Cầu vòm Đồn Cả - "cổng trời" thơ mộng dưới chân đèo Hải Vân
Cầu vòm Đồn Cả được thiết kế tạo thành các khoang mái vòm với những cột đá chống sừng sững. Cầu bắc ngang qua con suối nhỏ cùng đường ray uốn lượn đâm về phía núi tựa như "cổng trời" nhìn ra thảm xanh trùng điệp của đèo Hải Vân...
Một số thông tin du lịch cần biết về cầu vòm Đồn Cả
Cầu vòm Đồn Cả của Đà Nẵng hay Huế?
Đèo Hải Vân của Việt Nam từng được tờ Guardian bình chọn là một trong 10 cung đường ven biển đẹp nhất thế giới. Nằm dọc theo chiều dài của núi Hải Vân, là ranh giới giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, nằm cách TP Huế 80km và cách TP Đà Nẵng 20km. Đèo cao 500m so với mực nước biển và có chiều dài khoảng 20km. Đây cũng là nơi tọa lạc của cầu vòm Đồn Cả - "cổng trời" dưới chân đèo - điểm đến thu hút du khách, nhất là những bạn trẻ đam mê khám phá, yêu thích chụp ảnh.

Vì vòm cầu Đồn Cả nằm trên đèo Hải Vân giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và TP Huế nên có không ít du khách thắc mắc: Rút cuộc vòm cầu Đồn Cả là là điểm đến thuộc Đà Nẵng hay Huế?
Theo tìm hiểu, vòm cầu Đồn Cả nằm ở địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính vì thế, cây cầu này cũng "góp mặt" trong danh sách những điểm du lịch đáng trải nghiệm khi thực hiện hành trình đến Huế.
Đến đèo vòm Đồn Cả mùa nào đẹp nhất?
Đèo vòm Đồn Cả nằm ở đèo Hải Vân, giáp ranh giữa Đà Nẵng và Huế nên du khách có thể lựa chọn thời điểm đến theo tình hình thời tiết của Huế và Đà Nẵng. Theo các tín đồ du lịch, thời điểm lý tưởng nhất để tham quan và chụp ảnh đèo vòm Đồn Cả là vào mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 8.
Trong thời gian này, Đà Nẵng và Huế có thời tiết đẹp, ít mưa, tầm nhìn tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, ngắm cảnh bên dưới cầu vòm Đồn Cả. Đặc biệt, du khách nên đến đèo Hải Vân (khu vực cầu vòm Đồn Cả) vào sáng sớm hoặc chiều, bởi đây là thời điểm lý tưởng để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn. Đồng thời đến vào 2 thời điểm này cũng để tránh ánh nắng gay gắt.

- Từ tháng đến tháng 5: Đây là thời điểm giao mùa, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, ít nắng, rất thích hợp để đến cầu vòm Đồn Cả bằng xe máy hoặc xe đạp.
- Từ tháng 6 đến tháng 8: Nắng trở nên gay gắt, bầu trời trong xanh, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh, chụp ảnh. Tuy nhiên cần trang bị đầy đủ đồ chống nắng, nước để đảm bảo không bị cháy nắng và mất nước.
Di chuyển đến cầu vòm Đồn Cả như thế nào?
Mặc dù nằm cạnh gia Bắc Hải Vân nhưng khu di tích Đồn Cả lại là điểm đến ít người biết bởi vị trí khá khó tìm cũng như đường đi khó khăn. Nếu muốn đến tham quan, chụp ảnh ở nơi này, du khách có thể lựa chọn đi theo một trong hai hướng sau:
- Xuất phát từ Huế và các tỉnh phía Bắc: Chọn điểm đến là TP Huế, du khách có thể thuê xe máy để bắt đầu hành trình từ đèo Hải Vân đến Đà Nẵng, từ đó vào ga Bắc Hải Vân và ngắm nhìn cầu vòm Đồn Cả.

- Xuất phát từ Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam: Sau khi đến TP Đà Nẵng, du khách di chuyển lên đỉnh Hải Vân Quan rồi đổ đèo về vịnh Lăng Cô. Ra khỏi đường hầm khoảng 100m, du khách rẽ phải vào đường nhỏ bằng bê tông rồi di chuyển tiếp khoảng 2km sẽ tới đường sắt ga Bắc Hải Vân.
Theo các tín đồ du lịch, phương tiện thích hợp nhất để đi đến cầu vòm Đồn Cả chính là xe máy. Bởi vì cầu nằm khuất ở phía dưới nên nếu đi bằng tàu hoặc taxi sẽ bị khuất tầm nhìn và sẽ đi hớ. Vì thế, xe máy là lựa chọn ưu việt nhất. Trong quá trình đi, bạn có thể dễ dàng dừng xe để hỏi đường từ người dân địa phương như thế sẽ không lo bị lạc.
Cầu vòm Đồn Cả được xây dựng từ khi nào?
Cầu vòm Đồn Cả là cây cầu đường sắt nối liền tuyến đường sắt Bắc - Nam kéo dài 1730km. Cầu được xây dựng bởi người Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20.
Cụ thể, vào khoảng những năm 1881 - 1885, tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam kéo dài 70km, nối liền Sài Gòn - Mỹ Tho do người Pháp khởi công. Đến đầu thế kỷ 20, họ tiếp tục thực hiện tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân với tổng chiều dài 28km, kèm theo đó là 18 cây cầu bắc qua suối chảy qua đèo.

Tài liệu lịch sử ghi lại, cầu vòm Đồn Cả được xây dựng khoảng năm 1902 - 1904, kiến trúc của cầu gồm 4 vòm, vật liệu xây dựng chủ yếu là đá, độ cao 20m với chiều dài 100m. Nhìn từ xa, cầu như một dải lụa vàng uốn lượn và được nâng đỡ bởi cánh rừng tự nhiên xanh bát ngát.
Hiện nay, cầu vòm Đồn Cả không chỉ là một phần quan trọng của tuyến đường sắt Bắc - Nam mà còn là điểm đến thú vị cho du khách check-in, ngắm cảnh.
Cầu vòm Đồn Cả có gì đặc biệt mà hút khách phương xa?
Ngay khoảnh khắc đầu tiên khi vừa đặt chân đến cầu vòm Đồn Cả, du khách sẽ cảm giác như đang bước vào một thế giới yên bình, xanh đẹp và tách biệt hoàn toàn với nhịp sống đô thị. Và dưới đây là một số điều đặc biệt khiến "tọa độ" này hút khách:
Điều đặc biệt xuất phát từ tên gọi "cầu vòm Đồn Cả"
Thật ra cầu vòm Đồn Cả chính là đường ray xe lửa có hình mái vòm bắc qua một con suối nhỏ với lớp rêu phong phủ kín từ năm này qua năm khác. Bên cạnh đó, đây còn là nối liền cố đô Huế trầm mặc và Đà Nẵng sôi động. Người ta ví cầu vòm Đồn Cả như "người cận vệ già" - một chứng tích lịch sử lặng lẽ theo dõi sự thay đổi của thời cuộc và ngày đêm giữ sự yên bình cho chốn kinh kỳ Huế và nơi Đà thành phồn hoa.

Bên cạnh đó, với cấu trúc và vị thế tọa lạc đặc biệt nên người ta ưu ái gọi cầu vòm Đồn Cả là "cổng trời" dẫn lối đưa du khách bước vào một chân trời mới - nơi mà đã từng bị cả thế giới lãng quên suốt nhiều năm tháng qua. Giờ đây, cầu vòm Đồn Cả "thức dậy", trở thành khung hình xinh đẹp cho các bạn trẻ ghi lại những bức hình ấn tượng.
Đặc biệt ở hình dáng cầu vòm Đồn Cả
Nếu nhìn từ trên cao xuống, du khách sẽ thấy cầu vòm Đồn Cả hệt như một phiên bản thu nhỏ của đường ray Glenfinnan của vùng Lochaber (Scotland) từng xuất hiện trong bộ phim ăn khách "Harry Potter". Cây cầu vòm nổi tiếng trong phim đã từng đưa đón rất nhiều cô cậu học sinh trường Gogwart; còn cây cầu vòm Đồn Cả lại là nơi dẫn lối đưa bao người tấp nập về xứ Huế mộng mơ hay đến với một Đà Nẵng trẻ trung, nhộn nhịp.

Những mái vòm với các cột chống đá sừng sững quanh năm chống đỡ bao đoàn tàu Bắc - Nam đi qua; những mái vòm trường tồn cùng thời gian, phủ lớp lớp rêu phong bụi mờ tạo nên bức tranh hùng vĩ nhưng cũng không kém phần nên thơ. Từ đó tạo thành khung hình siêu đẹp cho giới trẻ check-in.
Điều đặc biệt đến từ bức tranh thiên nhiên quanh cầu vòm Đồn Cả
Trên từng bước chân khám phá cầu vòm Đồn Cả, du khách sẽ được lắng nghe tiếng gió thổi xào xạc nhè nhẹ bên tai cũng như hít thở bầu không khí trong lành trước khi dừng chân nơi cây cầu thú vị, độc đáo bậc nhất trên đèo Hải Vân.

Xung quanh cầu vòm Đồn Cả chính là khung cảnh núi đồi thiên nhiên trùng điệp mướt mát tưởng chừng vô tận với phía dưới là con suối róc rách chảy tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng nên thơ.
Gợi ý một số trải nghiệm thú vị khi đến cầu vòm Đồn Cả
Ngắm cảnh thiên nhiên thơ mộc
Điều đầu tiên khi đến cầu vòm Đồn Cả là hãy hít thở thật sâu bầu không khí siêu trong lành. Sau đó chọn một vị trí thật đẹp để phóng tầm mắt ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ nơi đèo Hải Vân.
Check-in cùng xe lửa dưới cầu vòm Đồn Cả
Một điều mà bạn không thể bỏ qua khi đến cầu vòm Đồn Cả chính là "bắt trọn" những khoảnh khắc khi chuyến tàu hỏa chạy qua. Trung bình cứ khoảng 30 phút sẽ có một chuyến, trước khi tàu đến bạn sẽ nghe tiếng còi tàu vọng lại từ xa, khi đó hãy chuẩn bị vào dáng, máy ảnh sẵn sàng để chụp ảnh.

Cắm trại dưới chân cầu vòm Đồn Cả
Nếu bạn là người thích khám phá thiên nhiên thì đừng bỏ qua trải nghiệm cắm trại dưới chân cầu vòm Đồn Cả. Tuy nhiên, hãy chọn vị trí cắm trại cao ráo và an toàn, bởi dưới chân cầu vòm Đồn Cả là con suối chảy róc rách. Ngoài ra, hãy đi cắm trại cùng một nhóm bạn để đảm bảo an toàn.
Kinh nghiệm sống con trước khi khám phá cầu vòm Đồn Cả
Để có chuyến đi an toàn đến cầu vòm Đồn Cả, du khách hãy lưu một số lưu ý này lại nhé:
- Hành trình lên đèo Hải Vân khá gian nan với các con đường dốc và ngoặt. Hãy kiểm tra xe kỹ lưỡng, lái xe cẩn thận. Khi xuống chân cầu, đường nhỏ hẹp, nhiều đá nhỏ, nên di chuyển chậm rãi. Lưu ý, nên chọn đi xe số để đảm bảo an toàn.

- Nên mang theo ít đồ đạc để đảm bảo chuyến đi không quá cồng kềnh, ảnh hưởng đến di chuyển.
- Nếu mang theo đồ ăn hãy đảm bảo giữ gìn môi trường bằng việc không vứt rác bừa bãi.
- Ngoài thăm cầu vòm Đồn Cả, du khách cũng có thể đến một số địa điểm nổi tiếng khác ở Huế như: Đại Nội, các lăng tẩm, chùa Thiên Mụ... Và đặc biệt đừng quên thưởng thức ẩm thực Huế.
(Ảnh: st)
Xem thêm: Check-list những địa điểm “check-in miễn phí” tại Huế
Tin liên quan
Nếu có ý định đến Huế vào dịp 30/4 - 1/5 thì bạn đừng bỏ qua top 7 lăng tẩm này nhé. Đây là địa điểm giúp bạn tìm hiểu về lịch sử thời Nguyễn và chụp những bức hình đẹp.
Huế trong mắt tôi là một màu xanh biếc – xanh của những hàng cây, xanh trong khuôn viên lăng tẩm, và xanh cả trong nhịp sống chậm rãi nơi đây.
Thêm một lần nữa trở lại Huế, tôi quyết định băng qua đèo Hải Vân thêm lần nữa, để chạm đến cây cầu đã mong chờ bấy lâu...