Lễ hội Bắc Ninh – Về vùng Kinh Bắc trẩy hội mùa xuân
Vùng Kinh Bắc được xem là xứ xở của lễ hội với hơn 500 lễ hội truyền thống trong năm. Mỗi lễ hội Bắc Ninh là một viện bảo tàng sống về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán đặc sắc, thu hút du khách bốn phương về tham quan, trải nghiệm.
Mục lục
Lễ hội Bắc Ninh: Rước pháo làng Đồng Kỵ
Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ diễn ra từ mùng 4 – 6 tháng giêng âm lịch hằng năm là một trong những lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hóa của xứ Kinh Bắc, nổi tiếng khắp cả nước và được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Bắc Ninh rước pháo làng Đồng Kỳ gắn liền với sự tích về Đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Theo lời truyền lại, thời vua Hùng có Cương Công, con trai Kinh Bắc quận vương, là người có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua Hùng phong là Thiên Cương. Trên đường đi đánh giặc, ông đã về Đồng Kỵ tuyển quân lựa tướng và trong mỗi lần xuất quân, ông đều cho binh lính tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt để cổ vũ tinh thần quân sĩ. Sau này, để tưởng nhớ công ơn của Thiên Cương, làng Đồng Kỵ đã thờ ông làm thần Hoàng Làng tại đình và hằng năm đều mở hội thi đốt pháo, tái hiện lại ngày Đức thánh Thiên Cương đánh giặc.

Trong nghĩ lễ rước pháo làng Đồng Kỵ, sẽ có 2 quả pháp lớn sơn đen dát vàng, trang trí hình từ linh được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà truyền thống ra đình làng. Theo sau đội rước pháo là các bô lão, chức sắc cùng người dân trong làng. Ngoài rước sách tế lễ, rước và thi đốt pháo hội làng Đồng Kỳ còn tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, các trò chơi dân gian như bị mắt bắt dê, đua thuyền, đấu vật,…
Nếu có dịp ghé đến du lịch Bắc Ninh vào thời điểm này trong năm, bạn đừng quên ghé đến lễ hội Đồng Kỳ để được chiêm ngưỡng các công trình đình chùa cổ kính và tham gia các hoạt động tâm linh tín ngưỡng và văn hóa dân gian đặc sắc.
Lễ hội Bắc Ninh: Hội Lim
Hằng năm cứ đến 12-13 tháng giêng âm lịch là người dân xứ Kinh Bắc và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Lim tại huyện Tiên Du. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của Bắc Ninh.
Có rất nhiều câu chuyện đằng sau nguồn gốc của hội Lim như từ hội chùa, hội hát dân ca Quan họ hay liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi,… Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tư liệu thư tịch thì hội Lim Bắc Ninh là lễ hội lớn có từ thế kỷ thứ 18, phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Qua sự duy trì và đổi mới của quận công Đỗ Nguyên Thụy và tướng công Nguyễn Đình Diễn, hội Lim ngày càng phát triển phong phú với nhiều hoạt động như hát trống quan, hát ca trù, hát chèo, hát tuồng, hát quan họ,…

Tương tự như những lễ hội Bắc Ninh khác, hội Lim sẽ bắt đầu với một lễ rước lớn. Hàng ngàn người quần áo chỉnh tề rước các đồ tế lễ, thần khí theo đúng thứ tự trước sau. Đám rước kéo lên lăng Hồng Vân để phụng nghinh bát hương quan trấn xuống Lộc Đình để cùng nhau hội tế, bày tỏ lòng tưởng nhớ biết ơn đối với tướng công Nguyễn Đình Diễn cùng với các danh thần liệt nữ của quê hương. Sau phần lễ sẽ tới phần hội với các trò chơi dân gian đấu võ, đấu vật, đu tiên, nấu cơm,… và đặc biệt là các phần sinh hoạt văn hóa dân ca quan họ đặc sắc của các liền anh, liền chị. Những giai điệu dân ca trữ tình ngọt ngào luôn là phần được đông đảo khán giả chờ đợi.
Ngày xưa, Hội Lim còn là dịp để các đôi nam thanh nữ tú trong vùng se duyên với nhau. Còn ngày nay, lễ hội truyền thống này đã trở thành điểm du xuân đầu năm cầu may của du khách thập phương. Có thể nói hội Lim không chỉ là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh nói riêng, mà còn của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung.
Lễ hội Bắc Ninh: Đền Bà Chúa Kho
Lễ hội đền Bà Chúa Kho Bắc ninh diễn a vào 14 tháng giêng hằng năm, nhưng từ những ngày đầu xuân năm mới, kéo dài đến hết tháng giêng, người dân trong tỉnh và du khách thập phương đã đổ về đây nườm nượp, đặc biệt là những người làm ăn kinh doanh buôn bán với mong muốn cầu may mắn, tài lộc cho cả một năm.

Đến đền Bà Chúa Kho, có người cầu an, có người cầu lộc, nhưng đa phần là đến để “vay vốn âm”, đầu năm vay Bà cuối năm trả nợ. Tâm lý vay vốn này bắt nguồn từ những huyền tích xưa kể về Bà Chúa Kho, người có công lao to lớn trong việc sản xuất và tích trữ lương thực, phục vụ triều đình chống giặc ngoại xâm. Nghi thức “vay vốn” tại đền Bà Chúa Kho cũng rất rõ ràng, người dâng lễ ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì và bao lâu sẽ trả. Và với quan niệm có vay có trả nên dù có làm ăn tốt hay không thì cuối năm những người này cũng sẽ giữ đúng lời hứa tới tạ lễ.
Trong dịp lễ hội đầu xuân năm mới, xung quanh đền bà Bà Chúa Kho có hàng trăm cửa hàng bán đồ cúng tế, nườm nượp người ra kẻ vào. Mâm lễ hàng hương được sắm tùy tâm, khi đơn giản là thẻ hương, bông hoa với tiền vàng, còn cầu kỳ thì con gà, đĩa xôi, mâm ngũ quả,… chủ ý vẫn là sự thành tâm cầu khấn.
Lễ hội Bắc Ninh: Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích
Lễ hội chùa Phật Tích hay còn được gọi là Khán hoa mẫu đơn thường diễn ra vào ngày 3-5 tháng Giêng hằng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, khai hội sớm nhất trong các lễ hội diễn ra trong năm của tỉnh. Dù ngày khai hội chính thức là mùng 4 Tết, nhưng ngay từ mùng 1 người dân trong vùng và đông đảo du khách thập phương đã đến chùa Phật Tích hàng hương, dâng hương cầu phúc.

Lễ hội khán hoa đã tồn tại phát triển hàng nghìn năm nay cùng với ngôi chùa Phật Tích và câu chuyện cảm động Từ thức gặp tiên. Lễ hội Phật Tích là lễ hội lớn, mang tính tâm linh sâu sắc. Đến hội du khách không chỉ ngắm hoa, vãn cảnh chùa mà còn được tham gia vào các nghi thức lễ, trò chơi phần hội và các chương trình văn nghệ đặc sắc.
Lễ hội Bắc Ninh: Lễ hội chùa Dâu
Chùa Dâu là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam, là chứng tích cho sự truyền thừa Phật Giáo Việt có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hằng năm, cứ vào ngày 8/4 âm lịch, ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, nhân dân trong vùng lại nô nức mở hội chùa Dâu, lễ hội cổ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.
“Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”.

Theo sử sách ghi chép lại, vào ngày lễ vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo. Lễ hội chùa Dâu được tổ chức với những nghi thức lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống . Hoạt động chính của hội là các làng sẽ tổ chức rước tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện từ các chùa về làng mình rồi tụ hội tại chùa Dâu. Ngoài ra, trong lễ còn có các hoạt động vô cùng đặc sắc như cướp nước, dâng nước, múa sư tử,…
Từ ngàn đời nay, lễ hội chùa Dâu đã trở thành nét đẹp văn hóa lễ hội của vùng Kinh Bắc Xưa, không chỉ giúp nhân dân ôn lại truyền thống phong tục mà còn mang tinh thần kích lệ đoàn kết trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa.
Xem thêm: Chùa Phật Tích Bắc Ninh: Những huyền tích ly kỳ xoay quanh cổ tự nghìn năm tuổi
Tin liên quan
Lễ hội đền Cổ Loa diễn ra nhằm giáo dục nhân dân truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Hà Nội.
Lễ hội chùa Hàm Long Bắc Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng, vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh và giải mã thắc mắc về nơi được mệnh danh là "đệ nhất nhốt trùng".
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định là lễ hội lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, thu hút rất nhiều du khách đến tham gia, cầu may mắn bình an và công danh tài lộc.