn mác "giá sinh viên"
Tin liên quan
Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Để khỏi bỡ ngỡ khi đi du lịch, các bạn cập nhập dần thông tin tên gọi, diện tích, dân số... và cả đặc sản nữa nhé!
Nhiều đời nay, người dân làng Khiêng căn dặn nhau phải bảo vệ tổ mối cao hơn 2m, tuyệt đối không được xâm hại. Thậm chí, đầu năm mới, họ còn ra tổ mối này thắp hương, tổ chức lễ hội, cầu may.
Trong lúc làm việc cô Lý bị cá mập trong thủy cắn trọng thương ở tay phải tới mức bị tàn tật cấp độ 10. Cô đã gửi đơn kiện đòi bồi thường nhưng tới nay kết quả không như mong đợi.