Lễ hội xuân Ninh Bình: Xuôi dòng cố đô về miền di sản
Đến với các lễ hội xuân Ninh Bình vào những ngày đầu năm, du khách sẽ được trải nghiệm không gian xưa cũ, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền và văn hóa dân tộc.
Mục lục
Lễ hội xuân Ninh Bình: lễ hội Chùa Bái Đính
Mở đầu cho những lễ hội xuân đặc sắc ở Ninh Bình chính là lễ hội Chùa Bái Đính, được khai hội chính thức vào mùng 6 tháng giêng hằng năm và kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc vào những ngày đầu xuân năm mới.
Chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách ghé đến mỗi năm. Lễ hội chùa Bái Đính là một trong những lễ hội truyền thống gắn liền với lịch sử hơn 1000 năm của vùng đất Hoa Lư, nơi từng là kinh đô của 3 triều đại phong kiến: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Lễ hội được tổ chức là dịp để tri ân, tưởng nhớ đến công lao của các vị anh hùng và bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc của dân tộc.

Lễ hội chùa Bái Đính gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có 4 nghi thức chính là thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Bắt đầu phần lễ bằng nghi thức rước kiệu, các tu sĩ trong chùa sẽ mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà Chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới. Sau khi hoàn thành phần lễ trang nghiêm sẽ tới phần hội vô cùng náo nhiệt. Phần hội sẽ gồm các trò chơi dân gian, tổ chức hát chèo, xẩm, ca trù,… Trong thời gian diễn ra phần hội các đại biểu, tăng ni, phật tử và du khách còn cùng tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước phồn vinh, no ấm.
Nếu có dịp ghé đến du lịch Ninh Bình trong khoảng thời gian này thì bạn đừng quên ghé đến lễ hội chùa Bái Đính để vừa trải nghiệm tham gia các hoạt động ý nghĩa, vừa để cầu bình an, tài lộc cho bản thân và gia đình.
Lễ hội xuân Ninh Bình: lễ hội Hoa Lư
Lễ hội Hoa Lư hay còn được gọi là hội Trường Yên, hội Cờ Lau là một trong những lễ hội truyền thống có niên đại lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Vào năm 2015, lễ hội này đã được công nhận là lễ hội truyền thống cấp quốc gia. Lễ hội Hoa Lư diễn ra từ mùng 8 – 10 tháng 3 âm lịch hằng năm tại xã Trường Yên, TP. Hoa Lư nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Nhắc đến lễ hội đặc sắc này, dân gian có câu:
“Ai là con cháu rồng tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về”.

Lễ hội Hoa Lư nổi tiếng với câu “Ai là con cháu rồng tiên/Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về”
Tương tự như các lễ hội xuân truyền thống khác, lễ hội Hoa Lư cũng diễn ra với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ dâng hương, lễ rước lửa, lễ mộc dục, lễ rước kiệu, lễ tiến phẩm,… Trong đó, lễ rước nước là hoạt động quan trọng và ý nghĩa nhất, là nghi lễ mở đầu cho ngày khai hội. Đoàn người rước lễ sẽ khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng đến bến sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước mang về đền thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Sau phần lễ sẽ tới phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ lau tập trận, đua thuyền, múa gậy, cờ người, ném còn, hát chèo, viết chữ,… Trong đó, cờ lau tập trận là trò chơi hội đặc trưng của lễ hội Hoa Lư, diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh thuở niên thiếu.
Lễ hội xuân Ninh Bình: Lễ hội đền Thái Vi
Nhắc đến lễ hội xuân Ninh Bình không thể không nhắc đến lễ hội đền Thái Vi, lễ hội lớn nhất trong năm của người dân xã Ninh Hải, được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Trần, đặc biệt là vua Trần Thái Tông, người có công chiêu dân lập ấp. Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức từ ngày 14 – 16 tháng 3 âm lịch hằng năm, ngày chính hội là ngày 15 và cứ 3 năm 1 lần người dân làng Văn Lâm lại tổ chức hội lớn hay còn gọi là hội tổng.
Lễ hội đền Thái Vi diễn ra với 2 phần là phần lễ và phần hội. Lễ rước kiệu là nghi thức đầu tiên trong ngày chính lễ với trên dưới 30 đoàn rước kiệu, mỗi đoàn thường có 3 cỗ kiệu gồm: kiệu song hành dành cho các quần thần, kiệu bát cống dành cho vua và kiệu võng dành cho những vương mẫu, công chúa. Phần kiệu được người dân chuẩn bị, trang hoàng rất kỹ càng, long trọng. Lễ rước kiệu được khởi hành từ đình hoặc đền của các làng rồi tập trung lại tại đình Các, sau đó tất cả sẽ lần lượt vào bên trong đền Thái Vi để tế vua. Sau phần rước kiệu long trọng sẽ tới nghi thức rước đuốc, cuối cùng là phần lễ tế, nghi thức trang trọng và quan trọng nhất trong lễ hội đền Thái Vi.

Sau phần lễ sẽ tới phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian thú vị như nấu cơm thi, diễn chèo, đua thuyền, cờ hỏi, đu quay, thi kéo co, thi múa rồng,… Những hoạt động này được tổ chức tại đền Thái Vi và sân bến thuyền Tam Cốc, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.
Lễ hội xuân Ninh Bình không chỉ là điểm sinh hoạt tâm linh của cư dân địa phương mà còn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé đến tham quan, trải nghiệm. Vậy bạn còn chần chờ gì mà không nhanh chóng lên cho mình một chuyến trẩy hội mùa xuân về với vùng đất cố đô Hoa Lư xinh đẹp, tuyệt vời!
Xem thêm: “Gom tài lộc cầu bình an” tại 3 ngôi đền linh thiêng bậc nhất Ninh Bình “Gom tài lộc cầu bình an” tại 3 ngôi đền linh thiêng bậc nhất Ninh Bình