Quốc khánh 2/9/2025 sẽ có diễu binh, duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình lịch sử
Theo thông tin mới nhất, sẽ có diễu binh, duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.
Duyệt binh, diễu binh nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9
Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị tổ chức lễ diễu binh, duyệt binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Chính phủ nêu yêu cầu trên với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, ban hành ngày 8/5.
Chiều 12/5, làm việc với các đơn vị về kế hoạch diễu binh của quân đội dịp 2/9, thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng tham mưu trưởng, cho biết dự kiến các lực lượng, khối từng tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ tiếp tục tham gia dịp này. Trong đó, lực lượng tham gia gồm 11 khối đứng, 27 khối đi.

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa yêu cầu Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật kiểm tra toàn diện nơi ăn, nghỉ cho bộ đội trong quá trình huấn luyện. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kịp thời đề xuất, sản xuất vật tư, trang bị kỹ thuật, phương tiện bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ diễu binh, diễu hành.
Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội khảo sát các tuyến đường hành quân, địa điểm tập kết sau diễu binh, diễu hành bảo đảm hợp lý, thuận tiện. Thời gian luyện tập diễn ra vào tháng nắng nóng nhất của mùa hè nên các cơ quan, đơn vị cần chú trọng xây dựng kế hoạch luyện tập linh hoạt, bảo đảm tốt về sức khỏe cho bộ đội.
Việt Nam từng có 5 lần duyệt binh
Tính đến năm 2025, Việt Nam đã tổ chức 5 lần duyệt binh. Cụ thể:
- Lễ duyệt binh ngày 01/1/1955: Đây là buổi lễ duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội để ra mắt đồng bào và báo chí quốc tế sau thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ.
- Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973: Buổi lễ được tổ chức tại quảng trường Ba Đình, Quân đội nhằm chào mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấm dứt sự chiếm đóng của các đội quân xâm lược nước ngoài sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết.

- Lễ duyệt binh ngày 15/5/1975: Buổi lễ được tổ chức tại Sài Gòn sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất hai miền đất nước, với sự tham gia của hàng nghìn bộ đội, dân quân du kích cùng toàn thể nhân dân.
- Lễ duyệt binh ngày 2/9/1975: Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và 30 năm thành lập nước và mừng đất nước thống nhất, đất nước ta đã tổ chức duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội cùng các khí tài, phương tiện quân sự với hàng chục nghìn người tham gia.
- Lễ duyệt binh ngày 2/9/1985: Đây là buổi lễ có quy mô lớn nhất trong lịch sử đất nước, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thuật ngữ cần biết:
- Diễu binh là lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.
- Diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh.
- Duyệt binh là kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.
Xem thêm: Vì sao "10 năm diễu binh một lần, 40 năm duyệt binh 1 lần"?
Tin liên quan
Cựu binh U80 Trần Văn Thanh đã vào đến TP. HCM và được mọi người đón chào rất nồng nhiệt. Ấm lòng hơn, ông được hỗ trợ chi phí ăn ở, tham quan và được tặng cả thư mời xem diễu binh, diễu hành.
Đến TP HCM tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước, bạn có thể kết hợp du lịch tại các địa danh lân cận trong 2-3 ngày để “tận dụng” hết những ngày nghỉ lễ đáng quý.
Cậu bé lớp 3 định đạp xe từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xem diễu binh, nhưng đi được 30km thì bị lạc đường...