Những lưu ý sống còn khi đổ đèo bằng xe tay ga mà dân du lịch cần phải biết
Với đặc điểm trong thiết kế động cơ và hộp số, xe tay ga sẽ gặp những bất lợi nhất định khi đổ đèo. Nhưng nếu nắm chắc một số nguyên tắc dưới đây thì bạn hoàn toàn có thể đổ đèo, xuống dốc một cách an toàn.
Ngày 20/4, đoạn video ghi cảnh 2 cô gái chở nhau trên chiếc xe tay ga đổ đèo ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh PhúcVĩnh Phúc) bất ngờ đâm vào hộ lan, nhận về sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Hình ảnh từ video cho thấy, trong lúc cả hai đang xuống dốc phanh xe dường như không hoạt động khiến chiếc xe lao nhanh với tốc độ cao. Cú va chạm mạnh khiến nạn nhân văng ra ngoài, một số bộ phận trên xe cũng bắn ra xung quanh.
Rất may mắn, cả hai cô gái đều không bị thương nặng và được người đi đường nhìn thấy, kịp thời hỗ trợ đưa tới trạm y tế tại địa phương để sơ cứu vết thương.

Được biết, đây không phải là lần đầu xe tay ga gặp phải vấn đề mất phanh khi đổ đèo nói chung và đèo Tam Đảo nói riêng. Chính những tình huống nguy hiểm ấy khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có nên đi đường đèo bằng xe tay ga hay không? Và nếu đi bằng xe tay ga thì cần lưu ý gì để hạn chế tai nạn xảy ra?
Anh Nguyễn Hoàng Tùng - chuyên gia về kỹ thuật xe máy cho biết, do đặc thù xe tay ga chủ yếu sử dụng hệ truyền động vô cấp (CVT), không có số để ghìm tốc như xe số thông thường, khiến phanh phải hoạt động liên tục, dễ dẫn đến cháy phanh. Ngoài ra, bánh xe nhỏ, trọng tâm thấp và khả năng tản nhiệt kém cũng làm giảm độ ổn định khi xuống dốc dài.
"Do chỉ có thể dùng phanh để hãm tốc nên xe tay ga sẽ gặp bất lợi nhất định khi đổ đèo. Khi người điều khiển xe tay ga bóp phanh liên tục lúc xuống dốc sẽ khiến bộ phận này nóng rất nhanh, má phanh bị mài mòn, thậm chí phanh hoàn toàn mất tác dụng như trong trường hợp chiếc xe trong đoạn clip trên", anh Tùng nói.

Tuy vậy, theo anh Tùng, việc sử dụng một chiếc xe máy tay ga để đi đường đèo dốc vẫn hoàn toàn có thể nếu nắm chắc một số nguyên tắc như sau:
1.Duy trì tốc độ vừa phải: Theo những người có kinh nghiệm, tốc độ xuống dốc cũng chỉ nên duy trì ở mức 20-30 km/h là hợp lý. Nếu đi quá chậm, ECU trên một số xe sẽ tự động ngắt côn khiến xe bị mất lực hãm từ động cơ.
Còn nếu đi quá nhanh, côn sẽ không còn có tác dụng hãm nữa mà biến thành đẩy. Đồng thời, đi càng nhanh thì quán tính càng lớn, đồng nghĩa với phanh xe sẽ phải làm việc với cường độ cao hơn.
2. Sử dụng phanh đúng cách, kết hợp cả phanh trước và sau: Khi xuống đèo, không nên chỉ dùng một phanh mà phải phối hợp đều cả phanh trước và sau. Phanh sau giúp giữ ổn định thân xe, trong khi phanh trước tạo lực hãm mạnh. Việc kết hợp cả 2 phanh khiến lực hãm phân bố đều, tránh cháy phanh.
Tuy nhiên, việc bóp phanh cần từ tốn, nhấn-nhả hợp lý, tránh bóp đột ngột dễ gây trượt bánh, đặc biệt khi mặt đường trơn hoặc nhiều sỏi đá.
3. Sử dụng kỹ thuật "mớm ga" theo nhịp: Thực tế, xe tay ga không hoàn toàn thiếu "phanh động cơ", nhưng khả năng tận dụng được hay không lại phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của người điều khiển. Nguyên lý hoạt động của đa số xe tay ga là ECU sẽ điều khiển bộ ly hợp (côn) dựa trên thao tác tay ga – khi có lực ga, côn bám vào, còn nếu người lái nhả ga hoàn toàn trong một thời gian nhất định, ECU sẽ cho côn nhả ra, khiến xe rơi vào trạng thái trôi tự do.
Vì vậy, khi đổ dốc, người lái không nên buông ga hoàn toàn mà cần “mớm” nhẹ ga theo nhịp, kết hợp phanh hợp lý. Cách này giúp côn tiếp tục bám, tạo lực hãm tự nhiên từ động cơ, từ đó kiểm soát tốc độ tốt hơn và tránh nguy cơ xe lao nhanh mất kiểm soát.
4. Tuyệt đối không tắt máy để xe tự trôi: Nhiều người cho rằng, tắt máy khi đổ đèo sẽ giúp tiết kiệm xăng, thế nhưng đây là quan niệm hết sức sai lầm và có thể gây hại cho chủ xe. Việc tắt máy để xe trôi sẽ khiến xe hoàn toàn mất lực hãm từ động cơ thông qua ly hợp. Lúc này chỉ duy nhất phanh làm nhiệm vụ giảm tốc độ khiến bộ phận này có nguy cơ mất tác dụng.
5. Chia chặng nghỉ ngơi hợp lý: Việc liên tục bóp phanh khi xuống dốc khiến hệ thống phanh dễ bị quá tải, dẫn đến tình trạng giảm hiệu quả hoặc mất phanh – một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn khi đổ đèo. Vì vậy, khi di chuyển qua những đoạn dốc dài, đừng ngần ngại dừng lại nghỉ ngơi giữa chặng.
Đây không chỉ là khoảng thời gian để người lái hồi phục sự tập trung, mà còn là cơ hội giúp hệ thống phanh hạ nhiệt, lấy lại hiệu suất hoạt động ổn định và an toàn hơn cho chặng đường phía trước.
Ngoài ra, các chuyên gia về xe máy cho rằng, xe tay ga với đặc trưng của mình cần thường xuyên được bảo dưỡng, thay thế các chi tiết định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đặc biệt, trước mỗi chuyến đi ở đường đèo dốc, chủ xe cần đảm bảo "chiến mã" của mình ở trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất để yên tâm hơn trong mỗi chuyến đi.
Tổng hợp
Xem thêm: Vì sao nhiều người có thói quen chụp lại hành lý trước khi ký gửi?
Tin liên quan
Với sự cheo leo, hiểm trở bậc nhất, đèo Mã Pí Lèng Hà Giang được mệnh danh là vua của những cung đèo, thu hút rất đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm và trải nghiệm.
Cầu vòm Đồn Cả được thiết kế tạo thành các khoang mái vòm với những cột đá chống sừng sững. Cầu bắc ngang qua con suối nhỏ cùng đường ray uốn lượn đâm về phía núi tựa như "cổng trời" nhìn ra thảm xanh trùng điệp của đèo Hải Vân...
Tôi có kế hoạch trải nghiệm đèo Ngoạn Mục chủ nhật này 6/4, cần lời khuyên về đường xá... thế nào để chuẩn bị “ngựa chiến”?