Kinh nghiệm đi lễ đền Cô Tân An chi tiết nhất
Đền Cô Tân An tọa lạc bên bờ sông Hồng đối diện với đền Bảo Hà (thờ quan Hoàng Bảy). Đền Cô Tân An đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2016.
Mục lục
Đền Cô Tân An ở đâu?
Đền Cô Tân An (hay đền Cô bé Tân An, đền Cô Bé Thượng Ngàn) tọa lạc tại thôn Tân An 2, xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Năm 1971, một trận lũ lớn xảy ra, nước sông dâng cao, cuốn trôi cả ngôi đền (cột gỗ lợp lá - nhưng nền cũ của đền không bị sạt lở mà vẫn còn đến hiện nay).
Những năm tháng sau đó, nhân dân Bảo Hà, Tân An cùng nhân dân cả nước tập trung tất cả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam nên việc thờ cúng không được chú ý lắm. Hồi đó, địa giới và dân cư của cả thôn Tân An 1 và thôn Tân An 2 trước đây đều thuộc một địa danh: Tân An Phố, sau đó là các xóm - các đội sản xuất thuộc HTX Tân An, sau đó là thôn Tân An và sau cùng (năm 1996) mới tách ra làm hai thôn: Tân An 1 và Tân An 2 như hiện nay. Chính diễn biến do thiên tai, do chia tách địa lý, sắp xếp dân cư mà trong một thời gian dài, du khách thập phương lui tới cúng lễ không có điều kiện để nhận biết chính xác vị trí đích thực của đền Cô Tân An.

Đền Cô Tân An hiện nay được gọi là đền Cô Tân An II, thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đền nằm bên bờ sông Hồng, đối diện với đền Bảo Hà - đền thờ quan Hoàng Bảy. Hai đền có chung một Ban quản lý của UBND xã cử và hai đền đều được tổ chức chung một lễ hội. Đền Bảo Hà và đền Cô Tân An II đã tạo thành "quần thể di tích Thần Vệ quốc Hoàng Bảy" - địa chỉ du lịch tâm linh hút khách tại Lào Cai.
Vào năm 2010, đền Cô Tân An được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2016, đền được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3743/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2016.
Đền Cô Tân An thờ ai?
Đền Cô Tân An là nơi thờ tự nữ chúa Thượng ngàn có tên húy là Nguyễn Hoàng Bà Xa. Bà có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi. Bà được nhân dân vùng Bảo Hà và Khau Ban (địa danh Văn Bàn cổ xưa) suy tôn là Thánh Mẫu.
Theo sử chép, cuối đời Lê (1740 - 1786), các châu Thủy Văn, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hòa luôn bị giặc Tàu tràn sang cướp phá. Trước tình hình đó, triều đình cử danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy đưa quân tiến dọc sông Thao, đánh đuổi giặc cỏ, giải phóng Khau Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ địa lớn. Tương truyền rằng khi lên trấn ải vùng, tướng quân họ Nguyễn đã mang theo con gái là Nguyễn Hoàng Bà Xa cùng đi.
Bà đã cùng cha là Thần Vệ quốc Hoàng Bảy đứng lên chiêu dụ đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Giáy, Nùng áo xanh... khẩn điền khai mỏ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giành ấm no cho nhân dân.

Khi bà mất đi, "hương thơm còn lẫy lừng, ảnh hào quang sáng tỏ muôn nơi", để tưởng nhớ công lao lớn của bà, nhân dân trong vùng đã góp tiền dựng đền thờ, cử người trông coi hương khói thường xuyên. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao sự biến đổi của thiên nhiên, hiện nay ngôi đền đã được tôn tạo, xây dựng lại trên chính vị trí khu đất linh thiêng xưa (trên nền đất rộng, ngay bên bờ sông Hồng, nhìn theo hướng Đông Bắc, đối diện với di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Bảo Hà), trở thành địa chỉ du lịch tâm linh uy linh thu hút đông đảo du khách thập phương.
Còn có tương truyền khác về đền Cô Tân An như sau: Có một số cụ đồng cựu cho rằng đền Cô Tân An có từ trước khi cha con quan Hoàng Bảy lên trấn giữ vùng biên cương này. Ngày đó, nơi đây chỉ là một miếu nhỏ thờ Mẫu Thượng Ngàn với hiện thân là La Bình Công chúa.
Đây là nơi cha con quan Hoàng Bảy thường xuyên đến lễ mỗi khi chuẩn bị xuất quân chiến đấu. Sau khi cha con quan Hoàng Bảy mất, nhớ công ơn của cô con gái nhà quan là Nguyễn Hoàng Bà Xa nên nhân dân đã đưa bà vào thờ tự trong đền. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đền trở thành nơi thờ tự chính của Nguyễn Hoàng Bà Xa.
Đền Cô Tân An - sản phẩm văn hóa tất yếu của truyền thống "uống nước nhớ nguồn"
Đền Cô Tân An là một điểm hội tụ tín ngưỡng tôn giáo dân tộc vùng Tây Bắc. Chính vì thế, đền còn là nơi giáo dục truyền thống tích cực, là sản phẩm văn hóa tất yếu của tinh thần yêu nước, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta.
Không những thế, đền Cô Tân An còn mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần và lòng tự hào dân tộc, làm tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc trong vùng, góp phần tích cực củng cố khối đoàn kết dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách thập phương, đồng thời để di tích mang đúng ý nghĩa lịch sử lâu đời, kể từ khi ngôi đền được xây dựng lại tại vị trí cũ, hàng năm, Đảng bộ và chính quyền xã vẫn duy trì tổ chức lễ hội đền Cô Tân An vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là lễ tế đền.
Lễ hội đền Cô Tân An là dịp để nhân dân và du khách đến dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như là hoạt động cầu nối gắn chặt chẽ hai di tích đền Bảo Hà - đền Cô Tân An trong tuyến du lịch hướng về cội nguồn được tổ chức thường niên giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.
Lễ hội đền Cô Tân An có gì đặc sắc?
Như đã chia sẻ, lễ hội đền Cô Tân An được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội được tổ chức để nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn bà Nguyễn Hoàng Bà Xa - con gái danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy.

Mở đầu lễ hội là nghi thức rước cô sang đón ông Hoàng Bảy từ đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên) sang đền Cô Tân An (xã Tân An, huyện Văn Bàn). Sau khi hành lễ xong, nhân dân lại rước kiệu cô đưa ông trở về đền Bảo Hà. Sau nghi thức rước kiệu là lễ dâng hương và lễ tế dân gian.
Trong khuôn khổ Lễ hội đền Cô Tân An đã diễn ra các hoạt động từ rằm tháng Giêng như lễ khao quân, lễ giỗ cô, lễ cầu an thả đèn hoa đăng, chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội…
Đi lễ đền Cô Tân An cầu gì và sắm lễ đền Cô Tân an thế nào?
Đi lễ đền Cô Tân An cầu gì?
Cũng giống như đi lễ đền Bảo Hà (đền Ông Hoàng Bảy), nhân dân đi lễ đền Cô thường cầu tài lộc, làm ăn thuận lợi, mua may bán đắt. Bên cạnh đó là cầu sức khỏe, cầu bình an.
Sắm lễ đền Cô Tân An thế nào?
Đồ lễ khi dâng lên đền Cô Bé Tân An thông thường chia ra làm 3 loại cơ bản như sau:
- Lễ chay: hoa thơm, quả ngọt, bánh kẹo, nước ngọt…
- Lễ mặn: gà nguyên con, đĩa xôi, khoanh giò, miếng thịt lợn…
- Thẻ hương, vàng mã, tiền âm phủ…

Đặc biệt hơn có thể sử dụng khay oản để thay thế cho những vật phẩm trên. Oản này có thể do người đi lễ tự chuẩn bị hoặc đặt tại các cửa hàng chuẩn bị vật phẩm cúng lễ ở gần đền Cô Tân An.
Một vài lưu ý khi đi lễ đền Cô Tân An
Khi đi lễ đền Cô Tân An để mọi việc được chu toàn, mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đền là nơi linh thiêng và thanh tịnh nên cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự, không được ăn mặc những đồ quá hở hang gây mất thiện cảm.
- Nên đi nhẹ, nói khẽ, không phát ngôn thiếu chuẩn mực ở nơi linh thiêng.
- Nên chuẩn bị lễ trước để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian khi đi lễ.
- Không để tiền ở các ban thờ tránh kẻ gian lấy mất; hãy để tiền trong hòm công đức để lấy số tiền đó tu bổ đền.
- Nên đi đền ông Hoàng Bảy trước sau đó sang đền Cô Tân An.
Xem thêm: Du lịch tâm linh Lào Cai và những điều ít người biết
Tin liên quan
Đền Thượng Lào Cai nằm nghiêng bóng bên dòng Nậm Thi là di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh thu hút sự quan tâm của nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương.
Đền ông Hoàng Bảy (đền Bảo Hà) là nơi thờ tự "Thần Vệ quốc" Hoàng Bảy - người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bình yên vùng biên cương.
Vùng Kinh Bắc được xem là xứ xở của lễ hội với hơn 500 lễ hội truyền thống trong năm. Mỗi lễ hội Bắc Ninh là một viện bảo tàng sống về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán đặc sắc, thu hút du khách bốn phương về tham quan, trải nghiệm.